Đền Hùng – Cội nguồn dân tộc Việt Nam là trung tâm của vùng đất Tổ – Phong Châu xưa. Nơi đây có nhiều đền, chùa, lăng tẩm thờ cúng tổ tiên. Đền Hùng là nơi phát tích của dân tộc, là nơi bắt nguồn của lịch sử, văn hóa, gắn liền với biết bao truyền thuyết thời dựng nước và giữ nước; đồng thời cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước thời đại Hùng Vương. Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Phong Châu là đế đô của nước Văn Lang – là đất Tổ của dân tộc Việt Nam. Tương truyền, xa xưa, các Vua Hùng lựa chọn nhiều nơi, cuối cùng mới tìm được thánh địa này để đóng đô. Nhìn ra xa là Ngã ba Hạc, nơi 3 con sông tụ hội là sông Đà, sông Hồng, sông Lô, hai bên có núi chầu hầu. Bãi sông đất đai màu mỡ thích hợp việc cày cấy, trồng trọt tiện lợi cho sinh hoạt của nhân dân. Đất gò đồi cao thuận lợi việc lập ấp mở làng. Sau khi định đô, các Vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh làm nơi tế trời đất, chủ thần và tiên tổ. Núi Nghĩa Lĩnh cao 175m, cây cối um tùm, xung quanh là gò đồi nhấp nhô trùng điệp. Nơi đây có tất cả 99 ngọn đồi hình 99 con voi có nghĩa phủ phục chầu về núi Tổ. Phía bên trái là dãy Tam Đảo hùng vĩ, bên phải là ngọn Ba Vì mờ mờ xanh ẩn hiện… Đồng ruộng xanh mát, làng xóm trù phú trải rộng, cảnh đẹp như tranh.
Toàn bộ Khu di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay bao gồm 4 đền, 1 chùa, 1 lăng, đã được trùng tu lại. Đền Hạ được xây dựng vào thời Hậu Lê. Theo truyền thuyết, ở đây bà Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng, nở thành trăm người con: 50 con theo cha là Lạc Long Quân xuôi về miền biển, 49 người theo mẹ lên núi, để lại 1 người làm vua nước Văn Lang. Đấy là Vua Hùng thứ Nhất. Trong khu vực đền Hạ có chùa Thiên Quang, chùa có 1 quả chuông nặng khoảng 1 tấn, trước cửa chùa là cây thiên tuế sống gần nghìn năm tuổi. Bước thêm 168 bậc chúng ta sẽ đến đền Trung, tương truyền đây là ngôi đền có sớm nhất, có tên “Hùng Vương Tổ Miếu” ngày xưa các vua Hùng thường bàn việc dân, việc nước tại đây. Theo truyền thuyết Lang Liêu dâng bánh trưng tại nơi này. Đi tiếp 102 bậc đá sẽ đến đền Thượng, nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với tên chữ là “Kính Thiên Lĩnh Điện” – điện thờ Trời trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Vua Hùng thường tổ chức các nghi lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa và các nghi lễ quan trọng tại đây. Trước đền Thượng có một cột đá lớn, dựng trên bệ cao được gọi là đá thề. Tương truyền đây là nơi vua Thục Phán đã nguyện xin đời đời tế tự các vua Hùng và giữ gìn cơ nghiệp họ Hùng truyền lại; thấp hơn vài chục bậc là lăng Vua Hùng, tượng trưng cho mộ tổ xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Từ đền Thượng qua 617 bậc đá đi xuống đền Giếng – nơi thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái vua Hùng thứ 18. Trong đền có Giếng Ngọc, tương truyền, hồi chưa xuất giá, hai công chúa vẫn hay ra đây soi bóng chải tóc. Trước cửa đền vào ngày 19 tháng 9 năm 1954, Hồ Chủ Tịch đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ đại đoàn quân tiên phong có nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Đền Hùng – Phú Thọ là nơi thờ cúng các Vua Hùng, là Cội nguồn của dân tộc Việt Nam mà đời đời con cháu khắc ghi. Tháng Ba lại về, trong lòng mỗi người con đất Việt lại ngân nga câu ca:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Câu ca đó như thúc giục mỗi người con đất Việt dù ở nơi đâu cũng hướng về Đền Hùng – quê cha đất Tổ dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên.
TRẦN LIÊN – sưu tầm, biên soạn