Trong số những người phụ nữ từng đến với Picasso – hay bị ông quyến rũ, nếu ai đó muốn nói vậy – và đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong nghệ thuật của ông, có sáu cái tên âm vang nhất: Fernande Olivier, Olga Khokhlova, Marie-Thérèse Walter, Dora Maar, Françoise Gilot và Jacqueline Roque. Mỗi người một vẻ, những nàng thơ này có liên quan mật thiết tới những giai đoạn thực hành nghệ thuật riêng trong sự nghiệp của Picasso, trải từ 1906 cho đến đầu những năm 1970; và tất nhiên rồi, đằng sau những bức chân dung ông vẽ những người đàn bà của mình là vô số chuyện tình nồng cháy và cũng không ít bi thương.
Xuân về, trong tiết thanh minh, lật từng trang sách nghệ thuật, người yêu tranh Picasso không khỏi bồi hồi rung cảm trước những tuyệt bút mô tả người nữ và muốn hiểu thêm nhớ lại những mảnh đời nhan sắc ấy một thời là nguồn cảm hứng lớn lao để nhà nghệ sĩ vĩ đại cho ra đời những hình tượng mạnh mẽ nhất, ấn tượng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ của mình.
Nàng thơ đầu tiên của Picasso, vâng, còn ai khác ngoài Fernande Olivier. Tên khai sinh là Amélie Lang, ngay từ tấm bé đời nàng đã rất gian truân. Là con ngoài giá thú, cô bé lớn lên trong nhà người bác ruột, và rồi để tránh một cuộc ép duyên, Lang sớm chủ động kết hôn với người mình chọn. Tuy nhiên, khi 19 tuổi, vì không chịu nổi ông chồng vũ phu, nàng đổi tên, rồi tìm đường lên Paris, bước chân vào thế giới nghệ thuật với nghề làm mẫu cho các hoạ sĩ. Được xem là một hình mẫu tiêu biểu cho lối sống “hiện đại” của giới nghệ sĩ avant-garde Paris đầu thế kỷ 20, Olivier đã gặp Picasso lần đầu vào năm 1904 trong bầu không khí phóng túng của khu Montmartre vui vẻ bần hàn. Khi mối quan hệ của họ tiến triển cũng là lúc Picasso ghi được những thành công hội hoạ với “Thời kỳ Hồng” – đặc trưng bởi lối dùng màu ấm và những chủ đề gánh xiếc.
Năm 1906, Olivier cùng Picasso đi du lịch Tây Ban Nha. Những ngày dừng chân ở làng Gósol trong dãy Pyrenees và thị trấn Horta de Sant Joan, Olivier đã ngồi làm mẫu cho Picasso vẽ rất nhiều khảo hoạ về người về cảnh xứ Catalan, để rồi dựa trên đó, ông phát triển một loạt tác phẩm đột phá đầu tiên mang tính Lập thể. Mối tình của họ bắt đầu sóng gió từ lúc Picasso cản Olivier làm mẫu cho các hoạ sĩ khác. Năm 1909, để làm bức tượng “Đầu người phụ nữ” (Fernande) (1909), ông đã làm hai phôi thạch cao chân dung Olivier và đúc ra ít nhất 16 pho tượng đồng. Các bề mặt nhẵn, phẳng của tượng – tương tự tranh ông thời này – là những phát triển mới trong xu hướng Lập thể. Ngoài ra, như ông tiết lộ về sau, Olivier cũng là một trong những gương mặt đàn bà xuất hiện trong kiệt tác “Những cô nàng ở Avignon” ông vẽ năm 1907.
Khi mối quan hệ của họ tan vỡ vào năm 1912, Olivier lâm vào tình cảnh túng bấn, không còn tiêu hoang như trước nữa. Đến lúc Picasso đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, Olivier đã viết một cuốn hồi ký kể lại thời kỳ mặn nồng của họ và đăng nhiều kỳ trên tờ Le Soir ở Bỉ. Tuy nhiên, luật sư của Picasso đã can thiệp để đình bản pho hồi ký giữa chừng. Mãi cho đến năm 1988, khi cả Picasso và nàng thơ đầu tiên của ông đều đã khuất núi thì cuốn hồi ký đó mới được công bố trọn vẹn.
Nàng thơ thứ hai của Picasso là nữ nghệ sĩ Olga Khokhlova – một vũ công ba-lê ngoại hạng gốc Nga, xuất thân từ một gia đình quý tộc, thành viên của đoàn múa Ballets Russes của ông bầu Sergei Diaghilev. Nàng gặp Picasso khi ông 36 tuổi, đã nổi danh về tài chinh phục phụ nữ, và được ông bầu Diaghilev mời hợp tác thiết kế mỹ thuật cho vở ba-lê “Parade” của vũ đoàn. Quan hệ của họ phát triển suốt cả năm 1917, và tiến tới hôn nhân tháng 7 năm 1918. Bức tranh Olga trong bộ y phục Mantilla truyền thống của Tây Ban Nha ra đời là một minh chứng cho tình cảm gắn bó giữa hai người, cũng là sự an ủi người mẹ nơi quê cũ. Chiến tranh thế giới I chấm dứt, Picasso và Khokhlova trở lại lối sống thoải mái ở Paris. Vì là vũ công nổi tiếng, Olga thường xuyên cùng Picasso lui tới những buổi tiệc tùng của giới thượng lưu, và chính nàng đã “tiến cử” chàng với những người sưu tập tranh giàu có ở kinh thành hoa lệ. Khi cậu con trai Paulo của họ ra đời năm 1921, Picasso bắt đầu để ý khám phá chủ đề của tình mẫu tử, gia đình và nữ tính; ông đã chụp nhiều ảnh và khắc nhiều tranh mô tả Olga trong dáng vẻ “nàng thơ – người mẹ”. Những chân dung biểu hình hoành tráng của Khokhlova thời kỳ này, ví dụ như “Khoả thân ngồi” (1922), chuyển tải một cảm giác trữ tình của một người mẹ đang thai nghén. Sống hạnh phúc bên Olga, nghệ thuật của Picasso thăng hoa trong những thử nghiệm mới – kết hợp lối hoạ cổ điển và hiện thực với các khối hình lập thể mạnh bạo cùng một số kỹ thuật nhiếp ảnh tân kỳ. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm mẫu chụp ảnh quảng cáo cho các vở ba lê, Olga đã trở thành một người mẫu lý tưởng cho chàng hoạ sĩ.
Tuy nhiên, qua năm 1927, đã xuất hiện hình bóng một giai nhân mới trong cuộc đời chàng, đó là Marie-Thérèse Walter. Mối quan hệ của “nàng thơ” mới và Picasso được giữ kín cho tới tận lúc Walter mang thai, vào năm 1935. Đến lúc đó, Olga quyết định ly thân với Picasso, chuyển về định cư ở miền Nam nước Pháp. Trong suốt phần đời còn lại, Olga Khokhlova cẩn thận lưu giữ hàng ngàn bức ảnh ghi dấu cuộc hôn nhân 18 năm của mình với Picasso. Được ghi chú rõ ngày tháng và có cả chú thích, những tấm ảnh quý giá đó là những dấu tích của một câu chuyện tình cảm độc đáo, cũng là một trong những trang đời quan trọng nhất trong sự nghiệp của chàng hoạ sĩ.
Marie-Thérèse Walter – nàng thơ thứ ba của Picasso – bước vào đời chàng lúc nhà hoạ sĩ đã 45 tuổi, còn nàng chỉ mới 17 xuân xanh. Trong giới nghệ sĩ Paris lan truyền giai thoại về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người rằng vào một ngày đẹp trời, Picasso bỗng nhiên sững sờ khi thấy một mỹ nữ bước ra khỏi cửa hàng bách hoá Galeries Lafayette, và ông đã ngăn nàng lại đột ngột bằng câu nói bất hủ: “Em có khuôn mặt rất khả ái. Tôi muốn vẽ chân dung em. Chúng ta sẽ cùng nhau làm nên được những điều kỳ diệu. Tôi là Picasso!”
Người ta nói rằng Walter có tỷ lệ nhân trắc và những đường nét cơ thể rất khớp với một hình mẫu lý tưởng mà Picasso đã từng tưởng tượng và miêu tả hai năm trước đó. Và ngay sau lúc cuộc tình của họ chớm nở, Picasso đã vẽ rất nhiều chân dung có mã hoá, ghi dấu mặn nồng lứa đôi lứa dưới những chữ cái P, M và T xen kẽ – một dạng mật mã bí ẩn và lãng mạn. Tới năm 1930, lúc Walter tròn 21 tuổi, những đặc điểm thể chất nổi bật của nàng – nét mặt nhìn nghiêng cổ điển, mái tóc vàng, và các đường cong gợi cảm – bắt đầu rõ nét, Picasso không còn phải ‘ngụy trang’ người tình trong tác phẩm nữa, mà đã để nàng ‘hiện ra’ trên mặt tranh vẽ, trong các ký hoạ, điêu khắc và tranh khắc. Bảng màu của Picasso giai đoạn này tươi vui, còn chủ đề và hình ảnh thì thật thanh bình, lại bộc lộ rõ được tính cách sôi nổi và niềm đam mê thể thao của nàng. Đến cuối những năm 1920, sử dụng lối vẽ siêu thực và bóp hình, Picasso bắt đầu tạo nên những chân dung dị dạng của Walter, ví dụ như bức “Người đàn bàn tắm với cánh tay giơ cao” (1929). Chàng cũng thích vẽ cảnh nàng ngồi ngay ngắn, hoặc duỗi dài ra, hoặc nằm ngủ, kết hợp với nhứng hoà sắc thể hiện nhiều trạng thái tình cảm, phần lớn trữ tình, song đôi lúc cũng đượm sắc dục, thậm chí còn hơi áp chế. Trong nhiều bức vẽ, ông cũng thích lồng vào sắc thái thần tiên hoặc các biểu tượng của mặt trăng, biến nàng thành một nữ thần tình yêu và mắn đẻ hay sự ngụ ý về đời sống thảnh thơi nơi thiên giới.
Ngày cô con gái Maya của họ ra đời, tháng 9 năm 1935, cũng là lúc lửa tình của Picasso bén sang nàng thơ mới mang tên Dora Maar. Tuy nhiên, dù đi lại với Maar, hoạ sĩ vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với Walter giống như với Khokhlova năm nào; Walter vẫn là người yêu bí mật của Picasso trong khi Maar thì công khai. Từ năm 1944 trở đi, những hình tượng đậm tính điêu khắc của nàng không còn xuất hiện trong tác phẩm của ông nữa. Năm 1977, bốn năm sau khi Picasso qua đời, Walter đã quyên sinh trong một nhà để xe ở miền Nam nước Pháp.
Sự hiện diện của Dora Maar – nàng thơ thứ tư – trong cuộc sống của Picasso để lại một dấu không thể xóa nhòa trong những tác phẩm ông sáng tác vào thời kỳ sung mãn trước Đại chiến II. Vừa là một nhiếp ảnh gia siêu thực có hạng, thậm chí đã cùng thuê chung studio với nhiếp ảnh gia danh tiếng Brassa, nàng cũng là nhân vật tích cực hoạt động trong phong trào chống phát xít của những người phái tả ở châu Âu. Theo một giai thoại kể lại, Picasso và Maar đã chính thức gặp nhau tại quán cà phê Le Deux Magots ở Paris vào mùa xuân năm 1936, khi nàng đang mạo hiểm chơi trò đâm dao vào giữa các ngón tay đeo găng của mình đặt trên mặt bàn, và rồi khi nàng chẳng may đâm trúng ngón tay, Picasso đã lao vào băng bó vết thương cho Maar và tất nhiên thủ ngay chiếc găng tay dính máu để giữ làm kỷ vật cho riêng mình.
Nếu Picasso tìm thấy ở Walter sự nhẹ nhàng và thụ động, thì với Maar đó là trí tuệ và sự thách thức tình cảm. Ông thường thể hiện nàng qua những hình ảnh góc cạnh, sắc nhọn, giải cấu trúc, với hoà sắc hơi gắt. Họ cùng thể nghiệm những kỹ thuật in mới với Man Ray và cả các thủ thuật kết hợp hội họa và nhiếp ảnh tân kỳ. Tình cảm nảy nở vào đúng lúc cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha bùng phát, “nàng thơ” đã vào tác phẩm của chàng trong những hình tượng thật đớn đau, bi thảm, phản ánh bầu không khí chính trị kinh hoàng của châu Âu đương thời. Bức chân dung “Người đàn bà khóc” nổi tiếng ông vẽ năm 1937 là một phản ứng trực tiếp đối với chủ nghĩa phát xít, và kể từ ngày đó, Picasso đã vẽ tổng cộng tới 10 tranh và 25 bức chân dung Maar “than khóc”. Gương mặt của Maar cũng đi vào kiệt tác “Guernica” (1937) – bằng chứng chính là những bức ảnh nàng tự chụp ở studio trong suốt quá trình chàng dựng phác thảo cho tác phẩm lớn. Thế rồi, đã xảy ra những trận ghen tuông giữa Maar và Walter, mà Picasso thì lại bị một tiếng sét ái tình giáng xuống tiếp, lần này là từ một kiều nữ có tên Francoise Gilot. Ly thân với Picasso vào năm 1946, Maar bắt đầu có những triệu chứng suy nhược thần kinh và phải điều trị với bác sĩ tâm thần. Khi tâm trạng tạm ổn, Maar tìm đến Thiên Chúa giáo La Mã như niềm an ủi, và nàng đã để đời câu nói bất hủ: “Sau Picasso là Chúa.” Năm 1997, Dora Maar qua đời đúng 24 năm sau ngày Picasso mất.
Nàng thơ thứ năm Françoise Gilot là một đồng nghiệp trẻ trung và kém chàng tới 40 tuổi. Gilot đến với nghệ thuật từ rất sớm, và trong những năm 1940 nàng đã là người bạn khá thân thiết với một số hoạ sĩ Paris theo Trường phái Hiện đại của Paris (Modernist school of Paris). Sau ba năm yêu nhau say đắm, qua năm 1946, nàng đã nài nỉ để rồi được về sống chung với chàng dưới cùng một mái nhà. Kể từ cuộc hôn nhân với Khokhlova đổ vỡ, đây cũng là lần đầu tiên Picasso chấp nhận đón một người tình về sống chung. Tổ ấm mới của họ là một căn nhà nằm kế ngay sát một xưởng sản xuất nước hoa bỏ hoang lâu ngày ở thị xã Vallauris, miền nam nước Pháp.
Không còn thích thú với lối tả thực nhàm chán, Picasso vẽ nhiều chân dung Gilot bằng những hoạ tiết hoa lá cỏ cây trong một loạt phong cách khác nhau. Bức sơn dầu trên toan “Người đàn bà với vòng cổ màu vàng” ông hoàn thành giữa năm 1946 là một ví dụ xuất thần, hội tụ nhiều yếu tố bộc lộ tài năng của nhà danh họa. Và rồi nàng đã sinh hạ cho ông một cậu con trai, Claude vào năm 1947, và hai năm sau, thêm cô con gái Paloma ra đời. Dù thời kỳ này ông gia nhập và có nhiều hoạt động nghệ thuật ủng hộ Đảng Cộng sản Pháp, phần lớn tranh của Picasso lúc này xoay quanh những khung cảnh êm ấm, thanh bình. Bức tranh “Claude và Paloma” (1950) là một bảng màu tuyệt đẹp ghi lại thời khắc bình dị của đời sống gia đình. Cũng trong thời gian này, Gilot vẫn có những hoạt động nghệ thuật riêng, và dù nàng là người mẹ hết mực thương con, nhiều tranh Picasso vẽ lại tả nàng trong những bố cục khá xa cách với lũ trẻ (?!).
Nếu quan sát kỹ các bức tranh của chàng vẽ Gilot, ai cũng có thể nhận ra một điều: khác với những nàng thơ trước, Gilot hình như không mấy hoà hợp với Picasso – nhất là trong nghệ thuật. Quả thật, sau rất nhiều dằn vặt, tới năm 1953, nàng quyết định chủ động nói lời chia tay với chàng, đưa các con lên lại Paris. Đây là cú sốc với nhà danh hoạ, bởi ông nghĩ dường như thế và thời của mình đã đến hồi kết. Một vài tác phẩm vào thời kỳ cuối ông đã trở lại khai thác đề tài này – miêu tả một ông già lùn tịt gớm ghiếc đối lập với một cô gái trẻ trung. Mười một năm sau, vào năm 1964, Gilot xuất bản một cuốn hồi ký kể lại những năm tháng mặn nồng cùng Picasso và đã gặt hái thành công lớn về mặt tài chính, dẫu cho chàng đã cố gắng ngăn chặn việc công bố nó bằng biện pháp pháp lý nhưng không thành. Nổi giận vì bị nàng “vạch áo cho người xem lưng”, Picasso đã trút giận lên đầu lũ trẻ vô tội. Cho đến tận lúc ông nhắm mắt xuôi tay, cả Claude và Paloma đã không bao giờ được cha cho gặp mặt.
Để tìm cách thoát khỏi quỹ đạo của Picasso, Gilot đã chọn nước Mỹ làm nơi định cư mới. Năm 1970, nàng kết hôn với Jonas Salk, nhà khoa học đã phát minh ra vắc-xin chống bại liệt đầu tiên trên thế giới, và sống với ông cho đến khi ông mất năm 1995. Năm nay, 2016, dù đã 94 tuổi, Gilot vẫn khá minh mẫn và sáng tác đều tay. Bên cạnh việc dạy vẽ, viết báo và xuất bản sách, là người có tài nên bản thân bà cũng đã có được một sự nghiệp hội hoạ vững chắc.
Ngay trong năm 1953, đang lúc thất tình, Picasso đã gặp nàng thơ thứ sáu mang tên Jacqueline Roque – nhân viên của một cửa hàng gốm sứ ở thị xã Vallauris. Lúc đó nàng mới 26 xuân, còn Picasso đã là ông già 71 tuổi, nhưng chàng hoạ sĩ già đời đã nhanh chóng tán đổ người đẹp bằng mẹo vẽ hình chim câu lên tường nhà nàng và đều đặn mỗi ngày tặng nàng những đoá hồng thắm “cháy đỏ màu yêu”. Họ kết hôn sau ngày Khokhlova mất, năm 1961, và chung sống với nhau trong suốt phần đời còn lại của nhà danh hoạ. Trong cuộc tình cuối này, Picasso đã vẽ được một số lượng tranh khổng lồ. Dù Roque đã trở thành người mẫu và nàng thơ của Picasso, nhưng thường thì trong tranh ông lúc này khuôn mặt của nàng không hề dễ nhận ra. Mê thích nghệ thuật Phi châu và sức mạnh của trí tưởng tượng, chàng ít quan tâm tới những tương đồng hoặc các đặc điểm nhân dáng cụ thể, và nghĩ rằng việc khắc hoạ hình ảnh Roque thân quen chỉ là thứ yếu so với việc cố gắng trừu tượng hoá nàng cho thành nhân vật độc đáo của tranh mình.
· Trong những năm tháng cuối đời, dù luôn lâm vào những mối lo âu và ám ảnh bất chợt, Picasso vẫn làm việc không ngưng nghỉ; ông thích lặp đi lặp lại một số chủ đề. Thế nhưng thời kỳ này, Roque lên tranh ông lại có dáng vẻ một người đàn bà sung mãn – có lẽ còn phong độ hơn cả hình tượng của Maar trong thời kỳ đầu sự nghiệp của chàng. Năm 1963, ông quay sang chuyên vẽ chân dung tự hoạ, tới 160 lần, và cứ mê vẽ mình mãi, ngày càng trừu tượng hơn, cho đến tận đầu thập niên 1970.
Năm 1973, sau ngày Picasso mất, giữa Roque và Gilot cùng những người con của bà đã xảy ra xích mích về quyền thừa kế. Cuối cùng, cả hai nàng thơ đã thoả thuận được với nhau về việc thành lập một viện bảo tàng cho chàng ở Paris. Những chuỗi ngày nặng nề tiếp theo với nhiều uẩn ức cùng chứng nghiện rượu hành hạ đã hạ gục Roque. Vào một ngày u ám giữa tháng 10 năm 1986, Roque đã quyên sinh để tự đặt dấu chấm hết cho trang cuối đời mình.
Giờ đây, khi xem xét lại khái niệm “người mẫu – nàng thơ”, ở cả hai khía cạnh nhân vật và ý niệm trong nghệ thuật của Picasso, rõ ràng chúng ta thấy các bức tranh và nhiều tác phẩm điêu khắc phác hoạ chân dung sáu nàng thơ của ông đã vượt thoát được những đặc thù tạo hình vốn câu nệ những lối biểu hình quen thuộc trong lịch sử hội hoạ, và có thể nói, chúng xứng đáng đại diện cho những giai đoạn sung mãn và sáng tạo nhất của Picasso, làm thay đổi đáng kể tiến trình lịch sử nghệ thuật châu Âu và thế giới.
Bên thềm xưởng vẽ, một chiều hoàng hôn mơ màng hồi tưởng lại những cuộc tình cũ, người hoạ sĩ già tự nhủ: “dù vui hay buồn thì ta đều đã thu xếp ổn thoả với tất cả các nàng!”. Vâng, những giai nhân xưa của Picasso hẳn đã mãn nguyện bên chàng trên cõi cao xanh, và chỉ có chúng ta, những kẻ hậu sinh đang sống nơi trần thế giờ đây vẫn bùi ngùi khôn nguôi mỗi khi có dịp nhìn ngắm chân dung các nàng thơ ấy được nhà danh hoạ bất tử hoá vào tranh, vào tượng, vào nghệ thuật và lịch sử con người.