Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu rất đồ sộ, ông vừa là một trong những nhà thơ đầu tiên của đất Nam Kỳ sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm, vừa là tác giả của những áng văn yêu nước. Ông đã dùng ngòi bút của mình để phụng sự cho Tổ quốc, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho đạo đức, chính nghĩa và độc lập tự do của dân tộc. Chính vì văn chương của Nguyễn Đình Chiểu có giá trị đặc sắc, tư tưởng sâu rộng và đậm đà hương vị của mảnh đất và con người Nam Bộ nên đến nay, văn chương cụ Đồ Chiểu vẫn còn sáng mãi. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu tồn tại trong đời sống hiện đại bằng nhiều dạng thức khác nhau.
TỒN TẠI QUA NHỮNG CÂU NÓI NGẮN TƯƠNG TỰ VĂN HỌC DÂN GIAN
Nhắc đến sự tồn tại của văn chương Nguyễn Đình Chiểu, đầu tiên phải khảo sát dạng thức tồn tại thông qua những câu nói ngắn. Đây là dạng thức quen thuộc mà văn học dân gian đã đi sâu vào đời sống nhân dân lao động, lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay. Ở dạng thức này, văn chương Nguyễn Đình Chiểu (đặc biệt là thơ) thường không tồn tại trọn vẹn một tác phẩm, một văn bản mà đọng lại nơi người đọc những câu/ cặp câu hay, có giá trị nhân sinh sâu sắc. Điều này cũng do nhiều yếu tố quyết định: thứ nhất, thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu mang màu sắc dân gian, đậm đà sắc thái Nam Bộ, tiệm cận với những câu ca dao, tục ngữ khuyết danh được toát lên từ trong đời sống lao động trên đồng ruộng, sông nước. Thứ hai, thơ Nguyễn Đình Chiểu thường dung dị, mộc mạc, trong sáng. Ở thơ Nguyễn Đình Chiểu, độc giả không tìm thấy sự trau chuốt, bóng bẩy kĩ càng mà nhẹ nhàng như lời ăn tiếng nói mộc mạc, chất phác, khoáng đạt, hồn nhiên của con người Nam Bộ. Bởi lẽ đó, nhiều câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu sống được và sống rất lâu trong tâm thức của những người yêu văn chương.
Một minh chứng cho điều nói trên là câu thơ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” thường được dân gian ngâm nga để ngợi ca cuộc chiến đấu vì chính nghĩa, vì lẽ phải trong cuộc sống. Người tiếp nhận thường chỉ nhớ và nhớ rất sâu hai câu thơ trên chứ hiếm khi thuộc trọn vẹn tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu. Nói đúng hơn, hai câu thơ trên chính là điểm sáng của toàn bộ tác phẩm. Nhiều câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu có bóng dáng của văn học dân gian – bộ phận văn học gần gũi với người lao động, vì vậy, khả năng câu thơ (và cả tác phẩm) của Nguyễn Đình Chiểu thâm nhập vào đời sống tinh thần nhân dân là rất cao. Chẳng hạn như ở Truyện Lục Vân Tiên, bên cạnh những người (tất nhiên là số ít) thuộc trọn vẹn tác phẩm và thường đọc cho thế hệ sau nghe, lại có rất nhiều người thuộc tác phẩm theo dạng các cặp câu lục bát mang tính triết lý, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của con người, tuyên dương lý tưởng đạo đức, nhân nghĩa. Đó là “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế đấy cũng phi anh hùng” được cụ Đồ Chiểu mượn chất liệu từ văn học dân gian, cụ thể là câu ca dao: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã/ Lâm nguy bất cứu mạt anh hùng”. Hoặc không phải mượn chất liệu từ văn học dân gian, nhưng nhiều câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu đã đúc kết thành quan niệm sống, triết lý sống, những bài học đạo lý như cách mà văn học dân gian đã từng chuyển tải. Có thể kể đến những câu thơ nói về vấn đề đã giúp đỡ người khác thì không mong cầu người khác phải trả ơn: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”, “Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn”…
Ngoài những trường hợp phổ biến như vừa khảo sát, còn nhiều trường hợp khác mà văn chương Nguyễn Đình Chiểu tồn tại dưới dạng một câu/ cặp câu/ vế câu. Sự vận dụng thơ ca Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc sống hôm nay là minh chứng cho sức sống lâu bền của thơ cụ Đồ – tấm gương sáng, cao đẹp về nhân cách, nghị lực, ý chí và lòng yêu nước thương dân.
TỒN TẠI NGUYÊN DẠNG TÁC PHẨM
Bên cạnh hình thức tồn tại theo từng câu/ cặp câu/ vế câu trong tác phẩm lớn, nhiều áng văn, bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu tồn tại dưới dạng nguyên văn tác phẩm. Dễ thấy nhất là những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu trong sách giáo khoa Ngữ văn các khối lớp được người biên soạn sách đưa vào với mục đích khơi nhắc lại một giai đoạn văn học vẻ vang, một tên tuổi có đóng góp vô cùng quan trọng cho văn học nước nhà và lan tỏa những bài học về đạo đức, về lòng yêu nước… đến với thế hệ học sinh.
Quan sát sách giáo khoa Ngữ văn cấp trung học (cơ sở và phổ thông), có thể nhận ra nhiều tác phẩm/ đoạn trích tác phẩm của cụ Đồ Chiểu xuất hiện từ tìm hiểu đầy đủ, chi tiết đến hướng dẫn đọc thêm. Sách Ngữ văn 9 (tập 1) chú trọng giảng dạy đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (dài 58 câu thơ lục bát), đoạn trích đọc thêm Kiều Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua (dài 16 câu thơ lục bát) và đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn (dài 40 câu thơ lục bát) trong Truyện Lục Vân Tiên. Sách Ngữ văn 11 (tập 1) đưa vào giảng dạy công phu cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – tiếng khóc bi tráng cho một thời kỳ đau thương nhưng vĩ đại trong lịch sử dân tộc và bài thơ Chạy giặc (Chạy Tây). Sách Ngữ văn 12 (tập 1) không dạy tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu nhưng chọn cách truyền tình yêu văn chương Nguyễn Đình Chiểu và khẳng định giá trị sáng tác của cụ Đồ qua bài viết của Phạm Văn Đồng: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc. Có thể xem đây là một trong số những nghiên cứu tâm huyết, có giá trị về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Đưa sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu vào chương trình giáo dục là điều vô cùng ý nghĩa bởi tác gia Nguyễn Đình Chiểu là một người trọn đời dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước, rõ ràng cụ Đồ chính là “ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc” (Phạm Văn Đồng).
Trong số những người yêu văn chương Nguyễn Đình Chiểu, rèn luyện nhân cách từ việc đọc văn chương của cụ Đồ, vẫn có người thuộc trọn vẹn tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, thậm chí là những tác phẩm dài như Truyện Lục Vân Tiên. Nếu như ở Hà Tĩnh – quê hương sông Lam núi Hồng của cụ Nguyễn Du – có cuộc thi đọc thuộc truyện Kiều, quy tụ những “nhà Kiều học” và bạn đọc yêu Truyện Kiều tham gia để góp phần lan tỏa di sản văn chương ấy; thì cũng có người thuộc Truyện Lục Vân Tiên. Dù việc so sánh với Truyện Kiều ít nhiều có sự khập khiễng, nhưng cũng không thể không khẳng định rằng: Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng là một đỉnh cao trong văn học trung đại Việt Nam. Độc giả thuộc Truyện Lục Vân Tiên cũng như những sáng tác khác của cụ Đồ Chiểu chính là những người có tâm hồn đồng điệu với cụ Đồ, yêu quý và có khát vọng giữ gìn sự nghiệp văn học của một nhà văn, nhà văn nhân nghĩa, yêu nước, một lòng trung trinh với Tổ quốc.
Ngày nay, mặc dù nhiều tên tuổi tác giả khác xuất hiện với các tác phẩm “làm mưa làm gió” trên văn đàn, song tên tuổi và văn chương Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn tỏa sáng như một ngôi sao (cách ví von của Phạm Văn Đồng) trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam. Nhân dân ta vô cùng tự hào vì có một nền văn chương phong phú, có giá trị, với những cây bút nghiêm túc trong sáng tạo và có nhân cách cao quý như Nguyễn Đình Chiểu.
PHẠM KHÁNH DUY