ĐÀM TUẤT
Ngày này… năm xưa
(Kỷ niệm chiến thắng 30/4/1975)
Ngày này… của những năm xưa
Ngày tôi đi lính tuổi vừa hai mươi
Rời làng một bóng một tôi
Chưa câu hò hẹn, không lời nỉ non…
Vai gầy… nửa túi càn khôn
Âm vang trống trận. Chân dồn bước chân
Võng tăng – theo ngả quân hành
Thay da ngựa chiến
Che phần gió sương…
Ngày về cờ rợp bên đường
Các anh ngược phố Vĩnh Tường đón tôi
Giọng quê tự thuở nằm nôi
Giờ nghe náo nức lòng người chiến binh
Hết ồn ào đến lặng thinh
Quẻ soi nhân thế biết mình là ai!
Tàn khuya mẹ vẫn thức hoài
Chị tôi giọt ngắn, giọt dài… xót em
Tuổi xanh trận mạc liên miên
Cũng may hòn đạn mũi tên tránh người
“Thuyền than về bến than rồi”
Thôi thì đi chín về mười mà vui
Bõ khi khói lửa đầy trời
Mẹ khô nước mắt… ngỡ tôi không về!
Đ.T
HÀ PHẠM PHÚ
Bài thơ viết ở nhà mình
Mỗi năm áp Tết, căm căm rét
Anh lại xanh về miền nhớ tre
Vái lạy mẹ cha. Hun hút gió
Cánh đồng nằm thức một góc quê
Ngõ đã khác xưa, cây vắng hết
Đầm làng nhớ nước ở sông xa
Mùa huyền thoại quẫy trăng dưng diếc
Những chiếc nong phơi mục hiên nhà
Anh đi hết tuổi đen thành trắng
Cha mẹ ở miền sau mắt trông
Nơi ấy có sat-na sự sống
Rất riêng tư hay một cộng đồng
Anh sợ mẹ cha buồn vắng bạn
Cũng sợ nhờ nhờ trộn lẫn nhau
Cõi cực lạc nén hương cháy cạn
Khói bay như mới thấy lần đầu
Anh ngủ trong nhà mình đầy chật
Nỗi tất bật mẹ cha suốt đời
Anh nhớ mẹ trao cho hạt lệ
Giữ thương yêu xứng đáng làm người
Anh bỗng ước làm sao bé lại
Chập chững đi trên đất sỏi đồi
Cha mẹ đỡ, nhìn anh bước tới
Niềm ước thành nỗi nhớ không nguôi…
H.P.P
NGUYỄN QUANG THIỀU
Những cánh bướm
Đâu đấy, một cánh bướm run rẩy, trong hơi thở tháng Giêng
Một cánh bướm như không có bởi mỏng hơn cả sự mơ hồ
Nhưng đã mở ra, ở đâu đó, một cánh bướm có thật
Không bởi màu sắc rực rỡ mà bởi như hơi nước đang tỏa
Chúng ta đổ ra quảng trường, chen lấn và xô đẩy
Một số ai đó gào thét và nhiều lúc đập phá
Và chúng ta quên đi, đâu đấy, trong những lùm cây bé bỏng
đang rộn rã mùa sinh nở côn trùng
Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm
Và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động
Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời,
một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh
Đâu đấy, không chỉ một đâu đấy, mà tràn ngập bất tận
Từ bóng tối đến ánh sáng, mở ra những cánh bướm
Và theo luồng hơi thở ấm áp và rộng lớn của tháng Giêng
Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian
Mà không để lại một tiếng động nhỏ.
Bản tuyên ngôn của cơn mơ
Em nằm xuống và cánh đồng mênh mông
Chúng ta hiện ra dưới bầu trời không có gì che chắn
Những con chim ăn thịt lượn từng vòng phía trên
Chúng ta nằm bên nhau, hai dải đồi im lặng
Mặt em tỏa rạng một ban mai hồ nước
thân thể em được mặt trời chiếu sáng và đốt nóng
môi em thì thầm làm hoa cỏ sinh nở
cặp đùi em trải như sông đến tận chân trời
Và chúng ta cùng hát, đôi môi bất tử
Chúng ta như hai khối đồng nung chảy tan hòa vào nhau
Chúng ta hắt sáng như ban mai, chúng ta nồng thơm như cánh đồng
Chúng ta vô tận như nơi sinh ra chúng ta
Trên đầu chúng ta bầy chim ăn thịt mỗi lúc một đông
Chúng liệng từng vòng mắt nhìn chúng ta không chớp
Từ trên cao tiếng chúng mang theo cái chết. Chúng ta thấy
những cái móng sắc lướt lạnh dọc sống lưng
Chúng chỉ chờ máu chúng ta ngừng chảy, tiếng chúng ta ngừng vang
thân thể chúng ta ngừng nóng và mắt chứa đầy bóng tối
như những kẻ đói khát nhất thế gian này chúng sẽ lao xuống
Và tình yêu sợ hãi của chúng ta sẽ thành bữa tiệc cho sự khoái trá
Bởi thế tình yêu trở nên vĩ đại và thách đố
trong cả những nơi tăm tối chúng ta phải sống
trong cả những giấc ngủ trên chiếc giường chật hẹp
cơn mơ chúng ta không được phép đầu hàng.
N.Q.T
NGUYỄN HƯNG HẢI
Đá ở Đồng Văn
Đá cưỡi lên nhau
Đá đè nhau xuống
Lăn lóc từng hòn bơ vơ vất vưởng
Khi bị vỡ ra đừng có tưởng
Núi đã không còn đâu dễ xuống!
Người cũng thế thôi
Đá cứng chân mềm?
Đá cõng nhau lên
Đá kết thành nhà, đá ken thành lũy
Góc cạnh xù xì cỏ hoa từng kẽ
Cứ thế từng hòn nhỏ to lặng lẽ
Gắn kết chắc bền qua nắng, qua mưa
Thành hòn núi cao
Thành dãy núi cao mà không bị đổ
Người cũng thế thôi
Chân cứng đá mềm vì nhau chẳng sợ
Có đến Đồng Văn mới biết là ăn ở
Như đá cưỡi đè là để cõng nhau lên.
Tiếng mẹ
Bổng trầm tiếng Việt thẳm sâu
Lời ru của mẹ bắc cầu cho con
À ơi, ở ống mà tròn
Ở bầu mà méo đang còn ở đâu
Ru cho đời bớt khổ đau
Mẹ ru cho cả bể dâu, nhọc nhằn
Ru con, đời mẹ tảo tần
Ai ru mẹ lúc mẹ cần lời ru
À ơi rã đám mây mù
Ru cho nắng ấm mùa thu trăng tròn
Như bầu sữa ngọt cho con
Lời ru nuôi lớn tâm hồn, mẹ ơi…!
Mẹ ru con lớn thành người
Có đi đâu cũng không ngoài lời ru
Đôi tròng mắt mẹ cạn khô
Ru cho nắng ấm mà mưa đời mình
Như cây trúc dẫu chẳng xinh
Vẫn ru cong vút mái đình xưa, nay
Ru cho đêm phải sang ngày
Ru cho cả nước non này lớn lên
Chân trời góc biển đừng quên
Không còn tiếng Việt chẳng nên cõi bờ
Chẳng còn đâu nữa lời ru
Xuống trầm, lên bổng chẳng mờ, chẳng phai
Chân trời góc bể những ai
Mượn lời ru ở trên đài ru con
Có nghe xao xác trong hồn
Lời ru của mẹ nước non gọi về…
N.H.H
Nguyễn Đình Phúc
Giếng Đồng Vương(*)
Tôi về thăm giếng Đồng Vương
Còn đây tiếng vọng vô thường ngàn năm
Vua Hùng thu sớm về thăm
Vui cùng tập luyện, đi săn thú rừng
Giếng quê thành chiếc gương chung
Nước trong leo lẻo chân dung hồn làng
Trăng soi tắm mát mơ màng
Hát quanh giếng cổ, có chàng có em
Giếng Đồng Vương sáng khơi nguyên
Cây đa ngàn tuổi về miền xa xôi
Nỗi niềm mây trắng nổi trôi
Vẫn còn mạch giếng thổ ngơi tuôn trào
Phía sau Rừng Cấm lao xao
Tiếng luyện quân cũng đã vào sử xanh
Nhớ về năm tháng chiến tranh
Trai thôn đổ bóng vây quanh giếng thề
Giếng nguồn trong vắt tình quê
Nghe như có tiếng Vua về Đồng Vương.
Ts: * Giếng Đồng Vương thuộc xóm Lũng Hiền Quan, bên cạnh có Đền Vương, phía sau là Rừng Cấm. nơi tương truyền thuở Vua Hùng, vào mùa thu mát mẻ vua cùng đoàn tùy tùng sang sông, vào Đền thắp hương rồi vào rừng săn bắn thú rừng. Hiền Quan được coi là trung tâm quân sự của Nhà nước Văn Lang.
Một thoáng sông Đà
Từng nghe chuyện núi Chẹ giờ đổ lấp
động Lăng Xương chau mặt đá. Mẹ buồn
từng nghe chuyện ghen sông hận núi
vì Mị Nương hồng thủy trắng trời
từng nghe thắng thua cả khóc, cả cười
chống thủy tặc ẩn hóa vào truyền thuyết
ai cân được có bao nhiêu nước mắt
khi thánh thần cũng từ máu sinh ra
tôi trầm ngâm miền thủy cốc sông Đà
núi trong nước, trời cao xanh, biển lộng
chỉ xin trời đừng gây cơn dư chấn
đêm giao thừa mưa đá, sét chửa xa
Thanh Thủy nồng nàn, nhộn nhịp đón đưa
Sông Đà tải những mùa vui ra biển lớn
dưới lòng đất – một dòng sông ấm nóng
có phải Thủy Tinh về tạ lỗi với xưa sau
con cháu bây giờ hưởng lộc?.
N.Đ.P
LÊ VA
(Hòa Bình)
Tiếng vọng
Tiếng trống đồng dội từ hang Nguồn
Gọi hoàng hôn bên kia núi
Tiếng chiêng lao xao cành lá
Mở kiêng kỵ đón khách vào nhà
Mời thưởng thức con cua cái cá
Thơm mùi suối trắng măng chua
Đập bông bông đập bang bang
Tiếng cồng leo lên màn thang
Giục ánh trăng vàng hát Thường đang, Bộ mẹng(*)
Giục măng vầu măng nứa măng giang
Đội đất góp vui hàng ngang hàng dọc
Giọng nói tiếng cười ngàn xưa vành vạnh
Những quăng dao khai sơn lập địa
Tụ mặt cồng núm chiêng
Kết hoa văn nhập thần nhịp trống
Vang muôn xưa vọng muôn sau.
*Những điệu dân ca Mường.
Người vùng cao đón khách
Khách đến
Cứ làm bạn với ghế mây cái đã
Chủ nhà lặng im
Tiếp sức cho lửa
Đón nước vào bếp
Lửa hát
Nước reo
Người cất lời
Đỡ lấy cái nhọc đường xa
Chuyền cái hơi thơm của bản
Chén trà đu đưa(*) ấm lòng
Bát rượu men rừng mở lối
Hỏi thăm bố mẹ gửi tình
Hỏi thăm anh em chia phận
Nói lời dốc đứng
Cử chỉ khúc khuỷu
Tình đầy mây trắng quanh năm
Bụng trong mùa thu suối sớm
Việc đúng dù cao như núi
Bảo nhau cả bản trèo phăm phăm
Chén rượu chia tay
Nhìn sâu mắt khách
Bắt tay nổ đốt
Người vùng cao cười
Nụ cười của em bé trong nôi.
L.V
(*) Một loại trà uống của người vùng cao.