Thư thứ nhất: Môi trường du học âm nhạc nước ngoài
Hai điều thử thách cơ bản của nghề biểu diễn piano là xây dựng được nhận thức về khối kiến thức mình phải có (được chắt chiu qua mấy trăm năm) để hiểu tác phẩm, và kỷ luật làm việc cần có để đưa các kiến thức đó vào việc xử lý âm thanh qua các chương trình biểu diễn.
Nga là một nơi có truyền thống đào tạo rất căn bản: hòa thanh, phức điệu, lịch sử âm nhạc, kiến thức âm nhạc tổng thể, thẩm mỹ học. Ngoài ra môi trường văn hóa dầy đặc với các sự kiện âm nhạc, triển lãm hội hoạ, kịch nghệ luôn là nam châm thu hút nhân tài quả thực là một điểm xuất phát rất tuyệt cho các học sinh. Tuy nhiên, khi ra trường, môi trường làm việc rất khắt khe, nhất là cho pianists vì đặc thù của piano không có vị trí trong các dàn nhạc khiến cho sự chuyển tiếp từ học sang hành rất khó. Khi đi học, vì phần lớn Nga rất chú trọng vào việc đào tạo nhân tài và thắng giải concours nên khối lượng lớn thời gian tập trung vào một số lượng bài nhất định. Khi ra làm việc, khả năng học hiểu bài nhanh thực sự là một kỹ năng hàng đầu để bạn có thể nắm bắt các cơ hội. Muốn có được kỹ năng này, bạn phải có môi trường thực hành, với các tác phẩm tự mình học và hiểu không có thầy trợ giúp.
Nhiều năm lưu diễn và thu âm tại Đức tôi nhận thức được đây là một môi trường rất tốt cho việc chuyển hóa từ học sang hành. Về giáo dục văn hóa âm nhạc chuyên nghiệp thì khỏi bàn, vì đây là nôi âm nhạc của Bach, Beethoven, Brahms. Ngoài ra mạng lưới các tụ điểm âm nhạc từ lớn tới bé là môi trường thuận lợi để học sinh thực hành. Khán giả Đức rất yêu và thấu hiểu âm nhạc, họ thực sự là những người thầy không tên trong tiểu sử nghề nghiệp của bạn. Một chuyện rất quan trọng nữa: học phí và mức phí sinh hoạt tại Đức thấp nhất so với các nước phát triển trên thế giới. Số kinh phí bỏ ra so với kiến thức thu lại thật là một đầu tư tuyệt vời.
Chúc bạn tìm được môi trường phù hợp để giúp mình tìm thấy những điều tuyệt đẹp của âm nhạc. Đây luôn là động lực và người đồng hành lớn nhất trong con đường âm nhạc của bạn!
Tìm thầy
Trong kinh nghiệm của tôi, việc học hành là việc cả đời. Khi ta mở được một cánh cửa trong khu vườn kiến thức, lập tức một cánh cửa mới hiện ra. Khi có được lòng ham học tự thân thì một đứa trẻ cũng có thể là thầy của ta. Tuy nhiên đào tạo piano là ngành thật sự khó, cần có những người thầy trao cho mình chìa khóa để mở được các cánh cửa đầu tiên.
Hai yêu cầu quan trọng là xây dựng khả năng phân tích bài và sau đó truyền đạt được các ý tưởng của tác phẩm thành một chân dung âm thanh trọn vẹn.
Vế đầu tiên bạn cần một ngôi trường biết tầm quan trọng của các môn “phụ” và có thầy cô thật giỏi các môn hòa thanh, phức điệu, lịch sử âm nhạc, hòa tấu. Những kiến thức cơ bản (fundamental) dạy cho bạn hiểu được cấu trúc âm thanh và kiến trúc tác phẩm.
Vế thứ hai ta cần có người thầy chuyên môn giàu kiến thức âm nhạc và kỹ năng xử lý âm thanh. Một người thầy giàu kiến thức âm nhạc đồng nghĩa với việc họ thường có một kho tàng âm thanh đa dạng trong đầu. Họ cũng sẽ rất am hiểu cấu trúc tác phẩm. Người thầy có kỹ năng xử lý âm thanh là người thực sự hiểu cây đàn piano và hiểu được sự tương tác giữa cơ thể và nhạc cụ. Mỗi thầy tôi từng học qua đều có mặt mạnh riêng. Bạn nên xin học thử trước để xem họ có giúp bạn khắc phục được các yếu điểm lớn nhất của mình không. Ngoài ra, bạn có thể học thêm các thầy khác để lĩnh hội các kinh nghiệm đa dạng. Bạn nghiên cứu trước tiểu sử nghề nghiệp của các thầy để tìm hiểu thế mạnh của họ ở đâu, danh mục biểu diễn (repertoire) của họ thế nào.
Lợi ích việc học với nhiều thầy
Tôi may mắn được học và lớn lên trong môi trường đào tạo ưu việt của Nga, với tất cả các thầy của tôi là sinh viên ruột của huyền thoại Henrich Neuhaus. Nói nôm na thì tôi là F2 của ông!
Thầy tôi giáo sư Lev Naumov là F1, ông từng là trợ giảng của Neuhaus. Sau ông được phong giáo sư và có lớp riêng cùng trợ giảng của mình. Hệ thống đào tạo của Nhạc viện luôn theo công thức này: một giáo sư có hai trợ giảng. Vì sao? Thứ nhất vì thời gian có hạn, thứ hai vì phần lớn các giáo sư khi đã đảm nhận vai trò dạy thường sẽ ít thời gian luyện đàn biểu diễn. Các phụ giảng thường là các pianists trẻ xuất sắc, những người đang thường xuyên biểu diễn do vậy họ luyện tập piano hàng ngày.
Khi nói đến trường phái piano Nga, mọi người thường nghĩ họ thật giỏi về kỹ thuật. Thực ra, trong đào tạo họ chú trọng song song sự hiểu biết về cấu trúc tác phẩm, âm thanh và kỹ năng chuyển tải âm thanh. Vai trò của nghệ sĩ biểu diễn là xây dựng được tác phẩm từ tư duy âm thanh trừu tượng trong tổng phổ thành âm thanh thật qua nhạc cụ của mình. Không hiểu tác phẩm sẽ không tạo nên bức tranh âm thanh chính xác với bản gốc. Tuy nhiên khi hiểu được tác phẩm mà không đủ kỹ năng để truyền tải lại thì sản phẩm âm thanh của mình tạo ra lem luốc. Kỹ năng này là sự làm chủ cây đàn tuyệt đối để đạt trạng thái tự do trong việc truyền tải ý tưởng và màu sắc của tác phẩm. Do vậy các giáo sư chính thường làm việc về kiến trúc tác phẩm, còn các phụ giảng giúp các sinh viên cách làm chủ cây đàn để xây dựng âm thanh.
Ở Anh, ngoài giáo sư chính tôi thường chủ động đi tìm học thêm các thầy khác để làm đầy hai túi Kiến thức và Kỹ năng này của mình. Khi bắt đầu dạy học, tôi khuyến khích học sinh học thêm các thầy hoặc đồng nghiệp khác có những kiến thức chuyên sâu mà tôi không nắm bắt hết. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao là đây bạn ạ.
Thật mong các cơ sở đào tạo âm nhạc Việt Nam quan tâm việc tổ chức master class định kỳ hàng tháng cho sinh viên.
Thư thứ hai: Các điểm chuẩn cho sự chuyên nghiệp
Lúc bé tôi đã biết loay hoay lo lắng sợ không hiểu và diễn đạt được các bài mình chơi: các vị thiên tài như Mozart tuyên bố có thể nhìn toàn bộ một symphony như một quả táo trên lòng bàn tay mà mình vẫn lọ mọ tay riêng (mặc dù luôn cần thiết) thì lúc nào mới “chính quả”. 14 tuổi sang Nga được nghe Kissin và các học sinh thần đồng (từ 10-16 tuổi) của Moskva biểu diễn làm chủ cây đàn như các nghệ sĩ chuyên nghiệp lớn, tôi choáng váng vì hiểu rằng con đường mình đi rất khó khăn mặc dù tôi vẫn chỉ mong muốn được theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp lâu dài.
Tôi rất tâm đắc câu nói của Brahms: cảm hứng mà không kết hợp với sự lành nghề thì giống như cỏ lau bị thổi bay trước gió. Với người biểu diễn chuyên nghiệp, sự lành nghề không chỉ đến từ các kinh nghiệm làm chủ sân khấu với các môi trường âm thanh khác nhau, sự lành nghề phải xuất phát từ các buổi tập luyện và bổ sung kiến thức âm nhạc hàng ngày. Chuyện bổ sung kiến thức âm nhạc nói chung và kiến thức chi tiết cho các tác phẩm mình đang tập tôi sẽ chưa đề cập ngay ở đây, mà tôi sẽ bắt đầu từ môi trường âm thanh cần có để bạn có thể luyện tập chuyên nghiệp.
Âm nhạc là nghệ thuật sắp đặt của âm thanh và tiết tấu, vì vậy muốn làm chủ được kiến trúc tác phẩm ta cần phải có đôi tai “lành nghề” để điều khiển đôi tay tạo ra âm thanh trên đàn. Vậy ta cần một môi trường tuyệt đối yên tĩnh và một cây đàn luôn được bảo quản thường xuyên. Môi trường âm thanh này phải đủ yên lặng để nghe được những rung động khẽ nhất của dây đàn và cũng có thể chuyển tải toàn bộ những hợp âm lớn nhất mà vẫn có thể nghe rõ các bè. Lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe. Nếu phòng nhỏ không nên mua đàn size quá lớn. Chọn đàn để tập nên lựa đàn có tone ấm vì các đàn có tone quá sáng (bright) rất khó luyện nhiều tầng âm thanh khác nhau. Luôn bảo quản đàn, chống ẩm và lên dây thường xuyên. Bảo vệ đàn là bảo vệ đôi tai mình. Nếu như điều kiện trong nhà chưa cho phép bạn có thể liên hệ các studio có âm thanh chuẩn để tập trước khi thi hoặc diễn. Thi hoặc diễn là điểm cuối của các chuỗi ngày luyện tập xây dựng các thói quen. Thói quen tốt phải được xây dựng hàng ngày. Mong bạn xây dựng được tai nghe chuyên nghiệp và khám phá được thế giới âm thanh lung linh của môn ngành này.
Văn hóa nghe
Tôi đã đề cập việc làm sao có được môi trường âm thanh tốt để bạn có thể luyện tập được một cách chuyên nghiệp, có thể lắng nghe được hiệu quả âm thanh mình muốn đạt được trên cây đàn. Giờ xin chia sẻ về vấn đề “nghe” trong quá trình học một tác phẩm mới.
Đối với tôi, một tác phẩm âm nhạc giống như một cuốn sách viết bằng âm thanh. Nhà soạn nhạc cũng như nhà văn, mỗi vị đều có phong cách viết và thế giới ngôn từ rất riêng của mình. Khi tìm hiểu tác phẩm âm nhạc, việc đầu tiên mình phải cố gắng tìm hiểu nắm bắt thế giới âm thanh của tác giả. Các vị sử dụng các “gia vị” giai điệu, hòa thanh, tiết tấu, kỹ thuật phức điệu như thế nào để truyền tải các thông điệp âm nhạc? Tôi đặc biệt không nghe các bài nhạc mình phải chơi cho đến khi mình đã nắm chắc bài, nhưng tôi luôn nghe trước các tác phẩm viết cho hát (vocal), tứ tấu dây và giao hưởng để mong hiểu rõ hơn thế giới âm thanh rất riêng của từng vị. Ngoại trừ Chopin, Liszt là những nhạc sĩ yêu cây đàn piano với tình yêu rất đặc biệt, phần lớn các nhạc sĩ khác khai thác piano như một công cụ âm thanh để truyền tải các ý tưởng âm nhạc của họ. Do đó muốn chơi tốt sonata của Mozart thì phải nghe được thế giới âm thanh giàu có trong các giao hưởng, opera của ông, muốn nắm bắt được thế giới âm thanh huyền ảo luôn biến động của Schubert thì phải nghe được những vibrato khẽ nhất trong các tác phẩm lieder, v.v.
Đặc biệt, bạn nên tham khảo nhạc dân gian vùng miền của các tác giả. Họ đều lớn lên với các khúc hát ru mượt mà, nhịp điệu rộn ràng của vũ điệu dân gian. Khi nghe chuông nhà thờ orthodox, bạn sẽ thấu hiểu hơn âm nhạc của Rachmaninov và Arvo Part. Tuần vừa rồi tôi dạy rất nhiều Rachmaninov, tôi nói học trò tìm nghe trên youtube các video chuông nhà thờ Nga và nghe tác phẩm The Bells của ông. Sau đó bạn tạo được những hiệu ứng âm thanh rất tuyệt làm cả cô trò vui mừng hoan hỉ.
Bạn nhớ tuyệt đối tránh tập đàn chỉ bằng ngón tay (khi tập mà bạn vẫn nghĩ được về bữa tối chẳng hạn). Cố gắng làm sao khi bạn chạm tay vào phím đàn cũng là lúc bạn mở khóa cho những làn sóng âm thanh chạm vào trí tưởng tượng, lòng ham hiểu biết và trái tim mình.
Tin nhau
Cây đàn piano quả là một nhạc cụ cồng kềnh so với các nhạc cụ khác. Bạn không thể ôm nó sát vào người để cảm nhận được nhịp đập âm thanh của nó, cũng như không thể trực tiếp dùng hơi thở của mình để nắn nót sắc thái cho từng câu nhạc. Giữa bạn và thế giới âm thanh cần được tạo ra là một khối rock solid khoảng 300 kg gỗ, kim loại, dây thép và cơ man ốc vít. Chưa kể lúc thi hoặc diễn thì mỗi nơi một nhạc cụ khác nhau, lạ hoắc đầy bí ẩn. Tuy vậy nó có một điểm mạnh các nhạc cụ khác khó có thể có được là it can catch you if you fall cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khi chơi đàn, bạn dùng năng lượng của mình để tạo ra âm thanh. Nếu như các năng lượng này không được truyền tải trực tiếp qua cánh tay thả lỏng với khung bàn tay và ngón tay chắc làm điểm chuyển tiếp thì các âm lượng sẽ bị hạn chế và nguy cơ tiềm ẩn chấn thương cao. Bạn sẽ thả lỏng được tốt hơn khi bạn tin rằng 88 phím đàn thực sự nâng đỡ được bạn. It can carry your weight. It can. Feel safe to fall. Một cách khác tôi hay dùng để tập thả lỏng cho các học sinh là bạn liên hệ thả tay xuống phím đàn như thả mình xuống nước: càng cố nắm bắt càng không được. Be water. Don’t fight, be its friend.
Ngoài việc tạo được niềm tin piano là bạn, bạn hãy là bạn tốt của chính mình. Tất cả chúng ta sinh ra với các năng lượng và khả năng khác nhau. Bạn hãy tin vào năng lượng riêng của mình. Đừng làm bản sao của người khác. Con đường nghệ thuật luôn khó khăn, mệt thì nghỉ ngơi, ngã thì tự vịn tay mình đứng lên. Cứ thả lỏng mà đi nhé!
Thư thứ ba: Tự học
Nhân đợt cách ly vì đại dịch corona, tôi xin chia sẻ chuyện tự học với bạn nhé.
Tôi là người có tình yêu âm nhạc lớn hơn với tài năng âm nhạc của mình nên luôn chăm chăm tìm kiểm học hỏi để bù đắp khiếm khuyết.
Lúc tốt nghiệp trên đại học bên Anh, chương trình của tôi có Brahms concerto số 1, full recital 75” với Brahms sonata số 3, tác phẩm của Haydn, Shostakovitch và Schedrin. Tôi đậu thủ khoa, làm chủ đuợc chương trình phức tạp nhưng trong lòng vẫn thấy chưa ổn vì tôi biết kiến thức của mình chưa đủ sâu.
Sau khi tốt nghiệp là thời gian dài khó khăn để lập nghiệp. Tôi không tin vào các cuộc thi tranh tài là con đường dành cho mình vì tôi luôn khát khao nhìn được những điều đẹp đẽ khác nằm ngoài những dòng chảy lớn mà tôi đã biết. Tuy nhiên muốn nghĩ được outside the box thì phải biết what in the box.
Khi đi học phần lớn thời gian phải chia sẻ cho nhiều tác phẩm của các thời kỳ khác nhau nên kiến thức tổng hợp tạm được nhưng không sâu. Hiểu được tầm quan trọng của phức điệu và cấu trúc tác phẩm trong âm nhạc Cổ điển phương Tây tôi lên kế hoạch học trong một năm 6 prelude & fugue của Bach, 6 prelude & fugue của Shostakovitch, 6 sonata của Beethoven. Năm tiếp theo tôi muốn hiểu được cấu trúc âm thanh của piano và dàn nhạc nên đã miệt mài học 6 concerto (2 của Mozart, 2 của Beethoven, Brahms số 2, Rachmaninov số 3) .
Khi học một số lượng lớn các tác phẩm với một thể loại như vậy, khả năng tách bè, tầm nhìn về cấu trúc hòa thanh và kiến trúc tác phẩm của tôi thực sự tiến bộ. Khi có cơ hội thu CD và biểu diễn, tôi thấy đủ tự tin để nắm bắt.
Bạn nhớ nhé, đừng quá lo khi chưa thấy cơ hội đâu. Nên lo làm sao có đủ khả năng làm chủ được cơ hội khi nó tới.
Tập đúng cách để tránh chấn thương
Tập đàn thế nào để tránh chấn thương? Tôi chỉ tập trung vào loại chấn thương thường gặp mà bản thân tôi đã trải qua, khắc phục được và không tái phát.
Loại chấn thương này là do tập quá sức và sai tư thế khi tập octave hoặc các hợp âm lớn, nhanh và mạnh trong một thời gian dài. Lúc 16 tuổi, tôi học tác phẩm Carnaval của Schumann, trong đó có một Variation rất khó toàn octave, nhanh, forte. Trước đó tôi chưa chơi một tác phẩm nào nhiều octave nên chưa biết cách để tay đúng thế, do vậy bàn tay luôn căng cứng, cổ tay gồng lên, năng lượng thay vì chuyển qua cánh tay thả lỏng để xuống phím đàn thì bị tắc ở cổ tay (một số bạn sẽ bị tắc ở vai, cổ tùy theo tư thế ngồi). Càng chơi không được càng cố để chơi cho được. Sau một thời gian tập sai tư thế như vậy, cổ tay tôi bị chấn thương, sáng ngủ dậy cứng ngắc, ngâm nước nóng thì chỉ cử động được chút. Tôi phải dừng đàn hơn nửa năm. Bác sĩ khuyên uống thêm vitamin, dầu cá và đeo băng gia chấn cho cổ tay loại các động viên tennis thường dùng – cơ thể tốt có thể hồi phục, nhưng dễ tái phát. Tôi sợ xanh mặt.
Rất may, vì tôi dừng sớm, quyết không sờ vào đàn, giữ tinh thần vui vẻ và còn trẻ nên cơ thể tự hồi phục. Sau đó khi tập đàn lại tôi luôn giữ quy tắc sau:
1. Luôn kiểm soát tư thế ngồi để cả cánh tay có thể thả lỏng hoàn toàn trên điểm dựa là ngón tay. Tư thế tốt nhất cho tôi là cánh tay (forearm), cổ tay và bàn tay trên một đường thẳng.
2. Tuyệt đối các đoạn khó phải tăng tốc độ và cường độ sắc thái từ từ.
3. Không tập quá 45 phút mà không nghỉ giải lao.
4. Luôn tập theo hơi âm nhạc (phrasing) – vì tự thân phrasing đã có các nhấn nhá đầu câu, giữa câu, kết câu, lấy hơi – để tay và cơ thể có thể nghỉ theo một cách tự nhiên.
Sau này tôi không bị chấn thương lại nữa kể cả lúc làm việc căng thẳng như học nguyên cả concerto để diễn trong vòng hai tuần, hoặc một năm tập và thu 3 CD, thu liên tục 8-10 tiếng một ngày trong phòng thu (take nào cũng phải cố gắng là take tốt nhất, mà bài nào cūng khó).
Bạn nhớ nhé: chơi đàn piano should feel comfortable! Phần thời gian tập đàn là lớn nhất, get it right! Good luck and enjoy!
Tập gam
Nói đến tập gam thì phần lớn tất cả mọi người nghĩ ngay đó là chuyện nhàm chán vì chả có giai điệu, thiếu âm nhạc. Với tôi lúc còn đi học đó là chuyện rất thú vị. Lúc còn học trung cấp ở Nga, tháng nào cũng có kiểm tra kỹ thuật gồm etude và các loại gam: đơn, kép, rải thường, rải theo hòa thanh. Mục đích của tập gam theo tôi là để hiểu rõ cây đàn piano tường tận. Hiểu hết các key signature từ âm vực trầm đến cao.
Điều hay gặp nhất là sinh viên coi đây là chuyện luyện ngón trong khi tôi nghĩ đây là chuyện luyện tai. Ba tôi dạy violon nên từ bé tôi làm quen với chuyện tập gam trên violon là luyện intonation. Do vậy tôi đem theo tư duy này sang tập piano. Piano có các âm chuẩn (đàn phô không tính) thì nghe gì? Nghe để hiểu sự tương tác của cơ thể và cây đàn: khi thay đổi tốc độ và cường độ từ cơ thể, cây piano sẽ tạo ra âm thanh tương ứng thế nào, âm vực trầm sẽ khác âm vực trung và âm vực cao thế nào với những thay đổi ấy? Bạn cứ thử đàn gam legato hoặc staccato hoặc non legato với sắc thái thay đổi: crescendo to top, diminuendo to bottom và ngược lại hoặc < > hay > <, chậm tới nhanh, to nhất, nhỏ nhất. Cả một thế giới âm thanh thay đổi linh hoạt nằm ở đó. Những hiểu biết về âm thanh và tương tác giữa cơ thể và cây đàn sẽ là một kỹ năng thiết thực cho việc xử lý tác phẩm. Cho tới giờ khi tôi làm quen với cây đàn mới ở các chỗ diễn hoặc học các bài khó trên phím đen là tôi chơi gam với tốc độ sắc thái và articulation khác nhau để bổ trợ. Chơi Chopin etude số 4 mà biết tường tận c# minor rất lợi hại đấy.
Bạn nhớ nhé: ngồi vào đàn chơi bất kỳ cái gì cũng phải lắng nghe và phải hiểu thấu đáo giá trị của công việc mình làm để đầu tư quỹ thời gian của mình có lãi!
Khi vỡ bài và tập đàn cần chú ý gì
Ở trên đã đề cập sơ việc tìm hiểu tác giả – tác phẩm, sau đây tôi muốn nói về việc bắt đầu tập tác phẩm mới như thế nào.
Kinh nghiệm của tôi là không thể hiểu các chi tiết rõ nét khi chưa thấy được khung (cấu trúc – form) của bài. Phần lớn khi đi học, tôi bị thầy sửa nhiều nhất chuyện xử lý bài vụn vặt không dài hơi nhất quán.
Bước đầu tiên tôi làm luôn là tìm hiểu cấu trúc của bài với sách nhạc trước. Khi bạn đọc nốt không có piano, bạn sẽ ít bị phân tâm hơn bởi âm thanh thật và việc tìm ngón tay thích hợp. Bạn phải hiểu rõ các chi tiết cấu trúc tác phẩm cơ bản: motif là gì, cấu trúc của một câu nhạc (a phrase), cấu trúc hòa thanh, cấu trúc nhịp điệu (tính chất của nốt ngắn nốt dài, nhịp đơn, kép, đảo…; tính chất của loại nhịp: 3/4 khác gì 3/8, 4/2 khác gì 4/4), cấu trúc của fugue, cấu trúc của hình thức hai đoạn AB, ba đoạn ABA, cấu trúc tổ khúc, cấu trúc sonata. Bạn sẽ quen dần với việc đọc tác phẩm khi không có đàn, và cũng đừng lo phân tích thế này khô khan. Nhạc cố điến cần một sự kết hợp nhuần nhuyễn các sức mạnh của intellect, emotion, imagination và spiritual strength. Tôi đã từng bật khóc vì vẻ đẹp cấu trúc fugue của Bach khi phân tích trên nốt nhạc – cảm xúc này sau đó được nhân lên khi tôi làm việc trên cây đàn. Kỹ năng này rất quan trọng, bạn luyện tập hàng ngày sẽ có được.
Sau khi hiểu kiến trúc tôi bắt đầu làm việc trên đàn theo kiến trúc tác phẩm: chia bài ra từng phần (nếu là AB, thì tập kỹ A xong mới tới B). Trong A tập kỹ chủ đề chính chủ đề phụ, tập cho ra tính chất cúa từng chủ đề thường được thể hiện qua tiết tấu và hòa thanh và sắc thái. Lỗi thường gặp của học sinh là chỉ cảm nhận được phần giai điệu do vậy xử lý vụn vặt thiếu sự kết nối. Bạn chắc đã có nghe chuyện Chopin đàn rubato giữ nhịp rất chắc tay trái hoặc nghe Rachmaninov đàn (thank you youtube!) rất rõ ràng không lả lướt. Vì sao? Phối hòa thanh cho giai điệu là kỹ năng đơn giản. Phần lớn các tác phẩm mình học vượt qua phạm vi này rất nhiều rồi. Hòa thanh và tiết tấu là bệ đỡ của tác phẩm cho giai điệu và sắc thái tỏa hương. Cấu trúc hòa thanh xuyên suốt tác phẩm đối với tôi như là xương sống của bản nhạc vậy.
Để đạt được thế bạn phải tập riêng cấu trúc hòa thanh cho tới khi đàn cùng giai điệu thấy tay trái là bệ đỡ và có khi là kim chỉ nam cho giai điệu chứ không phải ăn theo (passive). Bạn nhớ nhé: khi tập phải chia vùng nhỏ theo câu và kiến trúc bài và tập cho tới khi nắm chắc hòa thanh, tiết tấu, giai điệu, sắc thái. Sau đó ghép các phần với nhau để lên toàn bộ khung bài. Thời điếm này không nên tập nhanh và quá to. The key is to understand and listen.
Tiếp theo là bước tôi thích nhất: tập với tốc độ nào để tìm ra các mối liên quan của các ý tưởng âm nhạc và có thể nhấn mạnh sự tương phản cho các chi tiết.
Một trong những concert tôi sẽ không thể quên được là do nhạc trưởng người Ý Claudio Abbado chỉ huy cùng dàn nhạc Lucern Festival. Ông và dàn nhạc trình diễn bản giao hưởng số 5 dài hơn 70 phút của Bruckner. Từ những âm thanh mở đầu cho đến khi tác phẩm khép lại, tất cả khán phòng như bị thôi miên vì một thế giới âm thanh sống động đầy màu sắc và biểu cảm. Tôi phải nhắm mắt lại để uống các giọt âm thanh qua tai vì không muốn để mất một nuance nào. Bạn tôi về sau cũng chia sẻ cảm xúc giống tôi: chúng tôi như được chỉ huy cùng dàn nhạc cầm tay đi vào một thế giới âm thanh nổi bật với các ý tưởng chi tiết tương phản, chúng tôi cảm giác có thể dùng tay mình chạm vào được các nốt nhạc dài ngắn, các tiết tấu từ thong thả đến gấp gáp, từ bè trầm da diết của cello cho tới những âm thanh trong vắt của flute. Hơn 70 phút trôi qua trong nháy mắt, chúng tôi lặng đi sau nốt nhạc cuối như để có chút thời gian quay lại với thực tại và rồi cả khán phòng òa vỡ trong các tràng pháo tay.
Paradox (tôi chịu không dịch sát nghĩa được từ này) trong âm nhạc là sự kết nối chỉ cho ta thấy sự tương phản: hơi âm nhạc của câu nhạc cho ta thấy sự tương phản của từng nốt nhạc và hợp âm trong câu, sự kết nối của các đoạn nhạc, chương nhạc cho ta thấy các tính chất khác nhau của các phần tương ứng. Ví như các trạng thái âm thanh biểu cảm phải được chung sống với nhau để cho nhau các giá trị: không có sự yên lặng sẽ không hiểu được âm thanh, không tuyệt vọng vô bờ sẽ không thấu hiểu được màu xanh ngát của hy vọng, không gồng gánh khổ đau sẽ không hiểu được sự nhẹ tênh của bình an và rất nhiều sắc thái khác giữa các điểm đậu ấy.
Từng tác phẩm đối với tôi là một galaxy với các nốt như các ngôi sao với các năng lượng khác nhau được kết nối bằng lực hút (trọng lực? – gravity). Khi bạn thay đổi tốc độ lúc tập là bạn thay đổi khoảng cách giữa các nốt: chậm thì kéo giãn ra khoảng cách, nhanh thì thu sát lại. Lỗi thường gặp nhất là đánh chậm thì rời rạc, đánh nhanh thì không rõ nốt hoặc bị dính, đặc biệt nhanh thì đều đều ít biểu cảm. Lý do là do không nhìn rõ được mối liên quan của các nốt nhạc và ý nhạc. Muốn khắc phục phải tìm được sự kết nối liên quan giữa các nốt trong câu, các bè, các phân đoạn để từng nốt từng bè từng chương có màu sắc riêng. Với các phân đoạn nhanh tôi thường tập chậm một chút, rất biểu cảm để hiểu được sự kết nối nói trên và làm rõ nét các tính chất tương phản. Với các khúc chậm tôi tập nhanh lên một chút cũng để hiểu được sự tương tác xuyên suốt trước khi tập đúng tốc độ. Khi bạn đàn mất nốt trong lúc chạy các nốt kép, về cơ học mà nói đó là vì không truyền đủ trọng lượng (weight) xuống phím đàn. Nguyên do là vì mất cân bằng hoặc do ngón tay (fingering) chưa optimal – nhưng phần lớn giải pháp nằm trong sự liên kết âm nhạc. Khi bạn hiểu được sự liên kết mật thiết giữa các nốt trong một câu nhạc, bạn sẽ không chạy nốt chỉ bằng tốc độ ngón tay mà chạy bằng tư duy âm nhạc do đó sẽ hạn chế hơn việc mất nốt.
Tầm quan trọng cúa việc luyện tập nhịp điệu
Tôi lúc còn đi học rất thích đi nghe dàn nhạc của trường tập, không chỉ vì được khám phá các tác phẩm cho khí nhạc mà còn để hiểu được cách thức làm việc của một tập thể, rất khác với dân piano chúng tôi luyện tập hàng ngày một mình một cõi.
Điều lớn nhất mà tôi học được là hiểu được tầm quan trọng của hơi thở tiết tấu trong những tác phẩm phức tạp. Sự phối hợp nhịp nhàng để cho thế giới âm thanh hiện hình đòi hỏi sự đồng nhất chính xác của mấy chục con người. Để có được sự đồng nhất ấy không thể chỉ nhìn theo tay nhịp của nhạc trưởng. Từng cá nhân phải có một “máy đo nhịp” chính xác trong người để kết hợp nhuần nhuyễn với các đồng nghiệp khác. Các anh chị khoa gõ thì khỏi nói, nhưng nhạc công dây và kèn cũng làm tôi phục lăn. Tôi mà bị gọi vào thị tấu Stravinsky chắc bị đuổi về ngay lập tức.
Khả năng nhịp điệu của từng người khác nhau. Nhưng đặc biệt dân piano ít khi làm việc trong môi trường chung, nhiều tác phẩm thời lãng mạn nên sự tương tác với nhịp điệu có phần hơi “buông thả”.
Từ những kinh nghiệm quan sát ấy, mỗi khi tập đàn, tôi tự tưởng tượng các phức điệu 3, 4 bè là tam tấu, tứ tấu dây. Các bài phức tạp lớn thì như một dàn nhạc. Khi tư duy như vậy, sự chính xác cho các tiểu tiết của tiết tấu được đề cao, ngón tay phải chính xác hơn trong tiếp cận phím đàn sẽ giảm bớt việc chạm nốt và làm giàu có hơn thế giới âm thanh của mình.
Những nhịp khó là những nhịp phức tạp đảo phách và nhanh. Để có được sự nhạy cảm nhịp phách tôi thường nhờ cậy đến hai thứ: nghe và nhún nhảy theo African druming để cảm giác được rõ ràng nhịp phách từ trong cơ thể. Ngoài ra cái mà bạn có thể tham khảo là các bài luyện nhịp của nhạc cụ gõ và của jazz để mở rộng giác quan nghe (không phải chỉ đếm thôi đâu). Khi không cảm giác chắc các phách, rubato của mình sẽ bị lơ mơ thiếu biểu cảm và thiếu thú vị.
Phân câu
Piano là cây đàn vừa dùng phím (keys), bộ gõ (hammers) và dây đàn (string) để tạo ra âm thanh. Hiểu rõ được các đặc thù này sẽ khiến bạn làm chủ được hơi thở âm nhạc tốt hơn.
Khi phân câu, thường các nốt càng có độ ngân dài lớn hơn thì cần nhiều năng lượng để tạo lực đẩy so với các nốt ngắn. Cùng một lúc các nốt dài sẽ có trọng lực hút các nốt ngắn hơn về phía mình. Bạn thử nhẩm hát khúc mở đầu symphony số 40 của Mozart sẽ thấy ngay. Việc tạo năng lượng cho các nốt dài ngắn thường được dân thanh nhạc, dây và kèn hiểu rất rõ – khác với piano chỉ cần giữ ngón tay là âm thanh vẫn tiếp tục.
Trên cây đàn piano nếu không ý thức được năng lượng của nốt ngắn nốt dài sẽ sinh ra việc chơi các nốt đều đều, khiến mình chỉ sử dụng được phần phím gõ, chứ chưa phát huy hết tác dụng của dây đàn. Thường bạn chỉ ý thức được năng lượng của to nhỏ âm lượng chứ ít khi ý thức được năng lượng dài ngắn của âm thanh.
Bạn hát khúc Mozart tôi nêu trên rồi áp dụng vào đàn piano, ý thức năng lượng nốt dài nốt ngắn. Khi hiểu rõ việc này, không những việc phân câu sẽ uyển chuyển tự nhiên hơn, nó có thể giúp bạn tăng tốc cho các nốt ngắn (muốn chơi nhanh các nốt kép thì nhẹ tay hơn chơi nốt đen).
Ở Hồng Kông các em được học hòa tấu từ bé để hiểu rõ việc phân câu và hơi thở âm nhạc.
Tiếng đàn
Ở Nga, đệm cho hát là một trong các môn quan trọng. Lúc học trung cấp, một tuần chúng tôi có ba tiếng học đệm, nhiều hơn cả chuyên môn. Tất cả các tác phẩm quan trọng viết cho hát với piano và trích đoạn từ opera được các thầy dạy chu đáo. Về sau tôi rất biết ơn chuyện này: tôi học được cách phân câu, lấy hơi, nắn sắc thái từ những buổi học quý giá ấy.
Một giọng hát hay không chỉ là giọng hát mượt, cần hơn rất nhiều là giọng hát có nhiều tầng màu sắc biểu cảm. Nếu ở trường không có môn đệm bắt buộc, bạn có thế tự tập với ca sĩ hoặc nghe thêm các bản thu của các ca sĩ lớn. Chuyện này phải làm hàng tuần, càng sớm càng tốt.
Có một lần tôi đi làm việc ở Tây Ban Nha rồi tiện thể ghé thăm vùng Andalusia để mong cảm nhận được ngôn ngữ và văn hóa của một trong những dòng chảy âm nhạc tôi rất yêu. Đang từ từ đi qua một ngôi làng rất nhỏ trên đồi, tôi sững lại vì giọng hát da diết của một người đàn ông hát rong. Ông ngồi dưới một gốc cây, mắt nhắm nghiền, hát và tự đệm guitar, xung quanh chả có ai. Ông hát như cả cuộc đời ông phụ thuộc vào những nốt nhạc ấy, hát với tất cả các tế bào của mình: dịu dàng, nồng cháy, mất mát đầy vơi. Hát không cần sân khấu, khán giả. Tôi cảm nhận được trong giây phút ấy thời gian tan biến, khoảng cách ngôn ngữ văn hóa không tồn tại, chỉ có những trạng thái cảm xúc phát ra từ sâu thẳm trái tim. Mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó là một trong những kinh nghiệm quý nhất tôi có được: âm nhạc là sự kết nối.
Âm nhạc Cổ điển phương Tây và cây đàn piano không luôn dễ dàng mở cửa cho tất cả mọi người, tuy vậy đến với âm nhạc cần nhất tình yêu và lòng kiên trì. Học mãi cũng không khi nào đủ, cái hôm nay mình tưởng đúng có thể mai không còn như vậy. Các thầy tôi thường nói, chỉ cần làm được hết những điều mình biết ngày hôm nay cũng đã là thử thách lớn.
Tiếng đàn là giọng nói riêng của mình. Mong bạn xây dựng được thế giới biểu cảm phong phú của mình qua cây đàn piano.
Song bạn cũng không cần lo quá chuyện không có tiếng nói riêng. Bản chất ai cũng là những vũ trụ khác biệt nhau. Chỉ cần lắng nghe với lòng chân thành bạn mới mở được cửa cho sự kết nối, cho âm nhạc dắt tay mình đi dài đi mãi (mệt quá nghỉ tí chả sao).
Kiên trì
Lúc học ở Nga, kỹ thuật tôi tốt nhưng vì tay nhỏ và mảnh nên không hợp với các bài lớn nhiều hợp âm và octave. Do vậy chọn lựa bài bản rất hạn chế. Lúc sang Anh tôi rất biết ơn ông giáo Elton khuyến khích tôi chơi những tác phẩm nằm ngoài vòng an toàn của chính tôi.
Tôi say mê nhạc Brahms nhưng nhạc của ông viết không thuận tay cho piano và nhiều hợp âm nên lúc đầu tôi chơi op.119 cũng đã thấy vất vả. Tôi lên kế hoạch “tấn công” từ từ theo đúng trình tự: 2 books của Paganini variations, Handel variations, Sonata no.3, Concerto no.1 rồi no.2. Các phẩm này có kỹ thuật đòi hỏi tay to và đầy đặn do vậy tôi học và kiên trì tập để improve việc giãn quãng tay giữa các ngón, bổ trợ cơ ngón tay và hiểu cách truyền lực từ vai thay vì chỉ dựa vào đầu ngón tay. Bền bỉ một thời gian kỹ thuật của tôi phát triển rất nhiều sau cuộc tập kích này.
Sau đó tôi ước ao đạt được tự do hơn trong tư duy và biểu cảm. Lúc này tôi đã có hợp đồng thu đĩa dài hạn rồi nhưng vẫn thấy cần “nâng cấp” kỹ năng nên tôi tiếp tục “tấn công” 12 Transcendental Etudes của Liszt phiên bản S.137 và toàn bộ 21 Sonatas của Schubert (và unfinished sonatas, fragments).
Tôi chơi và diễn các tác phẩm này chưa hoàn hảo nhưng tôi-trước-khi và tôi-sau-khi học và chơi các tác phẩm này là tôi-chưa-tự-tin và tôi-tự-tin mình có thể làm tốt được công việc của mình.
Bạn nhớ nhé: nghề này quan trọng nhất là việc tự học và lòng kiên trì. Không thầy nào hiểu cái gì mình cần nhất hơn bản thân mình. Không một giáo trình nào có thể cho bạn đầy đủ kỹ năng khi ra đời. Tất cả là do nhận định và ý chí của mình. Tất cả tác phẩm nêu trên tôi học khi học trên đại học và khi đã ra làm việc. Tự tin nghề nghiệp đến từ khả năng thực chất mình biết mình có thế làm được và xây dựng khả năng này cần lòng kiên trì. Chúc bạn “xây nhà” thành công!
Học đi trước khi học chạy
Cứ mỗi lần bắt tay vào chuẩn bị cho một chương trình diễn mới hoặc thu một đĩa mới là tôi bắt đầu các buổi tập của tôi với Bach và Mozart. Chuyện này với tôi rất quan trọng vì các tác phẩm này giúp tôi có một góc nhìn sắc bén về tách bè phức điệu và cấu trúc tác phẩm.
Chìa khóa cho nền âm nhạc Cổ điển phương Tây nằm ở đây. Muốn mở được cánh cửa của kho tàng âm nhạc khổng lồ ấy ta phải biết các quy luật về ngữ pháp của ngôn ngữ bằng âm thanh này. Phức điệu và cấu trúc của sonata là hai thứ mình phải nắm bắt chắc chắc để hiểu được tư duy âm thanh của môn ngành.
Khi tôi làm việc với sinh viên, phần lớn các bạn thích nhạc của Lizst, Chopin, Rachmaninov và các thời kỳ lãng mạn vì dễ cảm nhận và rung động qua các giai điệu hòa thanh đẹp. Tuy vậy khiếm khuyết thường gặp là nghe rất nhiều nốt, rất busy – các ý tưởng âm nhạc bị che lấp hết. Chuyện này xảy ra do thiếu hiểu biết chính xác về đường đi phát triển của motif và hòa thanh (motivic and harmonic progression) nên không thấy được ý chính ý phụ, tự làm khó cho mình.
Các nhạc sĩ thời Lãng mạn và Hiện đại nới rộng và sáng lập các quy tắc mới của họ dựa trên nền móng tư duy của các nhạc sĩ tiền bối. Tôi rất thích câu muốn think outside the box one has to know the box.
Học nhạc có nhiều mức, ở mức học để có thế đàn các giai điệu mình yêu thích đã là đáng quý. Tuy nhiên như vậy mới chỉ là ở mức thưởng ngoạn. Tầng sâu hơn là phải tìm hiểu để chủ động xây dựng cấu trúc âm thanh từ tổng phổ cho ra được tính chất tinh thần của tác phẩm cần tư duy có hệ thống. Chơi nhiều Haydn, Mozart sẽ giúp bạn chơi nhạc Lãng mạn và Hiện đại với góc nhìn sâu sắc hơn.
Tôi mong bạn hội nhập được với các bạn đồng môn trong và ngoài nước, không phải từ vị trí tự ti của cái tôi: họ làm được mình cũng làm được. Mong bạn có được tư thế tự tin xuất phát từ lòng trân trọng kiến thức, lấy đó làm nền tảng vững chắc cho các bước đi của mình.
Bạn hãy tìm sách cần đọc Sonata Form by Charles Rosen, video cần xem Schnabel teaching by Eunice Norton nhé.
(Còn nữa)
Tác giả: Bích Trà
Theo: http://www.hoinhacsi.vn/