Tôi khá bất ngờ khi được nhà thơ Trần Thị Nương tặng tập thơ “Men lửa”. Vừa mới xuất bản in tháng 4/2022, tôi cùng chị dự trại viết của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ tổ chức tại nhà sáng tác Cần Thơ chị còn đưa tôi tập bản thảo nhờ tôi đọc và góp ý. Tập bản thảo rất dày, đã được một số nhà văn, nhà thơ, nhà giáo có tên tuổi biên tập, viết bài, được chị chuẩn bị hơn một năm nay, vậy mà chị vẫn còn tranh thủ ý kiến của tôi chứng tỏ chị rất cầu thị và cẩn thận. Không phụ lòng tin của chị, tôi cắm cúi nghiền ngẫm và mạnh dạn góp ý đôi chỗ cho chị. Thế mà bây giờ, đứa con tinh thần ấy, đứa con mà chị mang nặng đẻ đau sau hơn 50 năm cầm bút đã có trên tay tôi. Nhanh quá. Hoành tráng quá. Đẹp và sang lắm. Cả đời làm báo, làm thơ của chị, chị đã gửi gấm, gói ghém cả trong tập thơ chọn lọc này. Tôi trân trọng trầm trồ và chúc mừng chị.
Tập thơ “Men lửa” dày 514 trang gồm 322 bài thơ của chị và 8 bài viết của các nhà thơ, nhà văn khác. Mở đầu là bài viết rất sâu sắc, công phu của Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Trần Thị Trâm – giảng viên Học viện Báo chí Tuyên truyền thuộc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh. Tiếp đó là các nhà thơ, nhà văn như Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo đến Nguyễn Thị Mai, Đào Ngọc Chung rồi Lê Anh Phong và Phạm Thị Vân Anh nữa. Toàn các tên tuổi thi ca lừng lững mà tôi hằng mến mộ. Mỗi người một góc nhìn về Trần Thị Nương và thơ của chị. Tôi đọc họ và ngộ ra nhiều điều, mở rộng sự hiểu biết của mình về thơ nói chung và thơ Trần Thị Nương nói riêng.
Nâng niu cuốn sách nặng trĩu trên tay, tôi chỉ còn biết khâm phục và ngưỡng mộ chị. Đây là công trình to lớn của cuộc đời làm báo, làm thơ, viết văn của chị. Thì đúng là thế rồi. Những bài thơ chọn lọc từ 16 tập thơ chị đã xuất bản, được thử thách và tồn tại qua dư luận bạn đọc, theo thời gian mấy chục năm trời cùng với một số bài thơ chị mới sáng tác gần đây, lần đầu được công bố trong “Men lửa” này cơ mà!
Tôi lại nghiền ngẫm đọc. 8 bài viết sâu sắc, đầy đủ, cả về bề rộng và chiều sâu mỹ cảm của các giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ như những công trình nghiên cứu, là những đề tài khoa học về thơ chị đã in trong tập sách này thì tôi còn biết viết gì thêm nữa? Tôi như lạc giữa rừng hoa câu chữ ngát hương. Không như lúc bản thảo, khi lên trang, vào sách, những bài thơ của chị hay, đẹp và sang trọng hẳn. Đúng là “Men lửa”. Mỗi bài thơ của chị đều có chất men say, đều ủ lửa để rồi bùng cháy lên, tỏa sáng trong tôi. Từ “Ngọn đèn trong đêm” đến “Lửa hồng”, “Lửa nồng” rồi “Lửa xòe”, “Lửa reo” (có những 2 bài “Lửa reo” cơ nhé). Cuối cùng là “Lửa Prômêtê” “lửa ngún không lời”. Cứ mạch cảm xúc đó, ngọn lửa thơ của chị đã dẫn dụ tôi đi. Phải rồi, tôi sẽ viết về ngọn lửa trong thơ chị. Ngọn lửa ấy đã âm ỉ cháy trong từng câu chữ trên trang sách, truyền cảm hứng thi ca sang tôi.
Từ “Ngọn đèn trong đêm”, cảm thông với người chị của nhà thơ “tóc đã bạc rồi/ nét son trinh nữ một thời bền lâu”, cuối đời vẫn vò võ một mình một bóng trong ngôi nhà trống không, bám lấy thơ, vịn vào thơ, lấy tình yêu thơ làm niềm tin để sống. Trước cảnh đó, Trần Thị Nương đã thốt lên “Nỗi đau thế thái nhân tình/ Còn tê buốt kiếp chúng sinh bao đời” và “Bóng đèn bóng chị đêm đêm/ Suốt đời chắt sáng nỗi niềm sang nhau”. Ánh đèn là ngọn lửa. Giả sử không có ánh đèn/ ngọn lửa thơ ấy thì cuộc đời người đàn bà kia sẽ tăm tối đến thế nào?
Chị có nhiều bài thơ cảm động về mẹ mà sự liên tưởng lại động đến lửa. Đây là ngôi nhà của mẹ trên quê trung du nghèo khó: “Mái nhà tranh ven đồi bé nhỏ/ Mẹ lui cui nhóm bếp lửa sớm chiều” (Lửa hồng – Tr.73). “Mái nhà tranh”, “ven đồi”, “lui cui”, “nhóm bếp” là những từ thật gợi. Tôi như thấy hình bóng mẹ tôi ở đó. “Vất vả gian lao chẳng nói bao giờ/ Nghĩ về con, mẹ trồng na trước cửa/ Về thăm mẹ ngậm ngùi lòng con quá/ Cây chuối con trồng giờ đã xanh tươi”. Người ta “Trẻ trồng na, già trồng chuối” đằng này, mẹ con chị thì ngược lại. Thế mới là tất cả vì con, cho con. Vậy nên “Mái nhà tranh bếp lửa hồng Mẹ nhóm/ Suốt đời cháy mãi trong con” (Lửa hồng – Tr.57), “Củi xoan gầy cháy hết mình làm lửa/ Mẹ cời ủ chín hoàng hôn” (Ở phía bên này – Tr.63). Những hình ảnh quá đỗi thân thương vào thơ chị thật vô cùng xúc động. “Ước làm hạt sáng trong đêm/ Mẹ nhen thành ngọn lửa thêm ấm trời” (Dâng Mẹ 1 – Tr.73). Chị ví mình như “Cánh chim xa thèm tổ ấm/ Bên người/ Lửa cũng bớt đơn côi/ Mẹ vun ngày cũ/ ươm ngày mới…” (Mẹ – Tr.325). Phải rồi, chính mẹ là người nhen nhóm, ấp ủ để chị có được “Men lửa” hôm nay.
Trần Thị Nương có người chú ruột “hy sinh trước giờ chiến thắng/ Tướng Đờ Cát kéo cờ trắng ra hàng”. Chú như cha, 50 năm chị em chị khắc khoải đi tìm mà vẫn không thấy mộ chú. “Cha nằm đâu trên mảnh đất sáng lòa?/ Thắp một nén nhang lư hương bùng cháy/ Trắng toát hàng bia, tên cha chẳng thấy/ Con ôm đồi A1 gọi: Cha ơi!” (Gọi mãi Điện Biên – Tr.69). Lại là lửa. Lửa của tâm linh, của hồn thiêng sông núi.
Là người con gái đất trung du, lớn lên chị xa nhà đi công tác, trở thành nhà giáo, nhà thơ. Đó là lẽ thường tình. Vậy nhưng trái tim đa cảm của người thơ cứ rung lên mỗi khi trở về thăm quê. “Vườn xưa lạ cả lối về/ Ngõ dài nhòa sương trên cỏ/ Nén nhang quặn lòng cháy đỏ/ Rụng rời ngọn gió mồ côi” (Vườn xưa – Tr.73). Vẫn là lửa đấy nhưng ngọn lửa này “quặn lòng cháy đỏ” và làm “rụng rời ngọn gió mồ côi”. Đọc lên cứ rưng rưng. Chỉ có những tâm hồn thi ca mới cảm nhận và viết được như thế. Hay như “Hạt gạo tảo tần trong bùn đất/ Tháng Ba thương ngọn lửa cháy thầm” (Với em – Tr.105).
Trước “Cánh đồng sau mùa gặt – Tr.100), “Cánh đồng chỉ còn gốc rạ/ Con chim cuối cùng nhặt thóc đã bay” chị đã gom “những ống rạ gầy xác xơ giẫm bỏ” để “Tìm lại cái có trong cái không/ Cái còn trong cái mất…” để “Cháy về phía/ lòng bàn tay lạnh ngắt”, để “Xích lại những ai/ đời chưa kịp gần nhau/ Ngọn lửa rơm vàng/ chắt nắng/ đêm thâu…”. Sứ mệnh của ngọn lửa là yêu thương kết nối, là tìm lại những thứ tưởng chừng như vô vọng bằng trái tim thơ nồng nàn nhân hậu của thi sĩ Trần Thị Nương. Chị sẵn sàng “Đổi cả chuỗi ngày lạnh ngắt/ Cháy cùng lửa trái tim thơ” (Hai mươi năm tìm bạn – Tr.66). Trong chị có một “ngọn thác chưa bao giờ biết ngủ/ ai thương ai ngùn ngụt ngọn lửa rừng” (Phía mặt trời – Tr.64). Chị đã “Nuôi bền lửa ấm trong tâm/ Sợ chi gió lạnh thôi lâng câng chiều” (Chợt tới – Tr.323).
Có 2 bài cùng tên “Lửa reo”. Ở bài “Lửa reo” thứ nhất là “Anh đến tìm em/ Lửa reo ngày mới/ Nắng hồng tươi”. Anh đến như “Xuân lại đến” để cho “Trái đất quên tuổi mình/ Trở lại tuổi đôi mươi”. Anh đến “Ríu ran đường tới lớp/ Biển hân hoan mùa cá trùng khơi/ Đỉnh non cao đá vặn mình tách vỏ/ Những chuyến tàu đi/ Chở khát vọng bao đời” (Lửa reo – Tr.338). Đã một thời làm cô giáo, cái thời của tuổi thanh xuân, của tình yêu và khát vọng nên “khi anh tới” thì đúng như ngọn lửa reo. Chị vui cùng trời đất, rừng biển. Hân hoan lắm chứ. Rộn ràng lắm chứ. Yêu mà. Còn với “Lửa reo” sau này thì chị viết về vòng xòe. Lúc này “người” đã về sau bao biến cố “đạn bom”, “bão tố”, “chiến bại”, với những “thăng trầm”, “chắc lép”, “heo may”, “dằng dặc mong đợi”… để “Lộc nắng mới đơm đầy/ Đồng lại trổ/ Mùa vàng bất tận”, và “Lửa vòng xòe/ Lại ấm những vòng tay” (Lửa reo – Tr.410). Vòng xòe mở vòng đón nhận hay là chị mở lòng đón người ta vậy? Có lẽ cả hai. Thì thế lửa mới reo tưng bừng đến vậy chứ. Thì đây “Anh băng mùa đông giá/ Em hóa lửa trong sương”. Và đây nữa: “Thơ và người bên nhau/ Tình yêu thành ánh sáng” (Ánh sáng – Tr.320). “Tiếng anh như tiếng lửa/ cháy sáng lên đượm đà” (Tiếng anh – Tr.169). Đó là sự đồng cảm, “Hai trái tim ủ lửa/ Ngày ngày khắc khoải mong nhau” (Đồng cảm – Tr.168).
Trần Thị Nương có thời gian dài công tác ở tỉnh Yên Bái. Vì vậy, xòe Thái gắn liền với chị. Chị rất hiểu và yêu Di sản văn hóa phi vật thể thế giới này. Múa xòe gắn liền với lửa trại. Ngọn lửa và vòng tay đã kết nối yêu thương, đã ủ “men lửa” trong thơ chị. “Ai hút hồn ta say lời khắp/ Lửa xòe cháy mãi đến muôn sau” (Lửa xòe – Tr.316). “Xích lại bên nhau những bàn tay ấm lửa/ Mở rộng vòng xòe… trái đất trổ đầy hoa” (Lửa Prômêtê – Tr.348). “Những điệu xòe lựng thơm mùa cốm? Ánh mắt người xưa? Lửa đốt không lời” (Xòe bên hầm Đờ Cát – Tr.285). Để rồi, khi “Một ngày bâng khuâng về núi/ Ngỡ trong huyền thoại Mường Trời/ Lặng im cái nhìn bối rối/ Lửa lòng cháy đến khôn nguôi” (Lên Mường Trời – Tr.62).
Thần thoại Hy Lạp kể rằng, thần Prômêtê đã ăn cắp lửa của thần Dớt dành cho loài người nên đã phải chịu đựng hình phạt tàn khốc: bị trói và bị xích tận đỉnh núi Kavkaz cho đại bàng moi gan, rỉa thịt. Ngày nay, trên dãy núi Kavkaz, có đỉnh núi cao tương truyền đó là đỉnh Prômêtê. Trong “Men lửa” chị viết: “Prômêtê ủ giữa muôn nhà/ Ủ trong mắt anh. Ủ từ ruột đất/ Tôi khờ dại ủ vào thơ nhiệt huyết/ Đời ấm nồng dẫu vô cảm tuyết rơi” (Lửa Prômêtê – Tr.348). Ủ lửa vào thơ nên trong thơ chị lúc nào cũng có lửa. “Mắt ai lóng lánh sao trời/ Lửa cời men lửa… Lửa vời vợi xa” (Chợt tới – Tr.324). Bởi vậy nên “Bỗng một ngày/ Em hiện về/ dịu thắm nhành lan” “Em không đốt/ sao lòng anh vẫn cháy” (Vẫn cháy – Tr.178). Thì chị đốt anh ấy bằng thơ đấy còn gì?
Cùng với những bài thơ có lửa (cả nghĩa đen và nghĩa bóng), trong tập “Men lửa” này, Trần Thị Nương còn có 4 bài thơ về “Khát”: Khát bạn, Khát, Sóng khát, Giếng khát. Phải chăng do nhiều lửa mà chị khát? Khát vọng sống và yêu. Mở đầu tập thơ là “Khát bạn” (Tr.15). Với 4 câu lục bát đã nói lên cả nỗi niềm của chị. “Tìm người người ở nơi nao?/ Đường hun hút gió, lá xào xạc rơi/ Ai lia tia chớp cuộc đời/ Vầng trăng khát bạn đầy vơi một mình”. Chị như vầng trăng lẻ loi giữa trời luôn khát khao tìm bạn. Hình ảnh “đường hun hút gió, lá xào xạc rơi” rất ám ảnh. Hai vế của câu tám rất cân xứng mà sao người thơ có vẻ chòng chành đến thế? Cũng bởi tại “ai lia tia chớp cuộc đời” đó chăng? Và đây: “Em khát anh cánh đồng xanh khát nước/ Tình đôi ta nung nấu lửa âm thầm/ Bao nỗi nhớ đủ cho ngày gặp mặt/ Bao thăng trầm đủ thắm lại ngày xuân…” (Khát – Tr.27). Thế là đã rõ. Lửa và khát tự trong tâm người thơ rồi. Hay đây: “Anh mãi là giếng khát trong tôi/ Dẫu cuộc đời sắc màu choáng ngợp/ Trong và sạch không thể nào khác được/ Cả những khi ta ở kiếp sau rồi” (Giếng khát – Tr.162). Và đây nữa: “Sao xanh rơi xuống vùng biển thẳm/ Mặn mà lắng đọng mấy tầng sâu/ Mắt ai rơi xuống hồn em đó/ Sóng khát trong đời nỗi nhớ nhau” (Sóng khát – Tr157). Phải yêu lắm lắm chị mới nhớ và khát khao đến thế.
Không chỉ “lửa” và “khát” hiện hình trên tiêu đề các bài thơ mà chúng còn xuất hiện trong các câu thơ của những bài thơ khác nữa. “Khát nhau như khát nước lành/ Mà vờ trốn chạy vòng quanh cả đời” (Nhật thực – Tr.276). “Cây khát trời nảy lộc/ Người khát người nảy thơ” (Tình yêu mùa xuân – Tr.166). “Chỉ cần nghe anh nói/ giọng đàn nào khát khao” (Tiếng anh – Tr.276)… Chị có hẳn 2 tập thơ có tên cùng với “khát”, đó là “Giếng khát” và “Sóng khát” chắc cũng vì lửa đó. Thế nên, tập thơ chọn này mang tên “Men lửa” là đúng rồi! Tình yêu và niềm khát khao giao cảm là một trong những nguồn mạch chính tạo nên thơ chị. Văn hóa gia đình, dòng tộc, làng xã, quê hương đất Tổ cộng với cuộc sống muôn sắc màu đã ánh xạ vào thơ chị. Những người lao động lam lũ, cần cù, chịu thương chịu khó cùng với những lời hát ru, câu dân ca, chuyện cổ là những người thầy cho chị niềm tin và làm thơ.
Đời thường, Trần Thị Nương sống nhân hậu, cởi mở, chu đáo với mọi người. Gặp ai chị cũng xởi lởi, chân thành, dù chỉ là mới gặp lần đầu. Mỗi chuyến đi xa, chị đều chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ tới từng chi tiết, cho mình và cho bè bạn, người thân. Chị sống rất nội tâm, đa cảm. Nhiều lần tôi thấy chị khóc khi làm thơ, đọc thơ. Chị trải lòng mình trên trang giấy, đắm đuối cùng nhân vật, cẩn trọng chắt chiu chọn lọc từng câu chữ. Đấy là những lúc men thơ, lửa thơ đang cháy trong chị. Và chị đã cháy hết mình cho thơ, cho đời. “Ta say trái đất người nhân hậu/ Trái tim thắp lửa cháy từng ngày” (Mùa xuân mới – Tr.149); “Ai về tìm rượu để say/ Tôi tìm nhân thế tháng ngày ủ men” (Đường nhân gian – Tr.95).
Hòa đồng với mọi người, trách nhiệm với cuộc sống nhưng Trần Thị Nương chỉ nhận mình là hạt cát bé nhỏ thôi. “Em chỉ là hạt cát quãng đường cong/ Giáp vịnh rồi nên bờ em phải thế/ Hạt cát em hóa thân trên chảo lửa/ Ngô nổ rồi. Em vẫn cát mà anh”. Lại là lửa. Hạt cát trên chảo lửa chấp nhận sức nóng để cho những hạt ngô nở bung thành bỏng ngô, thành những bông hoa xinh xinh nhỏ xíu. Rất hình ảnh. Rất khiêm nhường. Hạt cát sẵn sàng nhận sự hy sinh đó để cho cuộc đời nở hoa tươi đẹp hơn.
322 bài thơ trong “Men lửa” với đủ các thể loại đã làm nổi bật gương mặt thơ Trần Thị Nương. Từ lục bát truyền thống đến thơ văn xuôi, thơ hai câu; từ thơ năm chữ, sáu chữ đến thơ tự do (có đôi bài biến thể “tân hình thức”, “hậu hiện đại”). Dù ở thể loại nào đi chăng nữa thì men lửa trong mỗi bài thơ khi thì âm ỉ nhen nhóm, lúc lại bùng tỏa, rừng rực sức sống. Tất cả đã thể hiện khát khao sống, khát khao yêu, bất chấp mọi gian khó, nhọc nhằn của chị. Tôi ấn tượng mãi với bài thơ “Dây bầu và bức tường mảnh chai” (Bài thơ đã được Tạp chí Văn nghệ Quân đội bình chọn là một trong những bài thơ hay nhất sau 1975). Triết lý nhân sinh, cuộc đời được chị khái quát qua hình tượng dây bầu và bức tường mảnh chai. “Trên bức tường mảnh chai/ dây bầu xanh thanh thản/ Mảnh vỡ sinh ra từ vỏ nào rỗng tuếch/ dây bầu sinh ra từ đất mẹ xửa xưa/ Mảnh chai tua tủa – dây lan óng mềm/ mảnh chai nhọn hoắt – hoa cười hồn nhiên/ Đom đóm bay qua bức tường mảnh chai/ gặp dây bầu bật lên thành đốm lửa/ Đàn chim bay qua bức tường mảnh chai/ gặp dây bầu hát lên thành cung bậc/ Mặt trời đi qua bức tường mảnh chai/ trổ những nụ trắng ngần/ hóa thành dây ánh sáng/ Trên bức tường mảnh chai cứa vào không gian/ dây bầu/ ung dung/ trĩu quả” (Dây bầu và bức tường mảnh chai – Tr.92)
Tập thơ chọn lọc “Men lửa” là công trình thơ tâm huyết của cả đời cầm bút đi và viết của nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Trần Thị Nương. Được biết, gần như đồng thời với “Men lửa” thì tập thơ “Hẹn với hoa hồng” của chị đã được một nhà xuất bản uy tín ở Mỹ xuất bản bằng hai thứ tiếng, Việt và Anh. Một năm dồn sức, dồn nhiệt huyết cho thơ, chị đã gặt hái thành công. Trần Thị Nương – người con của “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” đã cháy hết mình cho thơ, truyền men lửa thơ sang tôi và mọi người, vượt cả biên giới quốc gia đến với nhiều nơi khác nữa.
Xin được tự hào về chị và chúc chị luôn vui khỏe yêu đời, tiếp tục lan tỏa yêu thương và thành công hơn nữa.
Đỗ Xuân Thu