Nó giật mình thức dậy giữa lúc trời mưa đang rít mạnh ngoài ô cửa. Căn phòng tối om. Ánh sáng lòe nhòe dưới nhà bếp hắt một vệt loang loáng vào trong căn phòng ngủ của nó, căn phòng mà hồi mới xây nó đòi mẹ sơn màu hồng, nhưng bố bảo sơn màu xanh rêu cho đồng bộ với căn nhà mới. Nó cũng chịu, nhưng buồn thiu thỉu. Mẹ khuyên chừng nào ngả màu mẹ mua sơn màu hồng sơn lại cho đúng với sở thích của nó, nhưng biết đến chừng nào. Nó chấp nhận ngủ trong căn phòng xanh rêu, cái màu mà nó chẳng thích bao nhiêu.
Mẹ Âu Cơ vừa đi qua giấc mơ của nó. Mẹ đẹp lắm, đẹp hơn mẹ Thảo, mà cũng hiền hơn mẹ Thảo rất nhiều. Mẹ Âu Cơ không mặc bộ đồ dài như trong truyền thuyết, cũng không đội cái mũ mà họa tiết quen thuộc nó đã từng nhìn thấy ở Đền Hùng năm ngoái. Mẹ mặc chiếc áo dài màu trắng ngả sang vàng, đi chân đất. Chân mẹ bước từng bước khỏe khoắn trên cát, vết chân hằn in từng vệt, từng vệt đều nhau. Tóc mẹ dài, cột hờ ở sau gáy, ngang cổ. Đẹp nhất ở mẹ Âu Cơ chính là đôi mắt. Mắt mẹ hiền và long lanh, nó nhìn vào thì thấy sâu và cuốn hút lắm. Nó nhìn mãi. Mẹ chớp mắt, đôi hàng mi của mẹ cũng rung rinh, cong vút. Mẹ cười với nó, nó cũng cười với mẹ. Chưa bao giờ nó thấy cười mà nhẹ lòng như vậy, không phải cái nụ cười ngoài đời thật, gượng gạo, giả tạo. Nó cũng ý thức được mẹ Âu Cơ chỉ là một giấc mơ mà chút nữa thôi khi nó tỉnh dậy mẹ sẽ biến mất và không biết rằng đêm hôm sau nó còn thấy mẹ nữa hay không. Bởi vậy nó sợ nó thức giấc. Lạy trời cho đêm dài ra! Nó nghĩ vậy. Lòng nó bồi hồi. Nó cố nắm bàn tay mẹ Âu Cơ thật chặt để mẹ không bỏ nó đi, chí ít là có thể níu mẹ lại thêm chút nữa mặc kệ trời hửng sáng.
– Chỉ cần nằm ngủ và cầu nguyện là thấy mẹ Âu Cơ!
Lạc nói vậy với nó. Ban đầu nó không tin. Lạc ở cùng nó trong một thành phố không quá lớn, cũng không quá nhỏ. Nó hơn Lạc mỗi chỗ nó còn mẹ, còn ba, còn Lạc thì chỉ có ba. Lạc ước ao có được mẹ để chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ, hay mắng chửi Lạc mỗi khi Lạc đi đá banh về trễ, hay mỗi khi Lạc làm vỡ cái lọ hoa mới tinh để trên bàn. Nhưng ước ao bình dị đó Lạc cũng không thể có được. Cái lọ hoa vỡ thì Lạc hốt hoảng, dù chẳng ai rầy la, Lạc cầm một mảnh vỡ đưa lên nhìn, vô ý cái mảnh vỡ cắt vào tay Lạc chảy máu, rồi lủi thủi đi gọi chị giúp việc quét dọn. Trong nhà Lạc chỉ gần gũi với mỗi chị giúp việc, còn bố đi đến khi tối mù mới trở về, có khi còn say be bét, ngủ luôn ở sôfa. Nó có đủ ba, đủ mẹ, nhưng nó cũng đơn độc như Lạc. Có lẽ vì thế nên nó mới chơi thân với Lạc, mới dần tin chuyện có thể mơ thấy người đàn bà cách nó hàng ngàn năm, người đàn bà mà nó chỉ biết được qua truyền thuyết.
Một bóng phụ nữ thấp thoáng. Biển và núi dường như nhỏ lại, còn mẹ Âu Cơ thì to lớn như bước xuống từ ngọn núi chỉ cao ngang lưng của mẹ. Nó đã thấy, kia rồi, là mẹ Âu Cơ của nó, người đàn bà mà nó ao ước được gặp. Nó hớt hải gọi:
– Mẹ ơi! Mẹ Âu Cơ của con ơi!
Người đàn bà cười hiền dang tay đón nó, còn nó thì chạy thật nhanh về phía mẹ Âu Cơ, nắm lấy bàn tay của mẹ, lao vào lòng mẹ mà ôm, mà hít cái hơi người đàn bà thơm tho và thấm đẫm mùi tiền sử.
Nó nhớ trong truyền thuyết, mẹ Âu Cơ đã nuôi năm mươi người con, cha Lạc Long Quân nuôi năm mươi người con còn lại. Cha xuống biển, mẹ lên rừng. Nó hỏi mẹ:
– Mẹ ơi! Năm mươi người con của mẹ đâu cả rồi?
Mẹ thì thầm với nó, giọng mẹ ngọt như rót mật vào tai:
– Năm mươi người con của mẹ đã lớn tự lâu rồi, từ năm mươi người sinh ra một trăm người, hai trăm người, một ngàn người, một vạn người… nhiều lắm! Trong con có dòng máu của năm mươi người con Hồng Lạc đó!
– Ôi! Vậy là đã lâu lắm rồi! Thế sao mẹ cứ giữ mãi nét trẻ trung, xuân sắc?
Mẹ cười không đáp, nhưng mẹ nhìn ra phía biển. Tìm cha Lạc Long Quân. Cha vẫn hẹn mẹ cuộc gặp gỡ trên bờ biển này. Cha mình Rồng. Mẹ dòng dõi Thần Nông. Nhưng cha và mẹ sẽ vẫn yêu thương nhau, nắm tay nhau, cùng ngồi trên cát nghe biển thở. Ôi! Sao cha và mẹ lại thương nhau đến như vậy, dù đã hàng ngàn năm, dù biển – núi chia cắt. Còn ba và mẹ của nó, có phải người biển, người núi như cha Lạc – mẹ Âu đâu mà chấp nhận cắt chia, để nó khổ, nó bơ vơ không biết bám vào ai để sống. Nó dần dần thấy mình bị đẩy ra ngoài lề cuộc sống. Nó là kẻ đơn độc thiếu thốn tình cha, hao hụt tình mẹ, khổ đến nỗi nó phải đi tìm mẹ Âu Cơ trong giấc mơ.
– Con ơi, người đời sau đã quên lãng lời khuyên của mẹ. Họ làm mẹ buồn quá! Mẹ đã từng nuôi năm mươi người con bằng rau rừng, nước suối, thế mà chúng vẫn khỏe mạnh, vẫn lớn nhanh, vẫn ngoan hiền và đoàn kết. Người đời sau nuôi con ít hơn ta, có người đàn bà chỉ nuôi một đứa con mà không lo nổi cho giọt máu đào của họ.
Mẹ ơi! Con đã hiểu được nỗi lòng của mẹ. Nó tự nhủ như vậy. Chính nó cũng rơi vào tình cảnh đáng thương. Nó sợ những lúc người vú già đón nó từ cổng trường về nhà, trong bữa ăn bày biện trên bàn có gà quay, hải sản, mà nó chỉ ăn có một mình, người vú không bận thì ngồi ăn cùng nó. Nó sợ những đêm ba về khuya, đập cửa inh ỏi, cả những cú tát trời giáng xuống khuôn mặt hiền lành của mẹ, trước mặt nó. Nó sợ cả những lần mẹ dắt ba bốn người phụ nữ khác về nhà, người nào cũng vẽ chân mày rậm rịt, môi đỏ, ngồi chơi bài trong căn phòng cạnh bên phòng của nó. Người thắng thì reo hò. Người thua thì hậm hực, tức tối, có khi còn sinh sự cãi nhau. Ôi, mẹ Âu Cơ của con ơi, sao cảnh đời lại trớ trêu đến vậy!
Dường như nó không nói mẹ Âu Cơ cũng hiểu được lòng nó. Mẹ có năng lực thấu hiểu lòng những đứa con của mẹ, dù đứa con đó có ra đời cách thời đại của mẹ hàng ngàn năm thì mẹ vẫn thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Mẹ ôm nó bằng vòng tay ấm áp. Người mẹ tỏa ra một mùi thơm, dịu nhẹ, hiền hòa. Nó hít nhẹ, thấy lòng ấm hẳn.
Tiếng gõ cửa vọng mạnh vào tai nó. Đốp chát. Nó hốt hoảng, nói vội:
– Mẹ Âu Cơ ơi, trời đã sáng rồi, mẹ phải về non, con phải đến trường. Mẹ Âu Cơ ơi, con chỉ muốn ở mãi bên mẹ mà thôi!
– Không được đâu con gái cưng của mẹ! Đi học đi con, rồi con sẽ nên người. Hãy vượt qua những giông tố trong đời để sống, để bước tiếp, để thành công. Hãy nhớ rằng phía sau con còn có mẹ Âu Cơ. Mẹ vẫn luôn dõi mắt theo con. Về đi con!
– Không được đâu, mẹ của con ơi!
Mẹ quay lưng bước đi, đến chân núi, mẹ Âu Cơ vẫn còn ngoái lại nhìn nó rồi cười hiền, mắt mẹ trìu mến, rồi mẹ quay mặt, lẩn khuất vào trong muôn trùng núi đá cây xanh. Mẹ Âu Cơ đã đi về núi.
Mặt trời đã lên cao, nó vừa sửa soạn xong thì nắng đã ngập căn phòng. Chiếc ô tô trước cửa đã mở cửa đợi nó sẵn, người vú già cũng chuẩn bị xong xuôi cho nó hộp thức ăn mang đến lớp. Nó thiểu não bước ra. Trận mưa đêm qua đã làm cây cối xiêu vẹo, nhưng dường như chúng tươi tốt hơn rất nhiều, lá cây xanh hơn và trên rào hoa tường vi nó nhìn thấy nước mưa hay sương còn kết đọng thành từng giọt, bắt sáng long lanh.
Nó đem giấc mơ về mẹ Âu Cơ kể lại cho Lạc nghe. Mặt Lạc có vẻ háo hức lắm, thái độ tự đắc của một đứa trẻ khi cái điều nó nói ra có vẻ viển vông đã được minh chứng. Mẹ vẫn ở bên chúng ta, Lạc nghĩ vậy. Dù mẹ cách xa Lạc và nó, và đám trẻ con lớn lên giữa thời buổi kinh tế thị trường, nhịp sống hối hả, gấp rút, hàng nghìn năm, bằng những con đường vô hình không xác định rõ. Nhưng chắc chắn rằng mẹ Âu Cơ vẫn dõi theo chúng, để chúng thấy rằng chúng không hề đơn độc giữa cuộc đời, chúng vẫn còn được yêu thương, bảo vệ, lo lắng và truyền hơi ấm từ một người mẹ. Những đứa trẻ ấy, tuy không nở nụ cười thật tươi trong cuộc sống hiện tại, nhưng chúng vẫn sẽ sống và hi vọng, vẫn tin vào giấc mơ, vào mẹ Âu Cơ, vào truyền thuyết của dân tộc Rồng Tiên.
Nó bước ra cửa lớp khi tiếng trống trường giục giã. Ánh sáng tinh khôi, rực rỡ sau một đêm mưa. Nó đứng ở hành lang nhìn ra xa xăm. Trước mắt nó là nhấp nhô núi đồi cao cao, là điệp trùng sắc đá. Những ngọn núi đằng sau thành phố. Biển xa xôi, từng đợt sóng nhấp nhô. Và khi nó cố nhìn thêm chút nữa thì nó bỗng nhiên nhìn thấy mẹ Âu Cơ của nó hiện ra. Trên đỉnh núi cao, mẹ đẹp tựa như nữ thần trong truyện cổ nó từng đọc được. Mẹ nhìn về phía nó, vẫy tay. Nó nhìn về phía mẹ, mỉm cười hạnh phúc.
Nó vẫn còn đứng đó, chần chừ, cho đến khi nhìn thấy từ biển khơi hình bóng của cha Lạc Long Quân bước vào ôm lấy mẹ Âu Cơ, cùng hướng về phía nó.
– Ôi, cha mẹ đã được gặp nhau rồi! – Nó reo lên.
Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY