Đôi nét về họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Hà Tây – một trong những vùng đất nổi tiếng của nghề thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là nghề sơn ta. Năm 1928, ông theo học tại trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa IV, sau đó bỏ ngang và quay trở lại học vào khóa VII (1931 – 1936). Bằng tài năng và sự sáng tạo, ông là một trong những người có công lớn trong việc cải tiến, hoàn thiện và tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho chất liệu sơn mài. Từ 1954, ông vào Nam sinh sống và hoạt động sáng tác tại Sài Gòn, ông mất 1993.
Ngoài một số tác phẩm thuộc về các nhà sưu tập tư nhân, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước sở hữu bộ sưu tập lớn nhất hiện nay, đặc biệt về tư liệu phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Bộ sưu tập gồm 133 tư liệu phác thảo trên giấy, giấy dán trên bìa cứng và giấy can với các chất liệu: bút dạ, bút bi, bột màu, sơn then, sơn cánh gián, chì than, màu sáp, màu nước… Các tư liệu phác thảo bao gồm các khổ lớn, nhỏ khác nhau: phác thảo nhỏ nhất có kích thước 15 x 11 cm và phác thảo lớn nhất có kích thước 172 x 230 cm. Tựu chung có thể hệ thống các tư liệu phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí thành hai khuynh hướng sáng tác là tả thực và trừu tượng. Ở khuynh hướng tả thực có thể phân thành sáu mảng đề tài chính: đề tài phong cảnh – phong cảnh sinh hoạt, đề tài về tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, đề tài về lịch sử, đề tài về sen, đề tài về động vật (chiếm số lượng ít nhất) và đề tài về phụ nữ (chiếm số lượng nhiều nhất).
Ở mảng đề tài phong cảnh – phong cảnh sinh hoạt, có thể ghi nhận phong cảnh đình chùa chiếm số lượng phác thảo nhiều nhất, kế đến là những phác thảo về hoa, về sinh hoạt nơi bến thuyền và phong cảnh lễ hội. Một số ít phác thảo phác họa toàn cảnh, còn lại phần lớn được thể hiện ở từng cụm hình, thông thường là các cây đại thụ gắn liền với các kiến trúc cổ, tuy vậy, mỗi phong cảnh ở từng phác thảo đều rất phong phú, mỗi hình, mỗi vẻ.
Những phác thảo về tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” được nhận diện hầu hết là những phác thảo về những hình họa đơn lẻ với những phác họa tổng thể về hình dáng, bên cạnh số ít phác thảo được thể hiện chi tiết gần như nguyên bản chính thức.
Với mảng đề tài lịch sử, dễ dàng nhận diện đây là những phác thảo cho hai tác phẩm “Hai Bà Trưng” và “Trận Bạch Đằng”. Các phác thảo được thực hiện trên khổ giấy lớn, hình họa được bố cục hoàn chỉnh, các nét vẽ chi tiết, thuần thục, kết hợp với việc sử dụng màu sáp, chì than, son, sơn then, các phác thảo có thể được xem như những tác phẩm thực thụ.
Phác thảo về sen được ông thực hiện chủ yếu ở lá sen. Những chiếc lá sen được ghi nhận từ cái nhìn tổng thể đến chi tiết, tỉ mỉ từng đường gân, sống lá, từng giọt sương li ti đến vẻ tươi tắn, sống động hoặc mủn, giòn của một chiếc lá héo chuyển sang khô.Tất cả được thể hiện thật phong phú và linh động dưới nhiều góc độ. Bên cạnh những phác thảo được vẽ bằng bút màu và chì than, vẻ đẹp của những chiếc lá sen dường như đẹp hơn, lung linh hơn ở những phác thảo được vẽ bằng chất liệu sơn cánh gián.
Những phác thảo về lân, rồng, đặc biệt ngựa, tôm là những đề tài hiếm hoi được ghi nhận, dường như ngựa và tôm là những đề tài mà Nguyễn Gia Trí có ý hướng muốn thể nghiệm.
Phụ nữ là một đề tài xuyên suốt được biết đến trong phần lớn những tác phẩm nổi tiếng của ông. Ở mảng đề tài này, những phác thảo được thực hiện phân đều giữa tổng thể và chi tiết. Có những phác thảo rất đơn giản, chỉ một vài nét bút đã phác họa nên hình một cô gái với các động tác biểu đạt (đứng, ngồi, hoặc nằm…) trong chiếc áo dài truyền thống. Có những phác thảo được thực hiện chi tiết hơn kết hợp với việc bố cục phong cảnh tạo nền cho các nhân vật thường là với môtip ba hoặc bốn cô gái. Trong những phác thảo này, mặc dù chỉ là những nét phác họa nhưng thần thái, phong cách không những rất sống động mà còn rất tự nhiên, chân thật.
Khuynh hướng thứ hai trong những phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí thuộc thể loại trừu tượng. Với những vệt màu sáng tối, những hình vẽ lúc đơn giản như hoa văn của những vân gỗ, lúc lại phức tạp, đa chiều với những họa tiết gồ ghề, dọc ngang… hoặc như những tia pháo sáng, thật khó nắm bắt được ý tưởng và hình dáng. Dù đây chỉ là một khuynh hướng được Nguyễn Gia Trí sáng tác với tính chất thể nghiệm, tuy vậy ông đã rất thành công khi vận dụng trên chính chất liệu sơn mài.
Với trình độ bậc thầy về tả thực, bằng tài năng và kỹ thuật điêu luyện trong việc nắm bắt rất nhanh thực tại và thể hiện cái thần của sự vật chỉ trong vài nét bút, các tư liệu phác thảo đã thể hiện một thế giới lao động cần mẫn, dạt dào cảm xúc nhưng cũng đầy bí ẩn của hình và sắc qua bàn tay và khối óc của người họa sĩ. Về nội dung đề tài, ông định hướng “Cứ vẽ, gặp cái gì vẽ cái đấy. Vẽ cho nhanh, cho kịp cảm xúc của mình. Phải luyện mắt để nhìn, để thấy cái đẹp…”.
Vốn có tiếng tài hoa về hình họa, thế nhưng Nguyễn Gia Trí không lệ thuộc vào sao chép mà từ quan sát tinh vi thực tế cuộc sống, ông chắt lọc những chi tiết đắt giá nhất cho những bố cục hình họa của mình. Bên cạnh việc xác định trọng tâm là hướng vẽ đúng, về kỹ thuật, ông đã đúc kết: “Khi vẽ là chúng ta sử dụng cái hữu hình để nói cái vô hình…chủ yếu là do con mắt, nhìn hình chắc thì nét vẽ chắc, màu chắc”.
Từ những phác họa trên giấy, chúng ta cảm nhận được một chiều kích khác của quá trình sáng tạo nghệ thuật của một danh họa, với ông, các phác thảo có một tầm quan trọng đặc biệt bởi đó là phương tiện để ông thể hiện cái hình: “Hội họa là nghệ thuật tạo hình. Cái gốc của nó là tạo hình. Hình rất đa dạng, một chấm cũng là hình. Một nét, một phẩy cũng là hình.”
Đọc thêm: Sách “Trường mỹ thuật đông dương”
Như vậy, có thể nhận định, Nguyễn Gia Trí đã ý thức về tầm quan trọng tương đương giữa chất liệu và hình trên con đường sáng tạo vươn đến đỉnh cao của nghệ thuật, đó là yếu tố làm cho các tác phẩm sơn mài của ông thoát khỏi lối mỹ nghệ truyền thống và trở thành những tác phẩm hội họa. Trong các tư liệu phác thảo, nhiều bức có thể đứng như một tác phẩm, tuy nhiên toàn bộ những phác thảo này không được Nguyễn Gia Trí ghi nhận lại thời điểm sáng tác cũng như tên đề tài, một chi tiết gần như bắt buộc để hiểu về tiến trình nghệ thuật của ông, bởi có lẽ do ông quan niệm: “Tranh không có đề tài. Đề tài chính là chất liệu sơn mài”.
Quá nửa thế kỷ tìm tòi, sáng tạo và cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật, Nguyễn Gia Trí là một tấm gương sáng về tài năng và đạo đức nghề nghiệp, ông thực sự là một chân dung lớn của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tự hào được vinh danh ông và xin trân trọng giới thiệu 114 tác phẩm và tư liệu phác thảo trong bộ sưu tập mỹ thuật quý giá về Nguyễn Gia Trí – nhà danh họa tiên phong trong việc xây dựng nền móng cho nền nghệ thuật nước nhà.
Nhà xuất bản Mỹ thuật
(Theo Hội Mỹ Thuật Việt Nam)