Năm 2021 là một năm đặc biệt của làng tôi – làng Phượng Hùng (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ). Đó là năm làng tôi kỷ niệm 60 năm xây dựng quê hương mới (1961 – 2021), 75 năm thành lập xã Chí Đám (1946 – 2021). Những sự kiện đó rơi đúng vào năm thứ 2 cả nước cùng thế giới gồng mình lên chống đại dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, được sự đồng ý và chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền xã Chí Đám, Chi bộ làng Phượng Hùng đã ra nghị quyết chuyên đề và phát động cao trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm những sự kiện quan trọng đó.
Chi bộ tập trung lãnh đạo dân làng giữ vững sản xuất, an toàn đời sống và chiến thắng đại dịch Covid-19. Sau đó và đồng thời với nó là triển khai thực hiện các công trình tạo dấu ấn kỷ niệm 60 năm thành lập làng. Đó là: xuất bản cuốn lịch sử làng; xây dựng cổng làng; nâng cấp đường làng; cải tạo nghĩa trang; triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu (điểm chỉ đạo của xã); xây dựng cánh đồng mẫu lớn (điểm chỉ đạo của huyện). Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng từ đảng viên đến nhân dân ai cũng hào hứng phấn khởi. 60 năm dồn lại hôm nay. Ta chung tay xây công trình mới.
Tôi được chi bộ phân công chủ trì việc làm sử làng. Đây là vinh dự cũng là trách nhiệm nặng nề với tôi. Đã nhiều lần các thế hệ trước đã có ý định làm việc này rồi nhưng chưa thành công. Hiện nay, các vị lãnh đạo tiền bối của làng đã không còn. Số cụ cao tuổi thì nhớ nhớ quên quên. Tài liệu lưu trữ thì hầu như không có. Làm sao bây giờ? Chi bộ có hẳn nghị quyết chuyên đề về việc này. Dân làng mừng vui, hy vọng và ủng hộ. Tôi bắt tay vào cuộc. Chính nhờ việc làm sử làng mà tôi có điều kiện tìm hiểu sâu kỹ làng tôi hơn. Quá trình sưu tầm tư liệu, gặp gỡ các cụ cao niên, nghe chuyện ngày trước, tôi càng tự hào và yêu thêm làng tôi. Đặc biệt, rất biết ơn các vị lãnh đạo tiền bối đã có công xây dựng làng và càng hiểu thêm vai trò sức mạnh của Đảng, cụ thể là Chi bộ Phượng Hùng.
Phượng Hùng làng tôi không phải là một làng cổ. Nó chỉ mới được hình thành cách đây 60 năm. Từ 1961 đến 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, hơn 80 hộ 4 xã của huyện Đan Phượng (Liên Hồng, Liên Minh, Trung Châu, Đan Phượng) thuộc tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) đã hăng hái lên đường đi xây dựng và phát triển kinh tế văn hóa miền núi tại huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ). Tiên Phong ngày ấy (xã Chí Đám bây giờ) là nơi “đất lành chim đậu” để bà con hạ trại, khai sơn phá thạch, xẻ núi bạt đồi, xây dựng quê hương mới. Đến bây giờ bài ca đi mở đất, với “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (Hoàng Trung Thông) vẫn còn âm vang trong đầu các lão làng. Cứ rảnh rỗi các cụ lại kể cho con cháu nghe về cái thuở ban đầu gian khó ấy.
Ngày đó, nơi đây là rừng rậm hoang vu “khỉ ho cò gáy”, không một bóng người. Chim muông, thú rừng nhiều vô kể. Lợn rừng, khỉ độc nhan nhản. Có cả hổ nữa. “Lũng Đỏ người bỏ người đi” là câu nói truyền nhau về nơi rừng thiêng nước độc này. Từ “cửa ngõ thủ đô”, “quê hương người gái đảm”, đất chật người đông, sầm uất như thế, ông cha chúng tôi nghe lời Đảng gọi đã rời làng đi xây dựng kinh tế mới. Đến nơi “thâm sơn cùng cốc” này tất cả xuất phát từ số không. Bắt tay vào khai rừng mở lối, dựng lán làm nhà. Giữa “rừng xanh núi đỏ” nỗi niềm nhớ quê cũ khôn nguôi. Khó khăn chồng chất trước mặt. Một số hộ bi quan, chán nản bỏ về. Trước tình hình đó, lãnh đạo của đảng bộ hai quê, chính quyền và nhân dân sở tại, các vị tiền bối và đảng viên các chi bộ của 4 xã ngày đó đã kịp thời giúp đỡ, động viên bà con vượt qua khó khăn, bám trụ xây dựng quê mới.
Sau bốn năm (1961 – 1965) đào gốc bốc trà, san đồi, mở ruộng, dựng lán làm nhà, tháng 5 năm 1965, theo chủ trương của Đảng ủy xã Tiên Phong, 4 hợp tác xã nhỏ mang tên các xã dưới quê đã sáp nhập lại thành một, lấy tên là HTX nông nghiệp Phượng Hùng. Chi bộ cũng sáp nhập lại với 20 đảng viên. Toàn hợp tác xã có 81 hộ, 233 khẩu. Phượng Hùng là cái tên các cụ tiền bối ngày đó đã chiết ghép từ tên huyện Đan Phượng và Đoan Hùng mà thành với rất nhiều hàm ý. Tên đó vừa nhắc nhớ nguồn cội cho thế hệ sau, vừa khẳng định quyết tâm xây dựng quê hương mới hùng mạnh, đẹp giàu cho người hiện tại. Vậy là vùng đất hoang vu đã có tuổi thành tên. Rừng rậm, đồi hoang đã thành làng thành xóm. Bên bờ sông Lô lịch sử, cùng với 5 làng cũ của xã Tiên Phong xứ bưởi (Đồng Mầu, Chí, Đám, Lã Hoàng, Ngọc Chúc), đã thêm một làng mới Phượng Hùng.
Hàng ngày tôi đạp xe đến gặp các cụ cao niên của làng để khai thác tư liệu. Rất may, một số cụ cao tuổi cùng lớp với các vị lãnh đạo tiền bối và các ông bà kế tiếp đã nắm rất chắc quá trình hình thành và phát triển của làng. Đó là các cụ tuổi tám, chín mươi như cụ Huyền, cụ Ảm, cụ Luyến, cụ Nhâm, vợ chồng hai cụ Thu Nhu nữa. Lớp kế cận tuổi xung quanh bảy mươi, những thanh niên quả cảm hăng hái thời chống Mỹ, có công đem sức trẻ, tuổi xuân cùng các cụ lớp trước để kiến thiết xây dựng làng càng hào hứng khi kể lại chuyện cũ. Đó là ông Tăng, bà Dệt, ông Dự, bà Tịch, ông Tác, ông Năm, ông Nhượng, ông Tờ… Mọi người say sưa kể chuyện ngày trước của làng cho tôi nghe. Chuyện vào rừng chặt xẻ gỗ làm nhà, xuống bềnh lầy thụt phát rậm mở ruộng. Chuyện vác đạn bờ sông, gác máy bay trên núi. Chuyện phá bom, đắp bờ vùng bờ thửa, đào mương tưới, mương tiêu. Chuyện xây đập, đào mương, dựng lò kéo mật… Ai cũng nhắc nhớ đến các vị lãnh đạo tiền bối, lớp đảng viên ngày đầu đưa bà con lên đây. Đó là các cụ Chà – Bí thư Chi bộ đầu tiên của làng; cụ Kỳ chủ nhiệm hợp tác xã – người có công thiết kế cánh đồng đẹp nhất huyện (nay cánh đồng này được chọn để xây dựng cánh đồng mẫu lớn của huyện với quy mô và thiết kế hiện đại), lãnh đạo HTX trở thành HTX nông nghiệp lá cờ đầu của tỉnh năm 1976; cụ Út – nữ chủ nhiệm HTX nông nghiệp hàng đầu của xã, chủ nhiệm nhà trẻ nổi tiếng của tỉnh những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước; cụ Ưu – chủ nhiệm cửa hàng mua bán thời bao cấp năng động nhất tỉnh. Cùng các cụ Thục, cụ Thạc, cụ Pháp, cụ Giao, cụ Y, cụ Dộp những cán bộ tiền bối giữ các trọng trách khác nhau, những đảng viên tiên phong trong các phong trào của làng, của xã.
Bên ấm trà nóng, cụ Huyền, 89 tuổi tâm sự “Ngày đó, không có các ông bà đảng viên ấy thì khéo chúng tôi bỏ về hết. Anh bảo khó khăn như thế cơ mà. Đang quê gần Hà Nội đông vui, thuận lợi như thế, kéo nhau lên nơi khỉ ho cò gáy này bảo sao mà không ngao ngán? Chúng tôi tin Đảng, tin các ông bà đảng viên ấy nên đã bám trụ ở lại dựng xóm lập làng để có được như ngày hôm nay. Giờ các ông bà ấy mất cả rồi, nhớ đáo để anh ạ!”. Bà Dệt, Bí thư Chi bộ lâu năm bộc bạch “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Cứ việc gì khó, chi bộ mà đồng lòng nghị quyết, đảng viên xắn tay áo lên vào cuộc thì nhất định thành công. Bà con theo ngay. Người ta trông cả vào chúng ta đấy chú ạ”.
Thì đã đành là vậy rồi. Chả thế mà cơ ngơi làng xóm mới như ngày hôm nay chứ. Từ 20 đảng viên của 4 chi bộ 4 xã ban đầu lên đây sáp nhập lại thành 1 chi bộ đến năm 2000, số đảng viên tăng lên, chi bộ lại được tách thành 2 để lãnh đạo 2 thôn. Hiện nay, làng Phượng Hùng có 2 chi bộ với 65 đảng viên, trong đó Chi bộ Phượng Hùng 1 (56 đảng viên) là chi bộ đông nhất của Đảng bộ xã Chí Đám. 60 năm qua, chi bộ đã lãnh đạo tập trung tuyệt đối, có nhiều nghị quyết quan trọng để đưa hợp tác xã Phượng Hùng phát triển không ngừng. Từ rừng rậm hoang vu đã vỡ hoang được gần 200 mẫu ruộng, hàng trăm ha đồi. Đặc biệt, cánh đồng đã được quy hoạch, thiết kế mương máng, bờ vùng bờ thửa vuông vắn, bài bản, trở thành cánh đồng đẹp nhất huyện. Hệ thống hồ đập, cống, mương được hoàn thiện, chủ động tưới tiêu. Năng suất lúa của HTX ngày một nâng cao. Giá trị ngày công luôn đứng đầu trong 4 HTX của xã. Năm 1976, HTX nông nghiệp Phượng Hùng trở thành lá cờ đầu của tỉnh, được Ủy ban hành chính tỉnh Vĩnh Phú tặng bức trướng…
Thành tích của các thế hệ đi trước rất đáng tự hào. Ngày sưu tầm tư liệu, tối tôi ngồi chắp bút. Hình ảnh quê hương dần hiện lên trên từng trang bản thảo cuốn sử. Qua những ý kiến tham góp, hội thảo, sau nhiều lần chỉnh sửa, cuối cùng bản thảo cũng đã xong. Tôi hăm hở mang nó trình các cấp có thẩm quyền và chuyển về nhà xuất bản. Tới nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, biên tập viên ngỡ ngàng. Cấp làng làm sử làng? Quá hiếm hoi. Chưa thấy làng nào làm được vậy cả. Thế nên, các anh chị nhà xuất bản đã thận trọng thẩm định, biên tập tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Họ rất trân trọng ủng hộ làng. Sau nhiều lần chỉnh sửa, cuối cùng cuốn lịch sử làng tôi cũng đã ra đời thỏa lòng mong ước của bà con quê tôi.
Cùng với cuốn sử, cổng làng, đường làng đến tháng 10 năm 2021 cũng đã xong. Hai tuyến đường làng dài tổng cộng gần 3km được nâng cấp, bê tông hóa, rộng rãi khang trang, trị giá hơn 8 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách cấp trên. Chi bộ vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình để mở, nắn đường. Nhiều gia đình dỡ tường rào, quán xá, chuồng trại, lùi vào hàng trăm mét để công trình thi công. Tổng số đất 44 hộ dân hiến tặng là 2.253m2, tháo dỡ 754m tường rào, đốn hạ 123 cây ăn quả các loại. Cổng làng khang trang bề thế nhất huyện được xây bằng nguồn xã hội hóa. Chỉ trong vòng mấy tháng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, dân chủ công khai, đảng viên gương mẫu, làng đã huy động được gần 500 triệu đồng chi cho các công trình “60 năm”.
Đường làng bây giờ rộng rãi, sạch đẹp, phẳng phiu. Các chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân quản lý, phụ trách từng đoạn. Đường hoa, đường cây đang hình thành. Nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập ở trung tâm 2 thôn được đầu tư, nâng cấp. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển. Chiều chiều, bóng chuyền hơi thu hút đông đảo người chơi đến tận khuya. Phong trào ca hát, tập văn nghệ được các đoàn thể, gia đình chú trọng. Ngày đêm tiếng hát karaoke vang lên rộn ràng từ các xóm. Không chỉ lo cho người sống, chi bộ còn quan tâm đến người chết. Nghĩa trang làng được cải tạo, quy hoạch mồ mả hàng lối quy củ, thống nhất mẫu mã cát táng, xây mới nhà đòn ba gian khang trang. Đồng thời bệnh viện Hùng Vương tiếp tục tài trợ đang xây nhà tang lễ hiện đại trên nghĩa trang cho làng. Ai đã đến Phượng Hùng nay có dịp trở lại đều phải ngỡ ngàng.
Bí thư Chi bộ Phượng Hùng 1 Trần Văn Nam, thượng tá quân đội nghỉ hưu phấn khởi nói “Tuy Covid-19 không tổ chức được lễ kỷ niệm 60 năm nhưng những công trình đó đã để lại dấu ấn một chặng đường bác ạ. Ngày được chi bộ bầu giữ chức bí thư, em lo quá. Bây giờ thì yên tâm rồi. Có các bác hỗ trợ, đảng viên đồng lòng, các cấp tạo điều kiện, nhân dân ủng hộ thì không ngại gì cả”. Tôi cười vui “Thì vưỡn! Phượng Hùng mà lị. Truyền thống rồi!”. Nói vậy, và tôi càng nhớ các cụ tiền bối biết bao nhiêu. Cả các đồng chí bí thư chi bộ qua các thời kỳ (như cụ Quý, cụ Y, ông Kiệt, ông Năm, ông Điển, ông Hiếu, bà Dệt, bà Hoa…), rồi các trưởng thôn (như ông Tăng, ông Tân, ông Lực, ông Tờ, anh Thành, anh Huy) nữa. Họ là những người đứng mũi chịu sào chèo lái con thuyền của làng vươn ra biển lớn để có một “Nông thôn mới” đang từng bước tiến lên “Kiểu mẫu” hôm nay.
Một vùng đất hoang vu, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển đã trở thành phố, thành làng như hiện nay. Từ 5 hộ gốc sở tại (15 khẩu) và 1 cơ quan nhỏ đến hợp tác xã Phượng Hùng (1965) với 81 hộ dân của 4 xã dưới xuôi lên, và đến nay làng Phượng Hùng đã có 442 hộ, 1.583 khẩu (chưa kể các hộ gốc xã Liên Hồng chuyển về sinh hoạt với làng Ngọc Chúc). Cùng với đó là 1 bệnh viện lớn gần ngàn cán bộ, nhân viên y, bác sỹ với cơ sở bề thế trên địa bàn của làng.
Chí Đám xã anh hùng, cửa ngõ phía bắc của huyện Đoan Hùng anh hùng và cũng là của tỉnh Phú Thọ anh hùng. Phượng Hùng lại chính là cửa ngõ quan trọng ấy. Ven quốc lộ, phố mới đang hình thành. Ở trong làng, phong trào nông thôn mới phát triển mạnh mẽ. Nhà cửa khang trang, hiện đại. Cánh đồng thẳng cánh cò bay, bốn mùa lúa màu tươi tốt. Trang trại cây cối xum xuê. Đường làng được bê tông hóa phẳng phiu, rộng rãi. Hội trường, nhà văn hóa, sân thể thao, cổng làng được xây dựng khang trang. Làng hiện có 88 ô tô các loại (bình quân 5 hộ có 1 ô-tô), mở hẳn dịch vụ vận tải, xe khách; 575 xe máy, 12 máy xay sát, hơn 500 vô tuyến truyền hình cùng nhiều đồ gia dụng hiện đại và máy móc nông nghiệp khác. Nhiều hộ chuyển làm dịch vụ. Số còn lại tiếp tục đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi… Cơ cấu nguồn thu mỗi hộ đã có sự thay đổi lớn. Đồng tiền đã thay thế cho thóc, gạo, ngô, khoai. Mức sống các gia đình được nâng cao, chuyển dần từ “no, đủ” tới “ngon, sang và chất lượng”. Con em Phượng Hùng được đến trường, học hành thành đạt. Bởi vậy, đất Phượng Hùng trở thành sức hút của nhiều nhà đầu tư và nhiều cư dân các nơi khác đến sinh sống.
Đất Phượng Hùng đẹp giàu. Người Phượng Hùng thủy chung, gắn bó, yêu thương. Nhiều con em của làng đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, những nhà khoa học, quản lý ở khắp các miền. Đến nay, làng có 6 đại tá, 6 thượng tá giữ các chức vụ cấp sư đoàn, tỉnh đội, huyện đội; 2 Bí thư, phó bí thư cấp ủy huyện, thị; 3 trưởng, phó đoàn thể tỉnh; 5 trưởng, phó phòng ban huyện; 1 Bí thư Đảng ủy xã (10 năm); 2 chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (18 năm); 4 phó chủ tịch xã; 2 chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp toàn xã; 2 chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán; 6 trưởng, phó các đoàn thể xã; 2 trưởng công an, xã đội trưởng; 2 hiệu trưởng; 3 giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân; 1 Tiến sĩ là Trưởng khoa trường đại học; 1 thạc sĩ bác sĩ, phó khoa bệnh viện tỉnh; 1 nhà báo, 1 luật sư… Có nhiều người được tặng thưởng huân, huy chương và danh hiệu thi đua các loại. Tự hào lắm làng tôi.
Làng có được sự phát triển này trước hết phải nhờ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, trực tiếp là vai trò của chi bộ. 65 đảng viên của 2 chi bộ trong làng là những chiến sĩ cách mạng luôn ở tuyến đầu các phong trào. Câu nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” tuyệt đối đúng với làng tôi. Nhiều năm liền Chi bộ Phượng Hùng luôn đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”, có năm là “Tiêu biểu xuất sắc”, luôn là chỗ dựa, niềm tin của dân làng.
Thế hệ thứ tư của làng đang cùng cha anh phấn khởi, hân hoan bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của kỹ thuật số, của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Cơ hội mở ra nhưng thách thức cũng rất lớn. Phát huy truyền thống đó, dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo lãnh đạo của cấp ủy 2 quê, trực tiếp là huyện Đoan Hùng và xã Chí Đám, sự đồng hành giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn làng và xung quanh, cán bộ và nhân dân làng Phượng Hùng tiếp tục chung tay xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Cánh đồng mẫu lớn”, viết tiếp những thành công mới trong trang sử mới. Người dân làng tôi mãi mãi vững tin theo Đảng trọn đời. Đảng là áo ấm, cơm no, là tự do, hạnh phúc… Sự nghiệp “xây dựng và phát triển kinh tế văn hóa miền núi” theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng năm xưa của cha ông tôi đã thành công.
Ngồi dưới bóng đa làng, nhìn ra cổng làng, cầm cuốn sử làng trên tay, lòng tôi rưng rưng tự hào về một miền quê đáng sống.
Phi Đông Hạ