Trong lịch sử trải dài từ Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế, từ năm 1306 khi châu Ô, châu Rí thuộc về Đại Việt cho đến nay, nền văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế khởi phát từ tâm hồn cộng đồng giàu chất thơ đã có những đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam.
Với những điều kiện lịch sử của mình, nền văn học Huế có những nét nổi bật mà bao trùm là tính bác học và tính tiên phong.
Không phải không có lý khi xác định văn học xứ Huế khởi phát cùng lúc với thời điểm Thừa Thiên Huế về với Đại Việt năm 1306. Có thể việc với tay hơi dài như thế sẽ khó khăn hơn cho việc soát xét lại các tác phẩm viết về Thuận Hóa ngày đó, nhưng từ khi xuất hiện một vài trang viết về một vùng biên viễn xa xôi của ngày xưa ấy, cũng là lúc tiếng nói vùng đất đã bắt đầu lên tiếng.
*
Thế nhưng, vùng đất Thuận Hóa lại có nền văn học viết xuất hiện với một khởi điểm đầy chất bác học.
Nhiều ý kiến đã thống nhất rằng văn học Thừa Thiên Huế khởi đầu từ bài thơ “Hóa Châu tác” (Làm tại Châu Hóa) của Trương Hán Siêu. Tháng 9 năm 1353 (Quý Tỵ), vua Trần Dụ Tông sai tham tri chính sự Trương Hán Siêu vào trấn giữ Hóa Châu được hơn một năm, làm nên bài thơ này. Tác giả là vị quan nổi tiếng một thời và bài thơ đó đề cập đến nỗi buồn: Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm (nghĩa là: Trời nước, cỏ cây cùng trong một nỗi buồn)
Tiếp đó, Nguyễn Phi Khanh (tức Ứng Long) (1355 – 1428) trong những lênh đênh tận Ngã ba Sình ở Hóa Châu, nghe tiếng chuông mai trong trấn thành mà sáng tác bài “Hóa thành thần chung” (Chuông mai ở thành Hóa). Câu kết lại là một nỗi hoang vắng đến tận đáy hồn: Nguyệt bạch hựu giang không
Cùng với việc nhà Hồ đẩy mạnh khẩn hoang, làm đường thiên lý, chấn hưng giáo dục ở miền biên viễn Hóa Châu, kết quả là tuy vài năm ngắn ngủi (1400 – 1407), cũng đã sinh ra cho nhà Trần một lớp nho sỹ tận trung với triều đình như Đặng Tất (- 1409), Đặng Dung (? – 1414) với bài thơ “Thuật hoài” nổi tiếng, mà đến nay hậu thế vẫn luôn nhắc đến khi nhớ đến lòng yêu nước của các nhà thơ thưở đó:
“Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”
Khi vua Lê Thánh Tông chinh phạt phương nam, đẩy đường biên trấn vào đến Đá Bia (Thạch Bi Sơn) ổn định Hóa Châu, ghé cửa biển Tư Dung, đã không kìm được cảm xúc mà viết nên bài “Tư Dung hải môn lữ thứ”.
Nhắc lại những tác phẩm ban đầu của nền văn học Thừa Thiên Huế như thế, để thấy văn chương khởi thủy của vùng đất này quả là lạ, ngay từ đầu văn học viết đã có tác phẩm của các vị thiên tử, các quan trung thần, các nhà văn hóa lớn đặt nền tảng; như vậy là nền văn học có chân mạng bác học của văn hóa đế vương; có sự uyên bác của minh triết, có nỗi buồn và niềm kiêu hãnh giữa đất trời cao rộng…
Nhiều tác phẩm văn học lớn của các nhà văn hóa lớn hồi đó đã bắt đầu viết về Thuận Hóa. Thứ nhất phải kể đến “Ô châu cận lục” của Dương Văn An.Thứ hai phải kể đến “Phủ Biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn, là bộ sách có viết về Hóa Châu trải dài đến 200 năm, khen ngợi người tài, nhắc cả sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An thời ngụy Mạc.
Như vậy, vùng Thuận Hóa khoảng sau 1306 từ vài chục năm đến hai thế kỷ, đã dần hình thành vùng đất có nhiều nho sỹ xuất thân, có các sinh hoạt thi phú, đó chính là sự bồi đắp cho tính chất bác học của nền văn học viết vừa mới xuất hiện ngày một dày thêm.
Ngoài hai công trình đồ sộ nói trên, thống kê thêm một số tác phẩm văn học trong thời đó có thể dẫn ra: – Nam triều công nghiệp diễn chí, tiểu thuyết chương hồi của Nguyễn Khoa Chiêm (1659 – 1735), – Song tinh bất dạ truyện (truyện Nôm) của Nguyễn Hữu Hào,- Tư Dung vãn, Ngọa Long cương ngâm của Đào Duy Từ….
*
Năm 1789, Tây Sơn mở đầu thống nhất đất nước. Tây Sơn dùng chữ Nôm làm quốc gia văn tự. Văn học có những bước phát triển mới. Phú Xuân trở thành trung tâm văn học chữ Nôm của Việt Nam. Vua Quang Trung không những chỉ muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu, mà ông còn muốn đến văn tự cũng không mượn của Trung Quốc nữa. Ông lấy chữ Nôm làm Quốc ngữ, trong các kỳ thi các sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ Nôm.
Triều Nguyễn sau khi tổ chức Phú Xuân – Huế thành kinh đô, đã làm cho văn học nghệ thuật vùng đất này phát triển rực rỡ kể từ 1802 trở về sau. Phú Xuân thời Nguyễn là trung tâm văn học với sự tập trung nhân tài cả nước và nổi bật với sắc thái văn học hoàng tộc.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng có thể Nguyễn Du viết “Truyện Kiều tại xứ Kim Long – Huế.
Các tên tuổi làm nên văn học triều Nguyễn nếu kể ra cũng hàng trăm người. Về số lượng và chất lượng đều phát triển vượt bậc, lại thêm nghề in phát triển nên văn sách lan rộng, làm cho đời sống văn học Huế lúc bấy giờ phát triển cực thịnh, xứng đáng là văn học của chốn đế đô văn vật… Hiện còn lưu lại Châu bản triều Nguyễn là di sản văn hoá thế giới.
*
Văn học Hán Nôm còn kéo dài đến nửa đầu thế kỷ XX, sau khi khoa cử cũ bị bãi bỏ với lớp nhà nho yêu nước và cách mạng của phong trào Duy Tân xuất hiện. Cùng với dòng chảy lịch sử, nền văn học Huế có sự đóng góp của các nhà yêu nước, các nhà cách mạng lỗi lạc (Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tố Hữu).
Trên phương diện lý luận, Huế cũng là nơi đặt nền tảng cho lý luận cách mạng, với sự đóng góp của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Việc xuất hiện các phong trào cách mạng khiến cho Huế trở thành nơi khởi phát các phong trào duy tân mà văn học nghệ thuật là công cụ đắc lực. Phong trào Duy Tân, Đông Du… để lại nhiều tác phẩm cực kỳ giá trị. Nảy sinh nhiều tên tuổi mới vừa hoạt động cách mạng vừa sáng tác.
Cùng với xu thế đổi mới và hội nhập lúc đó, phong trào Thơ Mới ra đời. Huế là nơi khởi phát nhiều trào lưu sáng tác mới và có những đỉnh cao: Nơi Nguyễn Du viết Kiều, tinh hoa Thơ mới phát triển, thơ siêu thực…
Trước khi Thơ Mới mà tập trung là các tác giả ở Huế tạo lập các giá trị đỉnh cao của mình, thì các nghiên cứu gần đây cho thấy, ngày xưa Nguyễn Du viết Truyện Kiều cũng ở Huế. Đó là một hiện tượng có một không hai ở Việt Nam.
Trong phong trào Thơ Mới, văn học Việt Nam gắn với tên tuổi của các cây bút người Huế như : Phan Văn Dật, Mộng Huyền, Thu Hồng, Nguyễn Đình Thư (có tên trong Thi nhân Việt Nam) và các cây bút hàng đầu gắn bó với Huế như Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Nguyễn Bính…
Kể từ đó, nhiều trào lưu sáng tác mới đã bắt đầu từ đây. Chẳng hạn thơ siêu thực khởi đầu từ Hàn Mặc Tử, sau đó phát triển với sự xuất hiện của Võ Ngọc Trác và về sau là Ngô Kha…
*
Tiếp đó, theo dòng lịch sử Huế là nơi xuất phát của văn học đấu tranh đô thị miền Nam. Trong những năm tháng đấu tranh hào hùng chống Mỹ, phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh, giáo chức Huế là một bộ phận khăng khít của phong trào đấu tranh đô thị Huế. Phong trào này đã sản sinh ra nhiều nghệ sỹ đấu tranh bằng ngòi bút, bằng các tác phẩm nghệ thuật của mình: thơ văn của Ngô Kha, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Võ Quê…
Dòng văn học đô thị miền Nam để lại nhiều tác phẩm giá trị: “Ngụ ngôn của người đãng trí” (Ngô Kha), Thưa mẹ trái tim của Trần Quang Long, các tác phẩm của Bửu Ý, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Trần Hữu Lục, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Đông Nhật…
Trong lúc đó ở chiến khu, “Mồ anh hoa nở” của Thanh Hải, “Bài thơ của một người yêu nước mình” của Trần Vàng Sao và Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm là những đỉnh cao của văn học cách mạng miền Nam.
*
Một đặc điểm quan trọng là các nhà văn nữ ở Huế đã phá bỏ rào cản phong kiến để viết nên những trang viết giải phóng tối đa tư tưởng…
Triều Nguyễn khởi thủy cho văn học nữ có Bà Huyện Thanh Quan. Tiếp đó có bà Nguyễn Nhược Thị Bích, từng dạy hoàng tử Ưng Thị sau là vua Đồng Khánh, và hoàng tử Ưng Đăng sau là vua Kiến Phúc. Sau vụ Thất thủ kinh đô, bà làm bài thơ lục bát nhan đề Loan dư hạn thục ca (Xe loan vào đất Thục) thuật lại chuyện vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở.
Đặc biệt về sau, có Nữ sử Đạm Phương với tinh thần tiên phong rất cao. Các tác phẩm văn học và báo chí của bà luôn sẵn sàng tiếp cận hệ tư tưởng tiên tiến của thời đại. Chính tư tưởng của bà đã góp phần hun đúc nên một Hải Triều Nguyễn Khoa Văn – con trai của bà – đầy tính cách mạng.
Thời kỳ Thơ Mới, Huế có Tôn Nữ Thu Hồng (sinh 1922, mất năm 26 tuổi) để lại tập “Sóng thơ” là nữ thi sỹ Huế duy nhất có tên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân.
Thời kỳ văn học miền Nam có các nhà văn nữ gốc Huế Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng… là những câu bút nữ có những đột phát mạnh bạo.
Trong văn học chốn thiền môn xứ Huế, có tên tuổi của các nữ danh tu như Sư bà Thích nữ Diệu Không, Thích nữ Trí Hải…vượt qua khỏi hạn phận nữ tu để phát triển phương cách tu hành dấn thân tốt đời đẹp đạo.
Mới đây, tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” (Trần Thùy Mai) đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Từ Dụ thái hậu, qua 69 chương, người đọc như được sống lại trong không gian văn hóa triều Nguyễn, có thể nói đây chính là những thước phim sinh động và chi tiết, sinh động về hình ảnh của từng nhân vật lịch sử.
*
Hiện nay, trong thời kỳ đổi mới, văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế bên cạnh giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, cũng là nơi có những ủng hộ các khuynh hướng sáng tạo mới. Những nỗ lực làm mới bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đổi mới thi ca của Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Nguyên Tường, Văn Cầm Hải… là những ví dụ. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của các thế hệ cầm bút nối tiếp nhau ở Thừa Thiên Huế…
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
(*) Trích tham luận tại Hội thảo và Trưng bày ảnh nghệ thuật “Hướng về cội nguồn trong sáng tác văn học nghệ thuật” các vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay” tổ chức tại Phú Thọ (tháng 9/2022).