Hà Nội trong tôi là một Hà Nội khi tuổi còn xanh, đất nước chia cắt, có lúc hòa bình, có lúc chiến tranh, nhưng người Hà Nội lúc nào cũng hiền hòa, sống giữa thiên nhiên, còn đậm chất truyền thống của ba mươi sáu phố phường xưa.
Nhà tôi ở nằm lọt giữa một con phố nhỏ có cái tên thật “xấu xí” Cổng Đục. Nơi đây, đêm đêm không gian tĩnh lặng, nằm nghe văng vẳng tiếng còi của chuyến tàu khuya chạy xình xịch trên dãy cầu cạn bằng đá phía sau nhà, lòng buồn man mác khôn nguôi. Ban ngày, chỉ cần băng ngang một đoạn đường ngắn là thấy tàu điện chạy trên đường ray rập rình giữa phố. Những điều chỉ có ở Hà Nội một thời đã qua nay trở thành ký ức không phai.
Hà Nội mới ngày nào thật hiếm xe hơi, không có xe máy, chỉ toàn xe đạp thong dong yên ả. Bao quát hơn là một Hà Nội đan xen những phố cổ phủ bóng cây bàng lá đỏ hay ngạt ngào mùi hoa sữa trên tán cây cao. Giữa lòng Hà Nội nổi lên ngọn tháp Rùa xinh xắn giống như tim ta đỏ lấp lánh trên mặt nước Hồ Gươm, chẳng khác nào một tấm gương phản chiếu thiên nhiên. Hà Nội còn duyên dáng uốn lượn nép mình bên Hồ Tây thơ mộng mênh mang.
Với không gian chiều đầy hương sắc ấy, người Hà Nội nói chung, văn nghệ sĩ Hà Nội nói riêng sống rất chân phương và thân tình. Họ có thể là đạo diễn, diễn viên, nhà văn, nhà thơ hay họa sĩ, ngoài công việc cá nhân, họ thường có thú vui chung gặp gỡ bạn bè, người thân, trao đổi, rất bổ ích và thiết thực, vừa thư giãn, vừa hiểu nhau và chia sẻ hết mình.
Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, trong vài buổi tọa đàm như thế, có đôi lần tôi đã trở thành đối tượng để họa sĩ Lưu Công Nhân “thực hành ký họa chân dung”.
Tôi có cảm nhận họa sĩ vẽ như đang rong chơi, vẽ mọi lúc, mọi nơi, vẽ trên bao thuốc lá, trên mảnh giấy trước mặt hay bất cứ thứ gì có thể đặt bút vẽ trong tầm tay. Họa sĩ làm việc với phong cách tưởng như “bỡn cợt” rất “Lưu Công Nhân” nhưng ẩn sâu trong đó là cả một quá trình bài bản, đầy tâm huyết và đam mê đến tận cùng.
Cũng vào thời điểm tạo nên những ký họa ngẫu hứng ấy, họa sĩ còn vẽ tôi trong một bức tranh sơn dầu khổ lớn mà tôi chưa có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, lòng tự nhủ: có dịp sẽ thăm họa sĩ và xem tranh. Việc tưởng đơn giản, rất tiếc lại không thành.
Ngày tháng trôi nhanh đến ngỡ ngàng, xuân đến, thu đi như gió thoảng qua. Bất chợt, hè năm 1978, nhân chuyến đi ra Hà Nội ngắn ngày, tôi nhận được mấy dòng tin nhắn của họa sĩ Lưu Công Nhân mời đến nhà xem tranh. Thật buồn, thư đến tay, tôi đã rời Hà Nội.
Mãi hơn mười năm sau, một lần nữa, tôi nhận được giấy mời tham dự triển lãm mùa thu 1991 của họa sĩ Lưu Công Nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Họa sĩ cho biết có tranh chân dung và tôi trong đó. Không may, suốt một tuần triển lãm, tôi vắng mặt ở Sài Gòn vì công việc. Sau này, đến thăm họa sĩ thì gia đình đã rời nhà chuyển lên Đà Lạt.
Rồi đến năm 2007, nghe tin buồn từ Đà Lạt, họa sĩ đã ra đi, để lại cho đời bao dấu ấn được khắc họa trong tranh. Theo dòng thời thế, chuyện cá nhân kể như gác lại.
Sau nhiều biến cố vật đổi sao dời, nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2015, tôi đến thăm phu nhân cố họa sĩ tại quận 7, Tp. Hồ Chí Minh: Bà Trần Phi Phụng, một vị dược sĩ uy tín, thuộc hàng tiền bối của ngành y – dược cách mạng Việt Nam. Bà am hiểu, nhớ và chủ động nhắc lại chuyện tranh pháo ngày nào. Bà tặng tôi một cuốn vựng tập tranh của cố họa sĩ. Trước khi đề tặng, bà còn lật giở từng trang, chỉ ra trong đó một tấm chân dung cố họa sĩ vẽ tôi khác nữa mà tôi chưa từng được biết. Tôi thật sự xúc động và bất ngờ trước tình cảm ưu ái bà dành cho tôi. Riêng bức chân dung sơn dầu bà nói: có thể các con trong gia đình, ai đó còn lưu giữ.
Giữa năm 2017, tôi tìm đến anh Lưu Quốc Bình, con trai cố họa sĩ. Anh tiếp tôi chu đáo, tận tình, tặng tôi nhiều tư liệu, phiên bản tranh ảnh quý hiếm cố họa sĩ để lại. Chỉ có điều, bức tranh mà tôi muốn được xem thì không còn nữa.
Một bức tranh duy nhất, khai sáng đã nửa thế kỷ qua, đến nay tác giả đã bay cao, tác phẩm cũng đã bay xa, chỉ còn người trong tranh ở lại, chưa một lần được ngắm nhìn tranh.
Tranh ơi! Bây giờ em ở đâu?
Lê Thị Hiền Lương
(Theo Tạp chí Mỹ Thuật)