Bi kịch cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi từng được khai thác nhiều lần qua văn chương lẫn sân khấu. Yêu là thoát tội – kịch vừa ra mắt trên sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ TP HCM – là tác phẩm mới nhất lấy cảm hứng từ cuộc đời nhân vật này.
Tác giả Lê Chí Trung không khai thác những câu chuyện kịch tính, những thủ đoạn liên quan đến chính trị mà khắc họa tâm trạng cô đơn của các nhân vật trước thời cuộc. Đạo diễn Xuân Hồng đặt cho họ những cái tên mới, lấy cảm hứng từ nhân vật chính sử.
Kịch chọn bối cảnh nước Việt khi binh biến đã qua, những tưởng đó là lúc “tề gia trị quốc bình thiên hạ” nhưng lúc này, nội triều nhà Lê xảy ra lục đục, quan thần tranh quyền đoạt lợi, thu vén cho mình. Hoàng thượng (diễn viên Lê Hoàng Giang) ôm giấc mộng phục hưng xã tắc nhưng đơn độc bởi xung quanh ông vắng những trung thần, thay vào đó là những kẻ bất tài, gian thần chuyên vơ vét và bòn rút. Đến cả hoàng hậu, tưởng là người gần gũi nhất, ông cũng không thể chia sẻ được gì.
Nguyễn Thái úy (NSƯT Trần Tường), một con người chính trực mang tâm hồn thanh tao, một kẻ sĩ tài hoa luôn đau đáu với vận nước nhưng lại không được trọng dụng. Ông như cây tùng vững chãi trên đỉnh núi, hiên ngang, bất khuất nhưng vẫn chỉ có một mình. Không ai hiểu ông, cũng không ai giúp khi ông cần. Chỉ có người vợ là thấu hiểu cho nỗi lòng ông. Bà giống điểm tựa, cũng là nguồn sống cho Thái úy ở tuổi xế chiều. Nhưng một ngày, người vợ bị nhà vua đoạt lấy, một lần nữa ông phải chịu nỗi cô đơn.
Thị Lan (NSƯT Hoàng Yến) là một người đàn bà tài sắc vẹn toàn. Cái tài của bà một phần được hun đúc từ người chồng, cũng chính là quan Thái úy. Và bi kịch của bà cũng từ đó mà ra. Trở về triều, với tài năng của mình, Thị Lan được Nhà vua phong làm Học sĩ, chăm lo việc học cho hoàng tử. Thị Lan như bông hoa đương độ khoe sắc, cộng thêm vốn hiểu biết sâu rộng, bà nhanh chóng trở thành tri âm của hoàng thượng. Cũng chính lúc đó, Thị Lan phải rơi vào tâm trạng giằng xé giữa một bên là người đã đầu ấp tay gối với một bên là tuổi trẻ, là tình yêu mới chớm, đầy rạo rực và mê đắm. Không thể tỏ bày, không thể thanh minh, bà ôm nỗi cô đơn vào lòng.
Ba diễn viên chính đã hóa thân vào các vai diễn một cách trọn vẹn, lột tả được tâm trạng cô đơn mà các nhân vật đang đối diện. Trong đó, dù trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề, đứng bên cạnh hai diễn viên gạo cội là NSƯT Trần Tường và NSƯT Hoàng Yến, diễn viên trẻ Lê Hoàng Giang vẫn chứng tỏ được tài năng diễn xuất. Khán giả đã nổi giận với sự nhu nhược, hà khắc nhưng cũng có lúc lại đồng cảm với nỗi cô đơn, nỗi ưu tư dành cho xã tắc của ông vua trẻ.
Tuy nhiên, điểm sáng ở vở kịch không nằm ở ba nhân vật chính, mà từ một nhân vật phụ – hoạn quan Lê Đa (nghệ sĩ Phạm Huy Thục thủ vai). Từng điệu bộ, cử chỉ, từng lời thoại được ông nhấn nhá đúng lúc đã mang đến một gian thần như Lê Đa. Nhân vật này cũng đem lại tiếng cười, giúp giảm nhẹ tính bi kịch của vở diễn. Từ vai này, nghệ sĩ Phạm Huy Thục nhận được huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu Kịch nói 2018 vừa qua.
Bên cạnh thành công về kịch bản, vở Yêu là thoát tội còn chinh phục khán giả ở cách dàn dựng sáng tạo với sân khấu tối giản, mang tính ước lệ. Chỉ bằng chiếc thang được đặt trên sân khấu xoay, khán giả có thể hình dung cảnh non cao hùng vĩ và hoang vu của vùng Long Sơn, cảnh triều đình hay khung cảnh ao sen trong đêm trăng đầy thơ mộng. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng dành nhiều tâm huyết cho trang phục của nhân vật. Để khắc họa cái chết, các nhân vật chỉ cần bỏ chiếc áo trắng bên ngoài, mặc áo đen bên trong. Những cái chết của Thị Lan, của Hoàng thượng hay của Nguyễn Hiền bỗng nhiên trở nên nhẹ nhõm hơn trong mắt người xem. Suy cho cùng, con người được sinh ra từ tình yêu, vì tình yêu mà mang tội, và cũng nhờ tình yêu mà thoát tội.
Tiến sĩ, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã xem vở Yêu là thoát tội hai lần – một lần ở vai trò giám khảo của Liên hoan Sân khấu kịch nói, một lần ở vị trí khán giả. Bà chia sẻ: “Kịch có những nhân vật rất đẹp. Ở lần thứ hai, tôi xem kịch với tâm thế thả lỏng tâm hồn hoàn toàn và với tâm thế ấy, tôi thấy vở diễn đã đạt đến độ chín của việc thưởng thức. Vở có kịch bản hay, đạo diễn xử lý tốt, diễn viên giỏi”.
Ngoài câu chuyện tình yêu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, kịch còn nóng hổi chuyện đời, chuyện người gần gũi với bối cảnh xã hội hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ: “Người ta có quyền hư cấu, có quyền hy vọng và gửi những ước nguyện vào vở kịch nêu lên một hiện trạng của xã hội ngày xưa và có liên hệ với xã hội hôm nay. Rõ ràng những người tốt, những người có công với một chính thể chưa chắc đã có một số phận tốt. Nhưng có một điều chắc chắn: đó là những người mà nhân dân sẽ đánh giá họ cực kỳ chính xác”.
Tác phẩm diễn vào tối thứ năm hàng tuần, từ ngày 7/6 tại Nhà hát Thế giới trẻ, TP HCM.
Hồ Huy Sơn / vnexpress.net