Con đường đi vào là một lối mòn rất nhỏ, không tương xứng với sự bề thế, cầu kỳ của ngôi nhà. Việt nhẩn nha từng bước, khoan thai như người vãn cảnh. Cỏ may chờm ra lối đi, xiên qua vải lụa mỏng khâu vào bắp chân nhoi nhói. Trận mưa lớn đêm qua làm đất dịu dàng mềm mại hẳn. Nhưng cỏ thì thêm phần sắc ngạnh, đanh đá. Đứng bên cánh cửa cổng bằng gỗ hé mở, Việt khẽ gọi. Bác Phấn ơi! Bác có nhà không ạ? Anh Cương ơi! Anh có nhà không? Không có tiếng trả lời, một tiếng động nhỏ cũng không. Chỉ có thứ mùi gì đó không phải hương hoa vừa quen vừa lạ ngai ngái phả đầy. Việt còn đang lưỡng lự thì một cơn gió ập vào lưng cô, như đẩy cô về phía trước. Việt theo sự xui khiến của gió, bước vào cái sân gạch rất rộng đang lên rêu lốm đốm. Cô đã đi cả chặng dài mấy trăm cây số về đây. Cô không thể đứng ngoài.
Ngay từ đầu, kế hoạch là hai vợ chồng cùng đi chuyến này. Và hẳn nhiên, nếu đi cùng chồng, Việt không phải lo lắng hay sợ sệt điều gì. Nhưng sát ngày lên đường thì công ty của chồng cô gặp sự cố, chồng cô phải ở lại giải quyết. Cô đã xin nghỉ ở cơ quan nên không thể đổi lịch để chờ chồng. Cô quyết định đi một mình.
Lúc ở chợ, cô hàng hoa nói, cô ấy về làm dâu đất này gần hai mươi năm, nhưng chưa từng đặt chân đến đồi Sặt. Những người bán hàng gần đó nhìn Việt như muốn hỏi: Đến đồi Sặt làm gì.
Từ mặt đường nhựa, phải quan sát kỹ mới thấy một con đường nhỏ lươn lươn đi lên. Hai bên đường, hoa mua nở tím lựng. Con đường rất dài, cảm giác càng đi càng không thể tới đỉnh. Chồng cô mấy lần kể về chuyến cuối cùng theo mẹ về đồi Sặt vào mùa hè, khi anh mới bảy tuổi. Đó là năm 1987. Đồi Sặt là một khu rừng rộng bát ngát. Trong rừng có một ngôi nhà gỗ xoan lợp lá cọ rất mát mới cất. Xung quanh nhà ken dày những thân Sặt. Mẹ dặn anh sau này nhất định phải quay lại nơi này, dù có bận rộn thế nào. Ký ức về ngôi nhà và ngọn đồi Sặt dẫu không nhiều nhặn, nhưng nhờ thường xuyên ôn luyện mà Việt và các con đều biết quê ngoại của chồng có đồi Sặt và những đầm sen quỳ bao quanh. Năm ấy cũng là năm người anh cả lớn tuổi của mẹ được gia đình đón từ trại phong về. Tuy trại khẳng định bác đã hết bệnh, nhưng người làng cũng như họ hàng còn e dè xa lánh bác. Với họ, thời ấy, bệnh phong là căn bệnh ma quỷ, gớm ghiếc và lây lan thần tốc. Vì thế gia đình đã chuyển từ làng lớn lên đồi Sặt, cất nhà ở, để làng đỡ dị nghị. Ông bà ngoại chỉ có hai người con, là bác và mẹ chồng Việt. Hai người cách nhau mười ba tuổi. Khi bác còn ở trong trại, mẹ chồng cô được ông ngoại gả cho một người miền biển xa xôi với chỉ dăm đồng cau trầu đặt lên bàn thờ tiên tổ. Mẹ chồng cô, nếu không chịu đi xa, thì đường chồng con muôn vàn khó khăn. Còn về người bác ruột, chồng cô kể, chân bác khi ấy bị hủi ăn cụt, một bên mất cả bàn chân, cẳng chân teo tóp. Còn một bên cụt trên đầu gối, sợ lắm. Ngay hôm bác trở về, nhìn thấy bác, vợ bác đã bỏ ra rừng ngồi đến đêm mới về. Đôi bàn tay bác chỉ còn vài ngón rất khó cầm nắm thứ gì. Tuy nhiên khuôn mặt bác lại lành lặn. Cái sự lành lặn đôi khi làm người ta dễ quên trong khi những thiếu khuyết thì nhớ lâu lắm.
Năm 1990, mẹ mất, Phong tròn mười tuổi, bố anh đi bước nữa, là mẹ chồng cô bây giờ. Đương nhiên, mẹ chồng cô không khi nào nhắc đến đồi Sặt. Và chắc chắn bà không bao giờ biết đứa con riêng của chồng lại tên là Phong. Chỉ có chồng cô, gần đây, rất hay mơ thấy vùng quê ngoại cũ. Một đêm, chồng cô tỉnh giấc, người đầm đìa mồ hôi. Anh kể, anh mơ thấy đồi Sặt, mơ thấy bác anh đang đi lang thang như người mất trí, trông rách rưới lắm. Có lẽ hai vợ chồng nên về quê ngoại một chuyến.
Ngôi nhà đang ở trước mắt Việt có phải là nhà của bác Phấn không? Sao không ai thưa cô? Những đợt sóng rùng mình cứ lặp đi lặp lại. Toàn thân cô như đột ngột bị nhấn vào bể nước đá. Việt cố gắng lấy lại bình tĩnh để đến gần ngôi nhà. Khi cô chuẩn bị đặt chân lên thềm nhà thì…ngao… một con mèo đen khổng lồ lao vụt từ trên nóc bể nước xuống. Nó đứng trên thềm gườm gườm nhìn Việt như nhìn kẻ gian chuẩn bị đột nhập căn nhà. Việt thấy người lạnh toát, cô đi giật lùi ra cổng. Khi không còn trông thấy con mèo đen thì cô lại nhìn thấy bên tay trái mình có một lối đi vào rừng sặt. Nền đường được ghép bằng những khúc gỗ tròn nhỏ ghim xuống rất chắc chắn. Lối đi cũ kỹ, những thân gỗ đã mòn vì mưa, nứt nẻ vì nắng. Vẻ đẹp đơn giản của con đường phù hợp với cách ăn mặc tha thướt của Việt. Người đàn bà gần bốn mươi nhưng trẻ hơn tuổi rất nhiều. Việt không thấy lý do gì phải đắn đo cả. Cô chậm rãi lướt đi như khách mời đến một sự kiện đặc biệt. Rừng Sặt hiện ra trước mắt cô, đẹp tráng lệ như một cảnh phim cổ trang. Đang mùa măng thì phải. Chồng Việt từng kể về cái vị măng sặt. Đắng lắm. Luộc ba lần nước vẫn vàng khè. Ngọn măng sau khi bóc chỉ nhỏ như ngón tay cái người, vàng óng như kén tằm dâu. Người ta xé làm đôi, chấm với nước mẻ chưng, làm thức ăn ngày qua ngày không chán. Đắng hơn cả thuốc ký ninh. Chồng Việt nói thử có một lần mà tới chết không thể quên vị đắng ấy trong khi mẹ anh thì ăn vã tận vài cái. Anh còn nói, ông ngoại không luộc mà nướng măng sặt lên, để không mất đi tí đắng nào, sau đó chấm muối ớt, nhắm rượu.
Con đường lát gỗ thật sự dài, nó đưa Việt đến tận lõi rừng sặt. Trời đã về chiều, hoàng hôn đỉnh đồi quyến rũ tựa góa phụ trẻ vừa dưới suối bước lên, tà huy lấp lánh trên tóc ướt và trên cả ánh mắt như thể lâu lắm mới có một lần viên mãn. Tóc của người thiếu phụ ấy là rừng sặt tuyệt đẹp loang loáng ánh mặt trời băng qua tán lá khảm xuống. Lối đi nhỏ thẳng tắp chỉn chu như đường ngôi, ngó bên nào cũng thấy màu sặt xanh mượt. Giờ thì cô biết cái mùi vừa lạ vừa quen trong không khí là gì rồi. Là mùi măng sặt. Những ngọn măng nhú lên khỏi mặt đất chừng một gang nách, người ta cắm phập lưỡi mai xuống một cách chính xác, tay xoáy nhẹ, ngọn măng được xén nghiêng rất ngọt và hất lên nằm trên mặt đất. Người ta cúi xuống nhặt măng bỏ vào sọt. Có một người đang lấy măng bằng cách ấy. Mái tóc bạc trắng lơ thơ được búi củ hành trên đỉnh đầu, chiếc khăn mặt sờn rách vắt ngang vai. Lưng áo nâu đẫm mồ hôi. Người ấy cụt hai bàn chân và một bàn tay.
Việt đứng yên lặng rất lâu trong niềm xúc động.
– Bác vẫn khỏe chứ ạ!
Người ấy không quay lại, không có phản ứng gì, như không nghe thấy hoặc đang tự đoán xem, ai vừa mới đi trên con đường của riêng họ.
– Cháu đây. Cháu là vợ Phong! Cháu về thăm bác!
Việt vừa nói vừa tiến lại gần tấm lưng đầy mồ hôi. Cô ngồi xuống, khẽ chạm tay lên chiếc nón mê để ngửa, trong đó có một chai nước lá màu đỏ như nước vối. Bàn tay cầm dao chẻ sặt, đan lát. Bàn tay cầm mai đào măng. Bàn tay lết xuống đất, đẩy cơ thể đi khắp khu rừng thay cho đôi chân. Bàn tay đang cố nắm chặt lấy cây mai nhỏ như để kiềm chế một cảm xúc gì đó rất đỗi mãnh liệt. Việt cay mắt. Cô bừng tỉnh, đứng dậy, đi vòng lên phía trước, đúng lúc khuôn mặt già nua ngẩng lên nhìn cô. Việt bàng hoàng, lúng túng. Không phải một ông cụ. Mà là một bà cụ. Một bà cụ để tóc búi như túm bông trên đỉnh đầu, khuôn mặt trái xoan rất đẹp, nước da trắng mai mái nhìn rõ những mạch máu chằng chịt hai bên thái dương.
Bà cụ nhìn Việt chăm chú rồi hỏi:
– Cháu tìm ông Phấn à? Ông ấy đi khỏi đây rồi!
Việt gần như hoảng hốt:
– Vâng. Bác cháu đi đâu rồi ạ?
Bà cụ nhìn xuống mu bàn tay mình, như thể đang dò tìm một địa chỉ mơ hồ trên tấm bản đồ địa lý đắp nổi những con đường, những dòng sông nhì nhằng mà cuộc đời bà đã đi qua.
– Ông ấy tới Vọng Sim rồi. Ông ấy bỏ tôi rồi.
– Ôi. Thật thế sao? Chân của bà còn đau không?
– Còn biết gì là đau đớn nữa đâu. Số phận đã chặt cụt chân chúng tôi, để ngăn tôi và ông ấy đến với nhau. Cả trăm cây số đấy. Người lành đến với nhau còn khó. Người son đến với nhau còn khó. Nói gì con hủi què cụt, đến cả người thân còn xa lánh như chúng tôi. Chưa kể ông ấy còn có vợ con ràng buộc. Thế mà có ngăn được ông ấy đâu. Ông ấy tài lắm, bay như phấn hoa. Ông ấy đưa tôi về đây rồi bỏ mặc tôi. Giờ ông ấy bay về Vọng Sim rồi.
Việt ngơ ngác. “Vọng Sim”. Hai từ này Việt từng nghe ai đó nói rồi. Nhất định là cô từng nghe. Cô vội vàng hỏi tiếp:
– Thế còn anh Cương, bác có biết anh Cương giờ ở đâu không ạ?
Sau vài giây lưỡng lự, bà cụ lắc đầu như tạm thời chưa thể nhớ thêm được gì hoặc bà không cho phép mình tiết lộ với người lạ. Việt đang bối rối vì câu hỏi có vẻ kém duyên thì cô nghe tiếng những chiếc mo khô đang cựa kèn kẹt trên thân sặt như thể ai đó đang dùng câu liêm lột chúng xuống.
Việt vun lá sặt khô lại rồi ngồi lên, duỗi chân ra. Cô mỏi lắm rồi. Lúc này, những chiếc mo sặt trắng hếu đã nằm ngửa trên mặt đất hứng ánh sáng xuyên qua tán lá đang hối hả đổ đầy. Được nắng, mo ưỡn cong một lúc rồi xịu xuống, khum khum. Đã quá chiều. Phong bảo, mo sặt người ta dùng để chêm vào giữa hai lớp lá khi khâu nón, để nón vừa nhẹ, vừa không bị cong vênh, ít thấm nước. Vì mo sặt mỏng nhưng dai. Muốn nón không bị vênh thì mo phải thật khô, tức là được cong vênh hết cỡ trước khi chèn cho phẳng lại. Việt thấy phục chồng mình ghê gớm. Tại sao Phong có thể nhớ chi li từng công đoạn bà ngoại anh làm nón khi anh còn bé tí thế. Mà anh sống ở quê ngoại duy nhất có một tháng hè.
Lúc ở dưới chợ, không một ai nói cho cô biết rằng ông Phấn đã chuyển đi nơi khác. Không ai nói rằng trên đồi sặt có một cụ bà tóc phơ bạc đang một mình tha thủi bên những mùa măng sặt đắng bùi.
Ngồi chừng chục phút, người dễ chịu hơn, Việt chống tay đứng dậy. Cô thấy ở phía cuối đường mòn lấp ló một chiếc lều cũ kỹ lợp lá cọ, có vệt khói mỏng đang luồn khẽ vào không khí, men theo thân sặt rón rén chui lên. Cô đang định bước về phía túp lều, thì cụ bà ngăn cản:
Đằng ấy có hai con dơi tự treo cổ trên sào phơi đấy. Đừng đến. Với cả ông Phấn không ở đấy nữa đâu. Hứa là cắt đứt tôi rồi. Ở nhà to cho sướng thân sướng đời. Ai lại ở lều. Hồi xưa, xung quanh trại đầy gai găng với gai tre, chỗ tôi cách chỗ ông ấy cả cây số mà tuần nào ông ấy cũng đến được một lần, bàn tay gai cắm chi chít. Đến chỉ để nhìn thấy tôi, biết tôi còn sống thôi. Tôi lấy răng nhổ gai trong tay ông ấy. Xong là ông ấy về. Còn bây giờ, ông ấy chỉ tha thiết Vọng Sim thôi. Thấy bảo Vọng Sim đẹp lắm.
Việt rút điện thoại ra, kéo túp lều lại gần và chụp liền mấy tấm ảnh. Cô chụp rừng sặt, con đường bịn rịn chia tay nắng và cả những con bướm vàng dại dột nô đùa bên những cụm nấm tán trắng có thể rất độc. Cô sợ, khu rừng này không có thật, chuyến đi này là một cơn mơ dài mà cô sắp tỉnh lại mất rồi. Vài phút sau, ngoảnh cổ, cô không thấy bà cụ đâu. Bà cụ có thể đi đâu nhanh như vậy? Việt thấy run rẩy. Cô chắp tay, hướng về phía chiếc mê nón chơ vơ cạnh sọt măng, lạy một cái, thì thào:
– Con chào bà ạ!
Cô thoăn thoắt theo lối cũ trở ra. Mặt trời sụt xuống rất nhanh. Mưa suốt sáng, trưa tạnh, mặt trời theo chân cô lên đồi. Cô từng tự nhận mình là “kẻ chăn nắng” vì đi tới đâu thì nắng theo tới đó. Thế mà nay, mặt trời xong việc là lặn xuống mà không cần biết là cô còn chưa kịp làm gì.
Việt xuống đến mặt đường lớn, ngó điện thoại, đã thấy bảy giờ tối. Có lẽ cô sẽ về khách sạn rồi sáng mai tiếp tục đi Vọng Sim. Dù cô chưa biết Vọng Sim là nơi nào. Chuyến đi này, cô phải gặp bằng được bố con ông Phấn, sau đó còn thắp hương cho ông bà ngoại của chồng.
Việt lững thững rã rời đi xuôi khoảng chục phút thì có một chiếc xe máy tà tà chạy phía sau. Tiếng một người nam giới trung tuổi ồm ồm trong mũ bảo hiểm trùm cằm “xe ôm không cô”. Việt như người chết đuối vớ được cọc, buột miệng bất tự chủ “cho tôi đi Vọng Sim anh ơi”. Người đàn ông bần thần lưỡng lự. Cái kiểu lưỡng lự của người vừa muốn kiếm tiền vừa ngại khó, ngại khổ. Rồi anh ta cũng tự mình ngã ngũ sau những giằng co. Được, tôi đi, phải trăm rưỡi đấy, xa, trời lại tối nữa. Việt trèo lên xe nhanh gọn như một con mèo. Cô thấy người đàn ông thoáng rùng mình.
Xe chạy trên đường lớn mới mở thênh thang khoảng chục km thì rẽ vào con đường cấp phối nhỏ. Hai bên là cánh đồng lúa vắng vẻ, thấp thoáng những ngôi mộ chiếm rải rác được đánh dấu bằng những cụm hoa nhài phòng khi ngập nước thì đỡ mất nấm. Việt đoán thế. Việt bắt đầu cảm thấy lo lắng với quyết định của mình. Đến một nơi cô chưa từng đến. Trên một chiếc xe máy cũ rích và người đàn ông xa lạ cầm lái. Nhưng rồi cô lại tự bào chữa. Nếu không đi thì làm sao mà biết. Và đêm nay cô còn có cái mà kể với Phong chứ. Trong cuộc sống vợ chồng, nếu Phong chỉ để lộ ra một chút nghi ngờ khả năng xoay sở của cô thì cô sẽ càng trở nên liều lĩnh, cứng cổ. Một người học võ từ thuở lên năm như cô từng xem sự tự tin mình có được như một tài sản vô giá thì đôi lúc vẫn lúng túng với những tình huống khó lường. Thì đây, một sự việc đang diễn ra rất nhanh mà Việt không thể kiểm soát.
Xe chạy đến một cái ngã ba tối om thì rẽ vào con đường bê tông. Làng ở hai bên đường, nhí nhách tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu. Cô hỏi mà không cần che giấu sự sốt ruột. Sắp đến chưa anh? Sắp rồi. Còn ngót cây. Chị vào thôi, tôi đứng ngoài đợi. Mà sao chị đi Vọng Sim giờ này. May chị gặp tôi, chứ người khác, không ai biết Vọng Sim là nơi nào. Việt im lặng dõi theo từng mét đường lùi vào bóng đêm. Con đường mỗi lúc một xấu, làng đã dạt về phía sau tiếng động cơ cũ kỹ nhưng còn khá giòn giã. Rồi bê tông cũng hết, xe bập vào con đường đất nhão quanh co dưới chân một ngọn đồi khá cao. Cả vùng đêm mênh mông phía trước mặt thăm thẳm không có lấy một ngọn đèn hay một chút ánh sáng rơi vãi từ bầu trời lại nặng trịch cơn nước. Xe dừng, anh lái nói tướng lên cho bớt u ắng. Vọng Sim đấy, chị có đèn pin không, trong ấy không điện đóm gì đâu. Tôi đứng đây đợi. Việt rất hoang mang nhưng lại tỏ ra cứng cỏi, tự tin. Tôi đi tìm ông Phấn ở Vọng Sim, nhưng đây không có nhà cửa gì cả thì tôi hỏi ai? Anh có ý đồ gì mà đưa tôi vào đây? Anh xe ôm ghếch mũ bảo hiểm, kéo khẩu trang ra, đánh lửa, châm thuốc, rít liền hai hơi mới thong dong nhả khói. Thế cô chưa đến Vọng Sim bao giờ à? Nghe này, Vọng Sim không phải làng, mà là nghĩa địa. Đấy, tôi bật pha, cô có nhìn thấy những vồng sim nhấp nhô không, mả người đấy. Cô nghe thì phải đoán ra chứ. Sim là sim mua ấy. Vùng này là xứ sở sim mua. Còn vọng là ngóng trông, thương nhớ. Con cái nhớ thương cha mẹ, vợ chồng nhớ thương nhau bằng nào, anh chị em thương nhau bằng nào. Rồi sau cùng, tất cả cũng chỉ còn là nắm đất. Trên mỗi ngôi mộ, người ta trồng lên một bụi sim. Ban ngày, nhìn từ xa, Vọng Sim điệp trùng hoa sim, như bao nhiêu đồi sim khác ở vùng này, không ai biết là nghĩa địa cả. Bọn trẻ con sống ảo còn kéo về đây chụp ảnh mỗi mùa hoa sim. Còn buổi tối, quân vớ vẩn tụ về, phức tạp lắm. Vì đây là vùng giáp ranh ba xã, vọng còn có nghĩa như vọng gác đấy. Theo tôi, cô nên ra. Để mai ban ngày ban mặt cô đi nếu không có việc gì gấp. Thi thoảng tôi có chở người vào đây lúc đêm hôm. Chủ yếu họ làm việc tâm linh, bùa ngải gì đó.
Việt bủn rủn tay chân, mắt nhìn theo ánh đèn pha xe máy về phía những bụi sim rất lớn đang ngả ngớn trong gió. Cô dựa hẳn vào xe máy, run rẩy. Sao anh không nói ngay từ đầu Vọng Sim là nghĩa địa? Tôi đi tìm người sống cơ mà!
– Ô hay, cô là khách, tôi chỉ chở thuê. Tôi biết đâu ấy. Mà cô là thế nào với ông Phấn?
Mẹ chồng tôi là em gái ông Phấn.
– Ô, thế à? Vậy mà, lúc đầu, cô làm tôi sợ chết khiếp. Quần áo thì trắng phếu. Tóc cũng trắng. Người nom như chiếc lá mỏng mà nặng như cối đá. Mười phần thì đến bảy phần tôi tưởng ma dẫn tôi đi. Nhưng bảo cô xuống ngang đường thì tôi không dám…
Việt vỗ nhẹ vào lưng anh ta khi hai người đã quay ra đến làng. Này, xe ôm mà nhát quá, anh có thể chạy chậm chút được không? Anh chạy nhanh như ma đuổi thế. Đằng nào cũng muộn rồi. Anh làm nghề này lâu chưa? Anh có biết tôi vừa ở trên đồi Sặt xuống không?
Việt hỏi liền mấy câu anh ta mới trả lời.
– Tôi là người vùng này. Cô muốn hỏi gì thì cứ hỏi, tôi biết sẽ trả lời, không cần vòng vo.
Việt không bỏ lỡ cơ hội.
– Anh biết ông Phấn cụt chân chuyển từ trại phong về từ nhiều năm trước không?
– Tôi có biết. Ông này trước khi đi trại phong đã từng có vợ và con trai. Nhưng sau khi về được vài năm, tình cờ bà vợ phát hiện khi còn ở trại, ông lén lút quan hệ với một người đàn bà khác, cũng là bệnh nhân. Tệ hơn, ngay sau khi vợ bỏ đi, ông ấy đã đón luôn người tình về, nuôi giấu trên rừng sặt, hằng chục năm, dưới làng không một ai biết, kể cả chính quyền.
– Thế còn ngôi nhà trên đỉnh đồi Sặt. Của ai vậy?
– Nhà của bố con ông Phấn đấy. Khi ông Phấn về thì anh này đã mười tám đôi mươi, đang tuổi cặp kè nên có phần lo sợ sự có mặt của ông bố sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai của mình. Quả nhiên, người yêu của anh ta bội ước. Mẹ thì bỏ đi. Anh ta ở rịt trên đồi, ít khi về làng lớn. Khi ông bà nội mất, anh ta dỡ nhà cũ, cất nhà mới, nhưng ông Phấn không ở, dọn ra lều ngoài góc rừng, chắc là vẫn muốn anh con tìm thấy một cơ hội. Kỳ thực, là anh con không muốn ấy chứ.
– Còn bà cụ, sao cụ lại nói rằng ông cụ đã đi Vọng Sim nhỉ?
– Cô thật là… Đến tuổi đó thì cô cũng như bà ấy thôi. Bà ấy lẫn rồi. Cứ vài ngày ông Phấn ốm nằm trong lều không ra rừng, bà không gặp là lại bảo ông đi Vọng Sim rồi, bỏ bà ấy lại.
– Ô thế hai người không ở với nhau ư?
– Không. Ông ấy đã hứa với con trai là chấm dứt chuyện tình ái, chỉ xem nhau như bạn. Đổi lại, bà ta sẽ được sống yên ổn trên đồi. Mỗi người một lều, một góc rừng. Bằng không anh con trai sẽ đem trả bà ta về trại phong vì bà ta cũng không còn ai thân thích ở quê quán mà trở về. Một người đàn bà, biết người ta đã có gia đình mà vẫn tư tình thì có phải người đáng trọng không?
Ra thế, nhìn cái nhà kiến trúc theo lối ấy, tôi đoán ra phần nào. Nhưng thật lòng, tôi thấy bà ấy rất đáng thương. Trong trại phong, mặc cảm bệnh tật khiến con người ta yếu đuối, tự ti và người ta cần có chỗ để bấu víu, để dựa vào và có thêm động lực chống chọi với bệnh tật. Tôi nghĩ ông Phấn muốn đi Vọng Sim không phải vì bệnh tật, ông ấy lành rồi mà. Có lẽ vì sự o ép ích kỷ của chính những người ruột thịt.
Cô đừng nói vậy. Cô có dám chắc là cả hai người đều đã lành bệnh khi rời trại không? Tách họ ra là cứu họ đấy. Mà thôi, cô xuống xe đi. Tới khách sạn của cô rồi. Tôi khuyên cô, đừng quay lại đồi Sặt dù nó đẹp thật. Cô sẽ không muốn chứ, nếu lần sau cô trở lại, đồi Sặt đã bị người ta san phẳng, thay vào đó là một cái lò gạch hay nhà máy ván ép như số phận bao nhiêu quả đồi khác ở vùng này? Khi nào gặp ông Phấn, tôi sẽ nói rằng có cô cháu dâu quý hóa về thăm. Thế là được rồi. Sáng mai tôi sẽ đưa cô đi viếng mộ ông bà ngoại chồng cô. Bảy giờ sáng tôi đón cô ở đây.
Việt ngồi xuống, mở túi, lúi húi lục tìm cái ví tiền và định hỏi nốt câu cuối cùng, nhưng ngẩng đầu lên thì cả chiếc xe và người đàn ông đã biến mất. Cô thậm chí không biết anh ta đã đi về hướng nào. Trong lòng cô bao nhiêu thứ bề bộn ngổn ngang. Cái thời của những kỳ thị gieo rắc tổn thương “đừng rây với hủi”, “tránh như tránh hủi”, “bẩn như hủi”… đã qua lâu rồi. Tại sao đồi Sặt lại tách biệt với thế giới bên ngoài thế nhỉ? Trừ phi chính chủ nhân của khu rừng muốn thế. Nhưng mà, để bảo vệ khu rừng, đâu nhất thiết phải vĩnh viễn khoác lên mình cái án “con hủi”. Có thể là…
Mọi thứ đều có thể. Chỉ có Việt, ngay lúc này, chưa thể xếp nép những bề bộn ngổn ngang ấy.
Thị trấn trung du bé nhỏ yên tĩnh kỳ lạ. Biển hiệu khách sạn sáng xanh hai chữ “Đại An” khiến Việt an tâm phần nào.
Cô trực lễ tân còn trẻ nhìn mái tóc màu bạch kim của Việt, hỏi đầy tò mò: Chị đi đâu từ trưa tới giờ vậy? Mười giờ đêm rồi đấy. Việt nhoẻn cười. Tôi vừa đi Vọng Sim về. Rõ ràng, đồi Sặt đang ở trong tâm trí của cô nhưng không hiểu sao cô lại lựa chọn trả lời như thế. Cô lễ tân tròn mắt ngạc nhiên rồi thốt lên đầy ngưỡng mộ. Oa! Em cũng nghe nói Vọng Sim đẹp lắm mà chưa được tới. Nó ở gần đây không ạ? Việt cầm chìa khóa phòng, xoay xoay lơ đễnh. Tuy xa nhưng lại rất gần em ạ. Cô lễ tân tay chống cằm, tay cầm bút bi gõ lên mặt quầy, nhìn theo bóng lụa trắng lướt trên những bậc cầu thang bằng gỗ gụ êm ru không một tiếng động dù nhỏ.
Chính Việt cũng cảm thấy, mỗi bước chân của cô từ khi trở về mảnh đất này như đang vô tình dẫm lên vô vàn những bí mật. Nên cô phải hết sức nhẹ nhàng.
Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân