Khoảng 8 giờ tối, chị cả gọi điện báo cho tôi biết: Bố bị ốm nặng, vết thương cũ tái phát, mẹ muốn các em về thăm bố. Tôi như người mất hồn, nước mắt trào ra. Trong bóng đêm, tôi nhìn thấy bố đang tưới rau, cho gà, cho lợn ăn. Lại có lúc tôi nhìn thấy bố bên song cửa uống nước chè xanh, ăn khoai luộc, đọc báo… Tôi tức tốc thuê taxi từ Hà Nội ngược về Phú Thọ. Xe đã chạy nhanh, tôi vẫn giục bác tài xế đi nhanh hơn. Bác nói: Không đi nhanh hơn được đâu, quá tốc độ sẽ bị phạt đấy. Tôi chỉ biết cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho bố tôi tai qua nạn khỏi. Trên đường đi, chị cả báo tin bố đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh. Em rẽ vào Bệnh viện luôn. Bố đang được các bác sỹ chuyên khoa đầu ngành cứu chữa. Tôi bình tâm trở lại, có lẽ Trời, Phật đã nghe được lời cầu nguyện của tôi.
Bố mẹ tôi sinh được bốn anh chị em. Chị cả, anh hai, anh ba và tôi. Dù là con gái, nhưng tôi được bố mẹ cưng chiều. Chị cả hơn tôi hàng chục tuổi nên chị chăm sóc tôi chu đáo để mẹ hàng ngày đi chợ kiếm sống. Anh hai, anh ba có gì cũng nhường nhịn. Bố tôi kể lại: Trong đợt tổng tiến công vào Sài Gòn, ông bị thương vào đầu, mắt trái bị hỏng, bất tỉnh, được đưa về hậu phương điều trị. Một năm sau phục viên, khi ấy ông vừa tròn 21 tuổi. Mẹ tôi là người làng Vũ Ẻn – Nơi nổi tiếng trong câu ca dao: “Sông Thao nước đục người đen/ Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về”. Ông bà ngoại là người vừa giỏi làm ruộng, vừa giỏi buôn bán ngược xuôi bằng thuyền buồm khắp Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… Mẹ tôi cũng thường theo đi cùng. Cô hai tôi bán cau, chè, chẩu, dọc, bẹ gió… cho ông bà ngoại. Cô và mẹ cùng tuổi nên rất hợp nhau. Cô đã se duyên cho mẹ và bố tôi. Lúc đầu ông bà ngoại không muốn gả vì bố tôi là thương binh nặng. Đường sá xa xôi, giao thông không thuận lợi, cuộc sống của mẹ tôi sẽ gặp khó khăn. Nhưng tình thương yêu, lòng cảm phục đã khiến mẹ tôi vượt qua tất cả. Mẹ tôi đã rời bến Ẻn đông vui nhộn nhịp qua ngòi Lao về xã Thăng Bằng, huyện Hạ Thanh để làm dâu. Mỗi khi trái gió trở giời, bố bị đau đầu ghê gớm, mê sảng, thậm chí có lúc ngất đi, đến bệnh viện đỡ lại về. Lúc bình thường, bố chẳng nề hà việc gì giúp mẹ. Cô hai lấy chồng làng bên. Mẹ tôi là chị dâu cả phải quán xuyến mọi công việc của gia đình. Mùa vụ thì cày bừa, trồng cấy lúa, ngô, khoai, sắn… Lúc nông nhàn thì đi chợ, quanh năm ngày tháng không lúc nào ngơi nghỉ.
Tôi vào giường bệnh bố đang nằm. Mẹ tôi bảo: Bố con còn phải nằm bất động mấy ngày. Bố bị xuất huyết não. Tôi nắm chặt bàn tay bố. Đôi bàn tay ông đã đan thuyền, đan nơm, câu cá, thả đụt tôm cua… Bố mẹ đảm đang, chăm chỉ, mặc dù cả nước thời đó kinh tế khó khăn, thiếu thốn, nhiều nhà quanh vùng chẳng đủ ăn, nhà tôi đông người nhưng chưa phải đứt bữa. Ngày ba tháng tám vẫn có cháo sắn, khoai để ăn. Tôi nắm lấy đôi bàn tay đã dắt tôi đến trường mẫu giáo. Đôi bàn tay giữ chặt tôi trên lưng mỗi lần bố cõng tôi về khi trời đổ cơn mưa. Đôi bàn tay giơ lên con cá bò vàng béo ngậy. Trông thấy con cá quẫy đuôi, tôi reo lên thích thú:
– Bố tài quá, câu được con cá to thế.
– Lâu lắm mới câu được con cá như thế này. Hôm nay bố để dành nấu cháo cho con gái ăn nhé.
Đêm hôm ấy, tôi nắm chặt tay bố, ngủ gục xuống giường thiếp đi. Tôi thấy bố đang bơi trong cơn nước lũ, đi cứu những người bị lật thuyền đang chới với. Tay bố nắm được tay cô út, nhưng tay cô bị tuột ra khỏi tay bố. Vực xoáy như cái phễu cuốn cô biến mất. Hôm ấy, trời mưa lất phất, nghe tiếng gà gáy, mẹ tôi cùng cô út dậy để đi đò sang làng Thượng, chợ huyện, vì hôm ấy là chợ phiên. Mẹ tôi đi bán hàng, cô út mua sắm một số tư trang. Một tuần nữa cô lấy chồng. Cô đang làm y sỹ của Trạm xá xã. Chú Thanh là bộ đội biên phòng, người làng Hạ, địa đầu của tỉnh Phú Thọ, giáp Yên Bái. Lúc ở chợ, cô gặp người bạn học cùng trường Y Phú Thọ. Cô dặn mẹ tôi: Chị về trước, em về chuyến sau:
– Ừ! Em nhanh lên kẻo ông bà lại mong.
Khi mẹ tôi bước lên bờ, đi được một đoạn thì nghe sóng nước ùng ục, réo ầm ầm, rùng rùng dâng lên cuồn cuộn, kéo theo rác rưởi, cây cối, trâu bò, lợn gà… Hàng tiếng sau mới nghe được hung tin: lũ ống, lũ quét từ mạn ngược tràn về đột ngột. Lúc đó, con đò chở cô tôi và những người làng đã sắp cập bến, bị sóng nước đẩy xa bờ, lật thuyền. Cô út tôi cùng bốn người đàn bà bị cuốn mất tích. Chú Sơn, chú Thủy, ông Thành lái đò, bơi lội giỏi, may mắn kịp thoát lên bờ. Bà nội tôi đau đớn ngất đi. Cơn lũ qua dần nhưng sông vẫn còn đỏ máu giận dữ. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông nội tôi nhất quyết cùng bố tôi thuê thuyền chèo ròng rã hàng tuần liền để tìm cô, nhưng đến nay ngôi mộ của cô út chỉ là ngôi mộ gió, được ốp gạch trắng.
Anh ba tôi từ thành phố Hồ Chí Minh đã về thăm bố. Anh trầm ngâm:
– Mai là ngày giỗ anh Hòa đấy!
– Em nhớ.
Lúc ấy, tôi đã tốt nghiệp THCS, anh Hòa và anh ba tôi thân nhau lắm. Anh Hòa coi tôi như em gái. Có lần anh Hòa gọi anh ba là anh. Hai người vỗ tay vào nhau nói “ok” có vẻ ăn ý lắm. Hai anh thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang chờ kết quả. Tôi học giỏi môn tiếng Việt và Anh Văn, không giỏi môn tự nhiên nên anh kèm toán cho tôi. Giải Toán cho tôi, có lúc anh ba phát cáu:
– Sao mày chậm hiểu thế. Có thế mà cũng không biết.
Tôi vùng vằng, nước mắt chực trào ra:
– Em ứ thèm nhờ anh nữa.
Anh Hòa vội vàng:
– Châu ơi! Mày chuẩn bị sẵn hai cái cần câu, mồi giun, hôm nay chúng mình kiếm lấy con cá ngạnh nướng giềng mẻ, mắm tôm, nhậu một bữa cho đã. Để tao giảng bài cho cái Ngọc.
Buổi chiều ấy, hai anh đi câu. Anh ba kể: – Nhìn ra giữa dòng gần bãi cát nổi, một con đò đang đi về bến, chòng chành sắp chìm, thất thanh tiếng kêu cứu. Hai anh vội vàng lao xuống nước, bơi đến chỗ đò gặp nạn. Đò chở năm người. Thuyền bị bục, nước ùa vào đột ngột. Các anh chỉ cứu được bốn người, một em nữ sinh thì không cứu được. Bác lái đò và anh ba tôi ngoảnh lại không thấy anh Hòa đâu, hốt hoảng nhưng đành bất lực kêu cứu thuyền bè qua sông hỗ trợ. Gia đình thuê thuyền chèo, may vớt được cả hai người. Tay anh Hòa co quắp vì chuột rút, bị dòng nước lạnh xoáy cuốn vào doi cát giữa sông. Anh ba tôi không khóc nhưng mặt mũi hốc hác, xanh xám. Bá Bình – mẹ anh Hòa ngất lên, ngất xuống. Tôi chẳng bao giờ được nhìn thấy anh nữa. Thời gian trôi đi đã bao năm mà cứ tưởng như vừa hôm qua. Tiếng anh nói hình như vẫn văng vẳng bên tai tôi.
Nhìn bố nằm bất động trên giường bệnh, tôi lại nhớ ông nội trước khi về với tổ tiên đã nói với bố tôi:
– Bố giao lại ngôi nhà, mảnh đất này cho con cháu. Con hãy thay bố mẹ hương khói cho em út. Bố chỉ mong quê ta có cây cầu, giao thông thuận lợi, kinh tế phát triển, để hàng năm không có những ngày giỗ chung đau đớn như thế này. Bố không là Bộ đội Cụ Hồ nhưng bố là dân công hỏa tuyền thồ hàng, cùng với bộ đội đánh thắng giặc ngoại xâm. Bố mẹ tự hào con là anh giải phóng quân chống Mĩ cứu nước, cháu đích tôn là chiến sĩ biên phòng, ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc bình yên. Gia đình ta đã cùng dân tộc theo lời Đảng, Bác Hồ đánh tan giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Nhất định Việt Nam ta sẽ xây dựng đất nước to đẹp, đàng hoàng hơn, sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi. Tháng trước đi họp Đảng bộ xã, bố được biết chủ trương của Đảng, Nhà nước và tỉnh sẽ làm đường cao tốc, xây cầu qua sông, mở rộng con đường qua cổng nhà ta, nối với đường cao tốc. Bố không đợi được nữa, nhưng đời con cháu sẽ được thụ hưởng giàu có, văn minh, nếu phải hiến đất làm đường thì con đừng tiếc nhé.
Bố tôi nắm chặt tay ông nội nói trong nước mắt:
– Bố ơi! Bố đợi được mà.
Hôm ấy đúng là ngày giỗ của cô út, nhưng tôi quá vô tư không nghĩ ngợi gì. Hôm nay, tôi mới có linh cảm ông thương cô út nên ông đã đi cùng ngày với cô.
Sau khi ông nội tôi mất, chủ trương của Đảng, Nhà nước bắc cầu làm đường được tiến hành, việc giải tỏa được nhân dân thông suốt ủng hộ. Một hôm đi dự Đại hội Đảng bộ xã về, bố tôi nói:
– Bố mẹ quyết định hiến hơn 100m2 đất trước nhà làm đường, làm theo di huấn của ông nội. Bác bá Bính Bình hiến hơn 100m2 đất để xây dựng cầu. Có cầu qua sông, nhiều người không phải chết oan uổng, trong đó có anh Hòa nhà bác bá. Đường rộng thênh thang cao đẹp sẽ ngăn bớt lũ lụt sông tàn phá, tan của, hại người.
*
* *
Nhìn thấy mắt bên phải bố chớp chớp, tay động đậy, cả nhà reo lên:
– Bố tỉnh rồi.
Bố tôi cười nhợt nhạt.
– Mình à! Các con à! Tôi chưa chết được đâu. Tôi còn phải ngồi lên ô tô qua cầu ngược cao tốc Hà Nội – Lào Cai sang tận bên kia biên giới đã chứ.
Mẹ và chị em tôi mừng rơi nước mắt, cảm ơn các bác sĩ đã cứu chữa tận tình cho bố tôi. Bác sĩ trưởng khoa cho biết:
– Trường hợp bố tôi tỉnh lại nhanh là trường hợp hiếm gặp. Giao thông thuận lợi nên ông đã được đưa đến kịp “giờ vàng”. Kíp mổ xin chúc mừng gia đình. Nếu không có gì nguy hiểm đến tính mạng thì cuối tuần ông sẽ được đưa đến khoa phục hồi chức năng.
*
* *
Xe ô tô đi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai từ Hà Nội đến thị trấn Hạ Thanh chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. Theo con đường mới rẽ vào nhà tôi khoảng 15 phút. Trước kia tôi phải mất cả ngày đi mấy chuyến xe mới về tới nhà. Ban đêm dưới ánh điện đường, cầu Hạ Thanh như chiếc lược ngà cài lên mái tóc óng ả, bềnh bồng của dòng Thao. Gió thì thầm từ ngàn xưa vọng lại. Sóng nước dạt dào ca hát, vỗ nhịp dưới chân cầu. Sinh ra và lớn lên ở xã Thăng Bằng mà sao hôm nay cùng người yêu tay trong tay, rảo bước trên cầu Hạ Thanh, tôi mới nhận ra quê mình đẹp quá, gắn bó, yêu thương biết bao nhiêu. Tôi dựa vào vai người yêu tin cậy:
– Tháng 7 tốt nghiệp ra trường, em sẽ xin về tỉnh Phú Thọ công tác. Em là cô giáo dạy Văn THPT. Anh là bộ đội đóng quân ở Quân khu 2. Chúng mình làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Anh khẽ vuốt nhẹ mái tóc tôi.
– Hai xã Tích Thượng và Thăng Bằng cách nhau chỉ 1 km theo đường chim bay, đối xứng hai bên hữu và tả ngạn sông Thao, nhưng trước kia đi lại đâu có dễ dàng. Cách núi, cách sông trở thành vời vợi. Lắm lúc nhớ em đến cháy lòng mà không làm sao sang được. Anh chỉ ước gì lúc ấy mình có cánh để bay ngay sang với em. Nghe em nói, anh hạnh phúc quá. Anh đang tơ tưởng đến mùa đông năm nay, đoàn xe ô tô từ Tích Thượng sang Thăng Bằng đón cô dâu của anh về. Bố mẹ anh vui mừng lắm. Đó là điều anh mơ ước từ lâu.
Anh nồng nàn đặt nụ hôn lên môi tôi. Nàng trăng e thẹn núp sau đám mây không làm phiền hai người…
Truyện ngắn của Vũ Thị Thanh Minh