Trong những ngày đầu của mùa thu trong trẻo, nắng như dát vàng trên mái phố, giữa Thủ đô Hà Nội thơm mùi hoa sữa và cốm làng Vòng này, tôi lại nhớ đến thi sĩ tài danh Trần Quang Quý. Là người cùng quê Tam Thanh, Phú Thọ – mảnh đất cội nguồn của dân tộc, tôi với ông có bao nhiêu là kỷ niệm.
Tôi còn nhớ như in, vào những năm đầu của thập niên 80, thế kỷ trước, lần nào về Hà Nội tôi cũng đến thăm ông và nhà văn Y Mùi (vợ ông) ở Giảng Võ.
Trong căn nhà lợp giấy dầu ở giữa Thăng Long ngàn năm văn hiến, chưa đầy chục mét vuông ấy, tôi với ông từng có với nhau bao nhiêu lần lạc rang, rượu mạnh, dù chỉ là “quốc lủi”.
Lần nào từ Việt Trì xuống, nhà văn Y Mùi cũng chu đáo lo cho hai anh em có chút gì “nhâm nhi” để hàn huyên, thơ phú. Ông hay đọc những bài thơ ông mới viết cho tôi nghe và không quên rào trước “nghe và góp ý cho mình với nhé”. Ông tin tôi và thơ tôi từ ngày đó, bởi ngày đó, trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cả ông, Nguyễn Quang Thiều, Lưu Quang Vũ, Trần Quang Đạo, Nguyễn Linh Khiếu… đều đoạt giải. Chúng tôi mừng vì cuộc thi này, nhà thơ Y Phương đoạt giải Nhất nhưng ngay cả Y Phương cũng rất nể ông, nể Nguyễn Quang Thiều, nể Trần Quang Đạo, Nguyễn Linh Khiếu và hình như có cả tôi… và đó đều là những cây bút trẻ đầy hứa hẹn của thi đàn Việt Nam.
Lan man mãi với những kỷ niệm. Bây giờ xin được nói đôi chút về thơ. Ở 3 tập thơ mới “Những sắc màu thời gian”, “Miền tỏa bóng” và “Những nẻo người” cùng xuất bản năm 2022 của thi sĩ Trần Quang Quý, tôi thấy không có gì khác những gì tôi đã tâm sự cùng ông. Hai anh em từng tâm niệm, hình thức cần đổi mới, nhưng quan trọng hơn là nội dung. Câu chữ chỉ là vỏ bọc, như tấm áo khoác. Thơ mà lỏng lẻo về cấu tứ, không nỗi niềm gì về thời thế và nhân thế, dù có cố đẩy lên mây xanh, rốt cuộc cũng chỉ là đồ trang sức nhất thời.
Tâm thế của một người cầm bút là ở sự biết xâu chuỗi những ý tưởng thành tư tưởng, lần soi lại các giá trị, nói như Trần Quang Quý là thế phận người, Văn Chinh là tiếng vọng của tâm thế thời đại.
Những can dự cảnh báo, cảnh tỉnh và thức tỉnh chính là một trong những yếu tố căn bản nhất để nhận ra, tác giả đang đứng ở đâu, ở tầm nào. Một nhà thơ nổi tiếng ắt phải có nhiều những câu thơ hay, bài thơ hay. Nói vậy không phải không có những cây bút nổi tiếng được nhờ tự đánh bóng và các nhà thơ anh, chị bơm thổi. Rất nhiều lần tôi đã hỏi ông về thơ của Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Trần Mạnh Hảo và một vài tên tuổi nổi tiếng nữa.
Vào những lúc như thế, ông thường hỏi lại tôi, Nguyễn Hưng Hải thấy thế nào?
Xin thưa, tôi thuộc Trần Đăng Khoa từ nhỏ, vì ông chỉ hơn tôi một tuổi và thơ ông ngay từ khi mới xuất hiện đã xôn xao dư luận, nổi lên như một giá trị bất biến thời gian. Ông đúng là thần đồng thơ nước Việt. Là chỗ thân tình nên Trần Đăng Khoa cũng đã nhiều lần nói với tôi: Chú ạ, Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Ông cũng rất nể trọng Trần Quang Quý. Với Trần Quang Quý, Trần Đăng Khoa không bình phẩm nhiều về thơ, mà chỉ tiếc giá như thi sĩ Trần Quang Quý biết sống chậm lại hơn là sự cố đẩy gia tốc của đời ông và thơ ông đến bây giờ, ngồi đây chúng ta cùng tiếc nuối cho một nhà thơ đa tài và đa tình.
Còn với thi sĩ Nguyễn Quang Thiều, tôi tin là rất thi sĩ khi nhìn vào mắt ông nom có vẻ tướng dữ dằn râu tóc, nhưng từ trong sâu thẳm tôi biết ông luôn khao khát liên tài và rất nhiều năm cùng công tác, ông với Trần Quang Quý, như một cặp bài trùng. Nói về thơ Trần Quang Quý ông chỉ bảo, thơ vẫn như là thời đoạt giải cao hơn cả Lưu Quang Vũ, Trần Quang Đạo, Nguyễn Linh Khiếu. Chả thế mà khi Trần Quang Quý mất rồi, ông vẫn chăm lo cho gia đình và tác phẩm của một người bạn như là người thân trong gia đình.
Riêng với thi sĩ tài hoa vào bậc nhất của thi đàn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh kể từ sau ngày 30/4/1975 thì Trần Quang Quý thật thân gần. Đôi lần Trần Quang Quý có nói với tôi, Hữu Thỉnh đúng là một quan văn tin cậy. Nói về thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có lần cho tôi biết, Quý có nhiều tìm tòi đổi mới về thi tứ và thi pháp, đặc biệt là ở sự cách tân hình thức.
Thú thực là tôi thích những câu thơ không vần, đằm thắm và sâu lắng, thăm thẳm như “Mắt thẳm” của ông hơn thơ “Namkau” của ông. Cũng như thơ xuất bản lúc sinh thời, 3 tập thơ mới xuất bản năm 2022 của ông có bàn tay chăm chút rất kỹ lưỡng của nhà văn Y Mùi và của cả Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Kỹ đến mức mà tôi chỉ còn biết đọc lại ông và suy ngẫm. Và tôi thấy đây như là Trần Quang Quý điềm ra về phận mình bởi ông bị ám ảnh, lúc nào cũng như là con cá trên chiếc thớt vậy. Đúng là thơ đã vận vào đời ông.
Tên của cả 3 tập thơ này, gửi gắm chung một thông điệp về triết lý nhân sinh. Nhưng đọc thơ mà thấy như triết học thì rất dễ phải nghỉ giải lao vì mệt. May là Trần Quang Quý tránh được điều này, bởi ông luôn dạt dào cảm xúc và đầy trăn trở về kiếp người, phận người, về thời thế và nhân.
Xin được đơn cử một vài câu thơ như bật khỏi bài thơ để đứng riêng như là một thành ngữ của Trần Quang Quý để chúng ta cùng thưởng thức và chiêm nghiệm.
Ở “Những sắc màu đa thức” tôi gặp đa chiều thân phận và thế phận người. Dù không thuộc “gu” “Namkau”, nhưng “Namkau” đúng là nàng thơ đỏng đảnh và khó tính. Thế mà nhà thơ Trần Quang Quý chiều được và đến được. Ví dụ bài này “Em như ngôi sao lóe sáng ngang trời rồi lặng tắt/ Tôi sục bóng đêm/ Mơ im lặng/ Mặt đêm dài chảy thượt/ Chạm đỉnh mai tay bỏng mặt trời…” Và đây nữa “Con mắt em đi du lịch Hội An/ Chạy nhảy vui cười với trời xanh biển cả/ Anh thơ thẩn vườn quê yên ả/ Những cái nhân đan nhau tầng tầng trong bầu trời thị giác/ Thương bao mắt chỉ nhìn câm bóng”.
Có vẻ như hơi khó hiểu nhưng không đến nỗi không hiểu được, khi Trần Quang Quý chủ động tìm từ, chơi chữ. Và tôi coi đây như một dấn thân, thử nghiệm đầy thú vị của ông.
Còn trong “Những nẻo người” thì lại là muôn nẻo của những va đập về thời thế và nhân thế, cùng với rất nhiều kỷ niệm buồn và đẹp ở những nơi ông từng qua, từng ngủ lại. Gặp lại sự đằm thắm đầu đời nhưng không còn run rẩy đầu đời nữa “Em ngọc ẩn trong đá hồn ẩn trong hương/ Noọng ơi… anh gọi khản núi, lộn rừng ra mà tìm”.
Lộn ra là một xác quyết, còn tìm gì trong đó là ý thức, là thái độ của người cầm bút. Nhưng sau cùng dù có tìm thấy hay không, vẫn phải lộn lại. Lộn lại mới thấy mình, mới có thêm những gì vừa lộn ra để tìm. Sự tiếp thêm năng lượng này của Trần Quang Quý là cần thiết cho bất cứ tác giả nào muốn đi hết con tàu thơ không có ga dừng. Lại nhớ “Bốn mét vuông nhà bạn”, tôi viết tặng ông từ những ngày còn chưa cơm áo gì. “Bốn mét vuông đột ngột những chiều/ Cơn sốt rét với cái nhìn sâu thẳm/ Cơn sốt rét với cái nghèo dai dẳng/ Bạn tôi ngồi khâu lại tháng ngày qua”.
Quả là đời Trần Quang Quý có nhiều “khâu lại thật vì thế mà thơ ông hay lộn trái, ông hay viết về mắt, về môi, về mặt, về lưỡi”. Mùi vị từ thơ ông cho chúng ta biết thêm vị đời, vị của những sự lạ “Làn môi kia đợi một phương nào/ Gợi cả những dòng sông ngậy sóng/ Đôi mắt kia bầu trời nào khuya ảo/ Buộc bao người mộng mị trăng em”.
Mộng mị và rất ảo cũng là thế mạnh của Trần Quang Quý khi yêu và viết thơ yêu. Với ai thì không biết, với tôi ngay cả khi Trần Quang Quý ảo nhất, tôi cũng biết rất thật về đời ông và thơ ông. Thật đến nỗi, dù có không ghi tên tác giả trên bài thơ, tôi cũng biết ngay đó là của Trần Quang Quý, chỉ Trần Quang Quý mới viết thế. Đó là thành công, là căn cước cho thơ ông, trước cuộc đời muôn vẻ, muôn giọng điệu.
Giọng thơ ông dù có lúc riết róng nhưng đầy ma lực sức hút. Ông nghiêng bút chủ âm về sự đa phức trong ngôn từ. Việc thay đổi hình thức để chở tải nội dung tư tưởng không có gì là mới.
Mới là ở sự biết làm lạ đi những cái đã quen, làm mới lại những điều đã cũ. Ở khía cạnh phổ quát này Trần Quang Quý đã trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của thế hệ nhà thơ trưởng thành sau năm 1975. Đây là một xác tín “Tôi muốn thay sợi lụi tàn trên tóc/ Thời gian chỉ thỏa thuận cho làm ra thuốc nhuộm/ Cho dao kéo tung hoành những mặt giả mỹ nhân/ Cách gì đây làm mờ vết rạn đuôi mắt em”.
Đọc. Ngẫm. Và thấy thẩm mỹ viện trong thơ Trần Quang Quý. Con người nom có vẻ lực điền, xem ra lại rất thư sinh trong “Miền tỏa bóng”.
Đừng đổ bóng mình lên bóng ai, cũng đừng để bóng ai làm khuất bóng, là một chủ định trong nhiều chủ định của Trần Quang Quý trong việc đan cài những ý tưởng thành tư tưởng, trong ý thức tự đập vỡ mình ra.
Kinh không có chữ mới là chân kinh. Trong câu này còn có câu khác, mới thật thi tài, mới cần cho dòng chủ lưu của văn học đương đại: “Rót một cốc mây trắng vào non Tản/ Nếp cái hoa vàng chếnh choáng dòng sông/ Nảy lộc từng con sóng”. Không phải là người con của núi Tản sông Đà không dễ có những câu thơ như thế. Đấy cũng là trách nhiệm công dân của người cầm bút. Thơ không bao giờ thoát ly ra khỏi thời đại, thoát ly ra khỏi thời thế.
Thời thế tạo anh hùng. Thơ can dự vào thời thế và nhân thể xác lập nên tâm thế của nhà thơ. Với một tâm thế thời đại cùng với những day trở về thế phận người, Trần Quang Quý đã “đóng đinh” tuổi tên mình vào thơ Việt.
Nết đất, nết người trung du Phú Thọ cho ông những câu thơ, bài thơ thấm đẫm nỗi đời, nỗi người, mang đầy dấu ấn văn hóa cội nguồn. Đọc ông thấy hồn quê, hồn làng, hồn dân tộc.
Những gì mà ông chưa kịp làm trước khi về miền mây trắng, có chăng là với vợ con ông, gia đình ông.
Như bao nhiêu người cầm bút, ngoài văn chương ra như chẳng biết việc gì, Trần Quang Quý khôn ngoan đến lọc lõi mà vẫn rất lơ ngơ giữa đời thường.
Trên con đường thơ rích rắc của ông, dù có đi thẳng hay đi vòng, thì ông cũng luôn rõ một cái đích, ấy là sự đích thực về thơ, của thơ.
Tôi luôn kính trọng và nể phục ông, nhưng không đến nỗi quá khiêm nhường khi ông bảo, còn thơ Trần Quang Quý thì sao? Còn sao nữa, đã hai lần đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn, giải thưởng Nhà nước còn gì. Thì vẫn còn cả đấy ngổn ngang câu chữ và ngổn ngang cả tấm lòng là bạn.
NGUYỄN HƯNG HẢI