75 năm trước, vào sáng sớm ngày 4/3/1947, xe đưa Bác cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đi từ Trung Hà (Sơn Tây) lên đồn điền Ba Triệu, xóm Ghềnh xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân) huyện Tam Nông, ở tại nhà cụ Nguyễn Liên – Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Thọ, cụ là bố đẻ của đồng chí Nguyễn Trung – Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông. Để giữ bí mật, gia đình cụ Liên đã đến ở nhờ nhà khác, nhường toàn bộ ngôi nhà cho đoàn. Bác ăn, nghỉ và làm việc ở gian trái nhà kho kề bên nhà chính, còn các đồng chí cùng đi thì ăn, nghỉ và làm việc ở nhà trên. Tuy đi đường mệt nhưng Bác chỉ nghỉ một lúc rồi bắt tay vào làm việc ngay. Tối ngày 4/3, Bác cùng các đồng chí phục vụ chuyển lên xóm Đồi cách xóm Ghềnh khoảng 2km. Xóm Đồi rất thưa nhà, vườn cây rậm, khuất nẻo. Chủ nhà là ông Hoàng Văn Nguyện, là bố vợ của đồng chí Đỗ Văn Mô – Bí thư Huyện ủy kiêm Phó Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông. Ngôi nhà lợp lá cọ 5 gian rộng rãi, nền cao, vườn rộng, có nhiều cây cổ thụ và lối vào kín đáo.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, trong thời gian ở đây, với bí danh là “Xuân”, Bác đã làm việc rất nhiều, ngoài những lúc trao đổi công việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng… Người còn dành thời gian đọc lịch sử Việt Nam, nghiên cứu cách đánh giặc của các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung; dịch nốt phần cuối cuốn sách “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của Mác – Ăngghen. Người cũng đã cho công bố một số tài liệu như: Mười vấn đề cần thiết trong kháng chiến; thư gửi đồng bào hậu phương, nhắc đồng bào giúp đỡ người tản cư; thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ; thư gửi đồng bào toàn quốc sau trận Pháp tấn công vào Hà Nội; ký Sắc lệnh số 298 ngày 16/3/1947 về việc thành lập Ngoại thương cục; thư gửi Bộ Nội vụ nhắc nhở việc củng cố các Ủy ban Hành chính… Do phải giữ bí mật, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ và nhân dân địa phương, nhưng thông qua báo cáo của đội vũ trang tuyên truyền, Bác hiểu rõ về tình hình mọi mặt trong xã và kịp thời phê bình, chỉ bảo những thiếu sót của cán bộ địa phương. Thực hiện chỉ thị của Bác, các đồng chí cán bộ Văn phòng Trung ương vừa giúp việc cho Bác vừa làm công tác dân vận. Các đồng chí đến từng xóm gặp từng đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, phụ lão nói chuyện, giải thích đường lối kháng chiến của Đảng, mở lớp dạy học cho một số bà con xung quanh chưa biết chữ. Tại đây, Người đã đặt tên cho các đồng chí giúp việc là “Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi”. Điều đó thể hiện rõ ý nguyện và quyết tâm của Người cũng như của nhân dân Việt Nam. Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác và các cơ quan Trung ương, Ban bảo vệ đã bố trí một trung đội bộ đội chủ lực do anh hùng Nguyễn Quốc Trị làm Trung đội trưởng. Trung đội này vừa làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài vừa phối hợp với dân quân địa phương phòng gian bảo mật.
Các cụ già sống thời gian đó truyền miệng kể lại, cũng như một số tài liệu ghi chép lại, trong thời gian Bác ở Cổ Tiết, nhân dân trong xã đã được nghe đồng chí Chiến và các anh trong đoàn cán bộ Văn phòng Trung ương nói về đường lối cách mạng của ta, về lịch sử dân tộc Việt Nam, ba miền Bắc – Trung – Nam đoàn kết một nhà, cùng tham gia kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, về cách mạng tháng Tám và đường lối trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta. Sôi nổi nhất là phong trào bình dân học vụ. Hồi đó chưa có băng zôn như bây giờ, các khẩu hiệu đều viết và vẽ vào những cái nong, nhiều khẩu hiệu đã được tuyên truyền thúc đẩy mọi người tham gia lớp bình dân học vụ, ngồi ở đâu, làm gì cũng tập đánh vần, tập đọc, rất vui. Sau này, khi đoàn cán bộ dời đi chỗ khác mọi người trong làng mới biết là Bác Hồ đã ở xã 15 ngày. Ai cũng thấy tiếc là không được gặp Bác, không được nhìn thấy Bác. Nhưng từ đó, phong trào bình dân học vụ, các buổi học do các đồng chí cán bộ tỉnh, huyện dạy vẫn cứ tiếp diễn và được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Đã 75 năm trôi qua nhưng những lời Bác dạy vẫn được ghi nhớ truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bản thân tôi là thế hệ sau, sinh ra và lớn lên ở nơi đây tuy không được gặp Bác mà chỉ được nghe ông bà kể lại những ngày Bác về quê hương, tôi cũng thấy rất vui mừng, tự hào. Hình ảnh Bác và những câu chuyện kể về Bác mà tôi được nghe, được học luôn ghi nhớ trong tôi. Với tấm lòng thành kính tri ân Bác Hồ nhân Kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác tôi và những người dân xã Cổ Tiết (xã Vạn Xuân) Tam Nông hôm nay cùng ôn lại những ngày Bác về quê hương, dâng lên Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã nén hương thơm nhớ về Bác, thầm hứa với Bác sẽ học tập làm theo lời Bác dạy, góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ghi chép TRẦN LIÊN