Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ – đề tài bất tận cho sáng tạo nghệ thuật

Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là một đề tài muôn thuở và nguồn cảm hứng bất tận cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Vun đắp, nuôi dưỡng di sản văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là trách nhiệm của toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng văn nghệ sĩ Quân đội có trách nhiệm tiên phong, đi đầu.

1. Từ lâu, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ rất gần gũi và trân quý trong sâu thẳm thế giới tinh thần của người dân Việt Nam. Thực tế lịch sử đã được minh chứng qua bản chất, hành động, những đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ cho đất nước, dân tộc và nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đời sống đương đại, Bộ đội Cụ Hồ vẫn là hình ảnh tiêu biểu và tiếp tục lan tỏa giá trị tốt đẹp của mình đối với xã hội.

Bộ đội Cụ Hồ là một đề tài bất tận cho mọi sáng tạo nghệ thuật xét về quá khứ, hiện tại và tương lai để thấy rõ những cống hiến và trách nhiệm của văn học-nghệ thuật nói chung và văn hóa nghệ thuật Quân đội nói riêng. Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đều phù hợp với mọi thời đại, có sức sống lâu bền.

Bài hát “Bộ đội về làng” của nhạc sĩ Lê Yên và “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục là hai trong rất nhiều bài hát gắn liền với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Bài hát “Bộ đội về làng” với những ca từ mộc mạc, giản dị, gần gũi với người dân và thấm đẫm tình quân dân: “Các anh về mái ấm nhà vui/ Tiếng hát câu cười, rộn ràng xóm nhỏ/ Các anh về tưng bừng trước ngõ…/ Các anh về xôn xao làng tôi bé nhỏ…”. Tưởng như nhỏ bé nhưng lớn lao vô cùng. Chỉ có bộ đội Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ mới tạo được niềm tin, niềm vui bất tận cho người dân như vậy.

Bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục càng thấy rõ hình ảnh Bác Hồ kính yêu và Quân đội được gắn kết như một triết lý về lẽ sống: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận/ Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác/ Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người/ Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời”. Ca khúc được sáng tác và dàn dựng ở mọi hình thức thể loại khác nhau, đã được biểu diễn, lan tỏa khắp mọi miền đất nước, để lại những giá trị và ý nghĩa to lớn.

Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ - đề tài bất tận cho sáng tạo nghệ thuật
Một tiết mục tại Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: TUẤN HUY    

2. Nghệ thuật múa có những đóng góp rất lớn về hình ảnh và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu được các biên đạo sáng tác qua các thời kỳ. Tác phẩm múa “Chiếc gậy Trường Sơn” của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Minh đã tạo nên hình ảnh đẹp đẽ của anh bộ đội trong chiến tranh. Nhân vật, hình ảnh người chiến sĩ và chiếc gậy trong vượt núi rừng Trường Sơn đi đánh Mỹ như lời hiệu triệu hàng vạn thanh niên lên đường ra mặt trận. Chỉ có ở Việt Nam mới tạo ra hình ảnh độc đáo đó. Hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa lịch sử.

Tác phẩm múa “Bầu trời quê hương” của NSND Đỗ Minh Tiến phản ánh cuộc chiến tranh bằng không lực Mỹ xuống miền Bắc vào thập niên 1960, 1970 của thế kỷ 20. Hình tượng nghệ thuật của tác phẩm này là cuộc chiến đấu giữa không quân Mỹ và không quân Việt Nam được tác giả nhân cách hóa bằng những nhân vật cụ thể, con người với nghệ thuật của ngôn ngữ múa tinh tế, điêu luyện. Tác phẩm đã tạo được tiếng vang lớn. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được miêu tả trong chiến tranh hiện đại rất ấn tượng, gây xúc động sâu sắc đối với khán giả.

Kịch múa “Đất nước” của tác giả NSND Ứng Duy Thịnh có thời lượng 90 phút. Câu chuyện là cả chiều dài lịch sử, từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cho đến ngày toàn thắng giành được độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tác giả kịch bản dựa trên ý thơ của Tố Hữu “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành” để xây dựng kịch bản. Hình ảnh về người lính được khắc họa, mô tả bằng ngôn ngữ múa xuyên suốt qua các thời kỳ. Năm 2022, tác phẩm kịch múa “Đất nước” vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trên đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu trong hàng trăm tác phẩm múa về hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được sáng tác, biểu diễn qua nhiều thập kỷ. Từ đó có thể khẳng định, nghệ thuật đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong những thời điểm lịch sử khác nhau.

3. Đội ngũ những người làm công tác sáng tác, biểu diễn múa trong Quân đội đã có mặt và đồng hành với Quân đội, với cách mạng. Lịch sử đã chứng minh những cống hiến quan trọng của đội ngũ này trong việc xây dựng, duy trì và phát huy những phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Biết bao nhiêu tác phẩm ra đời đã bám sát hiện thực sinh động, lớn lao của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Họ đã xác định sự nghiệp sáng tạo về người lính trong mọi nhiệm vụ, mọi thời kỳ khác nhau.

Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là một đề tài muôn thuở và nguồn cảm hứng bất tận cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Vun đắp, nuôi dưỡng di sản văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là trách nhiệm của toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng văn nghệ sĩ Quân đội có trách nhiệm tiên phong, đi đầu. Hiện thực đời sống hiện nay đã có nhiều thay đổi, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới được thể hiện như thế nào trong các sáng tạo nghệ thuật. Điều đó cần được các nghệ sĩ lý giải bằng sự tiếp cận hiện thực, trách nhiệm trước hiện thực với hơi thở mới, thẩm mỹ mới, bút pháp mới, phong cách mà vẫn giữ được hồn cốt của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ.

PGS, TS, Nghệ sĩ Nhân dân ỨNG DUY THỊNH

Nguồn:qdnd.vn

Bài Viết Tương Tự

Next Post