Mùa đông năm 543.
Sau khi đánh đuổi Thứ sử Vũ Lâm hầu Tiêu Tư và đánh tan ba đạo quân của Thứ sử các châu Ninh Châu, La Châu, Việt Châu và nhất là Thứ sử Nguyễn Hán tổng quản Ái Châu thuộc Lương triều, chủ công Lý Bí cùng với các vị lão tướng Phạm Tu, Triệu Túc chia binh mã đi các nơi ổn định mọi việc bất ngờ nhận được tin từ đàng trong nơi Hoài Hoan, Cửu Đức, vua Lâm Ấp là Rudravaman đã cử đại binh vượt ải Hoành Môn Sơn khí thế rất hung hăng. Đã thế, bọn người Rudravaman còn sách động lân quốc Di Lạo hợp binh với chúng hòng chiếm các vùng Hoài Hoan, Cửu Đức, Ái Châu. Lập tức, quân sư Tinh Thiều cùng lão tướng Phạm Tu đã phải xuất binh về phía nam bày kế đánh quân Lâm Ấp.
Đại điện kinh thành Di Lạo.
Luôn mấy hôm liền, quần thần Di Lạo bàn tán mãi chưa ngã ngũ việc vua nước Lâm Ấp Rudravaman cử sứ đoàn tới thuyết phục vua Phạ Xum xuất binh cùng tiến đánh Hoài Hoan, Cửu Đức. Trong quốc thư, vua Rudravaman giao ước khi thắng trận sẽ chia thành Đô Lung cùng ba huyện phía tây sát tới thung lũng Cửu Dương sẽ thuộc về Di Lạo. Chẳng hiểu lấy bằng cứ từ đâu, vua Rudravaman một mực cho rằng, các vùng đất Hoài Hoan, Cửu Đức kéo tới già nửa Ái Châu bảy huyện xưa nay chính là đất của Lâm Ấp và Di Lạo từ thượng cổ. Nay thời cơ đã đến, Thứ sử Nguyễn Hán binh bại chết trận, các vùng Ái Châu, Hoài Hoan, Cửu Đức như rắn mất đầu tất phải quay về chủ cũ cũng là hợp lẽ trời. Dẫu là như thế, song người Lâm Ấp vốn tráo trở khó lường, từng đã nhiều lần xâm phạm phía nam thung lũng Dong Chuôm khiến đức vua Phạ Xum chưa vội tiếp sứ đoàn mà trước mắt hãy để các văn thần võ tướng bàn bạc thấu đáo.
Trong triều khi đó, phái chủ chiến đang mạnh miệng muốn dùng binh lực để thôn tính đất đai vốn có truyền thuyết cho rằng xưa từng thuộc về tộc Champasak – dòng dõi đương kim đức vua Di Lạo. Cũng khá lâu chưa động tới binh đao, nên các võ tướng muốn nhân dịp này tạo thanh thế trong triều. Một bên, các vị văn thần đứng đầu là tộc trưởng Kandai lại cho rằng, việc binh là việc hiểm, không thể nhất thời hồ đồ nghe theo lời xúi bẩy của vua Rudravaman. Đã hàng trăm năm nay, sở dĩ Di Lạo được yên ổn thái bình chính là vì biết kết giao với các tù trưởng vùng biên viễn Hoài Hoan, Cửu Đức, Đô Lung, Cửu Dương và bản thân các vị Thứ sử Ái Châu luôn cư xử rất đúng phép tắc với lân quốc Di Lạo. Nay bỗng dưng nhà người có biến, đã không giúp được thì chớ, lại thừa cơ trục lợi chưa biết tình hình sẽ dẫn tới đâu. Xuất binh ra khỏi bờ cõi đánh nước người xưa nay đều là chuốc lấy bại vong ô nhục.
Đang lúc vua Phạ Xum còn phân vân chưa quyết, bỗng bên ngoài báo có sứ đoàn của vua người Giao Châu xin vào gặp. Thoáng trong đầu đức vua Phạ Xum lập tức nảy kế hay, ngài bèn ra lệnh cho mời cả hai sứ đoàn vào hội triều, tiện để các sứ tranh biện tránh chuyện khó xử về sau. Quần thần đều cho rằng kế sách của đức vua quả rất cao minh. Cũng là một dịp hay để văn thần võ tướng xem màn đấu trí của hai sứ đoàn.
Buổi sáng, trong đại điện trang nghiêm quy củ, đức vua Phạ Xum đang độ tuổi tứ tuần uy nghi cân quắc ngự trên chiếc ngai vàng trang trí diễm lệ. Phía dưới, hai hàng văn võ chia nhau đứng chầu. Ngoài sân, hai mươi bốn thớt voi trên lưng đều phủ vải đỏ thêu hoa văn rất trang nghiêm. Chính giữa sân đặt chiếc vạc dầu lớn dưới chất củi cháy bốc cao, bên trong dầu sôi sùng sục càng tăng thêm không khí căng thẳng. Bốn toán võ sĩ lực lưỡng cởi trần xăm hình đầu voi chính giữa ngực tay tuốt gươm trần như có ý thị uy nhắm tới hai sứ đoàn vốn đến đây đều vì chuyện sinh tử mất còn sắp đấu trí với nhau vì lợi ích của mỗi lân quốc.
Sứ đoàn Lâm Ấp được triệu kiến tới trước hăm hở tiến vào. Vị đặc sứ tuổi còn khá trẻ nhưng khí độ hiên ngang đã sớm báo danh từ trước chính là dũng tướng Bố Đa Luân, con của Đại tướng Bố Đa Ngai lừng danh Lâm Ấp. Dòng họ Bố Đa thị ở Lâm Ấp xét về huân công chiến tích xưa nay đều ngang ngửa với dòng họ Rudravaman. Bố Đa thị đời đời làm Đại tướng kiêm Tể tướng các đời vua Lâm Ấp. Đích thân sai con trai là dũng tướng bản triều làm đặc sứ, Đại tướng Bố Đa Ngai muốn tỏ rõ uy phong và dã tâm quyết thôn tính Hoài Hoan, Cửu Đức, Ái Châu. Đó cũng là tạo thêm thanh thế uy vọng cho dòng dõi Bố Đa thị sau này.
Hiên ngang tiến thẳng tới trước mặt quốc vương Phạ Xum, đặc sứ Bố Đa Luân gập người cúi chào thi lễ cẩn thận rồi cất giọng rổn rảng nói:
– Mạt tướng Bố Đa Luân đặc sứ Lâm Ấp kính chúc đức vua vạn thọ vô cương! Mạt tướng kính chuyển lời mừng của đức vua Rudravaman đồng thời xin đức vua hãy lập tức xuất binh hội sư đòi lấy các vùng đất cũ Hoài Hoan, Cửu Đức, Ái Châu tiện phân chia với Lâm Ấp. Xin đức vua gia ân mệnh lệnh!
Các vị võ tướng trong triều khuôn mặt khẽ giãn ra đầy biểu cảm. Bên dãy quan văn đứng đầu là tộc trưởng Kandai không giấu nổi vẻ lo lắng trước kế xúi xuất binh của vua Rudravaman.
Vua Di Lạo còn chưa cất tiếng, đã thấy từ bên ngoài tiến vào trong điện đoàn đặc sứ của vua Lý Bí. Vị đặc sứ tuổi trạc năm mươi cao lớn thanh thoát, đôi mắt rực sáng song vẫn ẩn tang sự trầm hậu thong thả tiến tới thi lễ cất giọng nói:
– Tại hạ Tinh Thiều chuyên giúp việc văn tự cho chủ công Lý Bí xin được kính thỉnh đức vua an khang, xin kính chúc muôn dân mười bảy tộc đứng đầu là thị tộc Champasak do đức vua hiền minh dẫn dắt mãi thái bình thịnh trị, dân chúng an vui, tạo phúc cho bách tính các lân quốc trăm năm bền vững.
Đức vua Phạ Xum tươi nhuần nét mặt trước lời chúc bao hàm nhiều ý nghĩa của vị văn thần cũng là quân sư nức tiếng vừa mới giúp chủ công Lý Bí đánh bại Vũ Lâm hầu Tiêu Tư với những chiến thắng liên tiếp khiến Lương triều mất mặt khẽ nhổm người trỏ xuống nói với hai sứ đoàn:
– Các vị đặc sứ hãy bình thân! Trẫm nước nhỏ dân ít, xưa nay chỉ muốn yên ổn thái bình, tuân theo đạo lý, giữ các mối giềng không dám sơ suất với lân quốc. Nay các vị đã đến đây hẳn đều có chủ ý của mình. Về phía đặc sứ Bố Đa Luân đã nói rõ muốn trẫm xuất binh. Còn như ẩn ý của đặc sứ Tinh Thiều lại muốn giữ thái bình không động binh đao. Các vị đặc sứ hãy thử nói xem? Ở vào vị thế của trẫm, cuộc này phải đánh trận hay là ở yên một chỗ? Nhân đây còn có các văn thần võ tướng, các vị hãy cứ nói thẳng ý mình đừng ngại. Dẫu sau này trẫm quyết sách thế nào, quyết không truy cứu những người nói ngược với ý trẫm.
Đức vua Phạ Xum vừa dứt lời, đặc sứ Bố Đa Luân đã hùng dũng bước ra nhìn thẳng vào sứ đoàn Tinh Thiều cất giọng hùng hồn:
– Bẩm trình đức vua! Mạt tướng đã nói rõ từ đầu. Ý của vua nước chúng tôi là mong muốn quý quốc dẫn binh cùng khai chiến đoạt lấy đất cũ mà tổ tông các tộc Bố Đa thị, Champasak đã phải tốn máu xương mới có, sau bị bọn người không đồng chủng tộc cướp về. Nay Ái Châu, Hoài Hoan, Cửu Đức vốn thuộc Lương triều, bọn Thứ sử các châu ấy bị giặc cỏ Lý Bí đuổi giết tất thành vô chủ. Nay tên giặc cỏ Lý Bí, bên trong thì chưa chính danh làm vua, bên ngoài chỉ cậy vào vài viên tướng quen nghề trộm cướp làm càn, không thể nào làm chủ các vùng Ái Châu, Hoài Hoan, Cửu Đức được. Nay mạt tướng kiến nghị, hãy quẳng mấy tên man di mạo danh này vào vạc dầu rồi lập tức xuất binh chiếm lấy Ái Châu, Hoài Hoan, Cửu Đức mới là thượng sách. Nếu đức vua còn chần chừ, hãy để nước chúng tôi lấy cả không chừa một tấc nào, khi ấy cũng đừng nên trách rằng Lâm Ấp không báo trước.
Vua Phạ Xum khuôn mặt thoáng trở nên căng thẳng, không ngờ đặc sứ Bố Đa Luân không kiêng dè gì, giữa chốn triều đình lân quốc coi việc xuất binh như trò sai khiến đứa trẻ đã toan mắng, song thấy vị đặc sứ trung niên khuôn mặt vẫn tươi nhuần, chỉ cặp mắt rực sáng hơn lúc trước đang thong thả tiến ra thi lễ rồi nhìn thẳng vào vị dũng tướng Lâm Ấp nói rành rọt từng tiếng:
– Tấu trình đức vua! Vị đặc sứ đại diện vua Rudravaman nói thế sai rồi. Xưa nay đất nào chủ nấy, nam bắc đông tây phong tục rõ ràng mà ranh giới cũng đã từ lâu phân định. Nay các lân quốc chúng ta càng phải biết rõ đạo lý ấy mới có thể yên ổn thái bình. Chủ công ta biết bao năm nếm mật nằm gai mới đánh đuổi được bọn giặc phương Bắc hàng trăm năm cai trị chúng ta. Cứ tưởng rằng, vua Lâm Ấp phải sáng suốt biết ơn chủ công Lý Bí ta mới phải. Chẳng phải là chủ công Lý Bí đã đánh bại bọn Vũ Lâm hầu Tiêu Tư, Thứ sử bốn châu An, La, Việt, Ái, mới thêm nhẹ gánh cho dòng họ Rudravaman ư? Nếu Nguyễn Hán còn là đại quan của Lương triều, chẳng phải các ngài hàng năm đều phải đem vàng bạc châu báu tiến cống về phương Bắc hay sao? Nay lẽ nào chủ công ta vừa cất đi cho các ngài gánh nặng, đã không biết ơn thì chớ, còn dã tâm động binh cướp đất, chuốc lấy oán thù, chẳng phải là tự diệt vong mình hay sao? Đức vua Phạ Xum vốn dòng dõi Champasak hiền minh sáng suốt, chắc chắn sẽ không đời nào nghe lời xúi bẩy của vua tôi Lâm Ấp các ngài đâu. Bố Đa thị xưa nay công quả thanh danh không phải nhỏ, sao ngài không nhìn thấu đạo lý này? Lão phu sống cũng đã già nửa đời người, nay có vài lời muốn chia sẻ với ngài đặc sứ.
Vị đặc sứ đại diện cho chủ công Lý Bí nói tới đâu, khuôn mặt đám quan văn trong đại điện giãn ra đến đấy. Ngay cả khi bị khiêu chiến đe dọa tới tính mạng, đặc sứ Tinh Thiều vẫn ôn tồn chỉ ra những chỗ cốt yếu nhất cũng là dã tâm của vua Rudravaman đã khiến quốc vương Phạ Xum sực tỉnh. Với quốc lực hiện nay, nếu xuất binh vào hùa với Lâm Ấp, may có thể chiếm được Ái Châu, Hoài Hoan, Cửu Đức đi chăng nữa, chắc gì người Rudravaman sẽ giữ lời? Khi ấy cáo cầy đã chết, bọn họ lại giở trò hết thú bẻ cung tên thì phải tính làm sao? Xưa nay đã không ít lần, người Di Lạo phải ngậm đắng nuốt cay với người Lâm Ấp cũng bởi những ngon ngọt hão huyền như vậy.
Đức vua còn chưa đưa ra chủ ý, thật bất ngờ, đặc sứ Bố Đa Luân bỗng trỏ tay vào Tinh Thiều mắng lớn:
– Tên man di miệng lưỡi rắn độc kia! Ngươi lấy tư cách gì dám dạy dỗ vua ta? Đất đai trong thiên hạ xưa nay mạnh ai nấy chiếm, cần gì đến đạo lý nào. Nay hùng binh Lâm Ấp đã vượt Hoành Môn Quan, há chỉ vì mấy lời của tên hủ nho ngươi mà bãi đi được sao? Để ngươi khỏi mở lời rắn độc, bản tướng sẽ kết liễu tính mạng của ngươi ngay tại nơi đây mới được.
Nói đoạn, bất chấp đang mặc bộ đặc sứ trên người, Bố Đa Luân rút soạt thanh trủy thủ giấu sẵn từ trước nhằm thẳng yết hầu vị đặc sứ cao niên đâm tới. Cả đại điện thất kinh trước diễn biến đột ngột bất chấp thể diện của đặc sứ Lâm Ấp cũng chưa biết xử lý ra sao. Bỗng thấy “huỵch” một tiếng, một bóng người đổ gục ngay giữa sân điện, hai tay kẻ nằm sấp dưới đất bị bẻ quặt ra phía sau. Chiếc trủy thủ đã bị tước quăng vào một góc.
Gặp phải tay cao thủ, cứ tưởng ăn sống nuốt tươi ngay được vị đặc sứ trung niên, nào dè chỉ bằng vài thế võ vô cùng mềm mại, đặc sứ Tinh Thiều đã tước đoạt ám khí còn quật ngã kẻ hung hăng xuống dưới sàn điện, chân ngài giẫm cứng lên lưng kẻ ám sát. Mọi việc diễn ra nhanh đến mức, đám võ sĩ ngoài sân còn chưa hiểu chuyện gì.
Mãi một lát sau, hình dung rõ sự việc, đức vua Phạ Xum mới lớn tiếng quát:
– Bố Đa Luân! Nể tình nhà ngươi là đặc sứ của quốc vương Rudravaman, trẫm mới trọng thị mời vào đại điện nghị sự. Nay ngươi bất chấp đạo lý, giữa đại điện của trẫm còn manh động ra tay giết người như phường thảo khấu, hỏi còn gì thể diện của Lâm Ấp nữa? Đặc sứ như ngươi, không chỉ làm nhục mệnh vua, mà còn bôi bẩn dòng họ Bố Đa thị. Dám rút đao kiếm trước mặt trẫm là ngươi tự chuốc lấy cái chết, chớ có trách gì ai. Thân làm dũng tướng, phải đường đường đấu võ nơi sa trường phân tài cao thấp, chứ nay lại dùng ám khí hãm hại đồng sứ thật chẳng ra thể thống gì. Cũng may vị đặc sứ đây sớm phân biệt rõ nặng nhẹ, không chỉ nhìn xa trông rộng, biết lấy sự an yên của bách dân lân quốc làm đạo lý bang giao, mà còn võ nghệ cao cường, võ đức sáng rõ, đã dạy cho ngươi một bài học. Võ sĩ đâu! Đem quẳng tên giặc nhục vua hại nước này vào vạc dầu cho trẫm để làm gương. Còn hãy mau chuẩn bị yến tiệc để ta tiếp sứ đoàn của chủ công Lý Bí.
Vua còn chưa dứt lời, toán võ sĩ ngoài sân điện đã ập vào trói nghiến Bố Đa Luân. Đoàn tùy tùng người Lâm Ấp cùng đi ai nấy sợ xanh mặt không thốt nên lời. Mặc cho Bố Đa Luân mắng chửi đe dọa với ngôn ngữ hết sức tục tĩu, toán võ sĩ cứ thế tóm chặt họ Bố quẳng tõm vào vạc dầu đang sôi sùng sục khiến trong ngoài sân điện không khí như đông đặc lại.
Trong buổi thết yến, đặc sứ Tinh Thiều đã tranh thủ tấu trình nhiều vấn đề liên quan tới các lân quốc trong thế phải kết thành một khối mới có thể kình chống với phương Bắc. Nghe tới đâu, quốc vương Phạ Xum như được mở mang thêm ra đến đấy. Kể từ đó tới mãi về sau, kết mối bang giao của Lý triều với Di Lạo là vô cùng khăng khít vậy.
Truyện lịch sử của Phùng Văn Khai