Tôi muốn đề cập đến bài thơ “Ngã ba Hạc Trì” của Tượng phong Ngô Quang Đoan sáng tác đầu thế kỷ XX (1903). Tôi đã có lần đàm đạo cùng nhiều bạn thơ đưa ra phân tích và so sánh cùng bài “Phong Kiều dạ bạc” – thơ đường của Trương Kế… (Đã có câu mọi sự so sánh đều khập khiễng). Đúng thế! Nhưng dù sao vẫn phải tìm ra một cái mốc nào đó để làm thước đo giá trị, ví như người nhảy cao hoặc xa thì cũng phải có cái mốc là thước mét, nên cũng thể tìm ra một mực thước để ướm.
Tôi đưa ra cái mốc: Bài “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế. Dân sành văn chương ai mà không thuộc bài này:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Nghĩa là: Trăng lặn, quạ kêu, đầy trời sương/ Gió sông cùng ngọn đèn trong thuyền đối nhau, nỗi buồn miên man/ Chùa Hàn Sơn ở ngoại thành Cô Tô/ Nửa đêm tiếng chuông vọng đến khách thuyền.
Đã có rất nhiều bản dịch khác nhau. Xin giới thiệu bản dịch của Tản Đà:
Trăng tà, chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa
Hàn San.
Ở nước ta đầu thế kỷ XX vào năm 1903, thi nhân Tượng phong Ngô Quang Đoan – con trai cả Ngư phong Ngô Quang Bích (còn gọi là Nguyễn Quang Bích) lãnh tụ phong trào Cần Vương chống Pháp. Trên con đường “Trả thù nhà đền nợ nước” khi đi qua “Ngã ba Hạc” Ngô Quang Đoan đã để lại bài thơ này:
Bay đâu cánh Hạc năm xưa
Tìm đâu thấy bóng cố đô đất này
Xác xơ mấy chiếc tre gầy
Bên sông cời gió, nước đầy xôn xao
Vành trăng cuối tháng dần hao
Thuyền ai buông lái lặng chào bến sông
Liu riu ngọn lửa đêm đông
Một trời sương phủ cửa sông lặng tờ
Giật mình như tỉnh cơn mơ
Phía đồn rúc tiếng còi khuya lạnh người! (*)
Một bên là bài tứ tuyệt của Trương Kế đời Đường, ông mất 774; một bên là bài lục bát của Tượng phong Ngô Quang Đoan thời cận đại (1872 – 1945)… Tuy xa cách cả không gian và thời gian nhưng cảnh và người ở đây có những sự trùng hợp vô tình: Cũng một mom sông, cũng một trời đêm sương phủ, cũng một mảnh trăng, cũng một chiếc thuyền chài… Chỉ khác Trương Kế trăng dần lặn, còn Tượng phong là trăng cuối tháng lưỡi liềm (Vành trăng cuối tháng dần hao). Cùng là ngọn lửa, Trương Kế là ngọn lửa ông chài bên sông, còn Tượng phong là ngọn lửa “liu riu” trong đêm đông giá lạnh (của một con thuyền buông lái). Ngọn lửa ở đây ý tác giả như muốn nói đến ngọn lửa yêu nước, ngọn lửa cách mạng của một con người đang đi hoạt động tìm đường cứu nước!… Còn gió: Ở Trương Kế là ngọn gió bên sông (Giang phong) thì Tượng phong cũng là gió, nhưng gió của Tượng phong có khác hơn, gió như được sinh ra từ mấy ngọn tre dập dờn bên dòng nước xoáy: Xác xơ mấy chiếc tre gầy/ Bên sông cời gió nước đầy xôn xao. Trương Kế là gió sông… còn đây gió khẽ thổi qua cành tre lao xao trên làn sóng nước… gió được ngọn tre, “chiếc” tre “cời” lên. Khác lắm!… Nhưng đến câu kết ta mới thấy sức nặng của cả hai bài. Trương Kế kết bằng: “Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”. Một âm thanh của tiếng chuông trong đêm đưa đến cho lữ khách bao nỗi buồn mênh mang, kể cũng đã tuyệt bút… Nhưng Tượng phong cũng là một âm thanh trong đêm khuya, nhưng không phải là tiếng chuông chùa ngân nga êm ả, mà là tiếng còi “rúc” chói tai… Tiếng “còi” thiết quân luật của đồn giám binh thực dân Pháp ở bến Gót Hạc Trì: Phía đồn rúc tiếng còi khuya lạnh người! Cái tài ở chữ “lạnh người” của câu kết… Cái cảnh đẹp của quê hương về đêm ở một bến sông trong một bầu trời đầy sương, trăng lưỡi liềm chênh chếch, có cành tre la đà lay động cời gió kia… Đẹp là thế mà nay đất nước đang bị giặc chiếm mất rồi…
Hai bài cách nhau 1.300 năm… ở hai xứ Bắc – Nam cách nhau vạn dặm… vậy mà hơi thở như quyện lấy nhau, tứ thơ gắn lấy nhau… cái tình cũng giống nhau ở nỗi buồn “mênh mang vạn cổ sầu”… nhưng nỗi buồn của cụ Đoan buồn hơn vì bên cạnh cái buồn còn có cái đau…
Đau! – Nỗi đau của người mất nước!
Theo tôi, có lẽ đây là một tác phẩm hay nhất của đầu thế kỷ XX.
TRIỆU TRIỆU
(*) Rút trong sách sỹ phu yêu nước Ngô Quang Đoan – Nxb Văn học – 2013 và Tổng tập văn học VN quyển 18 và 19.