Oanh uể oải ra khỏi xưởng làm việc. Những ca làm đêm đằng đẵng 12 tiếng quả thực cũng làm người phụ nữ bền bỉ như Oanh nhiều khi cảm thấy mệt mỏi. Khi đi làm thì trời sẩm tối, tan ca làm nắng đã chói chang mặt mũi. Mà đêm qua trời còn lắc rắc mưa, nay đã thấy hửng nắng. Nhưng nắng cũng chẳng níu kéo được mấy bông hoa đào còn sót lại trên cành, mà chỉ làm chúng càng thêm tàn úa. Tự dưng Oanh thấy lòng tĩnh lại, cô thở dài, thế là mùa xuân lại hết rồi. Bao nhiêu háo hức, vui mừng cũng nhanh chóng biến mất theo những cánh hoa úa tàn kia.
Như thường lệ, Oanh vẫn đi bộ về phòng trọ, vì khoảng cách gần, an toàn và tiết kiệm. Và hơn cả đi bộ khiến Oanh thấy thư thái hơn.
– Oăn ơi, nên nên đây tui đèo!
Oanh ngạc nhiên, tự dưng cô bỗng thấy mặt mình nóng ran, thì ra Thanh đã trở lại khu công nghiệp. Anh đứng trước mặt cô, nở một nụ cười thật tươi, giọng vẫn đầy vẻ bông đùa:
– Kìa kìa, có nên nên xe được không, hay để tôi xuống xuống bế lên?
Oanh ngượng ngùng mỉm cười, rồi cũng nhẹ nhàng ngồi sau xe Thanh. Thanh vẫn rôm rả, dù cái giọng ngọng líu ngọng lô đến buồn cười.
– Vẫn khoẻ nhỉ, tui nhắn tin, gọi điện mà không thấy Oăn trả nời, tui lo lắm nhen. Không không nhớ người ta tí nào à giời?
Mặc cho Thanh cứ luyên thuyên nói. Oanh áp mũi nhẹ vào tấm lưng gầy của Thanh. Mùi hương quen thuộc phả vào mũi, tim cô bỗng thấy rộn ràng. Thanh một cậu trai gầy guộc, gọi là cậu trai bởi vì Thanh vốn kém Oanh 2 tuổi. Quê Thanh ở miền Trung nắng gió, Thanh bảo quê cậu nghèo lắm, vừa nắng gió lại hay mưa bão. Với mọi người trong xóm trọ Thanh xuất hiện mang đến nhiều điều hài hước. Chúng tán gẫu cười khúc khích: “Cái thằng cha Thanh ngọng líu ngọng lô, lại nói lắp ba lắp bắp đến buồn cười, không hiểu đi tán gái kiểu gì”. Dù mọi người có chế giễu thì Thanh vẫn vẻ hồn nhiên, cái miệng toe toét: “Ai ai ơi chớ chớ có chê nười, kẻo cười hôm trước hôm sau nười nười cười”. Thanh vừa dứt lời, cả đám con gái đã phá lên cười: “Đúng là các cụ nói chớ có sai mọi người nhỉ: Câm hay hóng, mà ngọng thì hay nói”. Chỉ riêng Oanh là không cười. Oanh lại thấy ấm ức.
Người ta thường hay lấy khuyết điểm của người khác ra để mua vui. Oanh ghét điều đó. Cô lại nghĩ đến bản thân mình, đã bao lần tổn thương chỉ vì những lời nói hết sức vô tâm của người đời. Ngày nhỏ khi dỗi nhau, bọn trẻ trong xóm thường nói “có người lùn, chân khum khum, nhìn xấu quá”. Oanh nguýt dài “xấu kệ tao”. Nhưng có kệ được đâu, càng lớn cô càng thấy tự ti. Soi mình trước gương cô tự thấy mình xấu tệ, không chỉ lùn, cặp chân ngắn còn vòng kiềng quá đà. Đi mua quần chủ shop cũng cười khúc khích, quần may sẵn bao giờ cũng phải cắt gấu vài phân xem ra mới vừa.
Oanh xin vào công ty làm công nhân, người ta cũng so đo, chần chừ mãi mới nhận. Bao nhiêu cay đắng tủi nhục mà cô phải nếm trải, tủi thân rồi khóc, khóc xong lại nín. Và lại tự động viên mình phải mạnh mẽ lên sống sao cho thật tốt. Chỉ cần sống tốt mọi thứ sẽ an nhiên. Oanh nghĩ thế.
Ở độ tuổi xuân thì, bạn bè ai cũng có người thương, có đôi có cặp. Mỗi Oanh vẫn cô đơn lẻ bóng. Oanh cũng muốn được yêu thương và thèm khát được yêu thương. Vậy mà, số cô thật là hẩm hiu, chờ mãi mà chẳng có chàng trai nào ngó ngàng đến. Oanh cũng tập làm quen qua mạng. Rồi cũng kết bạn được với một đối tượng tiềm năng. Hàng ngày 2 người tâm sự, trò chuyện qua messenger khá thân thiết. Sự ân cần của người đó đã khiến Oanh mơ mộng về những viễn cảnh tươi đẹp trong tương lai.
Thế nhưng. Mộng thì cũng sẽ đến lúc vỡ mộng mà thôi. “Nụ cười của em thật dễ thương, giọng nói của em thật ấm áp, em là một cô gái thú vị anh mong được gặp em” – tất cả chỉ là những dòng tin nhắn vô nghĩa. Sau lần hẹn hò đầu tiên tại quán cà phê. Chàng đã tự huỷ kết bạn facebook, chặn luôn cả số điện thoại liên lạc. Oanh thất vọng, cô đã từng nghĩ mình đã làm gì sai, mình xấu xa đến nỗi không thể tìm nổi một người yêu mình sao. Điều ấy, làm cô khẳng định rằng đàn ông chỉ yêu bằng mắt.
Kể từ đó, Oanh chẳng còn chút kỳ vọng nào vào tình yêu. Suy cho cùng nó viển vông lắm, chỉ là lý thuyết thôi. Cái tuổi băm thần thánh đã đến. Cái tuổi mà người ta gọi là “ế, ế thật, không đùa”. Oanh chẳng còn mơ mộng gì nữa, ngày ngày lầm lũi đi làm, hết giờ làm lại về phòng trọ và ngủ. Ngày cứ thế trôi qua nhạt nhẽo, đôi khi Oanh tự dối lòng mình rằng cuộc sống còn bao điều phải lo, nó quan trọng hơn việc yêu với đương.
Hôm ấy, một ngày chủ nhật âm u. Tan ca làm đêm, Oanh thấy đầu đau như búa bổ, cố gắng lắm cũng về tới phòng trọ. Mở cửa chỉ định nằm xuống để nghỉ ngơi. Nhưng tiếng cười đùa của mấy đứa nhỏ trong xóm trọ làm Oanh bất lực.
– Anh ơi, anh là lính mới phải không?
– Anh làm công ty nào?
– Quê anh ở đâu?
– Anh có người yêu chưa?
Tiếng đồ đạc loảng xoảng cùng giọng nói ngọng líu ngọng lô, lắp ba lắp bắp: – Tui tui tên là Thanh, nà ở Thanh Hóa, vợ chửa chửa, con cũng chưa, nười niêu lại càng không không có.
Cả đám cười ầm lên: – Hóa ra “nồi niêu” anh cũng không có à?
– Không, không, không, là n-g-ừ-ơ-i y-ê-u – anh ta đánh vần từng chữ!
– Mấy em, em, em có em nào chưa chưa có nười nười niêu không?
– Thưa anh, bọn em đây người yêu cũng có mà nồi niêu thì cũng đủ cả rồi anh ạ! Tiếng cười lớn như chọc thủng cả đầu Oanh.
Oanh bực mình, vùng dậy mở cửa, quát lớn: “Mấy đứa này có để yên để chị nghỉ không, còn cậu kia nữa hà cớ gì cứ ra vẻ ngọng líu ngọng lô, lắp ba lắp bắp, tưởng thế hay lắm hả?”. Nói xong, Oanh đóng phập cửa. Vẫn nghe thấy mấy tiếng vọng lại: “Nạ, nạ em xin lỗi” của tên mới đến. Và mấy tiếng bông đùa của đám con gái xóm trọ: “Thưa anh, chị ấy chửa chồng, chửa con và người yêu cũng chửa à nhầm cũng chưa”.
Công ty của Oanh tăng ca nhiều nên ít khi Oanh va chạm với những người cùng xóm trọ. Nếu có, chỉ gặp nhau vào buổi sáng. Sáng ấy, Oanh vùng dậy chép miệng: “Chết tiệt, tối qua mãi gần sáng mới chợp mắt được, ngủ quên béng mất, sắp muộn giờ làm rồi”. Cô một tay chải răng, một tay mở tung cửa chạy vù ra khu vực vệ sinh của xóm trọ.
– Chị, chị, chị ơi nần trước tôi xin lỗi, tôi không không cố ý đâu!
Oanh giật mình thì ra là người mới của xóm trọ. Cô bâng quơ: “Ờ, không sao, thôi tôi đang vội”. Oanh vội vàng thay đồ, đóng cửa. Rồi thẳng hướng công ty mà chạy.
– Chị, chị lên tôi đèo đèo, nhanh!
Oanh không còn nghĩ được gì, nhảy tót lên xe.
– Tôi tôi tôi tên nà Thanh, chị tên gì?
– Tên Oanh!
– Oăn ý hả?
– Oanh! – Cô gằn giọng.
– Xin xin lỗi, tôi bị nói nói nọng và lắp.
*
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói. Nếu như hôm ấy, một tối thứ 7 se lạnh, cuối tuần nên các công ty đều cho công nhân nghỉ sớm. Mỗi tổ sản xuất của Oanh vẫn tăng ca đến 8 giờ. Đường vắng tanh, cô lủi thủi trong đêm, gió rít từng hồi, Oanh xiết chặt tay mà vẫn thấy lạnh. Gió lạnh đầu mùa như những con quỷ trắng cứ chờn vờn rồi bám riết làm người cô liêu xiêu.
– Này em, nhà nghỉ với anh không? Nhìn em chả ngon đâu nhưng anh dùng tạm!
Oanh hốt hoảng, giọng lè nhè của lão đàn ông trung tuổi, hắn dừng xe trước mặt Oanh, mùi rượu nồng nặc. Cô gào lên nhưng xem ra vô nghĩa. Hắn cười sặc sụa: “Đi với anh”, rồi kéo tay Oanh. Cô hét lên trong sợ hãi. Tiếng xe máy từ đâu phi tới: “Thằng thằng mết nết này, mày định định làm gì?”. “Cho mày biết đời nè nè!”. Oanh mừng rỡ nhận ra Thanh cậu ta vừa nói vừa đấm thẳng mặt gã đàn ông say rượu, hắn rú lên rồi ngã vật xuống đất. Thanh vỗ vỗ vai Oanh vẻ động viên, rồi đèo cô trên xe. Oanh vẫn chưa hết sợ hãi, gục trên lưng Thanh nức nở khóc, lòng đầy tủi thân “đến cả lão già say rượu mà vẫn chê bai ngoại hình của mình”.
– Chị, chị nín đi, sau có về muộn thì gọi gọi tôi. Tôi, tôi làm phụ hồ ở gần công ty chị mà.
Đám người cùng xóm trọ thấy Thanh chở Oanh về thì cười khẩy, nháy mắt nhau xì xào: “Ái chà, cuối cùng thì nồi cũng tìm được vung, bà già của xóm đã hết ế”. Oanh chẳng kịp giải thích, Thanh đã nói luôn: “Nồi nồi tròn, nồi méo thì cũng cần cần có vung. Anh anh đây tròn hay méo thì anh vẫn cần có nười nười anh thương nha”. Cả đám phá lên cười. Từ ấy xóm trọ không ngừng gán ghép chàng và nàng.
Thật tình, hồi đầu Oanh cứ nghĩ đó chỉ là trò trẻ con. Thế nhưng, Oanh không thể dối lòng mình, cô mong được nhìn thấy Thanh mỗi ngày. Đôi khi cô còn ngóng trông lo lắng cho Thanh vì muộn rồi mà không thấy anh về. Cô vô cớ giận hờn mỗi khi Thanh đi nhậu và say xỉn.
– Oăn, Oăn, Oăn mang hộ hộ cái chậu đi!
Oanh thở dài một cái nghĩ bụng mặc kệ. Thế nhưng nghĩ là nghĩ thế thôi, cô vẫn ân cần chăm sóc Thanh cả đêm. Khổ quá, người hắn như sợi bún, đã yếu lại còn ra gió, say mềm, mê man rồi sốt. Sáng ra, Oanh giật mình vì đã ngủ gục trên giường Thanh từ lúc nào không hay. Thanh đã tỉnh, anh nắm chặt lấy tay Oanh, miệng lắp bắp: “Nếu nếu tôi là nồi thì Oăn Oăn đồng ý là vung vung của tôi nha!”. Oanh thẹn đỏ mặt. Cô dứt vội tay mình ra khỏi tay Thanh vù chạy về phòng.
Rõ là Oanh thấy lồng ngực vang lên những nhịp rộn ràng, hình như con tim đang hơi căng thẳng, mà không phải hình như là nó đang thấy hạnh phúc. Cuối cùng cũng có một người đàn ông tỏ tình với cô. Cứ chờ đi rồi người ấy sẽ tới mà. Câu ấy có sai tí nào đâu, chỉ là sớm hay muộn thôi.
– Chị tính lấy anh Thanh thật hả. Chị suy nghĩ cho kỹ đi, từng tuổi này rồi đừng mơ mộng vào tình yêu nữa mà phải nhìn vào thực tế chị ơi. Lão ít tuổi hơn chị, quê thì ở xa, gia cảnh cũng khó khăn. Nhìn chung em thấy bất ổn lắm.
Oanh cũng suy nghĩ thật nhiều. Cảnh buồn đau, tủi cực của những cuộc hôn nhân không hạnh phúc hiện ra trước mắt cô. Thực tế, Thanh làm phụ hồ cho công trình xây dựng, ngày làm ngày nghỉ, thu nhập bấp bênh. Thanh có phần lông bông và trẻ con. Sự sợ hãi dần lấn át tâm trí Oanh, từ khi sinh ra đến giờ đã có được bao nhiêu điều tốt đẹp đến với cô. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ lẽ. Là chị cả trong nhà Oanh có biết bao lo toan. Học xong lớp 9, Oanh đã đi ở cho người ta để lấy tiền phụ giúp gia đình. Đi làm thuê, làm mướn cô luôn chắt chiu, dành dụm gửi tiền về quê. Cuộc đời cô đã trải qua bao tủi cực, lỡ đâu lần này cũng không may. Lỡ đâu Thanh cũng chỉ bông đùa với cô thôi, thấy hay hay thì đùa cợt cho vui. Hà cớ gì cô phải mơ mộng và suy nghĩ nhiều như thế chứ.
“Thanh ơi, hay là Thanh nghỉ việc phụ hồ đi, xin vào công ty làm cho công việc ổn định, chứ đi làm phụ hồ mãi, tôi thấy vất vả lắm”. Oanh nhẹ nhàng khuyên nhủ. Thanh vẫn vô tư: “Nhưng nhưng mà tôi thích công việc phụ hồ hồ hơn, vào công công ty gò bó lắm”. Mọi hy vọng ban nãy vừa lóe lên đầu Oanh dường như tan biến theo câu trả lời của Thanh. Cô giận dỗi, hóa ra Thanh đúng là một tay lông bông, chẳng nghĩ gì cho Oanh và cũng chẳng nghĩ gì đến tương lai cả. Oanh còn mong đợi gì nữa, thôi tóm lại không có yêu đương gì nữa, mệt người. “Vậy hả, nhưng tôi không thích người yêu mình mãi đi làm phụ hồ”.
Nghỉ Tết ai cũng về quê ăn Tết. Oanh cũng vậy, nên đã giận dỗi rồi lại còn xa cách. Thanh vẫn nhắn tin, gọi điện nhưng Oanh từ chối. Phần vì mọi người khuyên can, phần vì Oanh cũng muốn thử lòng người yêu. Oanh tự nhủ, trong cuộc chơi này mình có thể được hoặc mất nên cứ chơi tới cùng đi, không hối tiếc. Vậy mà, những tin nhắn của Thanh ngày một thưa dần. Tết xong trở lại xóm trọ nửa tháng rồi mà không thấy Thanh đâu. Mấy đứa trong xóm trọ lại rỉ tai nhau xì xào: “Quả này chắc anh nồi đi tìm vung khác rồi” hoặc “Anh Thanh chắc về quê ăn Tết rồi ra giêng cưới vợ luôn rồi hay sao ấy!”.
Oanh tỏ vẻ dửng dưng nhưng trong lòng vô cùng buồn bã. Chắc mọi người nói đúng rồi. Oanh đã sốt ruột nhắn tin mà không thấy Thanh trả lời. Thôi từ nay khỏi yêu đương cho đỡ mệt. Lòng cô thấy ấm ức, khó chịu. Đi làm cô cũng chẳng còn hay nói cười như trước nữa. Mấy đồng nghiệp vô tư đùa “Sao Tết xong chị Oanh cứ như người thất tình ấy nhỉ?”. Oanh cũng chỉ cười trừ cho qua.
Có lúc Oanh chợt nghĩ, Tết có cái gì mà người ta cứ háo hức thế nhỉ. Rồi mùa xuân có gì đẹp đâu, mùa xuân trăm hoa đua nở, đào mai cứ khoe sắc, lạ thật chúng đẹp thế mà xem ra lại khiến Oanh chạnh lòng. Đúng là tâm hồn già cỗi thật rồi, cái tuổi nó đuổi xuân đi. Giờ người ta không gọi cô là thiếu nữ hay cô gái nữa mà gọi là “bà cô”. Một người phụ nữ quá lứa lỡ thì, xuân đến cũng sợ mà xuân qua thì lại càng sợ hơn.
Trời thì hết mưa rồi lại nắng, người thì hết buồn rồi sẽ đến lúc vui. Nhưng mà Oanh chẳng biết bao giờ thì mình mới hết cô đơn.
– Sao sao không nói gì thế thế Oăn?
Oanh giật mình bởi câu hỏi của Thanh.
– Này, anh đưa tôi đi đâu đấy?
– Đi đi đến nơi bình yên. Oăn Oăn đã bao giờ để cho lòng mình được bình yên chưa?
Hai người đứng giữa cây cầu mới xây, cầu này mang tên là cầu tình yêu. Nó nằm giữa hồ nước rộng nối hai điểm của thành phố, phía dưới mặt nước lấp lánh từng đàn cá bơi lội tung tăng. Xa xa là công viên rộng lớn với thảm cỏ xanh non mươn mướt, những dải hoa đủ màu khoe sắc rực rỡ, thấp thoáng những cây đào vẫn còn trĩu hoa, chúng sáng bừng lên trong nắng.
– Ơ đằng kia vẫn còn hoa đào cơ á? – Oanh ngạc nhiên hỏi.
Thanh mỉm cười – Vẫn còn đấy, xuân đã hết đâu. Oăn này, mẹ mẹ tôi mất rồi, đến lúc mất vẫn lo lắng cho tôi, sợ rằng con trai ế ế vợ.
– Vậy hả. Tôi đã quá vô tâm! – Oanh buồn bã.
– Mà mà Oăn biết chưa. Bắt bắt đầu từ tối nay tôi sẽ sẽ đi làm cùng ca với Oăn đó, tôi nộp hồ sơ và trúng tuyển rồi. Tôi tôi sẽ bám riết đến khi nào Oăn đồng ý làm vợ vợ tôi mới chịu!
Oanh ôm lấy Thanh. Cái ôm của cô thật chặt, tôi theo ông đến đây là tôi đồng ý rồi còn gì nữa, đồ ngốc!
Thanh phì cười: Ai ngốc. Đào kia là hoa giả đó. Nhưng việc tôi muốn làm chồng Oăn là thật.
Oanh nhìn những tán đào từ phía xa, những cánh hoa rực rỡ trong nắng. Dù thật hay giả thì với Oanh nó vẫn rất đẹp. Ai biết được mai kia nó sẽ được thay thế bằng một loài hoa nào khác. Cũng như Oanh lúc này chẳng biết rồi tình yêu này sẽ đi đến đâu, rồi hôn nhân có hạnh phúc không. Nhưng Oanh yêu Thanh thật lòng, muốn được làm vợ anh. Và cô tin rằng anh cũng yêu cô. Thà một phút tỏa sáng, còn hơn cả một đời le lói. Thà một lần được làm theo trái tim của mình còn hơn cả đời sống trong hối tiếc. Tết hết, đào tàn nhưng vẫn còn mùa xuân cơ mà. Thậm chí là còn nhiều mùa xuân nữa. Oanh mỉm cười.
Truyện ngắn của TRẦN TÚ