Chuyện này xảy ra ở Tiên An cách nay chưa xa, vào khoảng những năm 1945 – 1947. Ngày đó chính quyền mới vừa thành lập, chưa đứng vững chân, thổ phỉ, hải tặc các sắc vẫn hiện diện tranh đoạt địa bàn, cướp bóc dân chúng. Dù vậy dân chúng, để sống vẫn cứ phải làm ăn buôn bán. Mưu sinh mà.
Ở cửa ngõ thị trấn có một tửu điếm treo biển Hổ. Chủ quán tên là Đàm Quang Hổ, dân bản địa, nghề cha truyền con nối. Bước vào quán, đập vào mắt khách là bức hoạ Tửu tiên, góc trái chép bài thơ không ghi tên tác giả.
Bên sông tửu điếm nhắm rượu chơi
Xuân trời xuân nước ngẫm xuân người
Mượn cánh chim âu bay khắp vịnh
Chén đắng cuộc đời uống chẳng vơi.
Quán Hổ có rượu Trúc diệp, nghe nói ủ từ lá trúc lấy từ hang Bát tiên, hương vị đặc biệt, uống chỉ ngà ngà, không say đổ. Thức nhắm đủ phong vị. Quán mở thâu đêm, thực khách nườm nượp, thu bộn tiền.
Đối diện Hổ quán cũng có một tửu điếm, biển hiệu khá to, nhưng tên đọc lên thấy rất tầm thường, trần trụi: Quán Rượu. Chủ quán là một ông già, tuổi ngoài sáu mươi, tên Dư Văn Thanh, quê gốc đâu như trong Đồ Sơn. Quán ông bán đủ các loại rượu, thức nhắm cũng đủ món, bên Hổ có gì bên ông có nấy. Nhưng thường xuyên ế. Mỗi sáng mở cửa, chủ quán Hổ thường nói to, cốt cho bên ông Thanh nghe, hôm nay đông khách đấy, các cô gái, nhanh tay lên cho nhờ nhé. Buổi khuya đóng cửa, ông chủ Hổ bước ra trước nhà làm mấy động tác khởi động cho bài Thái cực quyền, hướng sang bên quán rượu, ta thán một mình, nhưng cố để cho ông Thanh nghe thấy. Cực quá, khách đông bảo sang quán bên, nhưng cứ nhất định chờ.
Chủ quán Dư Văn Thanh biết ông chủ Hổ cạnh khoé, chê bai, ngậm miệng không đáp lại, bèn viết thư cho con trai là Dư Thành Long, đang tầm sư học đạo xa nhà, rằng phải lập chí, không chỉ cần tinh thông nghề nghiệp, mà còn phải học cách làm sao thu hút được khách hàng, mở rộng bán hàng. Nửa năm sau, Dư Thành Long đi đường biển trở về Tiên An. Ông Thanh quyết định giao lại tửu quán cho Long, lui về nghỉ hưu.
Long thuê thợ sửa sang lại tửu quán, làm lại mặt tiền, thay tên quán. Đối diện là Hổ, thì bên này treo Long. Khai trương tửu quán, ông chủ Long trẻ tuổi cho ra đời một nhắm chủ lực, món mà người dân Tiên An, nhất là người Hoa khắp vùng này đều ít nhiều nghe tên, nhưng chưa bao giờ được nếm. Món “Bá vương biệt cơ”. Sở dĩ nói người dân Tiên An và người Hoa khắp vùng đều nghe đến, là vì có đoàn Kinh kịch bên Đông Hưng nhiều lần sang, diễn đi diễn lại tích này.
Ngày khai trương tửu quán Long, khách thập phương xa thì từ Hải Phòng, Móng Cái, gần thì Đông Triều, Hòn Gai kéo về như trẩy hội. Rồi thì tai vách mạch rừng, người này ghé tai người kia, chuyến này Tiên An sẽ có cuộc đấu lớn, một cuộc “Long tranh hổ đấu”, không đùa được đâu. Thoạt nghe cứ ngỡ như là sắp diễn ra một cuộc tỉ thí võ nghệ. Thì Tiên An là đất võ mà.
Nghe nói, thời Trần, Đức ông Trần Khánh Dư trấn thủ Vân Đồn đã biến cửa biển này thành một thương cảng sầm uất. Tuy nhiên điều khiến Đức ông canh cánh bên lòng là đại địch phương Bắc. Bọn chúng nhòm ngó nước ta đã lâu, sớm muộn gì cũng mở chiến tranh xâm lược, hòng nuốt gọn nước Nam. Vì thế Đức ông thường qua lại Tiên An, đi sâu lên các miền rừng núi ngọa hổ tàng long, tìm kiếm người tài. Truyền thuyết kể, một lần Đức ông đóng vai thợ đốt than, vào sâu trong rừng, bất ngờ gặp hổ. Với thanh long đao trong tay, với tài võ của mình, Đức ông dồn ép con hổ, nhưng không có ý làm nó bị thương. Cuối cùng con hổ nhẩy lùi ra xa, cúi đầu khiếp phục, rồi đi xa nữa vào rừng sâu.
Khi Đức ông dùng ống tay áo gạt mồ hôi trán, thì bất ngờ vang lên một tràng cười con gái, giòn tan. Ngẩng lên thì thấy một sơn nữ áo chàm, tay cầm đoản côn. Người con gái có gương mặt trái xoan, nước da bánh mật, nhìn là biết ngay có học võ.
Sao nàng lại cười ta? Thiếp nhìn long hổ đấu, thích quá không kìm được tiếng cười, xin cao nhân bỏ quá. Đức ông cài thanh bảo đao vào sau lưng, đi về phía người con gái. Ngài nói, nàng thấy ta gặp nguy hiểm, sao không ra tay trợ giúp? Người con gái đáp, thiếp chợt đến, thấy cảnh tượng thật phi phàm, rồng hổ đấu nhau. Đó không phải là việc của người trần, thiếp có ra tay cũng không được. Hoá ra cao nhân là hiện thân của Rồng.
Đức ông vốn là một người cao ngạo, nghe sơn nữ nói xong, chợt ngộ ra, như trời đang tối sầm mây bỗng kéo đi, để lộ ra mặt trăng. Đức ông nghĩ, Trời giúp ta, sơn nữ này chính là người ta cần tìm. Ngay sau đó, ở chính ngã ba này, ngài đã mở một võ trường, giao sơn nữ tuyển chọn, đào luyện ra các chiến binh sung vào đội quân của Đức ông, trong đó có bậc tiền bối của Tiên An Nhất kiếm (*) sau này.
Những chuyện nhuốm mầu huyền thoại như thế, ngày nay hiếm lắm, dường như đã mất giống. Chuyện tào lao. Thế nhưng ngẫm đi ngẫm lại, có lẽ không phải thế. Long tranh hổ đấu ở đây có thể là cuộc vật lộn của hai ông chủ tửu quán Long và Hổ.
Và đúng thế thật.
Món “Bá vương biệt cơ” của ông chủ Long, vừa ra đời lập tức nổi tiếng. Thực khách lúc nào cũng đông, nhiều khách quen của ông chủ Hổ kéo sang quán Long. Món “Bá vương biệt cơ” là món như thế nào mà hấp dẫn thực khách đến vậy, dù giá trên trời? “Bá vương biệt cơ”(**) được chế từ rùa và gà, rất kì công. Rùa được thanh tẩy sạch sẽ, được cho uống thuốc bắc, rồi mới làm thịt. Gà, phải gà mái, lẽ dĩ nhiên cũng được kì công chế biến. Rùa và gà sau chế biến, được đặt lên mâm vàng. Con rùa bệ vệ, bốn chân bám chắc mặt mâm, con gà mái đặt trên lưng rùa, sắp làm cuộc chia tay vĩ đại.
Ông chủ Hổ thấy thực khách nhà mình ngày một thưa dần, lờ lãi ngày càng co lại. Thi thoảng ông chủ Hổ lại đứng trước tửu quán nhà mình, trỏ gà, trỏ chó mà chửi. Mặc dù ông tức sôi máu ông chủ Long, nhưng không thể réo chửi tên Long. Thanh thế chủ Long so với người cha giờ mạnh gấp bội phần. Ông chủ Hổ cũng có con trai, chưa lấy vợ. Một hôm ông bảo nó, mày lấy vợ nhanh lên, đẻ con cho tao bế. Đặt tên nó là Long để tao chửi.
Ông chủ Long nghe ông chủ Hổ réo gà réo chó chửi thì mỉm cười, ông chửi thì ông nghe.
Ngày đó có một toán phỉ người Hoa đông lắm, đóng trại ở trên núi, khống chế thị trấn. Tướng phỉ là Ngọ Bỉnh Tập. Phỉ quấy rối, cướp bóc khiến việc buôn bán, làm ăn khó khăn, thu nhập sút kém. Tửu quán Hổ phải đóng cửa. Nhờ trường vốn, tửu quán Long vẫn túc tắc duy trì được.
Vào một phiên chợ, tửu quán Long xuất hiện năm người khách đặc biệt, người nào cũng mang súng. Đám khách đòi gặp ông chủ Long. Linh tính bảo với ông chủ Long, phỉ Ngọ Bỉnh Tập. Ông chủ Long mời thực khách vào một phòng riêng, chuyên dùng cho khách sang. Tên phỉ đeo súng Pạc-họoc, có vẻ là tên cầm đầu nói, chúng ta ở trên núi, sắp tới sinh nhật con trai, ta muốn làm món đặc biệt để mừng nó, để bồi dưỡng ý chí cho nó, món “Long hổ đấu”. Ngươi có biết món đặc sắc đó không? Biết làm không? Ông chủ Long nghe cái giọng hách dịch đó thì ngầm đoán, có thể kẻ vừa nói chính là tướng phỉ Ngọ Bỉnh Tập. Ông chủ Long thăm dò, tôi xin phép hỏi, các ông là người của tướng Ngọ Bỉnh Tập? Người đeo súng Pạc-họoc im không nói gì. Gã đứng bên phải trừng mắt, không nói nhiều, trả lời có làm được không?
Ông chủ Long nói, chúng tôi làm được, nhưng sao các ông không dùng món “Bá vương biệt cơ”? Món ấy đứng đầu tửu quán chúng tôi. Người đeo súng Pạc-họoc nói, món ấy xúi quẩy, báo hiệu sự thất bại. “Long hổ đấu” cổ vũ ý chí tranh đoạt quyền trượng. Đúng ngày kia chúng ta cho người đến lấy. Nói xong bước ra ngoài. Đám còn lại vội chạy theo.
Món “Long hổ đấu” là món ăn có tiếng ở Lĩnh Nam, khi tầm sư học đạo ở Phiên Ngung, Long đã học được. Đó là món hầm thịt rắn và thịt mèo. Để thêm hương vị, có thể bổ sung thịt gà. Thịt rắn lạnh, thuộc tính âm. Thịt mèo nóng thuộc tính dương. Âm dương có công nhau không? Không. Âm dương hoà hợp, thập toàn đại bổ. Tuy nhiên, để làm được món thịt rắn và thịt mèo đúng cách, phải chi li, tốn nhiều công sức. Rắn không khó kiếm. Mèo rừng, phải mèo rừng thì mới chuẩn để làm món “Long hổ đấu” này. Nhưng mèo rừng không dễ tìm. Phải tìm đến các thợ săn.
Chiều hôm sau, có một người mang đến cho ông chủ Long một con mèo rừng, nói là mới săn được, nghe nói nhà hàng cần, nên tặng cho. Con mèo rừng quắc mắt nhìn ông chủ Long đầy cảnh giác. Ông chủ Long nói, nhà hàng chỉ mua thôi, không nhận tặng vật. Quí ông đòi bao nhiêu, xin trả bấy nhiêu, không bớt hào cắc nào. Người lạ nói, không cho không. Có một điều kiện. Người lạ kéo ông chủ Long vào một góc khuất nói, ông chủ có biết khách đặt món “Long hổ đấu” là ai không? Là tướng phỉ Ngọ Bỉnh Tập. Sào huyệt của chúng rất kiên cố, chúng tôi đã mấy lần đột kích không được. Điều kiện của chúng tôi giản dị lắm. Khi chế biến món “Long hổ đấu” ông chỉ bỏ thêm vào một ít củ cải. Vâng, củ cải chúng tôi cũng mang sẵn theo đây.
Ông chủ Long giật mình. Ông biết người lạ này từ đâu đến rồi. Củ cải với thịt rắn là hai thứ kị nhau, nếu nấu chung sẽ tạo ra chất cực độc, có thể gây chết người. Nhưng ông trấn tĩnh ngay, làm như vẻ không biết gì, nói món “Long hổ đấu” của chúng tôi điều chế với nhiều vị thuốc bắc, nếu cho củ cải vào sẽ phá hỏng điều vị, toàn bộ món ăn sẽ bị huỷ bỏ. Người lạ tỏ ý không hài lòng, bước ra khỏi tửu quán, không quên mang theo con mèo rừng. Ít lâu sau ông chủ Long lấy lí do làm ăn khó khăn, để lại cơ ngơi cho người khác, chuyển cả nhà về quê cha đất tổ Đồ Sơn.
Sau này có người biết chuyện mới hỏi ông chủ Long, lí do từ chối người lạ. Ông chủ Long đáp, lương tâm con người.
Truyện ngắn của Hà Phạm Phú
(*) (**) Tên các truyện ngắn của H.P.P