Sau hơn 2 năm thành lập, IPO quy tụ được hơn 30 tài năng trẻ thường xuyên tham gia tập luyện và biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật hướng đến cộng đồng.
Phóng viên: IPO ra đời, phải chăng để thỏa mãn đam mê nho nhỏ của anh?
Nhạc trưởng Dustin Tiêu: Đúng vậy. Ban đầu, tôi có ý tưởng thành lập dàn nhạc nho nhỏ để thỏa mãn niềm đam mê của chính mình và mong muốn tạo thêm sân chơi cho các bạn trẻ. Tôi cũng cảm nhận thực tế còn thiếu rất nhiều những chương trình hòa nhạc tiếp cận khán giả nhiều hơn. Vậy nên, tôi định hướng hoạt động biểu diễn và phát triển của dàn nhạc trẻ sẽ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của số đông khán giả, mang tính đại chúng, đặc biệt chú ý đến thị hiếu âm nhạc của khán giả trẻ.
Nhưng điều này không hề dễ dàng?
Đúng là khi dàn nhạc đi vào hoạt động, tiếp cận khán giả, chúng tôi lại nhận thấy cần thiết thay đổi chính mình nhiều hơn để phù hợp với đòi hỏi của công chúng. Từ đó, nội dung các chương trình hòa nhạc được dàn dựng mềm mại, nhẹ nhàng, âm nhạc được hướng đến tính đại chúng. Trong biểu diễn, chúng tôi không muốn dựng chương trình theo phong cách cũ là MC sẽ giới thiệu lần lượt các tác phẩm, mà thực hiện dàn dựng chương trình như một vở kịch, với các bản nhạc trong phim của hãng Disney, hay nhạc phim Nhật Bản…
Như chương trình hòa nhạc phim hoạt hình Nhật Bản Ghibli: The dream Express (Ghibli: Chuyến du hành mơ), vừa diễn ra vào hai tối 29 và 30-10 tại Nhạc viện TPHCM vừa qua, chủ đề và âm nhạc rất gần gũi với khán giả. Chương trình có sự đầu tư tốt nhất về chất lượng âm thanh, kỹ năng trình diễn của các nghệ sĩ trẻ, đạo diễn sẽ viết kịch bản câu chuyện, có màn hình LED hỗ trợ trình chiếu hình ảnh, đáp ứng cả phần nghe và nhìn cho khán giả, giúp trí tưởng tượng khán giả thêm bay bổng và đồng điệu với cảm xúc thuần khiết nhất của các tác phẩm phim hoạt hình.
Khi tạo sân chơi nghệ thuật cho các bạn trẻ, anh có yêu cầu, hay điều kiện gì đối với người muốn tham gia vào dàn nhạc IPO?
Tại TPHCM có rất nhiều bạn trẻ có tài năng, thực lực, nhưng lại bị cuốn vào vòng xoáy đi “show” và các sự kiện quá nhiều, không có điều kiện để trau dồi và nâng cao chuyên môn. Vậy nên, khi dàn nhạc mở rộng cánh cửa chào đón những bạn muốn tham gia vào dàn nhạc, các bạn phải chấp nhận điều kiện chính là chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân, tập trung nhiều hơn cho dàn nhạc, chịu khó tập luyện, nâng cao chuyên môn, để có thể đáp ứng tốt nhất về chất lượng biểu diễn của các chương trình do IPO thực hiện. Từ đây, các bạn sẽ thay đổi được giá trị của chính mình khi được làm nghề nghiêm túc, nâng chất tay nghề, kỹ năng trình diễn.
Là dàn nhạc hoạt động theo phương thức xã hội hóa, hẳn là điều không dễ dàng, anh mong muốn điều gì cho tương lai?
Vì không có đơn vị nào hỗ trợ, tài trợ, nên IPO luôn tự thân vận động. Khi tổ chức các chương trình biểu diễn, chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào số lượng doanh thu vé bán ra. Lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ có nhiều khán giả yêu thích, họ chấp nhận bỏ một số tiền không nhỏ để mua vé vào xem các chương trình. Tôi du học tại Mỹ và Hàn Quốc trong 7 năm và nhận thấy có rất nhiều tập đoàn lớn quan tâm đến hoạt động phát triển của các dàn nhạc, các tài năng trẻ lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm. Họ chăm lo cho học bổng, xây nhà hát…, để các tài năng có điều kiện phát triển, thi tài và lấy các giải thưởng danh giá quốc tế.
Từ đây, tôi cũng mong muốn sẽ liên kết bền vững hơn với một số công ty, tập đoàn lớn, để có thể có được sự hỗ trợ mạnh mẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển của IPO trong tương lai.
Với khát vọng lan tỏa những giá trị nghệ thuật của âm nhạc hàn lâm trong đời sống xã hội, anh kỳ vọng gì cho nghề và cho dàn nhạc?
Khi thành lập dàn nhạc, tạo điều kiện cho các tài năng trẻ thỏa sức sáng tạo, làm nghề và phục vụ khán giả, tôi còn mong muốn cách làm của mình sẽ lan tỏa đến nhiều phụ huynh, để họ thấy được hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển là một nghề đáng quý, theo nghề có thể sống được bằng nghề. Từ đó, họ đầu tư cho con em, giúp con em có thể phát triển mạnh mẽ hơn, vươn ra thế giới khi gia đình có đủ nội lực về tài chính. Từ đó, chúng ta mới có được nhiều nghệ sĩ quốc tế.
Tôi cũng đang ấp ủ thực hiện một số dự án mang tính giáo dục nhiều hơn. Trong đó có dự án làm phim âm nhạc, có nội dung về nghề đào tạo âm nhạc cổ điển, bức tranh về dàn nhạc cổ điển… để người xem có thể cảm nhận nhanh hơn về âm nhạc cổ điển, con đường học tập, làm nghề và cuộc sống của người nghệ sĩ với nghệ thuật hàn lâm.
Tác giả: Thúy Bình (Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)