PHAN ĐINH
Em ơi, xóm Cỏi
Đường lên xóm Cỏi Xuân Sơn
Lội qua dòng suối đá trơn rợn người
Thậm thình cối nước đầy vơi
Chày buông uể oải nước trôi ngập ngừng
Mới hay xóm hẻo đất rừng
Những trông đường nắng nửa chừng mà thương
Xa xa mấy cô gái Mường
Rừng già gội gió nẻo đường lửa sang
Mát trong dòng suối đại ngàn
Kìa em rón rén chao bàn chân xinh
Nay mai về với thị thành
Mang theo ánh mắt ướt vành khăn hoa
Những mong xóm Cỏi mù xa
Nhà xây điện sáng chan hòa nay mai
Thênh thang đường lớn rộng dài
Đàn em ríu rít ban mai tới trường.
P.Đ
NGUYỄN HOA
Kiếp chữ
Tủi thân
Kiếp chữ
Làm
Những câu thơ
Không hồn vía
Em xưa
Chiều thẫm
Gió se
Anh lẻ…
Biển non
Sóng nõn
Em xưa!…
Em đầy
Sớm dậy
Đất tơ
Anh mới…
Bẵng mây
Trời rộng
Em đầy!
N.H
Lê Hường
Dạo chơi trong rừng cọ
Chán phố phường ngột ngạt
Thì ta đi dong chơi
Ơ Phú Thọ đây rồi
Cọ xòe ô dẫn lối
Con tim hát thành lời
Giục chân người bước tới
Lòng tự dưng phơi phới
Quên hết mọi sự đời
Chỉ còn cọ và cọ
Nhuộm xanh ngọn gió trời
Giờ mới thật thảnh thơi
Sau những gì vất vả
Lo manh áo miếng cơm
Bao ngược xuôi tất tả
Mái tóc em óng ả
Trong màu cọ quê mình
Mắt long lanh như thể
Nói lời yêu chân tình
Phú Thọ đẹp lung linh
Níu chân anh ở lại…
L.H
NGUYỄN QUỐC ĐẠC
Mùa khai giảng nhớ anh Minh Chính (*)
Lối rừng xưa anh qua
“Cọ xòe ô che bóng”
Có chú sóc chuyền cành
Mẹ đưa em “đi học”
“Nước dưới khe thầm thì”
Con suối ngày sơ tán
Suối kể những chuyện gì?
Tình thơ anh chắp cánh
Chưa lần nghe thơ hát
Trên môi hồng bé thơ
Chưa được xem thơ múa
Theo bước em xòe ô
Anh ngã xuống bìa rừng
Sông Măng, đêm đạn giặc
Thơ ở lại với đời
Trong veo như hồn nhạc
“Hương rừng thơm”… thơm mãi
Lớp, lớp, em đến trường
Câu hát quyện hồn trẻ
Khai mở mùa yêu thương
Người như sao bừng sáng
Một đời thơ, một bài…
Kìa, nhạc hiệu đã nổi
Đón một năm học vui
Người lại về trong nắng
Với làng đồi, quê tôi…
N.Q.Đ
(*) Nhà thơ Minh Chính (1944 – 1970) quê Nam Định. Năm 1948 gia đình ông tản cư lên Phú Thọ. Theo gia đình cho biết, Minh Chính viết bài thơ “Đi học” quãng thời gian đi sơ tán tại làng Lâm (xã Trạm Thản). Ông hy sinh năm 1970 tại chiến trường phía Nam. Bài thơ “Đi học” do nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc, đã được dùng làm nhạc hiệu cho ngày khai trường ở các cấp mầm non và tiểu học…
LÊ ANH PHONG
Trên đỉnh lũ miền Trung
Lũ lụt miền Trung
Trời đất quay cuồng
Cơn hồng thủy
Lòng người sốt sắng
Thức hồng tâm
Hối hả, muôn người đi cứu mạng muôn dân
Mặc thóc gạo, cửa nhà mình trôi dạt
Xông xáo lao vào hiểm nguy, cứu nạn
Gặp núi lở, đất trôi chẳng quản thân mình
Những mất mát hy sinh quả cảm giữa thời bình
Qua hồng thủy
Chói ngời hồng đức
Những gói mỳ tôm, chai nước lọc
Kịp đến tay người thất bữa giữa nguy nan
Cơm dã chiến trao vội dưới mưa chan
Truyền hơi ấm tình người
Qua cóng lạnh
Những đoàn xe, đoàn người dồn dập
Muôn ngả hối nhau về một hướng miền Trung
Thuyền nhựa, áo phao, cơm áo gạo tiền,
Tiếp sức chống chèo
Qua bão lũ
Trận sống mái
Khi trời gieo hồng thủy
Dậy sóng tình người bừng thức hồng tâm
Cao cả tình người
Dâng cao
Trên đỉnh lũ!
“Còn ai không…?”
“Còn ai không…?”
Tiếng hú vọng rừng hoang
Sao đáp lại, chỉ rừng hoang hoang vắng?
Những người lính lên tuyến đầu quả cảm
Xác thân hòa vào sông núi, đất đai!
“Còn ai không…?”
Khắc khoải triệu tim người
Cả nước hướng về Rào Trăng, nín thở
Chỉ mong có “phép mầu thần thoại”
Cho các anh nguyên vẹn, an lành
“Còn ai không…?”
Tiếng hú gọi… thất thanh
Giữa ngang ngửa hỗn mang đồi trôi đất lở
Còn chúng tôi đây!
Nghe lời cảnh báo cho bao công trình, dự án
Sao cho hài hòa, vững chắc, thuận thiên!
“Còn ai không…?”
Lời cảnh tỉnh của thiên nhiên
Gửi tới loài người cộng cư trên trái đất
Về qui luật sinh tồn – sự hài hòa bền vững
Đâu, tham vọng của loài người
Và
Đâu, sự trường cửu của thiên nhiên?!
L.A.P