Đối với dân sáng tác, đi và viết hay đi để viết, là một quá trình song hành. Một là để nạp vốn sống, trải nghiệm. Hai là nạp cảm xúc bằng cách thay đổi không khí, môi trường sống. Rồi sau đó là sự chưng cất, thăng hoa như một kết quả phái sinh trong từng cá thể, của từng cá thể, tựa như không có cái này thì không có cái kia, có cái kia vì nó được bắt đầu từ cái này vậy.
Đọc “Giấc đại ngàn”, độc giả dễ dàng nhận ra điều ấy. Và cũng dễ dàng nhận ra thêm: Tác giả của nó còn ham đi và ham viết. Đó là động cơ đáng quý của người viết. Cảm giác bàn chân của nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh đã đặt đến nhiều nơi và hễ đi đến đâu, là thi ca lên tiếng ở đó. Dường như bà là người tự mình tạo ra những cuộc “đổi gió” trong thơ. Do đó rất nhiều địa danh đã đi vào thơ bà một cách rất tự nhiên: Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng, Thác Bản Dốc, Phan Xi Păng, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Thánh địa Mỹ Sơn, Phong Nha – Kẻ Bàng, Địa đạo Củ Chi…Nhưng đằng sau sự cảm, còn là sự thấy. Và Nguyễn Thị Thanh Lan đã cảm và thấy gì qua những chuyến đi?
Khi “Lên Ô Quy Hồ tự”, Nguyễn Thị Lan Thanh ý thức được rằng: Không chỉ có “điệp trùng núi” mà còn có “điệp trùng văn”. “Điệp trùng núi” đã đầy thách thức, nhưng “điệp trùng văn” còn thách thức hơn bởi những nhà văn danh tiếng lớp trước như Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long. “Lên Ô Quy Hồ”, Nguyễn Thị Lan Thanh nhận được cả một vùng thiên nhiên hùng vĩ như đang “khắc vào tôi tiếng của đất trời”. Mặc dù vậy, bà vẫn không quên người xưa cùng những mất mát không thể nào bù đắp:
Lên Ô Quy Hồ, chỉ một mình tôi
Không anh, cả vòm xanh trống vắng…
Đến “Mã Pì Lèng” và “Tình người với đá”, cái cảm và thấy về đá, đồng thời là sự trải nghiệm đá của Nguyễn Thị Lan Thanh thật mới mẻ, khác lạ:
Dốc dựng, vực thẳm, đường ngang trời
Những con đường vắt ngang thân phận đá…
Và:
Đá đứng, đá ngồi đan nhau cuồn cuộn
đá mẹ, đá con xếp thành núi cõng nhau lên làm bạn với trời…
Có hai chi tiết đáng chú ý là “vắt ngang thân phận đá” và “làm bạn với trời”. Bên cạnh hai chi tiết đáng chú ý này là những câu thơ thật hay: “Mã Pì Lèng, Mã Pì Lèng muôn dặm đá vôi? Tình người Pì Lèng không vôi đá”; “Đá im lặng mà gửi trao, tận hiến”. Riêng “Đá im lặng mà gửi trao, tận hiến” là một câu thơ mang tính phát hiện. Vô hình chung, Nguyễn Thị Lan Thanh đã bổ sung thêm nghĩa “lặng im” cho đá và tôn vinh đá. Nên nhớ, trong thơ, bất kỳ một sự phát hiện nào cũng đều được đánh giá cao, nếu như không muốn nói là cao nhất.
Trong “Ước muốn nhỏ nhoi”, việc không quên người xưa cùng những mất mát không thể nào bù đắp đã trở lại, tuy có vẻ nhẩn nha hơn nhưng cũng sâu lắng, thấm thía hơn. Cặp câu lục bát dưới đây một là một điểm nhấn của bài thơ:
Tóc giờ muối nhạt sương pha
Giật mình – em giữa hai ta bộn bề…
Nhân đây, thiết tưởng không nhắc đến một cặp câu nữa, trích từ “Nữ chúa rừng xanh”. Đây là hai câu rất đáng được đánh dấu khuyên vào đó:
Người về xa tít hư vô
Mà rừng xanh đến bây giờ vẫn xanh…
Nhìn chung, đối với người làm thơ dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, làm thơ lục bát không dễ. Không cẩn thận, thơ chỉ chạy theo vần điệu mà mất ý, xa tứ. Không cẩn thận, thơ chỉ còn là văn xuôi được vần điệu hoá. Chỉ cần sở hữu hai cặp lục bát trên, Nguyễn Thị Lan Thanh đã đáng được để độc giả nhớ. Đáng kể hơn: Hai cặp lục bát trên còn rất có hồn, nhờ sự đưa đẩy, dẫn dắt của cảm xúc.
Kể từ năm 2000 đến nay, Nguyễn Thị Lan Thanh đã cho xuất bản 13 tập thơ và đoạt khá nhiều giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ, Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Đó là một nỗ lực phi thường của nhà thơ nữ cao tuổi. Trong lúc tình yêu thi ca nói riêng và tình yêu văn chương nói chung có xu hướng phai nhạt, mờ nhoè trong cả người viết lẫn người đọc như hiện nay, thì nỗ lực này rất đáng được đánh giá cao.
Riêng cái tên “Giấc đại ngàn” quá hay! Hay vì nó ôm trùm, hàm chứa. Hay vì nó gợi và ảo như chức phận của thơ. Cách nay đã lâu, trong làng thơ, đã có người đặt tên là một tập thơ là “Giấc mơ sông Thương”. Nếu đổi thành “Mơ giấc sông Thương” theo kiểu “Giấc đại ngàn”, thì tên tập thơ còn hay và đáng nói hơn nhiều.
Đặng Huy Giang