Tin buồn về dự án làm đường ở xóm Cây Mưng bị gác lại do việc không giải phóng được mặt bằng, nhanh chóng lan truyền khắp xóm, khắp xã, khắp nhiều vùng, miền đất nước. Thế là đi đời con đường hơn một cây số, được đổ bê tông, rộng 5 mét chạy từ đường Quốc lộ ven bờ sông Con đến chân núi Hét. Xóm làng mất một cơ hội thêm khởi sắc, bề thế. Nhà ở, đất vườn của hàng trăm gia đình hai bên đường tưởng sẽ lên giá vù vù. Ai cũng tiếc đứt ruột. Người ta oán trách Giám đốc Công ty Bồng Lai bội ước một phần thì oán trách ông Thắng chín phần. Không thể tưởng tượng nổi, người có công mời gọi được nhà tài trợ lại chính là kẻ cản trở không chịu di dời hai cây mưng khiến con đường bị “thắt cổ be”.
Đã chuẩn bị đối phó với búa rìu dư luận và sự chửi bới của dân làng mà ông Thắng vẫn cứ bất ngờ. Cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn như người mất hồn. Đầu tiên là phải trả lời trưởng xóm và Ủy ban xã về sự quay ngoắt 180 độ của ông. Cơn cớ ra làm sao mà ông đã dẫn Giám đốc Công ty Bồng Lai đến nhà trưởng xóm, đến cả trụ sở Ủy ban trình bày ý tưởng tài trợ 400 triệu đồng để mở rộng, nâng cấp con đường trục chính của xóm. Mọi người sốt sắng di dời cửa ngõ, cây cối, lại còn hiến đất để mở rộng đường, thì ông lại phá ngang? Ông Thắng khổ sở giãi bày, tôi muốn làm con đường lắm chứ. Không muốn thì sao lại đi vận động Giám đốc Công ty Bồng Lai làm đường giúp xóm? Hiềm một nỗi nếu động vào hai cây mưng cổ thụ trong vườn là động vào long mạch, sẽ khuynh gia bại sản. Thậm chí mạng sống của vợ chồng tôi cũng chẳng giữ nổi?
– Một đảng viên đã được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, lại là cựu chiến binh, một trưởng phòng về hưu mà lại tin vào điều nhảm nhí thế à? – Chủ tịch xã chất vấn thế.
– Ban đầu tôi cũng không tin. Khi vợ tôi đi xem bói về nói lại tôi đã bác bỏ. Nhưng khi tra “Gu gồ” thấy những chuyện xảy ra ở chỗ nọ chỗ kia không tin không được. Thậm chí tôi nhớ không nhầm có nơi có cây to ở chính giữa đường mà người ta không dám di dời. Cho nên…
Nhác thấy hai ả đang vào ngõ nhà mình, ông Thắng hồi hộp quá. Ông tự trấn an mình: Bao nhiêu người đã chê bai, chất vấn và chửi, mắng nữa, nghe đầy tai rồi. Hôm nay hai ả đến, tôi sẵn sàng nghe đây? Hai ả kém ông hơn 10 tuổi, lại ở giáp bờ sông, cách nhà ông nửa cây số. Có khi cả tháng chả gặp nhau, nhưng lại có nhiều kỷ niệm. Ông coi như em gái, chúng cũng quý mến ông, coi ông như thần tượng. Vậy mà…
Thì mình cũng sẽ nói lý do khiến mình có lỗi với dân làng là vì hai cây mưng cổ thụ, từ đời cố can để lại. Đụng vào cây là đụng vào long mạch. Nhưng hai ả cứ loanh quanh, không đả động gì đến chuyện đoạn đường “thắt cổ be”. Mãi đến khi ông Thắng chủ động nói ra lý do mình không chịu chặt bỏ hai cây mưng thì ả Vân mới nói:
– Việc đó bọn em đã được nghe rồi.
Mận cũng góp vào, anh làm vậy hẳn cũng có lý do chính đáng. Các em đến đây không phải để vận động, thuyết phục gì đâu. Nhưng chúng em nghe họ nói anh rất buồn, người gầy rạc đi thì thương anh quá. Chúng em chỉ muốn nói với anh là, anh đã cho chúng em được sống thì có chi vui buồn đừng giấu chúng em. Biết đâu chúng em giúp được điều gì cũng nên? Ông Thắng bảo mình buồn vì có lỗi với dân làng chứ chẳng ốm đau gì đâu.
– Anh đừng quá suy nghĩ mà ốm ra thì khổ. Chúng em và mọi người thông cảm và ủng hộ anh mà. Anh không tin ư?
Chẳng chờ ông Thắng trả lời, Vân đã hỏi:
– Anh có biết chúng em nhớ nhất là kỷ niệm gì của anh em mình không?
– À…?
Thoáng chút bối rối, rồi ông Thắng nói:
– Hai đứa bay bị sốc nước lụt. Ôm nhau “giã gạo” giữa sông, không có tao thì thành ma hà bá lâu rồi.
Vân lắc đầu:
– Chuyện đó không bao giờ chúng em quên. Nhưng…
Không chờ Vân nói hết câu, ông Thắng hỏi:
– Không phải chuyện ấy à. Chuyện con Mận bị con cá mắc câu, quấn chân, uống no nước sông chứ gì?
– Hôm đó em hồn vía lên ngọn cơn. Cứ tưởng bị ma bắt.
– Tao cũng hoảng. Đã mấy lần đi câu ống được cá to rồi nhưng ai ngờ con cá lấu hôm ấy lại lao từ vực sâu vào bờ. Tao đang nới dây cước chờ nó mệt mới cuốn câu bắt cá thì nghe chúng bay kêu thất thanh. Biết ngay là con cá đã quấn dây cước vào đứa nào rồi, nên dù chúng bay tắm truồng tao vẫn xông vào lựa thế đưa cả cá và con Mận vào bờ.
Nhắc lại kỷ niệm cũ ba anh em cười hể hả. Cả tháng ông Thắng cứ rầu rầu, hôm nay mới cười vui như thế.
– Nhưng đấy cũng chưa phải là kỷ niệm mà chúng em muốn nhắc đến đâu ạ.
– Hả? – Ông Thắng ngạc nhiên nhìn Vân, nhìn Mận rồi nói – Chúng mày nhắc đến chuyện bài vè chứ gì?
Cả hai đứa đều gật đầu. Vân nói:
– Tại vì dạo này người ta hay nói thắt cổ chai, cổ be nên chúng em nhớ đến bài vè thôi.
Rốt cuộc thì chúng mày cũng nhắc đến chuyện làm đường. Vậy mà cứ loanh quanh? Nghĩ vậy nhưng ông Thắng vẫn bình thản hỏi:
– Chuyện bài vè thì có gì đáng nhớ chứ?
– Nếu không có anh thì bây giờ trẻ con hai xóm hai bên sông vẫn chí chóe trêu nhau. Đọc vè bất phân thắng bại là lấy đá ném nhau, nhiều đứa bươu đầu, sứt trán.
Sự nhắc nhở của hai ả khiến ông Thắng nhớ lại những cặp mắt thao láo như mắt trâu, của bọn trẻ khi ông dẹp chuyện vè vúng 40 năm trước. Hôm ấy ông đang ngồi thả câu bên bờ sông thì nghe bọn trẻ tru tréo trêu nhau. Đầu tiên là bọn trẻ xóm Cây Mưng cao giọng: “Lạ lùng ở xóm Cà Phê/ Có o rồ dại đút be vô mình”.
Lập tức bọn trẻ bên kia sông đáp lời: “Lạ lùng ở xóm Cây Mưng/ Trông đi ăn cỗ để bưng cỗ về”…
Cố nhiên là sau hai câu mở đầu như thế là các câu tiếp theo giễu cợt, móc máy cái tật xấu của mỗi làng. Ông Thắng phì cười khi nghe nhưng những câu vè mà ông cũng từng biết, nhưng ông đâu biết cái sự cay cú của bọn trẻ. Vì thế khi nghe tiếng vun vút xé gió như đàn ong rừng bay qua, lại nghe cả tiếng chửi, tiếng khóc của bọn trẻ, ông vội cài ống câu vào bụi cây chạy tới mới biết bọn trẻ đang ném đá vào nhau. Ông xông vào ngăn không cho chúng ném. Đồng thời gọi với sang bên kia sông yêu cầu bọn trẻ xóm Cà Phê dừng tay. Tiếp đó, ông dẫn bọn trẻ xóm Cây Mưng lội sông sang gặp “đối phương” để nghe ông kể một câu chuyện. Ông Thắng sức vóc hơn người lại là vua câu cá ống bọn trẻ hai xóm đâu có lạ. Chúng còn biết ông từng là bộ đội nên rất ngưỡng mộ. Nhưng ông kể chuyện thì ngạc nhiên quá. Ông hỏi bọn trẻ xóm Cây Mưng có biết cái o làm chuyện lạ lùng đó là ai không? Bọn trẻ lắc đầu quầy quậy. Ông nói, không chỉ chúng bay không biết mà anh cũng không biết. Các cụ già chín mươi, một trăm tuổi ở cả hai làng cũng không biết. Điều đó chứng tỏ chuyện o nào đó đút be vô mình chỉ là chuyện đùa thôi. Không phải là chuyện có thật. Nhưng nếu có o nào làm chuyện ấy thì cũng không phải chuyện xấu xa. Đúng không? Chuyện không xấu nhưng người nhắc chuyện đó ra là xấu. Rất xấu. Bọn trẻ choai mười, mười hai tuổi đưa mắt nhìn nhau, ngượng ngùng xấu hổ với ông Thắng quá. Vân, Mận vẫn còn nhớ cái cảm giác như lần mấy đứa hái trộm cam chanh và vải thiều trong vườn các cụ phụ lão bị bắt quả tang. Đứa nào đứa nấy run như chó ngoi nước lụt lên bờ. May mà các cụ không báo cáo với nhà trường, cũng không mách cha mẹ.
Còn chuyện người làng Mưng đi ãn cỗ đám cưới, đám giỗ hay hội làng thường chia phần cho nhau mang về cho con cháu, ông bảo đâu phải là chuyện xấu xa? Bài vè chê việc lấy quà về là tham lam, là quá quê mùa. Nhưng các em chưa biết rằng người xóm Cây Mưng làm thế là học theo người thành thị đấy. Khi anh còn nhỏ đã thấy một bà tên là U rất đẹp lão. Tuổi bà ngoài bảy mà da trắng tóc vẫn đen nhức. Các bà ở xóm Cây Mưng kém bà cả chục tuổi mà da đen nhẻm, nhăn nheo, tóc đã bạc nên trông già nua hơn bà U. Điều đặc biệt là bà nói tiếng Bắc. Không biết căn nguyên gì mà bà lại rời phố Triều Khúc, Hà Nội, một thân một mình đến ở xóm Cây Mưng. Ngôi nhà bà còn nhỏ hơn cái nhà bếp của mọi nhà ở xóm Cây Mưng nhưng rất gọn gàng sạch sẽ và luôn đông người đến chơi. Nhất là ban đêm. Bà là người xởi lởi dễ gần nhưng cái chính là người ta thích nghe bà kể chuyện. Bà kể chuyện rất hay và có vô vàn câu chuyện để kể. Tuy chẳng có ai ruột rà thân thích nhưng cả xóm đều thương quý bà. Nhà ai có cỗ cũng mời bà. Bà rất tự nhiên, ăn xong còn lấy phần đưa về nhà. Thấy cử chỉ dị thường quá, ai cũng lắc đầu, cười chê. Có người rỉ tai bà, đừng làm thế, người ta cười cho. “Cười hở mười cái răng”. Tôi hỏi các bà, các ông có ai chê xôi thịt, giò chả, cá rán không? Không hả? Không chê mà không lấy về là vì cái bệnh sỹ. Những lần ăn cỗ tiếp theo, bà U vẫn mang sẵn cái túi nhỏ để lấy quà về. Có mấy bà cũng làm theo. Bà khuyến khích: Tôi một thân, một mình mà vẫn lấy quà về, mọi người còn có con cháu càng nên lấy về cho chúng mừng. Cỗ bàn ê hề ra đó, mình chỉ lấy phần trong mâm của mình thôi, chả việc gì phải ngượng cả.
Sau đó thì anh đi bộ đội, hết nghĩa vụ quân sự lại trở về Phòng thương nghiệp huyện, không biết bà U về Hà Nội hay đi đâu, bà còn sống hay đã chết. Nhưng cái tục đi ăn cỗ còn lấy phần về cho con cháu của làng Mưng là do bà U để lại. Đó không phải là việc đáng chê trách như các em tưởng.
Nhắc lại câu chuyện từ hồi Vân và Mận mới hơn mười tuổi, bây giờ đã sắp lên u sáu mươi, tóc đã điểm bạc mà hai ả vẫn ngỡ ngàng, bối rối. Ông Thắng cũng không kém phần xúc động. Ông hỏi:
– Hai đứa còn nhớ bài vè không?
Vân lắc đầu, Mận nói:
– Em còn nhớ.
– Mận đọc xem nào?
– Em không đọc đâu. Xấu hổ lắm.
Cả ba anh em cười xòa.
Tiễn hai ả xuống ngõ, đến cạnh cây mưng, ông Thắng chìa tay ra bắt, nhưng Vân, Mận lắc đầu. Phải chụp mấy kiểu ảnh đã. Mấy khi gặp dịp cả hai cây nở hoa rực rỡ thế này. Hai cây mưng cách nhau cả chục mét mà tán, cành đan vào nhau tạo thành cái cổng hoa lá đẹp tuyệt. Những chùm, những dây hoa đỏ sậm như màu mận chín từ các cành, nhánh buông xuống như có ai kết, ai treo thật khéo, thật công phu. Điều đáng nói là rất thơm. Mận lấy làm tiếc là không chụp được mùi thơm của hoa.
– Buổi trưa thơm vậy nhưng còn lâu mới bằng buổi chiều tối và ban đêm. Hay tối nay hai đứa đến chơi?
– Bây giờ anh nói em mới nhớ là có lần em đi qua đây vào ban đêm, em đã đứng hít hà mãi cái mùi hương dìu dịu như ai đang rang cà phê rất gần. Lại như mùi thơm của những chảo mật mía đang sôi.
Câu nói của Vân làm ông Thắng nhớ tới những chảo mật mía đang sôi như mặt ao gặp mưa rào, tiếng mật sôi lủm bủm và hơi mật như làn khói mỏng lòa xòa trên các chảo mật lan tỏa thơm nức khắp vùng. Ai cũng thích được uống mật ở giai đoạn đang sôi này vì chưa đặc thành mật, thành đường nên không quá ngọt. Còn mùi thơm của cà phê lúc đang rang, hoặc lúc đang giã trong cối cũng thoang thoảng rất dễ chịu. Không ai là không hít hà căng tức cả ngực mới thôi.
– Cả hai hương vị đó đã thuộc về dĩ vãng nhưng anh em mình đâu có quên – Câu nói của ông Thắng đưa hai ả cùng nhớ về “ngày xưa”. Ngày ấy ông Thắng và hai ả chưa có mặt trên cõi đời này, xóm Cà Phê bên kia sông, thuộc đồn điền cà phê của Pháp. Sau khi người Pháp rút đi các nông phu làm chủ mấy trăm héc ta cà phê. Hầu như nhà nào cũng có mấy sào, ai cũng biết rang xay cà phê. Đời sống người dân làm cà phê cũng khấm khá hơn nơi khác. Nhưng rồi xảy ra chiến tranh phá hoại, làng Cà Phê gần cây cầu, một trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá nên tan hoang. Sau chiến tranh phá hoại, Hợp tác xã nông nghiệp quyết định trồng mía thay cho cây cà phê. Thế là cây cà phê thành củi để nấu mật. Cả hàng trăm cây mưng, ngoài Bắc gọi là cây lộc vừng, nghe nói là quý lắm, cũng chung số phận. Được cái, cây cà phê và cây mưng cháy đượm, lâu tàn. Nhưng từ khi khoán hộ, Hợp tác xã chỉ còn chức năng làm dịch vụ cung ứng phân, giống, thủy lợi cho các hộ xã viên. Những gia đình còn trồng mía, nấu mật và rang xay cà phê cả hai xóm chỉ vài chục hộ thôi. Ở xóm Cà Phê hiện vẫn còn vài trăm cây già cỗi lêu đêu. Còn mưng chỉ còn đúng hai cây trong vườn nhà anh Thắng thôi.
Mận tiếp lời:
– Em nghe nói rau mưng ngon lắm hả anh?
– Lá mưng non có vị hơi chát, luộc ăn giống như rau ngải cứu. Người thích thì ăn nhiều, ai sợ chát thì ăn ít. Nhưng ngon nhất là quấn thịt dê, tai lợn, hoặc cá lẹp, cá mương. Em không nghe người ta nói “Cá lẹp mà kẹp rau mưng/ Chồng gắp nặng đũa vợ trừng mắt lên” à?
– Thế hôm nào chúng em phải đến xin anh một ít rau mưng nhá?
– Xong ngay. Chúng bay hái đi. Bây giờ lá non ít lắm, nhưng vẫn hái được. Đến mùa xuân, lá non vô biên.
Vân lắc đầu:
– Phải chuẩn bị thịt dê hay cá lẹp rồi mới đến xin lá mưng chớ anh?
Hai ả đã ra về khá xa mà ông Thắng cứ bần thần nhìn theo. Nói là đến chơi ôn lại kỷ niệm, vậy mà khi bắt tay tạm biệt còn nhắc lại: “Anh đã cho chúng em được sống thì có điều chi bí mật mà giấu, là chúng em giận đó”. Ông tự nhủ sẽ nói cho hai đứa biết, biết đâu chúng sẽ giúp mình trong vụ này.
*
* *
Năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Ông đã viết đơn xin được hưởng ứng lệnh Tổng động viên, ra biên giới. Sau 5 năm làm nhiệm vụ ở biên giới Lạng Sơn, ông lại trở về Phòng Thương nghiệp huyện nhưng không làm chuyên môn như trước, mà được nhận chức Phó phòng. Ngay tháng đầu tiên thâm nhập công việc, nắm tình hình cơ quan, ông Thắng đã phát hiện sổ sách kế toán có nhiều bất cập, có cả những điều khuất tất. Trưởng phòng Thương nghiệp huyện vốn là vị Phó phòng, Bí thư chi bộ đã ký giấy chuyển sinh hoạt Đảng cho ông Thắng năm năm trước. Có thể đây là do Lê Tấn, kế toán trưởng tạo nên mà ông không phát hiện được thôi? Ông nghĩ vậy.
Quả thật Trưởng phòng rất ngạc nhiên khi nghe ông Thắng báo cáo. Tuy vậy ông cũng không muốn làm to chuyện. Tuy không dính dáng gì nhưng Trưởng phòng không phải là vô can. Vì ông không làm tròn trách nhiệm quản lý chuyên môn. Đấy là chưa kể Lê Tấn vẫn thường quà cáp cho ông khá chu tất. Quan điểm của Trưởng phòng là giơ cao đánh khẽ. “Quét nhà ra rác” mà. Nhưng những khoản Lê Tấn tham ô thì phải trả lại cho Nhà nước.
Ngay sau khi bị phát hiện, Lê Tấn đã gặp ông Thắng xin nhận khuyết điểm và hứa hẹn sẽ không tái phạm. Cùng với sự “thành khẩn” là một gói quà. Ông Thắng lặng lẽ đỡ gói quà, rồi hỏi:
– Quà gì mà nằng nặng?
– Tiền anh ạ.
– Ui trời nhiều thế à?
Lê Tấn xun xoe:
– Đây tấm lòng thành của em, anh nhận cho em mừng ạ.
Ông Thắng đặt gói quà xuống giữa bàn rồi nghiêm giọng:
– Tôi thật sự thất vọng về anh – Lê Tấn như bị điện giật. Đang xưng anh xưng chú mà chuyển sang xưng anh, tôi là gay go rồi – Dạ quả là em đã làm anh buồn nhưng mong anh đại xá ạ! – Ông Thắng vẫn bình thản nói tiếp ý mình định nói – Hôm tôi bàn giao công việc cho anh, anh hứa hẹn gì hẳn anh chưa quên. Anh nói anh rất cảm kích về việc tôi xung phong nhập ngũ hưởng ứng lệnh Tổng động viên. Anh sẽ phấn đấu để làm công việc tốt như tôi. Vậy mà anh làm ăn vậy à? Hay là anh cảm kích vì tôi đi bộ đội thì anh mới được nhận chức Kế toán trưởng để có cơ hội làm bậy? Thấy sổ sách rõ ràng, tất toán hàng năm khá hợp lý tôi đã mừng, nào ngờ lại không hiếm những điều khuất tất?
– Ối! Ôi anh ơi. Em thừa nhận là có những sai trái nhưng khuất tất thì không, không… có đâu ạ. Chẳng qua là em phải hợp lý hóa những chi tiêu theo lệnh trưởng phòng thôi ạ.
– Vậy tôi hỏi anh, gói tiền kia cũng là lệnh của trưởng phòng sao?
– Không! Không phải ạ. Đây là lòng thành của em. Mong anh hiểu cho em, tha cho em lần này – Lê Tấn líu ríu nói.
– Việc anh phải làm bây giờ là hoàn trả tất cả các khoản mà anh đã chiếm dụng của Nhà nước. Nếu anh không tự giác trả lại những gì đã tham ô thì sẽ khó mà tránh khỏi bị cơ quan pháp luật khởi tố. Về phần mình, tôi sẽ không tố giác chuyện anh đã hối lộ. Đấy, tôi chỉ có thể giúp anh như thế”.
Lê Tấn đã nghe lời ông Thắng, trả lại số tài sản mà anh ta đã tham ô và nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, buộc thôi việc. Tuy bị kỷ luật buộc thôi việc, nhưng Lê Tấn hiểu đó là một ân huệ mà anh ta phải nhớ. Sau đó Lê Tấn về quê buôn bán nhì nhằng rồi thành lập công ty xây dựng cũng khấm khá. Có trụ sở to đùng ở thành phố Vinh. Thỉnh thoảng anh ta cũng ghé thăm ông Thắng, coi ông như một ân nhân. Có lần Lê Tấn chê con đường vào xóm bé quá, chiếc xe Ford bảy chỗ suýt sa xuống ruộng. Ông Thắng bảo xóm nghèo quá chưa đủ tiền làm đường to. Lê Tấn nổi hứng tuyên bố em sẽ làm đường cho xóm. Nhưng phải bỏ hai cây Lộc vừng này. Đương nhiên rồi. Tiếc thì tiếc lắm nhưng vì bà con xóm ngõ tôi sẵn sàng. Ngắm nghía hai cây lộc vừng Lê Tấn mê lắm, hai cây khủng này mà về thành phố Vinh thì ra vấn đề. Gã dặn ông Thắng đừng chặt phá làm củi mà phí, gã sẽ mua đưa về để ở sân công ty làm kỷ niệm. Ông Thắng bảo để trồng ở nhà văn hóa vừa làm đẹp vừa để giữ kỷ niệm. Gọi là làng Cây Mưng mà không có cây mưng còn ra thể thống gì. Thế còn một cây để cho em nhé. Ông Thắng nói chú cứ làm đường cho đẹp, tôi để cho chú một cây. Hai anh em bắt tay. Giật mãi mới thôi. Gã hứa hẹn sẽ tài trợ 400 triệu đồng và trực tiếp thi công đường. Nhưng mới được nửa tháng gã đến nhà ông Thắng, lại đúng vào hôm ông đi vắng, chỉ có bà Chiến, vợ ông ở nhà.
– Tuy anh không ở nhà nhưng có chị là tốt rồi?
Bà Chiến chột dạ hỏi:
– Có việc chi quan trọng hả chú?
Lê Tấn xoa xoa tay rồi nói:
– Việc làm đường đành phải hoãn lại chị ạ.
Rồi anh ta trình bày là công ty có mấy công trình đang cần tiền mà chưa được vay vốn vì chưa nộp đủ thuế nên xin hoãn sang năm mới làm đường cho xóm Mưng được. Nhưng nói thế thì ai người ta tin, hơn nữa cũng xấu hổ. Vì thế mà em nhờ anh chị làm cho một việc. Cái việc mà Lê Tấn nhờ là ông bà gây cản trở nên không giải phóng được mặt bằng. Bà Chiến cãi chúng tôi đâu có cản trở? Lê Tấn nói đây chỉ là giả vờ thôi. Như là một vở kịch ấy mà? Anh ta đã có cách để ông bà không bị chê trách. Cách đó là ông bà không chịu di dời hai cây mưng vì sợ động vào long mạch. Không di dời được cây thì không thể làm đường được.
Cùng với sự dàn dựng đó, gã đưa cho bà Chiến 30 triệu đồng. Bà Chiến không nhận nhưng gã cứ để gói tiền giữa bàn rồi vội vã lên xe như thể chạy trốn.
*
* *
Chợt nhìn thấy những lá mưng đầu tiên đã chuyển sang màu vàng, ông Thắng giật mình. Đã giữa mùa thu rồi ư? Phải hành động thôi, chần chừ sẽ không kịp. Ông bấm máy gọi Mận và Vân đến. Vừa mở cửa xe Mận đã rổn rảng:
– Nghe anh gọi đến có chuyện cần bàn bọn em đến ngay, lại đưa cả ô tô đến xin anh mấy kiểu ảnh trước cây mưng.
– Chụp ảnh thì vô tư, chỉ xin mỗi kiểu vài chục nghìn tiền phông thôi. Nhưng hơn một tuần nữa mới đẹp. Bây giờ mới chỉ lác đác lá vàng thôi hơn một tuần nữa toàn bộ lá của hai cây mưng sẽ vàng rực mê mẩn luôn. Chụp buổi sáng khi bình minh vừa ló rạng, buổi trưa, buổi chiều đều đẹp. Nhưng đẹp nhất là đêm sáng trăng. Những cây cối xung quanh đen sì thì hàng tỷ lá mưng lại trắng phau, tưởng như vầng trăng khuyết sà xuống ngõ nhà anh ấy chứ?
– Ối! Như trăng sà xuống ngõ? Điêu thế? Trách chi mà không chịu di dời, sợ mất khoản thu nhập lớn đây mà?
Bà Chiến, từ trên nhà bước xuống, trách ông ông cứ huyên thuyên, không để các chị vào nhà chơi. Vân hỏi:
– Chị ơi, mới sáng sớm mà anh kêu chúng em sang có vệc gì đấy ạ?
Bà Chiến chỉ tay lên ngọn cây mưng:
– Vì những chiếc lá mưng đã vàng!
Thấy hai ả có vẻ ngơ ngác, bà Chiến bảo cứ vào nhà khắc biết.
Những chiếc lá mưng đã chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt đã báo hiệu hai cây mưng bắt đầu vào mùa rụng lá. Thời cơ di dời tốt nhất là khi cây vừa rụng hết lá. Cây đã trút hết lá là đã nhẹ đi rất nhiều, chuyển cây nhẹ hạn chế được sự chấn động làm đất ở rễ giảm bong rơi. Từ khi có lá vàng xuất hiện đến khi rụng hết lá chừng hai tuần thôi. Nhưng, dời thì dời đi đâu ạ? Lên sân vườn Nhà văn hóa xóm chứ dời đi đâu nữa? Xóm Cây Mưng mà chưa có cây mưng nên anh sẽ cung tiến một cây. Một việc làm đạt được hai mục đích. Vừa giữ được cây quý cho làng, vừa có mặt bằng để làm đường. Cả Vân và Mận cùng ồ lên vì bất ngờ. Thần tượng của họ mới tuyệt vời làm sao!
Nhưng hai ả còn bị bất ngờ vì một việc khác. Không phải cứ di dời cây mưng, bỏ được cái “Thắt cổ be” là sẽ có 400 triệu tiền làm đường đâu. Đừng mơ. Đó chỉ là cái cớ để che đậy sự thoái thác của lão Tấn Giám đốc Công ty Bồng Lai mà thôi. Hôm nay ông bà Thắng, Chiến quyết rũ bỏ sự che đậy ấy. Ông muốn bà Chiến và hai ả đến Công ty Bồng Lai, rũ bỏ vai kịch mà mình phải đóng hơn một tháng nay. Còn ông sẽ gặp trưởng xóm xin được chuyển cây mưng lên Nhà văn hóa xóm. Nhiệm vụ của ba chị em là trả lại số tiền mà Lê Tấn biếu trước đây. Đồng thời đề nghị Công ty ủng hộ tiền và thi công như đã hứa. Nếu công ty tiếp tục ủng hộ thì tốt. Nếu họ nuốt lời hứa thì mình sẽ có phương án khác. Phương án đó là bán một trong hai cây mưng, còn thiếu bao nhiêu sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ. “Hai đứa bay chắc cũng được năm chục, tao năm chục là trăm rưỡi triệu rồi?”. Nếu chưa đủ thì cứ làm đường đã, cống rãnh làm sau. Hai ả lè lưỡi nhìn nhau nhưng không chối. Ông Thắng cười ha hả.
Sự xuất hiện của bà vợ ông Thắng, người đã chấp nhận vai kịch làm Tấn chột dạ. Lại còn hai chị bảnh bao, khá bắt mắt đi cùng, chắc không phải chỉ là đến thăm chơi? Nghĩ vậy nhưng Tấn vẫn sởi lởi chào đón.
Bà Chiến mở lời:
– Hôm nay tôi và hai chị đây đến xin trả lại số tiền mà chú đã đưa đến nhà tôi. Và cũng để nói với chú là vai kịch chú giao cho nhà tôi không diễn được nữa. Tôi xin trả lại cho nhà chú?
Lê Tấn tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Chị nói gì em không hiểu. Tiền gì ạ. Vai kịch nào ạ? Anh có khỏe không? Sao anh không đến lại phái hai chị này đến ạ?
Bà Chiến ôn tồn:
– Thế này chú Tấn ạ. Vì tôi là người nhận tiền nên tôi phải đến trả tận tay chú. Với lại, hôm nay nhà tôi bận ra xã để chuẩn bị di dời hai cây mưng.
– Di dời cây mưng?
– Đúng thế?
– Sao gấp thế chị?
– Cây mưng đã bắt đầu trút lá. Ông nhà tôi bảo lúc này chuẩn bị di dời kẻo không kịp.
Lê Tấn cố giữ vẻ bình thản nhưng bà Chiến và hai ả đi cùng hiểu được là anh ta đang cân nhắc. Không biết có đúng như ông Thắng nhận định không đây? Anh ta sẽ tài trợ như đã hứa. Nếu không thì bán một cây đã được hơn nửa số kinh phí làm đường rồi. Có khi đã đủ tiền làm đường ấy chứ?
Bà nói:
– Tôi đã nói cho hai chị đây biết rõ sự tình rồi. Chú cũng có cái khó nên chưa thể tài trợ kinh phí nên nhà tôi phải đóng vai kịch gây cản trở không giải phóng được mặt bằng. Nhưng chú có biết không, một tháng qua nhà tôi luôn phải dằn vặt, lo lắng. Người lúc nào cũng như phát sốt, phát rét vì mang tội với dân làng, với bà con. Hôm nay tôi trả lại vai kịch cho chú.
– Kịch cọt gì đâu. Thế bây giờ ý anh chị là?
– Sẽ di dời cây để xóm làm đường. Nếu chú vẫn có tấm lòng tài trợ như đã hứa thì xóm hoan nghênh.
– Dịp này công ty em rất khó khăn. Tiền thuế vẫn chưa nộp đủ. Nếu không thì em cần chi bày đặt chuyện “Thắt cổ chai” làm gì. Nhưng em đề nghị anh chị để cây mưng cho em. Em thích hai cây mưng của anh chị, em đã nói với anh chị rồi mà. Anh còn hứa để cho em một cây. Anh chị đừng quên nhé. Còn đường đã có mặt bằng thì làm thôi. Nhưng cho em khất sang năm.
– Nhưng đường rất cần phải làm để kịp thời điểm công nhận Nông thôn mới vào tháng tới. Nếu Bồng Lai không làm chúng tôi nhờ người khác. Còn cây mưng thì nhà tôi cung tiến cho xóm trồng ở Nhà văn hóa rồi. Chú cứ suy nghĩ rồi lên gặp ông nhà tôi nhé.
Sự cương quyết của bà Chiến khiến mặt Tấn đang đỏ au bỗng trắng bệch.Ngồi trong phòng có điều hòa mà mồ hội rịn ra đầy trán. Phải gặp ông Thắng mới mong thương thuyết được. Đây là điều ông Thắng đã nghĩ đến. Lê Tấn sẽ bằng mọi giá để có được cây mưng. Lão tài trợ kinh phí làm đường thì ông mới để cho một cây. Nhà văn hóa xóm chỉ cần một cây là đủ. Vừa giữ được cây quý lại vừa làm được con đường như ý.
Truyện ngắn của Nguyễn Hùng Sơn