Ngoài việc các phụ huynh phải đánh vật kèm con học cả buổi tối vì chương trình nặng thì nội dung sách giáo khoa còn nhiều sai phạm tới mức nghiêm trọng. Xin phân tích hai trong nhiều bài có nội dung bất cập.
Trong bài Cua, cò và đàn cá ( được ghi ở dưới là Truyện dân gian Việt Nam do Ngọc Khanh kể):
“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà:
-Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.
Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá.”
Đọc xong bài này, rất dễ hiểu rằng, con cò lè kẻ lừa đảo, hứa cứu sống đàn cá nhưng lại đi ăn thịt đàn cá. Vậy hóa ra chúng ta dạy học sinh về sự lừa đảo à? Tất nhiên các nhà biên soạn sẽ biện minh rằng, bài này dạy cho học sinh tinh thần cảnh giác để tránh lừa đảo và lên án con cò là kẻo độc ác, lừa đảo. Thế thì sẽ đi từ sai lầm sang sai lầm khác, trong dân gian cũng như trong hiện thực, con cò là con vật hiền lành, chăm chỉ:” Con còn lặn lội bờ ao/ Phất phơ hai giải yếm đào gió bay” và ngay cả cụ Tú Xương nổi tiếng cũng từng ví von người vợ của mình giống như thân cò một đời lam lũ vất vả, hy sinh cho chồng cho con :” Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông…”. Con cò là người hiền lành, tử tế mà cá rô không tin thì còn tin ai? Không những thế, con cò vốn hiền lành thì bị quy chụp cho thành kẻ ác! Nhiều người lớn đọc xong câu chuyện này, hài hước bảo rằng đây là cò nhà đất, cò dự án, cò bệnh viện chứ không phải là con cò!
Ngay việc dùng từ ngữ cũng không chuẩn mực, trong dân gian không khi nào dùng từ”chén” thay cho từ ăn mà đây là từ ‘nóng” thời hiện đại như chén hết, chén đi, đớp hết, đớp đi.
Trong các bài học, muốn dạy học sinh lên án cá ác, cái xấu, người ta thường lấy các con vật vật có tính ác, tính xấu để làm nhân vật trung tâm như chó sói, cá sấu, hổ, báo hay ma, quỷ chứ không bao giờ lấy con vật hiền lành ra để tượng trưng cho cái ác.
Trong bài” Hai con ngựa” được ghi là phỏng theo Lep Ton- XToi, Hoàng Minh kể , như sau:
“ Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm ngựa tía thắc mắc:
- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?
Ngựa ô ngạc nhiên:
- Không làm thì ông chủ mắng.
- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.
Ngựa ô lẩm bẩm:” Có lý lắm”.
Cứ như nội dung, hiểu theo nghĩa tốt của người biên soạn là dạy học sinh biết phản kháng lại sự áp bức nhưng chỉ có thể hiểu theo nghĩa bóng, còn nghĩa đen trong bài thì hoàn toàn có thể hiểu là, con ngựa ô lẩm bẩm có lý nghĩa là nó đồng tình với con ngựa tía về việc bỏ trốn. Nhưng chủ mới giục làm, đã áp bức làm ngày làm đêm đâu mà con ngựa tía bảo”em sẽ trốn”, hơn nữa ở phần đầu đã nói con ngựa tía biếng nhác, thì chả nhẽ nghe theo lời dạy của kẻ lười biếng! Sinh ra làm thân con ngựa thì phải lao động giúp ông chủ, biếng nhác như con ngựa tía khéo mà bị đem đi thịt ấy chứ! Vì vậy đem bài này để dạy cho học sinh lớp 1 về sự chống lại sự bất công, áp bức theo sự dạy bảo của một kẻ lười biếng là không hợp lý, thiếu khoa học.
Còn rất nhiều điều bất cập khác trong bộ sách giáo khoa Lớp 1, đáng tiếc rằng bộ sách này được sự chỉ đạo biên soạn của một đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi như GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.
Trẻ em như búp trên cành, nhất là những học sinh Lớp 1 lần đầu tiên được cắp sách đến trường thì hãy dạy chúng những bài học trong sáng, nhân văn với những câu chữ dễ hiểu, ngắn gọn; còn những bài học về lên án cái xấu, cái ác thì ít thôi và phải chuẩn mực, khoa học chứ không nên tùy tiện, áp đặt, cẩu thả, thiếu trách nhiệm.
VŨ ĐẢM