Tết sắp về. Cái rét hanh hao của mùa đông khắc nghiệt đã có phần dịu lại. cây mận góc vườn đã trổ hoa trắng xóa. Chợ quê ngày một đông, bành trướng ra tận ngoài lộ, đa phần là quất, đào, cây cảnh, chuối xanh và bưởi vàng, có cả những chậu mai vàng gốc gác từ miền Nam trị giá tiền triệu cũng có mặt. Người người mua sắm rộn ràng, sang sửa nhà cửa đón tết – một cái tết đầy hứng khởi vì đã qua dịch Covid-19. Trong không khí tưng bừng ấy, có lẽ người vui nhất xóm tôi là Hoàn.
Chuyện Hoàn lấy vợ cứ xì xầm trong xóm như một chuyện lạ. Người thì bảo số Hoàn đào hoa cưa đổ được cô tiểu phá giới xinh lắm. Người lại bảo: “Anh ta bị một mụ nạ dòng bỏ bùa mê”. Mà thôi, nồi nào úp vung nấy!
Nhà Hoàn chỉ cách nhà tôi ba nóc nhà. Nghèo quá, anh sống lép như một cái bóng, chẳng giao du trà lá với ai. Ấy thế mà lại dám cưới vợ! Thời buổi này xoàng xĩnh cũng phải có đôi ba triệu mới hòng cưới xin.
Hoàn “cưới chui”. Anh sửa một mâm cỗ, đặt ngay ngắn lên bàn thờ cúng gia tiên. Một con gà sống luộc, còn bốc hơi nghi ngút béo ngậy. Mấy thẻ hương thơm ấm cúng, một nải chuối xanh. Một quả bưởi vàng ươm. Sau làn khói hương mờ ảo, thấp thoáng hình ảnh bà cụ mẹ Hoàn. Anh chắp tay rì rầm khấn. Rồi đến cô vợ mới xít xoa khấn theo…
Hoàn rót một chén nước mời tôi, rồi lấn cấn xuýt xoa như kẻ có lỗi.
– Bác thông cảm, cảnh rổ giá cạp lại mà.
– Thôi, cũng mừng cho cô chú.
Tôi rút ra cái phong bì ở túi. Hoàn chối đây đẩy.
– Bác sang chơi với chúng em là vui rồi, bác ở lại đây uống với em chén rượu nhạt là quí rồi.
Thương hoàn cảnh nghèo của Hoàn, tôi chấp nhận.
– Ừ thì uống!
Mâm cỗ cúng được hạ xuống phản. Lát sau, cô vợ đã bưng lên một đĩa thịt gà ngồn ngộn. Tôi và Hoàn ngồi vào mâm, cô ta còn loanh quanh ngượng nghịu, ngồi ghé một bên. Cỗ đã nguội ngắt nhưng cũng chẳng thua đám nào: Một đĩa giò, một bát miến, một đĩa dưa chuột nộm, lại bát canh chuối nấu ốc thơm mùi lá lốt. Đặc sản của làng… Sau mấy hớp rượu, mặt Hoàn đỏ lựng, tiếng đã méo xệch, giọng cứ la đà:
– Bác thông cảm cho, con vợ cũ của em bỏ đi, từ cái chuyến ngược Lào Cai năm đó. Ở nhà bấn quá! Ba đứa cháu phải bỏ học. Em thì loét dạ dày, đi viện mổ cấp cứu… Thế rồi đói. Đói thực sự ấy bác ạ. Thời buổi gạo thóc được mùa, lương thực tràn như nước, xuất khẩu mà kêu đói thì người ta cười cho. Em đành cho bọn trẻ đi gánh gạch thuê cho lò gạch cai Vĩnh kiếm gạo nuôi bố. Em chẳng có gì bồi dưỡng, lẩy bẩy yếu ớt, tưởng chết. Lại còn cái khoản nợ ba chục triệu cô ấy để lại, lãi mẹ đẻ lãi con. Đành bán nhà, bán đất đi mà trả. Em cố dựng lên được cái gian nhà này. Bác thấy đấy, cốt có chỗ chui ra, chui vào… xã cứu đói, mỗi lần được vài chục nghìn, như muối bỏ bể. Rồi Hội Cựu chiến binh cho vay vốn nuôi lợn. Cũng ăn hết. Đến cái kỳ em phải mổ lại. Năm triệu đồng trọn gói. Bác tính ăn còn chả đủ. Thôi đành chết thì chết. Đang lúc quẫn bách ấy, thì cô này đến. Ra số mình vẫn có quí nhân phù trợ.
Hoàn quay sang người đàn bà ý như cảm ơn, rồi lại gắp một miếng giò vào bát tôi một miếng vào bát vợ, rót thêm rượu.
– Hôm nay, bác phải uống say với em. Chả mấy khi… em xin báo cáo hết. Nhớ lại cái đoạn đời ba đào đã qua, bỗng giọng Hoàn chùng xuống như nói một mình.
– Mà cái con mụ trước, đàn bà dám bỏ chồng con đi theo một thằng nhăng nhít nhưng nhiều tiền, là cái giống khốn nạn. Cái thằng đàn ông như em không nuôi nổi mấy đứa con, cũng là thằng khốn nạn. Nhưng ở đời không phải toàn là những kẻ bất nhân như thế bác ạ. Thì ra, ở đời vẫn còn người tốt. Hoàn lại đưa mắt sang người đàn bà ngồi bên, đầy hàm ơn. Má chị ta bỗng ửng lên.
Mãi đến trưa mấy đứa trẻ đi gánh gạch thuê mới về. Hoàn bảo vợ: Lan sắp cơm cho các con ăn đi!
Bốn đứa trẻ đói ngấu, ùa vào mâm cỗ. Chẳng đứa nào nói với đứa nào. Gắp ào ào và ào ào. Chỉ lát sau, cái mâm cỗ đã vơi hẳn, bát đĩa chỏng chơ. Mấy khuôn mặt xanh tái, nhếch nhác của con trẻ tươi lại.
Xong bữa, mỗi đứa một đôi quang gánh chuẩn bị đi “ca chiều”. Lan dọn mâm bát, bưng một thau nước, một cái khăn mặt, đặt sẵn ở hiên. Chờ đến lúc này, Hoàn mới ghé vào tôi, thì thầm trong hơi men:
– Hai đứa con gái với thằng bé là con cô trước đấy. Còn thằng cao ngổng, trắng trẻo là con cô này. Nó mới được đón ở quê ra. Thế là tự nhiên em có thêm một thằng cu. Cá vào ao ta, ta được bác ạ! Hoàn cười khà khà khoái chá – Nó là dân Trường Sơn đường mòn đấy. Mẹ nó trước là thanh niên xung phong mà. Cái giống trẻ con không có bố dễ tủi thân lắm. Em chẳng dám nói nặng với nó bao giờ. Mới lị, nó chịu khó, ngày gánh mấy nghìn gạch hết veo. Lại tuần ba buổi đi học lớp tình thương. Hôm qua, họp phụ huynh cô giáo bảo: Nó đọc chậm, nhận chữ chậm, lúc nào cũng ngơ ngơ đãng trí. Nói dại, hay nó ảnh hưởng cái chất độc hóa học hả bác?…
Rượu tàn. Chuyện vãn. Tôi đã toan đứng dậy, thì Lan đã đặt vào mâm một đĩa táo ngon lành. Những ngón tay thô ráp lam làm kia mà thật khéo.
– Cô Lan quê ở đâu ta?
– Dạ quê em ở Thanh Hóa, nhưng ra ngoài này làm đã mấy năm rồi.
Hoàn bảo:
– Ngày mới ra, làm cô tiểu ở chùa làng mình. Được một năm, nhớ con quá về đón ra. Thế là bị sư thầy đuổi. Mẹ con lang thang theo cánh phụ hồ, khi làm ở làng, khi về thành phố. Đêm bạ đâu ngủ đấy giống như giống mèo hoang. Cái hôm bị bảo vệ làng ta bắt, em phải đứng ra xin cho. Rồi đón về nhà. Bác bảo, ăn hết nhiều chứ ở có thêm 2 mẹ con cô ấy, nhà vẫn rộng chán. Sáng sáng cô ấy đi theo em làm chân phụ hồ. Thế rồi người ta cứ đồn rằng em lấy cô tiểu! Ừ thì lấy đã sao.
Lan ngoái lại nguýt chồng.
*
* *
Từ hôm ấy, hễ có ấm chè ngon, Hoàn lại mời tôi sang. Vẫn ngôi nhà ấy, vẫn những con người ấy mà đổi đời nhanh quá. Tường nhà đã quét vôi trắng lóa. Hai bên thềm đặt hai chậu cúc, hoa vàng tươi rói. Trong nhà có thêm cành đào đầy nụ lắp đèn nhấp nháy. Hoàn súng sính trong cái áo vét Tàu hơi dài, nhưng được cái còn mới.
Ấm chén được đánh sạch bong. Phích nước sôi lúc nào cũng sẵn…
– Bác xơi nước đi, chè Thái chính hiệu đấy
Về hưu phải có người bạn trà, lúc rỗi khề khà với nhau cũng sướng!
– Em xem lịch “Vạn sự” được tuổi làm nhà đấy bác ạ!
– Chú tuổi Bính Tý chứ gì?
– Vâng tết này, tết nữa em được nhập lão đấy!
Lan đang loay hoay chằng mấy bao hàng lên chiếc xe đạp thồ, bỗng cười khi khí, nói vọng vào:
– Ông lão trẻ đấy bác ạ. Đi đám cưới còn tít mắt với mấy ả phù dâu…
– Tầm bậy, thì người ta vất vả, cũng phải cho xả láng tý chứ. Đàn bà là chúa máu Hoạn Thư…
Tôi đáo sang chuyện khác:
– Mà bọn trẻ đâu cả?
– Hai đứa đi học chiều sáng đi gánh gạch, thằng lớp tình thương học bán trú. Còn hai bố con em ở nhà, Lan khoán gọn: đảm bảo hai bữa cơm, phụ trách đôi lợn và mấy chục con gà Tam Hoàng. Mỗi ngày còn đóng 200 viên than. Ai gọi mua thì “dịch vụ” ngay…
– Thế thì kỳ này cô chú lên nhà mới là phải.
– Nhà em lấy được 2 xuất họ mới mua được khối xoan, 1 vạn gạch… còn tiền công, xi cát phải trông vào tháng sau xuất chuồng mấy tạ lợn…
Ngoài sân mùi lá bưởi thơm mát quá. Lan gội đầu hong tóc thả bay theo chiều gió…
*
* *
Thế rồi bỗng cô vợ cũ trở về. Cái đột ngột lại làm cho cả xóm xì xầm, chả khác gì ngày Hoàn lấy vợ mới. Mụ ngồi xe ôm về tận cổng. To béo lừng lững. Cái mông cái ngực cứ núng nính như một phản thịt! Người ta đồn: Mụ lừa lão chồng bên Quảng Tây trốn về. Người lại bảo: “Nó” yểm bùa rồi, chỉ một tháng sau, cứ bồn chồn, lại đường cũ mà tự dẫn xác sang. Thực ra cái đoạn đời khuất ấy của mụ, cũng chẳng biết nó thế nào. Bây giờ mụ bày ra đầy một cái phản, nào quần áo, nào đồ chơi, với nắm nhân dân tệ còn xót trong túi áo. Thấp thoáng quanh cái cổ béo ngấn một sợi dây chuyền vàng. Trên mấy ngón tay, hai ba cái nhẫn vàng chóe. Mụ gọi ba đứa con lại chia quà…
Mấy hộp kẹo lạ. Mấy cái áo, quần lạ tưởng hấp dẫn. Vậy mà chẳng đứa nào thèm đến. Chúng gườm gườm nhìn mụ rồi lảng. Mặt Hoàn tái đi, rồi đá bung tất cả ra sân.
– Đốn đời, cô còn dám vác mặt về đây ư?
Tức thì, mụ tru lên oan uổng. Rồi mụ kể lể: ngày ấy bị nó lừa sang Trung Quốc, bán cho một lão già…
Hoàn trợn mắt:
– Sao cô không theo mãi cái lũ ăn sung mặc sướng ấy.
Lan vừa đi lấy được ít rau lợn về, thấy trong nhà ồn ào vội chạy vào:
– Anh điên đấy à. Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại. Mà chị ấy đi mấy năm mới ở xa về, cũng phải để cho mẹ con chị ấy gặp nhau đã chứ! Năm hết, tết đến rồi!
Nhà đã vắng ngơ. Mấy đứa trẻ đã đi cả. Đứa đóng than, đứa đi học… lúc này mụ gục xuống khóc. Khóc thực sự. Tất cả đã không còn là của mụ. Ngôi nhà này, Hoàn và cả 3 đứa con mụ dứt ruột đẻ ra. Mụ đầm đìa nước mắt. Thế là mất hết! Mụ vội thu tất cả tư trang nhét vào cái va li to kềnh, len lén bước ra cổng. Con vện trong bếp bỗng hộc lên rối rít. Lan tháo xích cho con chó chạy ra gặp chủ cũ. Nó lao ra, rồi khựng lại sủa ầm ĩ. Mùi nước hoa lạ hoắc, sực nức đã làm nó không nhận ra được chủ cũ…
Một cơn giông bất ngờ ập đến. Trời tối xầm. Rồi mưa đá! Những hạt mưa to đùng từ tầng trời lao xuống như thủy tinh vỡ vụn dưới sân. Mọi người tá hỏa tháo chạy, cô vợ cũ của Hoàn không chạy, dạt vào gốc cây vệ đường xòe ô che đầu đoạn mang di động ra bấm, chắc là gọi xe ôm hoặc taxi gì đấy. Đã cuối mùa đông mà mưa rào lại còn mưa đá nữa. Người thì bảo đó là thời tiết cực đoan. Người lại bảo đó là điềm gở. Gở hay không thì chưa biết, nhưng sự xuất hiện của cô vợ cũ làm rối tung nhà Hoàn. Liệu tết này nhà Hoàn có trọn vẹn niềm vui? Chứng kiến cảnh nhà Hoàn tôi thao thức không sao ngủ được.
Truyện ngắn dự thi ba tỉnh của Đỗ Văn Từ