Trại sáng tác lần này là điểm nhấn sinh động, điểm hội tụ nét tiêu biểu của nhiều tư duy nghệ thuật không chỉ của nghệ sỹ trong nước mà cả ngoài nước về cội nguồn của Việt Nam, về vùng đất tổ tiên của dân tộc đang trên con đường đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Đồng thời, trại sáng tác còn phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và góp phần giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng về một loại hình nghệ thuật cô đọng, khúc chiết, đa nghĩa mà sâu sắc.
Trại sáng tác được diễn ra trong 2 tháng (từ tháng 8 – 10/2017) theo hình thức bán tập trung với sự tham gia của 9 trại viên là những họa sỹ, nhà điêu khắc tài năng, uy tín, nhiều kinh nghiệm về điêu khắc ngoài trời đến từ Nhật Bản, Hà Nội, Vĩnh Phúc như: Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Ngọc Dũng, Lưu Thanh Lan, Nguyễn Lưu, Hori Yasush, Trần Tuy, Nguyễn Hồng Quang, Đỗ Bá Quang, Phạm Xuân Khánh.
Trong quá trình thi công mặc dù số lượng công việc khá bộn bề nhưng Thường trực Ban Tổ chức, Hội đồng Nghệ thuật, đặc biệt là họa sỹ Đỗ Ngọc Dũng – Giám đốc Sở Ngoại vụ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội LH VHNT tỉnh đã chỉ đạo mua sắm, lựa chọn tập kết vật liệu, chuẩn bị mặt bằng, lựa chọn thợ giỏi về trạm khắc đá, thầu khoán tổ chức thi công các tác phẩm từ bước 1 (sơ chế) đến bước 2 (hoàn thiện), đôn đốc, giám sát, trực tiếp góp ý và thi công cùng các tổ thợ nhằm đảm bảo bám sát nguyên mẫu và kỹ thuật, mỹ thuật của từng tác phẩm. Đồng thời, Thường trực Ban Tổ chức, Hội đồng Nghệ thuật đã báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh và làm việc với UBND thành phố Việt Trì để quyết định vị trí đặt tác phẩm, thiết kế xây dựng, đổ bê tông bục bệ, vận chuyển, lắp đặt,… Đến ngày 15/11/2017, 9 tác phẩm đã hoàn thành và được trưng bày tại Công viên Văn Lang (khu vực gần đường giao nhau giữa đường Hai Bà Trưng và đường Nguyễn Tất Thành). Trại sáng tác Điêu khắc tại Phú Thọ lần này tuy quy mô nhỏ nhưng đã đem lại những thành công nhất định, các tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật và công chúng đánh giá tốt, chất lượng nghệ thuật cao, hài hoà, phù hợp với môi trường văn hoá đương đại và cảnh quan Công viên Văn Lang.
9 tác phẩm của 10 họa sỹ, nhà điêu khắc tuy mỗi người có một cách thể hiện khác nhau nhưng đều nêu bật được chủ đề “Hướng về nguồn cội”. Cụ thể là:
Tác phẩm Nguồn cội sự sống của tác giả Hori Yasushi (Nhật Bản) là hình ảnh khối vuông vững chắc với 04 trụ cân đối, che chở nâng đỡ khối hình thoi tượng trưng cho những sinh linh của thế giới vạn vật phát triển trong tự nhiên, trời đất khiến ta liên tưởng đến trời tròn đất vuông trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Ở một góc độ khác, khối hình thoi ở vị trí trung tâm lại khiến người xem thoáng nghĩ về hai quả bom nguyên tử đã ném xuống hai thành phố Nagasaki và Hirosima của Nhật Bản trong thế chiến thứ 2 hàm ý lên án chiến tranh, lên án cái ác…
Tác phẩm Mái ấm của Nhà điêu khắc Lưu Thanh Lan lại là hình tượng khái quát cao về gà mẹ – con vật thân quen và gần gũi trong 12 con giáp đang che chở, bao bọc những chú gà con như hình tượng mẹ Âu Cơ – người mẹ Việt – mái ấm ôm ấp bọc trăm trứng cho dân tộc sinh sôi, nảy nở và phát triển, trường tồn như ngày hôm nay.
Tác phẩm Cội nguồn của Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành chọn hình tượng giống như sự vươn lên của sự sống, mầm sống trong trời đất. Bố cục khối cân đối, đan xoắn uyển chuyển thay đổi họa tiết, gắn kết âm dương tạo hiệu ứng thẩm mỹ hoài niệm về buổi bình minh của lịch sử dân tộc.
Tác phẩm Tình yêu của đá của Nhà thiết kế Đỗ Bá Quang dùng hình khối tròn làm chủ đạo, mảng miếng đường nét đơn giản. Gọi là hai khối đá nhưng cũng có thể hiểu đó như 2 cơ thể sống đang siết chặt trong vòng tay của hạnh phúc, như đang hòa quyện, tan biến vào nhau. Tác giả như muốn gửi đi một thông điệp vĩnh cửu của tình yêu. Tình yêu đôi lứa, tình yêu đồng loại… đến như sỏi đá cũng cần có nhau.
Tác phẩm Tiên Dung – Chử Đồng Tử của họa sỹ Đỗ Ngọc Dũng lại dùng bút pháp tả thực, phô diễn vẻ đẹp cơ bắp của chàng trai nghèo làm nghề chài lưới và cơ thể thiếu nữ của công chúa Tiên Dung – con gái Vua Hùng tuổi vừa trăng tròn trong khoảnh khắc vừa e lệ, vừa ngượng ngùng. Tác phẩm đã tái hiện câu chuyện tình đầy nhân văn trong lịch sử thời đại Hùng Vương.
Tác phẩm Mỵ Châu của Nhà thiết kế Trần Tuy lại thể hiện một cách nhìn hoàn toàn mới về công chúa Mỵ Châu khác với những tác phẩm đã có. Mỵ Châu trong chiếc áo lông ngỗng dường như bất động, có đầu mà không có mặt. Tác phẩm khiến ta gợi nhớ về câu chuyện tình bi thương giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy – con của chúa Nam Hải.
Tác phẩm Gà chín cựa của Nhà điêu khắc Nguyễn Lưu lại đưa người xem nhớ về câu chuyện kén rể của vua Hùng Vương thứ 18. Vì muốn chọn Sơn Tinh mà không phải Thủy Tinh nên nhà vua đã thiên vị thách cưới bằng những sản vật có ở trên cạn, trong đó có gà chín cựa. Bố cục tác phẩm là một khối thẳng, khỏe, vững chắc, ngôn ngữ tạo hình khúc chiết bằng các mảng kỷ hà mạnh, hiện đại, phù hợp với đặc tính của chú gà đang vươn cổ đón bình minh thuở hồng hoang.
Tác phẩm Hạt lúa thần của đồng tác giả Nhà điêu khắc Phạm Sinh và Phạm Xuân Khánh là hình tượng hạt lúa được mô phỏng to gấp nhiều lần, được nâng niu trên một bệ đỡ vững trãi gợi nhớ về lịch sử dân tộc. Hạt lúa thần do trời đất ban tặng cho Vua Hùng để rồi được gieo vào lòng đất mẹ mà sinh sôi nảy nở. Từ đó, Vua Hùng mới dạy dân cấy lúa và tạo ra cả một nền văn minh lúa nước. Ngày nay nhiều vùng miền đất nước vẫn tổ chức lễ hội tịch điền mỗi dịp đón xuân mới.
Tác phẩm Bên nhau của tác giả Nguyễn Hồng Quang khai thác hình ảnh hươu trong họa tiết trống đồng Đông Sơn với khối cách điệu 3 chú hươu cao hơn ba mét kết hợp bút pháp vừa thật vừa ảo, vừa truyền thống vừa hiện đại, thể hiện sự gắn kết đồng loại, sum vầy. Tác phẩm như một thông điệp về gìn giữ môi trường sống, môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển.
Có thể nói, mỗi họa sỹ, nhà điêu khắc bằng tình yêu đối với Phú Thọ, bằng bút pháp của mình đã sáng tạo nên những tác phẩm điêu khắc có giá trị cao về nội dung về hình tượng nghệ thuật. 09 tác phẩm đã được trưng bày tại Công viên Văn Lang rất hài hòa với cảnh quan công viên. Có thể nhấn mạnh rằng, những tác phẩm điêu khắc này cùng với hàng chục tác phẩm của hai trại điêu khắc năm 2005, 2010 sẽ có sức sống lâu bền cùng năm tháng.
Đỗ Ngọc