Thêm làm việc quần quật suốt cả mùa hè, vắt sang mùa thu, đến mùa đông, tranh thủ lúc vắng khách hơn, Thêm về quê vài ngày. Khi trở lại, thị trấn như biến thành một vùng đất khác. Mênh mang, trắng xóa và lạnh tê tái. Sự hào hứng của du khách trong ngày tuyết rơi trắng xóa khiến Thêm cũng thấy lòng nô nức dù đã đi cả một chặng đường dài rất mệt.
Nhà chú ruột của Thêm có cửa hàng bán đồ lưu niệm và thuốc Bắc ở chân một ngọn núi nổi tiếng, ngay sát với trạm soát vé. Khách khứa mùa hè đông lắm, họ chen chúc nhau chọn hàng và đợi tính tiền, còn mùa đông thì chỉ những hôm có tuyết mới náo nhiệt. Chú Công chỉ độ ba mươi mà đã có con trai lên tám và con gái sáu tuổi. Hai đứa trẻ quấn quýt chị họ là vì Thêm hay kể chuyện cho chúng nghe. Những chuyện về ma, về mụ phù thủy độc ác mà Thêm thường bịa ra. Nhà ông bà nội rất đông con. Chú Công là em út còn bố Thêm là anh cả. Bố Thêm giờ cũng phải ngoài năm mươi. Nhưng thím Liễu vợ chú Công thì còn nhiều tuổi hơn cả bố. Thấy bảo, hồi xưa, lúc chú Công mới lên đây, là chú làm thuê cho thím Liễu. Thím Liễu có hai đứa con riêng với người chồng cũ đã chết bệnh. Đứa lớn là con gái. Nó đã lấy chồng có con. Còn đứa con trai, nó độ hăm hai, hăm ba, suốt ngày lêu lổng với khách du lịch trên núi mà chú Công gọi là “đi tua”. Anh ta chỉ thi thoảng mới về nhà để tắm giặt, xong lại đi. Nhà thím Liễu còn có bà mẹ già ngoài tám mươi mắt mờ nhưng tai rất thính. Nhà thím rộng hơn những nhà xung quanh nhưng vì chất đầy hàng hóa nên cũng thành chật chội. Nhìn đâu cũng thấy cung nỏ, trống chiêng, nhìn đâu cũng thấy chum sành hũ sứ ăm ắp rượu đặc sản rồi cả kho thuốc Bắc, cả núi đồ lưu niệm váy áo, túi tăm, chăn ga thổ cẩm. Hàng hóa cứ đẩy người lùi vào tận vách núi. Thêm với bà cụ và đứa con gái chú Công ngủ một phòng giáp nhà bếp, căn phòng luôn luôn ẩm ướt và đầy mùi thức ăn không thoát đi đâu được. Bảy con người đi lại ra vào trong một không gian nhỏ nên khó tránh được những va chạm. Chỉ sau một năm sống trong nhà là Thêm biết được rằng đứa con trai thím Liễu rất ghét bố dượng, tức là chú Công. Vào bữa ăn, cậu ta không bao giờ chào ai một tiếng tử tế, chỉ nói đúng một câu “cả nhà ăn cơm” là chúi đầu vào ăn. Nếu như trong bữa ăn, chú Công nhắc nhở hai đứa em rằng lớn rồi phải tự dọn dẹp quần áo sách vở thì cậu ta nhân thể mà cáu. Ông im đi, thiếu gì lúc nói mà ông cứ nhằm vào bữa cơm. Bà mẹ của thím Liễu thì rất ghét đứa cháu ngoại đã đi lấy chồng dù chị ấy thi thoảng mới về. Mỗi lần chị ấy về đem theo hai đứa chắt của cụ là cụ cáu. Chúng bay về đây phá nhà tao à? Về làm gì, ăn vàng ăn bạc gì mà về. Còn thím Liễu thì không ưa Thêm ra mặt. Thím luôn tìm những nhược điểm của Thêm để nói ra mỗi khi ai đó khen Thêm. Như bà hàng xóm bán bún phở khen Thêm xinh thì thím sẽ nói. Con gái mà mắt xếch lên ngang ngược như thế thì đẹp cái gì. Hoặc chị bán vé khu du lịch khen Thêm nhanh nhẹn tháo vát thì thím sẽ bảo “nhanh ẩu đoảng, vội vàng hư”. Vậy nên không khí trong gia đình chưa bao giờ thật sự thoải mái. Nhưng vì hoàn cảnh của mình và mục tiêu của mình là kiếm tiền về giúp bố mẹ trang trải công nợ nên Thêm nhẫn nhịn hết. Vừa chợ búa, cơm nước, để mắt đến hai đứa em, vừa bán hàng. Có Thêm, thím Liễu nhàn hẳn. Có thời gian, thím đi xăm môi, khảm mày, nâng mũi, hạ xương gò má… Nếu để thím đứng cạnh mấy con ma nơ canh trong cửa hàng thì trông chúng còn thật hơn thím. Cả phố gọi chú Công là Phi Công. Vì chú Công kém thím Liễu đâu như vừa hai con giáp. Chú thím không lấy làm xấu hổ vì sự chênh lệch đó. Ngược lại, thím còn rất tự hào và thi thoảng lại cày xới cái quá khứ tủi nhục của chú Công bằng những mai mỉa sâu cay. Chú mày ngày xưa vác gỗ đêm quần quật cho người ta, tối ngủ lán, tấm chăn tử tế không có đắp, quần áo không bộ nào lành. May mà gặp tao. Thì đúng, chú Công từ một cửu vạn lam lũ, một bước đổi đời lên ông chủ là nhờ thím.
Khi mới được thím Liễu đón về quán để bán hàng, chú gọi thím là cô, rồi sau thì chuyển sang chị. Và rồi đến lúc cái bụng thím lùm lùm, hàng xóm mới biết. Là Thêm nghe người ta kể chứ Thêm đâu biết. Người ta còn kể về việc bà cụ thật ra không phải là mẹ đẻ của thím Liễu, bà chỉ là mẹ dì thôi. Từ lúc xuống xe, Thêm đã nghĩ cách để né những câu hỏi rất tai quái của bà cụ. May sao, bà cụ chỉ nói đúng một câu. Rét này có khách đâu mà lên. Nhà thì nhong nhóng là người, lại còn thuê mướn. Đến bữa, bà cụ khịt khịt mũi: “Tao ngửi thấy mùi cá thính, sao không rán ăn”. Thím Liễu nhẹ nhàng nhưng cái nhẹ nhàng ấy còn chua hơn cá thính. “Để mai rán thì nó thối đi à. Còn bát thịt hầm đầy ự đây, bu cứ ăn hết đi”. Lát sau, cụ lại thắc mắc: “Tao nghe thấy tiếng gà quang quác, chắc con Thêm đem lên, đã thịt chưa?”. Không ai trả lời, cụ lại hỏi “Tuyết tan hết rồi sao thằng Quận chưa về”. Thím bắt đầu cáu: “Bu hỏi lắm thế, tuyết tan thì liên quan gì đến việc thằng Quận đi về”. Cụ hướng ánh mắt mờ đục về phía thím Liễu mà phều phào: “Đi không đoái gì đến cửa nhà. Tao tưởng nó bị tuyết vùi lấp ở đâu đó trên núi rồi, tuyết tan thì trơ ra mà về chứ. Hay nhà này có ma”. Hai đứa em nghe thấy bà ngoại nói thế thì cười rúc rích. Đến đó thì thím lảng đi bằng cách sai Thêm đứng dậy đem bát bò hầm vào bếp đun lại cho nóng. Chú Công tiện tay đưa nốt đĩa măng xào cho Thêm đảo lại. Rét thế này, thức ăn vừa ra khỏi nồi vài phút đã nguội ngắt. Trong bếp rất tối. Thêm vừa bật điện lên thì đã nghe tiếng thím xối xả sau lưng: “Ban ngày ban mặt vào bếp cũng phải bật điện, đã thế ra còn không nhớ mà tắt”. Thêm vội vàng tắt điện đi. Thêm bưng vội hai đĩa thức ăn ra khỏi bếp đặt lên bàn ăn. Thím nhăn mặt, mày cho thêm gì vào món bò hầm đấy mà tao thấy mặn thế hả. Chú Công bênh Thêm. Đun lại nó cạn nước đi thì mặn thôi. Thế sao không cho thêm nước? Đem vào cho thêm nước đi. Mặn thế này hỏng hết thận. Thêm lại đứng dậy vào bếp chế ít nước sôi vào nồi thịt hầm rồi đun lên. Lần này chắc vừa. Thím Liễu dù đã chỉnh sửa gần hết khuôn mặt nhưng theo đánh giá của Thêm là chỉ phí tiền là vì thím hay nhăn nhó. Sau bữa tối, thím gọi Thêm ra và bảo: “Mày đi mua ngô nướng về ăn. Mua ngô trước, rồi ra nhà Điệp Hùng mua cho chú hộp miếng dán lưng “. Nói rồi thím đưa cho Thêm một tờ tiền 500 nghìn. Thêm cầm tờ tiền, chột dạ, nhưng vẫn vui vẻ đi. Dù gì, được ra khỏi nhà, dù trời có lạnh đến âm cả trăm độ, Thêm vẫn thoải mái hơn là ngồi nhà nhìn cái bộ mặt cáu kỉnh của thím.
Thêm về, tay không, mấy đứa em xúm vào hỏi ngô nướng. Thêm tưng hửng. Họ bảo tiền giả thím ạ. Thím thở hắt ra. Chắc chắn mày không làm theo lời tao dặn chứ gì. Thêm tiếp tục lì lợm. Tại đứa bán ngô không có tiền trả lại, nó bảo cháu cần mua gì thì cứ đi mua đi đã. Ngu! Đã ngu còn hay cãi. Đi. Mày phải tiêu tờ tiền giả này thì mày mới nhớ. Nhà này chỉ có mày nhận tiền giả của khách vì mày không bao giờ tập trung vào công việc, mày chỉ làm cốt cho xong. Đây là lần thứ bao nhiêu mày nhận tiền giả rồi hả Thêm? Hàng của tao là thật, mà mày nhận về tiền giả là sao? Chú Công lên tiếng. Tiền giả giờ tinh vi lắm, tôi còn nhầm nữa là nó. Vừa lên đến nơi còn chưa hết say xe đã bắt nó bán hàng rồi, lại chả nhầm à. Trời ơi, ông có im đi để tôi dạy nó không. Hai năm nay tao dạy mày từng li từng tí mà mày vẫn chưa khôn lên được. Tờ tiền này tính vào lương của mày. Tiêu hay không tiêu là việc của mày. Thím Liễu để tờ năm trăm lên bàn rồi đi vào phía lò sưởi cáu kỉnh quăng thêm củi vào. Mùi nhựa cây khét lẹt. Chú Công nhìn tờ tiền rồi nhìn đứa cháu gái, hất nhẹ cái cằm đầy râu về phía cuối phố như một thứ ám hiệu. Thêm lững thững đi ra phố. Tờ tiền lạnh toát trong tay. Chiều nay, chỉ duy nhất có một đoàn khách ấy. Thêm nhớ ra rồi. Bà ta đã lừa Thêm, ánh mắt ấy cũng lưỡng lự, đắn đo như Thêm bây giờ. Xã hội đến lạ, cứ người này tìm cách qua mặt người kia, không biết đằng nào mà lần. Nếu như có vài triệu trong túi, Thêm sẽ ném đồng tiền giả này vào bếp hoặc cắt nát nó ra. Đằng này, trong túi Thêm chỉ có năm chục ngàn vỏn vẹn. Chú Công, tuy là chồng thím nhưng chú không phải là ông chủ trong căn nhà to rộng ngồn ngộn hàng hóa này. Lấy vợ già, chú còn phải ăn vận những bộ quần áo của người trung tuổi, phải để râu ria bờm xờm và nói năng chững chạc, để cân xứng với thím. Thì Thêm trông đợi được gì. Chưa kể, năm trăm nghìn này ở quê, mẹ Thêm bán cả ruộng rau mới có. Không dễ gì Thêm lại vứt nó đi. Gói bột canh giả người nghèo vẫn ăn. Đôi giày giả người nghèo vẫn đi. Hàng giả tràn ngập các ngõ ngách chợ búa, người nghèo vẫn tiêu dùng. Chỉ có tiền giả là không ai chấp nhận. Phố đêm, những người bản hàng khuya
rét mướt co ro dưới những mái hiên, không thể lừa họ. Thêm quay ra hiệu thuốc lúc trước, dùng tờ tiền năm chục ngàn duy nhất của mình mua một hộp miếng dán. Ông chủ hiệu thuốc nửa đùa nửa thật: “Cái chạn nhà thím mày thấp quá. Về bảo chú mày kê gạch lên mới đỡ đau lưng”. Thêm hiểu cái sự xỏ xiên ấy nhưng không nói gì. Tuy nhiên, câu nói ấy như giọt nước tràn ly. Sau một đêm không ngủ, sáng dậy, lấy hết can đảm, Thêm xin nghỉ làm ở nhà chú thím. Chú nghe xong thì lạnh lùng nói. Hoặc mày ở lại làm cho chú, hoặc mày về quê. Mày không thể ở lại thị trấn và làm việc cho bất kỳ ai đâu. Thêm cảm thấy ngạt thở. Họ, những người trong ngôi nhà này, nghĩ rằng nếu không có họ thì Thêm sẽ chết đói vì không thể kiếm đâu ra một công việc tại thị trấn này hay sao? Thêm tỏ ra cứng cỏi. Cháu nghỉ là nghỉ, đi đâu, làm gì cháu chưa tính. Thím Liễu chuẩn bị đi sơn móng tay, thấy hai chú cháu nói chuyện thì thím dừng lại, đưa cho Thêm hai triệu. Đây là tiền thưởng của cháu vì đã xin nghỉ việc đàng hoàng. Còn lương tháng này cháu đã ứng hết hôm về quê rồi. Nghe này, thím không ghét bỏ cháu. Cháu như con chim đã đủ lông đủ cánh nhưng chưa thể bay xa. Cháu còn chưa thể phân biệt thật giả, đúng sai, tốt xấu cơ mà. Nói xong thím thong thả bước ra đường. Cũng không thèm nhìn Thêm một cái.
Thấy Thêm đeo cái túi du lịch màu xanh da trời lững thững đi trên đường thì con bé Nụ, vốn là đồng hương, chạy theo hỏi. Mày nghỉ nhà Công Liễu rồi à? Thêm gật. Về chỗ tao làm đi. Thiếu một chân dọn phòng nghỉ, tao cá là công việc không mệt như ở nhà chú mày. Thêm theo chân con bé đồng hương về phòng trọ dưới thung lũng. Con đường là những bậc đá trơn lấm láp sau ngày tuyết tan. Cây cối hai bên rũ rượi nhàu nhĩ và giập nát. Những vườn hoa xơ xác, những luống rau chỉ còn đầy dấu chân người. Những cây hồng trụi lá trơ ra những chùm quả đỏ mọng như những chiếc đèn nhỏ rất đẹp. Từng khu nhà trọ lợp tôn dựa lưng vào nhau, cửa khóa im lìm. Giờ này thì không có ai về nhà trọ. Cái áo phao của Thêm khá rộng, đủ chỗ cho Thêm nhồi vào trong hai lớp áo len. Nhưng mà chả ăn thua gì. Ngoài đường khác hẳn với trong nhà chú thím, cứ hun hút buốt thấu da thịt, thung lũng cũng lạnh hơn trên phố. Phòng của Nụ lạnh như cái tủ đá. Thêm ngồi trên giường chục phút mà người vẫn run bần bật. Không có lò sưởi. Không có đệm, không chăn băng lông như ở nhà thím Liễu. Nền nhà không trải thảm. Có cái chiếu nhựa sờn rách. Một cái gối cáu bẩn. Một cái chăn bông vỏ nhung mỏng manh. Dưới nền nhà một chậu than chỉ còn tro lạnh ngắt. Tường loang lổ những vệt nước chảy. Mái tôn được đỡ bằng những cây thông gai để cả vỏ xù xì, màng nhện giăng đầy. Không bếp, không nhà vệ sinh riêng, không ti vi. Phòng trọ tiền triệu một tháng chưa có tiền điện nước đây ư? So với căn phòng cô và bà cụ vẫn ở thì thật là bì phấn với vôi. Thêm định nói thế nhưng nén lòng im lặng. Chả phải, muốn đạt được mục đích thì khó khăn nào cũng phải vượt qua là gì. Con Nụ ở được thì mình ở được. Thêm đang lục trong túi để tìm một đôi tất thì con Nụ nói. Mày biết không, tao nghe kể, chồng bà Liễu hồi xưa đột quỵ chết trong bếp đấy, không ốm đau gì đâu. Bà ấy có tướng sát chồng, chú mày nên cẩn thận, không thì toi có ngày. Thêm thấy gai gai người. Lấy lý do là còn quên đồ ở nhà thím, Thêm vội vàng rời đi. Không thể sống chung với một đứa độc mồm thế được.
Thêm lên đến đỉnh dốc thì mỏi rã rời chân tay do vừa leo dốc vừa đeo cái túi nặng. Vừa hay lúc đó có một anh xe ôm đi tới. Anh ta như thể vừa chui ra từ một bụi cây: “Này cô bé, em đi tìm việc làm à, mùa đông vắng khách mà đi xin việc thì hơi bị khó đấy. Nhưng anh có việc này, cũng không nặng nhọc đâu, chỉ cần tỉ mỉ và chịu khó là được. Nếu em đồng ý làm thì lên anh chở”. “Làm gì hả anh?”. “Trông người già ốm, được không”. Thêm tặc lưỡi. Trông người ốm thì có khó gì chứ. Thêm tự tin trèo lên xe. Trên đường đi, anh xe ôm hỏi tuổi. Thêm thật thà nói em hai mươi. Vì học dốt nên đang lớp mười một bổ túc thì bỏ. Với lại năm ấy mẹ em bị tai nạn, chữa trị tốn kém.
Xe rời trung tâm thị trấn đi về phía bệnh viện cũ. Đây là khu dân cư đông đúc nhưng vắng lặng. Rét như thế này ai còn ra đường, cây cối, hồ nước cứ hiu hắt thế nào ấy. Xe dừng trước cửa một ngôi nhà xây khá đẹp. Anh xe ôm mở cửa rồi nhanh nhẹn xách túi quần áo của Thêm vào. Thêm mau mắn bước theo sau. Cửa khép lại, trong nhà có tiếng người ho khù khụ. Thêm chột dạ. Anh thanh niên giục. Vào đây em. Thêm quắn quýt bước vào căn phòng phía trong có vẻ rất ấm áp, nơi có tiếng ho. Anh thanh niên đứng né sang một bên, Thêm nhìn thấy trên giường một bộ xương người được mặc quần áo và động đậy. Không rõ đàn ông hay đàn bà. Dưới đất là một cái lò sưởi điện khá lớn. Anh thanh niên nói: “Đây là bà nội anh…bà bị…”. Nghe đến đó Thêm đã chạy ra phòng khách, xách túi quần áo, mở cửa, phi ra đường, miệng lắp bắp gì đấy như tiếng chào. Thêm sợ quá. Cho cô vàng cô cũng không thể ở với bà cụ này một ngày chứ đừng nói trông nom hầu hạ. So với việc sống cùng nhà với mẹ thím Liễu thì trông bà cụ này là hình phạt chứ không phải công việc. Thêm vốn sợ những bộ xương, kể cả bộ xương cá mèo để lại trên đĩa của nó. Ám ảnh ghê gớm từ lần cô đi trông mẹ bị tai nạn phải chữa trị ở bệnh viện hằng tháng trời. Trong một lần lang thang ngó nghiêng, Thêm nhìn ghé vào một căn phòng và thấy một bộ xương người đứng trên cái bục cao. Mấy ngày liền Thêm không dám ra khỏi bệnh viện vào buổi tối. Nên nhìn thấy bà cụ, Thêm sợ lắm. Về quê thì không thể, vì món nợ ngân hàng bố mẹ vẫn chưa trả xong, ở lại đây cũng không được, chú thím mà biết Thêm làm cho ai đó ngay tại thị trấn thì sẽ bực mình. Hay là ra thành phố. Thấy mọi người nói, thành phố có nhiều việc làm hơn thị trấn. Thêm lên xe bus để ra thành phố. Xe chạy được một đoạn Thêm mới nhớ là từ sáng đến giờ còn chưa có gì bỏ bụng. Nhủ thầm, cố nhịn, ra thành phố, mình sẽ chọn một nhà hàng nào đó vào ăn một bữa thật ngon nhưng cái bụng cứ réo rắt sôi sục. Đã thế, mùi bánh ngọt thơm nức của người phụ nữ trạc ngoài ba mươi ngồi cạnh đang ăn khiến Thêm khổ sở hơn trong việc chống chọi với cơn đói. Tại sao Thêm không nhớ ra mà mua vài cái bánh mì đem theo lên xe để giờ nhấm nháp nhỉ. Chị ta thấy Thêm nhìn vào túi bánh thì lấy cái bánh vẫn nóng hổi đưa cho Thêm và mời rất thật. Em ăn đi. Bánh ngon lắm. Thêm bẽn lẽn nhận cái bánh và cố gắng ăn chậm rãi từng mẩu nhỏ. Cái bánh ngọt rắc cơm dừa khá lớn nhưng Thêm sợ khi cô ăn nhanh quá thì hết cái bánh mà vẫn còn cảm giác đói. Người đàn bà gợi chuyện, Thêm thật thà kể việc mình vừa rời nhà chú thím để tìm công việc khác. Chị ta nói quen khá nhiều người ở thành phố sẽ giới thiệu cho Thêm một công việc tốt. Thêm thấy phấn chấn hẳn.
Nói chuyện một lúc thì Thêm thấy buồn ngủ. Cả đêm trước, nghĩ về tờ tiền giả, Thêm đã không ngủ được. Dựa nhẹ đầu vào vai người phụ nữ có khuôn mặt tròn trịa đáng tin cậy, Thêm chìm vào giấc ngủ lênh đênh. Trong giấc say mê mệt, Thêm thấy mình giống như một nàng công chúa mặc một chiếc váy trắng muốt, một hoàng tử đẹp trai đang dìu cô đi. Hai người đi giữa phố đông bao người trầm trồ ngưỡng mộ. Rồi hai người đi qua một cây cầu rất đẹp, phía dưới là dòng sông, hoàng hôn lấp lóa dát vàng mặt sóng. Rồi một khu rừng đang mùa trút lá. Thảm lá vàng đẹp làm sao. Giấc mơ đẹp đẽ ấy rồi cũng dứt bởi một tiếng động rất mạnh như thể tiếng kim khí va vào nhau. Thêm từ từ mở mắt, cô nhìn thấy một cánh cửa bằng sắt. Xung quanh Thêm là bốn bức tường màu vàng quạch, cái nền nhà đầy rác rưởi, những vỏ mì gói và chai nước. Đầu đau như người ngủ thừa giấc, Thêm lặng quan sát căn phòng xa lạ và chiếc giường nhỏ cô đang nằm. Thêm ngồi dậy vớ lấy túi quần áo ở góc giường, cô lục tìm chiếc điện thoại nhưng không thấy đâu, cả tờ tiền giả trong ví cũng mất. Nhưng số tiền thím Liễu cho, Thêm gấp gọn đút qua lỗ thủng nhỏ ở cổ áo thu đông thì vẫn còn. Thêm đã nghe kể rất nhiều về những vụ lừa bán người sang biên giới, nhưng không đời nào nghĩ một ngày mình trở thành nạn nhân, bởi vì so với bạn bè cùng trang lứa, Thêm tự tin mình là đứa sành sỏi, bạo dạn vì vào đời sớm. Nghĩ thế nên Thêm đi ra cửa. Cánh cửa sắt rất chắc chắn được khóa ngoài. Thoát ra là điều không thể. Có thoát ra thì cũng không trốn được. Qua kẽ cửa, Thêm thấy chị ta, người cho Thêm ăn bánh mì và một thanh niên cao lớn đang đi về phía căn nhà. Thêm vội vàng leo lên giường, nhắm mắt, nằm im như vẫn đang ngủ say. Cái cách này Thêm vẫn thường làm mỗi buổi sáng mùa đông, những hôm Thêm không muốn chui ra khỏi chiếc chăn ấm áp để cho thím Liễu sai đi mua bánh cuốn ở một hiệu bánh cách nhà đến cả cây số. Thím bảo nơi ấy bánh mới ngon, mà những người đang tuổi ăn tuổi ngủ như Thêm, ăn gì cũng thấy ngon thì không thể phân biệt được.
Cánh cửa mở. Ai đó nhéo vành tai Thêm khiến cô rùng mình. “Dậy đi. Ngủ mãi thế”. Tiếng thằng con trai cằn nhằn “đánh thức nó dậy, người ta hẹn đúng tám giờ tối”. Nói xong, anh ta cầm tay Thêm, lôi dậy. Thêm cứ trì người xuống, để mặc bọn họ dìu cô đi trên con đường nhỏ hẹp, hai bên đầy lau sậy, không một bóng nhà dân. Khoảng nửa giờ sau thì ba người dừng chân bên bờ suối, mặt trời xuống núi rất nhanh. Qua câu chuyện họ ý tứ trao đổi với nhau, Thêm biết cả ba đang đến gần biên giới. Thêm ngây ngô hỏi bằng giọng điệu của người vừa tỉnh giấc: “Chúng ta đi đâu thế, sao chị bảo xin việc cho em ở thành phố?”. Chị ta trả lời: “Chỗ ấy họ đủ người rồi. Chịu khó đi xa hơn để có việc làm tốt hơn, lương cao hơn”. Thêm giả vờ hào hứng, tươi tỉnh: “Sắp đến chưa chị? Làm gì cũng được chị ạ. Em chỉ cần lương cao. Em đói quá, chị còn bánh không?”. Người phụ nữ lấy trong túi xách ra những cái lương khô nhỏ và chai nước lọc đưa cho Thêm. Thêm nói sao chúng ta không lội suối mà đi luôn, trời sắp tối rồi. Thằng thanh niên bảo đây không phải là suối mà là sông. Sông hẹp bề ngang nhưng sâu lắm. Chờ người ta chèo thuyền sang đón. Mày biết bơi không mà đòi sang? Thêm lắc đầu vẻ sợ sệt. Ăn uống xong, thấy người khỏe lại, Thêm gạ: Chị em mình xuống tắm đi, người em chua lòm ra. Tên thanh niên lấy điện thoại ra xem giờ rồi bảo: “Tắm nhanh lên”. Người chị tốt bụng tất nhiên không rời Thêm nửa bước. Hai người đi xuống bờ sông, chọn chỗ thoai thoải, chị ta bảo Thêm tắm còn mình ngồi canh trên bờ. Nước sông trong vắt và lạnh buốt. Thêm thấy sảng khoái, khỏe cả người. Lên bờ, mặc quần áo xong, nhân lúc chị ta chống gối đứng dậy thì Thêm bất ngờ nhảy ùm xuống sông, lặn một hơi ra giữa dòng rồi bơi sang bờ bên kia. Thêm biết, nếu bơi về bờ cũ, Thêm sẽ bị truy đuổi. Vì thế mặc kệ hai người hò hét dọa dẫm, cô chạy xuôi theo bờ sông một quãng dài, đến chỗ vách đá dựng đứng và con đường cụt hẳn thì Thêm nhảy xuống nước, thả trôi. Hai bờ sông khúc này đều là vách đá dựng, hai kẻ kia không thể bám theo dòng sông được. Qua khúc sông sâu thì Thêm vào bờ, nấp trong một bụi cây, cởi quần áo ra vắt bớt nước lạnh rồi lại mặc vào. Thêm mỉm cười trong bóng tối vì thấy cuộn tiền vẫn cộm nơi cổ áo mà khi xuống tắm cô đã chọn nó để mặc vào. Ông bà nội là dân thuyền chài, đàn con cháu của ông bà ai cũng bơi rất giỏi vì được dạy bơi trước khi dạy chữ. Thêm từng rất mặc cảm mỗi lần ai đó nhắc tới cội nguồn của mình. Dù chú Công không bao giờ đả động đến nhưng không hiểu từ đâu mà thím Liễu cũng biết. Thím thường cạnh khóe rằng Thêm láu cá, dễ nản lòng và nông nổi, tính cách của những người sống lênh đênh du cư không muốn gắn bó với một nơi nào cố định. Dù thế, Thêm không giận thím, bởi vì thím nói đúng. Thêm đi trên bãi hoang, tránh xa những ngôi nhà nhỏ hay lán trại, để xác định phương hướng, Thêm leo lên một cái cây cao và nhìn về phía mặt trời lặn, cô thấy xa xa có ánh điện sáng từ một tòa nhà rất cao lớn. Thêm chỉ sợ ánh đèn đó tắt phụt rồi mất phương hướng nên cố gắng đi nhanh nhất có thể. Cuối cùng sau cả tiếng ròng rã đi xuyên qua bao ruộng, vườn hoang vắng, Thêm cũng đứng trước tòa nhà. Đó là một công trình đang xây dựng rất lớn nhưng không một bóng người, chỉ có những bóng điện thắp sáng như để coi giữ vật liệu. Hoặc là khuya quá, người ta cũng ngủ hết rồi. Thêm nhặt một tấm bạt cũ người ta vứt trên đống rác cuốn quanh người, tìm một bụi cây ngồi tạm chờ sáng. Công trình đang làm thì sẽ có những chuyến ô tô đến và đi. Thêm có thể đi nhờ xe họ để thoát khỏi vùng nguy hiểm này. Nhưng rồi, vì mệt quá mà Thêm thiếp đi, mặc kệ bầy muỗi đói xâu xé hai bàn chân trần không được che đậy. Trong chập chờn, Thêm mơ thấy mình đang chơi trò trốn tìm với hai đứa em con nhà thím Liễu. Thêm nấp sơ sài thế, mà không đứa nào tìm thấy cô. Trong chập chờn, Thêm lại thấy mình đang ở trong căn bếp thiếu ánh sáng nhưng đầy thức ăn ngon nhà thím. Có nhẽ, nhờ thường xuyên đứng trong căn bếp mà thím luôn cấm Thêm bật điện ấy, giờ đây Thêm có thể nhìn thấy rõ mọi thứ trong bóng đêm, có thể tìm ra con đường và chạy thoát khỏi hai kẻ lừa đảo.
Chiều chủ nhật, trời rét cắt da cắt thịt, lẫn trong toán người xếp hàng mua vé lên núi, có một đứa con gái mặc chiếc áo dạ choàng đỏ chót mới tinh, cổ áo kéo cao che gần kín khuôn mặt. Như thể nó không muốn ai đó ở hai bên đường nhận ra mình. Từ trên vỉa hè. Tiếng một đứa trẻ gái gọi toáng lên. Chị Thêm! Mẹ ơi, chị Thêm về rồi kìa! Dòng người di chuyển gần đến cửa quán. Thêm ngập ngừng một lúc rồi tách đoàn bước lên. Giang tay ôm cả hai đứa em vào lòng như tìm hơi ấm. Con bé sờ má Thêm ngây thơ hỏi. Chị đi đâu mà lâu thế? Thằng bé thì tỏ ra chững chạc. Em đếm đúng năm ngày rồi đấy. Thêm dụi mặt vào ngực con bé, định nói dối một câu cho yên chuyện. Xong thấy ánh mắt con bé trong veo nhìn Thêm đầy nhớ nhung quyến luyến, Thêm bèn nói thật. Chị đi học khôn. Hai đứa đã nghe người lớn nói đi một ngày đàng học một sàng khôn bao giờ chưa? Rồi chị sẽ kể cho mà nghe.
Truyện ngắn dự thi ba tỉnh của Tống Ngọc Hân