Trong đêm diễn ở Trường Âm nhạc Việt Nam tại hội trường Ô Chợ Dừa gần 60 năm trước, tôi chẳng còn nhớ một tiết mục nào hết ngoài cặp đôi đẹp hoàn hảo trong mắt đứa trẻ mới tập tọng đồ-rê-mi là tôi khi ấy: người hát – Mỹ Bình, người đệm piano – Nguyễn Hữu Tuấn. Đó là lần đầu tôi biết chú Tuấn và người vợ tương lai của chú khi cả hai còn là sinh viên năm cuối đại học.
Nhớ chú nhiều lắm, một ông chú thông thái, dịu dàng, có tài kể chuyện hấp dẫn và dí dỏm. Đám trẻ con chúng tôi ngày xưa cứ ngây người nghe chú thủ thỉ kể những trích đoạn Đông Chu liệt quốc, rồi bám theo năn nỉ “chú kể nữa đi”.
Nhớ chú, một người am hiểu mà khiêm nhường, nói năng nhỏ nhẹ với nụ cười thân thiện. Chú rất yêu hoa, thích chơi phong lan rừng, nhưng cũng rất nam tính với đam mê xe máy và bóng đá. Đầu thập niên 70 khi người Hà Nội chỉ biết đến xe đạp thì chú đã cưỡi xe máy và chăm chút xe với niềm vui thích không giấu giếm.
Nhớ chú, một nghệ sĩ không khoa trương nhưng đầy sức cuốn hút bởi sự tinh tế và luôn nổi bật với mái tóc bồng bềnh, vóc dáng cao lớn lịch lãm ngay cả lúc chơi accordeon trên bục gỗ đơn sơ phục vụ bà con nơi sơ tán thời chiến tranh, cũng như khi độc tấu hay hòa tấu bên cây đàn piano trên sân khấu lớn của các chương trình chuyên nghiệp.
Nhớ chú, một người thầy kỹ tính, tận tâm, thương trò, chỉ thở dài chứ không nặng lời gắt gỏng khi trò không thuộc bài, chắc vì tôi là học trò gái đầu tiên nên chú chẳng nỡ mắng.
Thầy của chúng tôi là một nhà quản lý lâu năm của Khoa Piano, một nghệ sĩ đệm đàn xuất sắc cho Khoa Dây và Thanh nhạc. Với vốn hiểu biết sâu rộng, với tư duy khí nhạc và kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, ông còn là tác giả của nhiều tiểu phẩm cho piano, góp phần không nhỏ cho lĩnh vực nhạc thính phòng Việt Nam khi ấy còn rất khiêm nhường về số lượng cũng như chất lượng. Dù việc lưu trữ chưa đầy đủ, nhưng những bản nhạc còn giữ lại được cũng cho thấy một ngôn ngữ âm nhạc riêng, trong đó có sự kết hợp khéo léo tri thức âm nhạc chuyên nghiệp thế giới với di sản âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Lần dở từng trang nhạc viết tay, tôi như được gặp lại thầy thời trai trẻ đầy nhiệt huyết sáng tạo. Tác phẩm của ông đa dạng về thể loại: tổ khúc, etude, prelude, biến tấu, khúc ngẫu hứng, sonatine một chương…. Trong một thể loại cũng có sự pha trộn tính cách: chất ca xướng trữ tình gần với nocturne trường phái Lãng mạn thấy rõ trong các Prelude op.1 và op.5; Etude op.8 lại mang dáng dấp prelude; còn khúc biến tấu trên chủ đề Lý ngựa ô rộn rã phóng túng gợi nhớ không gian scherzo mang tính trình diễn cao với khoảng âm rộng, âm vực thay đổi đột ngột, âm hình tiết tấu nghịch đảo, kỹ xảo biểu hiện phong phú
Không những làm sống lại những làn điệu xa xưa, tác giả còn vận dụng những yếu tố đặc trưng nhạc cổ truyền. Các quãng 4 và 5, 2 và 7 đặc thù ngũ cung được nhấn mạnh trong cách tiến hành bè tự do theo chiều ngang và đặc biệt ở chiều dọc trong kết cấu chồng âm màu sắc. Điều này thấy ngay ở thí dụ vừa dẫn trên, qua lối hòa sắc táo bạo các quãng 2 trưởng và 2 thứ trên tiết tấu đảo phách trong những nhịp kết Prelude op.6 [xem lại thí dụ 7c]. Âm điệu nhạc cổ càng đậm nét trong không khí lễ hội dân gian của Lý ngựa ô, nơi tiếng vó ngựa được mô phỏng bằng nhiều cách khác nhau: hoặc chồng âm tự do tái tạo âm sắc nhạc cụ gõ dân tộc trên tiết tấu nghịch phách [xem lại thí dụ 1], hoặc trì tục trên một nốt hay tremolo quãng 8.
Để mở rộng danh mục bài vở cho giáo trình đào tạo piano chuyên nghiệp, thầy của chúng tôi còn chuyển soạn giai điệu bài hát cho độc tấu hoặc hòa tấu bốn tay như Sông Lô (Văn Cao), Làng tôi (Văn Cao), Tiến lên đoàn viên (Phạm Tuyên), Ba Vì năm xưa (Huy Du). Ngoài ra ông còn viết phần đệm để tạo nên phiên bản ca khúc nghệ thuật (romance) cho trường ca Người Hà Nộivà biên soạn hai Tuyển tập piano (1996, 1998).
Một số sáng tác kể trên vừa được trò cũ thu thập bản gốc viết tay của thầy, biên soạn, làm vi tính và in Tuyển tập các tác phẩm piano của Nguyễn Hữu Tuấn. Nhớ thầy, các học trò cũ đã âm thầm chuẩn bị từ nửa năm trước để ra sách và tổ chức đêm nhạc tri ân PGS.NSUT Nguyễn Hữu Tuấn vào đầu tháng 11 – tháng của các nhà giáo. Ai chưa thật vững, chưa tự tin lắm thì đừng vội diễn dịp này – đến những ngày chót các nghệ sĩ còn nhắc nhở nhau như thế, sao cho chương trình tôn vinh thầy phải thật chuyên nghiệp và tình cảm, chỉn chu mà nhẹ nhàng, đúng như con người thầy và những gì thầy truyền dạy cho trò, có vậy mới xứng là “học trò thầy Tuấn”!
Và đã có một đêm diễn ấm áp tình thương nhớ mà học trò và gia đình dành cho danh cầm Nguyễn Hữu Tuấn, một đêm giao lưu cảm động với những chia sẻ từ đáy lòng của con trai ông vừa kịp bay về từ bên kia địa cầu và những lời nhắn gửi qua clip của vợ ông – NSUT Mỹ Bình. Ông như còn đây trong tác phẩm âm nhạc của mình qua tiếng đàn của các trò cũ và của đứa cháu nội trong video từ phương xa gửi về.
Kỷ niệm thân thương về một nhạc sĩ đa tài đức độ, một nghệ sĩ có nhân cách lớn, một người thầy mẫu mực và nhân hậu vẫn còn mãi đây trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, học trò, công chúng – những người mến mộ ông, yêu tiếng đàn và yêu âm nhạc của ông.
Nghe tiếng đàn NSUT qua tác phẩm của ông https://hoinhacsi.vn/khi-nhac/prelude-ky-uc-tuoi-tho
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu