Mùa đông dầm dề với người chiến sỹ trên tuyến đầu biên giới. Những đợt gió mùa Đông Bắc cứ xối xả tràn qua, mang cái lạnh run người, càng lạnh hơn cùng với hơi phả ra từ núi đá. Trong tiếng súng râm ran và tiếng pháo gầm không ngớt khắp mặt trận, ở những khe núi loáng thoáng có những cây đào, bất chấp sự khắc nghiệt của chiến trường, vẫn rủ nhau bung những cánh hoa màu đỏ.
Trung đội trưởng Chử Trắc Đam được lệnh đưa một tiểu đội tăng cường lên bổ sung cho chốt tiền tiêu chặn giặc tại cao điểm 809. Đấy là một trận địa chốt cùng với hai trận địa chốt độc lập khác nằm sâu trong biên giới nước ta sẵn sàng hỗ trợ cho nhau chặn địch.
809 là một trái núi đá đã bị đạn pháo địch lấy làm mục tiêu, thi nhau bắn phá suốt nửa tháng trời trong những ngày giáp Tết năm thứ năm của cuộc chiến. Phía chính diện của nó đã trơ trụi. Không một búi cây, bụi cỏ nào có thể tồn tại được trước sức công phá khủng khiếp của hàng ngàn quả đạn pháo mà quân xâm lược ở bên kia biên giới ngày ngày bắn sang. Trong cuộc chiến đấu ấy, cao điểm 809 là mục tiêu mà ta dứt khoát phải bảo vệ. Nếu để địch chiếm được vị trí yết hầu này chúng sẽ lấy đó làm đài quan sát, khống chế cả một vùng núi non hiểm trở, trong đó có Thị trấn Bình Giang phía dưới, đồng thời xác định mục tiêu cho pháo binh của chúng dội lửa vào các vị trí xung yếu, đẩy hai trận địa chốt khác của ta vào vị trí bất lợi.
Xét về tương quan. Ta hơn địch vì đang chốt ở đây. Đã đóng quân ở trên cao, có hang đá để bộ đội lấy làm nơi trú ẩn, lại có nhiều mỏm đá che khuất, khiến các loạt đạn pháo của địch thường bị trượt về thung lũng phía sau. Hiềm một nỗi lực lượng của ta mỏng. Việc tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực, nước uống khó khăn, bởi chỉ có một lối mòn độc nhất đi lên, lại phơi mình trước mắt địch, nên luôn bị chúng kiểm soát. Còn địch hơn ta vì chúng đang có thế mạnh về những thứ mà ta thiếu. Nhưng các điểm chốt của chúng lại nằm trên quả đồi đất đối diện có cao độ 740 thấp hơn, khiến các trận địa cứ lồ lộ ra trước mắt chiến sỹ ta, chẳng có cách nào che đậy được. Mỗi lần pháo ta dội lửa là một lần địch thất điên, bát đảo. Chúng càng háo hức hơn, muốn chiếm cho được cao điểm 809 của ta.
Đã hai ngày nay, tiểu đội chốt của Đam không có một miếng cơm, một giọt nước uống. Cứ anh nuôi nào mang cơm nước lên là bị địch bắn chết người ấy. Ban ngày đã vậy, ngay cả khi đêm tối cũng không thoát khỏi những phát đạn bắn tỉa từ những khẩu súng có gắn kính ngắm hồng ngoại của quân thù.
Đói đã khổ, nhưng khát còn sợ hơn. Mọi người lả đi, rũ xuống, mắt lờ đờ, chân tay như bị trói, cứ như đã mệt lại phải vác nặng, lê đi dưới trời nắng gắt vậy. Hơi thở khò khè, cổ họng tưởng bị bầm dập, khô ráp. Đã thế còn phải hứng chịu những đợt pháo kích như dốc ống và những đợt phản công điên cuồng của địch. May thay, nhờ địa hình hiểm trở nên tác dụng của pháo binh địch không cao. Mỗi lần bọn chúng dội lửa là các chiến sỹ ta lợi dụng hang đá, các mỏm đá nhô ra và giao thông hào tránh đạn, nên cũng đỡ bị thương vong. Nhờ quyết tâm cao và ý chí không ngại gian khổ hy sinh, tiểu đội của Đam vẫn kiên cường trụ vững trên cao điểm, làm thành bức bình phong cho các chốt tiền tiêu khác. Tuy vậy vấn đề nước uống và cơm ăn đang khiến tình hình mỗi lúc một thêm nguy nan, khiến cho anh em không ai cam đoan có thể giữ được cao điểm đến lúc nào.
Giữa lúc tình huống ngàn cân treo sợi tóc đó thì lẫn trong tiếng súng có tiếng như ai gọi từ mỏm đá phía sau chốt vọng lại. Đam quay lại tìm. Một người đàn ông đầu tóc rối bù, bộ quân phục rách tả tơi, chân tay, mặt mũi bê bết máu, bò nhích từng tý một, nói không ra tiếng:
– Các… đồng… chí bộ… đội…
Chưa nói hết câu anh ta đã gục xuống. Tiểu đội trưởng Trần Văn Hoàn vội xốc anh ta định bế vào hang đá thì anh ta cố lấy hết sức thều thào:
– Kéo cái… dây… tôi quấn… ở mom… đá đằng… kia…lấy cơm… và… nước…
Đam vội chạy lại sau chốt. Đúng là có một sợi dây dù xanh quấn quanh mỏm đá tai mèo. Anh gọi anh em lại, gỡ ra rồi kéo lên. Sợi dây căng ra dưới sức nặng. Cuối cùng mọi người cũng kéo được một chùm năm bi đông nước.
Cả tiểu đội mắt bừng sáng. Họ chuyền tay nhau, uống từng hớp mát rượi. Nước vào đến đâu biết đến đó. Nó như dòng nước Thánh cứu rỗi. Ai cũng như được hồi sinh. Hoàn cố chịu đựng cơn khát, lấy một bi đông, ghé vào miệng người lạ mặt ân nhân, rót từng tý cho anh ta uống. Đam rót nước thấm ra miếng gạc cứu thương, lau qua mặt mũi cho anh. Nước mát khiến anh tỉnh lại. Không ai nỡ hỏi gì vội. Lát sau tỉnh hẳn, anh lắp bắp:
– Tôi là Hưng… Các anh buộc bi đông không… rồi thả dây xuống cho anh em phía dưới… để họ cột cơm nắm. Khi nào họ giật… dây thì kéo lên.
Các chiến sỹ vội làm theo lời Hưng bảo. Đúng là Trời cứu. Lưng một ba lô cơm nắm và ruốc hộp được kéo lên. Lúc này bụng ai nấy mới thấy réo ùng ục. Mọi người cầm vội vắt cơm rồi theo lệnh của Đam ra vị trí, vừa ăn vừa cảnh giới quân giặc.
Chỉ còn mình Đam ở lại. Anh vừa rửa, vừa băng bó vết thương cho Hưng, vừa tỉ tê hỏi chuyện.
Hóa ra Thào A Hưng là một chiến sỹ công an H’Mông, ở thượng huyện Bách Thanh, cùng quê với Đam. Anh mới tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân và đang thực tập ở Công an tỉnh biên giới này. Trong lúc đơn vị anh nuôi đang loay hoay, lo lắng không tìm ra cách nào chuyển lương ăn, nước uống lên chốt cho tiểu đội của Đam thì A Hưng biết chuyện. Anh đến thực địa nhìn ngắm rồi đề xuất cách leo lên sườn núi phía sau cao điểm. Tuy núi dựng đứng nhưng chỉ có hai chục mét trên cùng. Vì vậy có thể dùng móc thép buộc vào đầu dây quăng lên, ngoắc vào các mỏm đá phía trên rồi đu người trèo lên từng nấc một. Đó là cách những người H’Mông leo núi hay dùng. Hồi còn học phổ thông A Hưng đã từng theo họ đi bắt đại bàng núi bên Đà Bắc nên biết. Anh xung phong trèo lên cao điểm theo cách ấy để tránh bị địch phát hiện. Tiểu đội anh nuôi mừng quá, đưa cơm nước trung chuyển lên lưng chừng núi cho anh. A Hưng bắt đầu vận lộn với từng hốc cây, mom đá bất chấp hiểm nguy, vượt qua từng nấc một leo lên. Đứng dưới dõi theo thấy quần áo và da thịt anh rách nát, máu rỉ đỏ khắp tay chân ai cũng lo lắng. Chỉ sơ sẩy một ly là A Đam có thể ngã từ vách đá xuống bất cứ lúc nào. Cuối cùng Trời cũng thương, A Hưng đã mang được dây kéo lên đỉnh. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Từ nay con đường vận chuyển, tiếp tế lương thực, nước uống và cả vũ khí lên cao điểm 809 đã được thông suốt.
Hai ngày sau đó, đạn dược, vũ khí liên tục được bổ sung, giúp cho đơn vị của Đam có đủ sức chiến đấu. Ở trên cao điểm mặt đối mặt với cái chết, nên lấy cớ Thào A Hưng là công an, cần phải về hậu phương chuẩn bị cho công việc chuyên môn của vùng đồng bào dân tộc, Đam đề nghị Hưng xuống núi. Nghe thế A Hưng giẫy nẩy, một mực đòi ở lại chiến đấu cùng tiểu đội của Chử Trắc Đam. Anh bảo:
– Các đồng chí cho mình ở lại với. Mình đã được tập luyện, sử dụng thành thạo các loại súng rồi mà. Thằng địch gặp mình là không có đường lui nhé. Còn ném lựu đạn mình ném tốt đấy, không thua các đồng chí bộ đội đâu. Hơn nữa thanh niên H’Mông mình chọi đáo, chọi cù giỏi từ hồi còn bé cơ.
Trắc Đam bảo:
– Nhưng đây không phải nhiệm vụ của A Hưng. Có được một người H’Mông làm công an như A Hưng là quý lắm. Cấp trên muốn A Hưng về tuyến sau để làm nhiệm vụ đấy.
– Ồ, sao lạ thế? Cái núi này là biên cương của chúng ta! Ai là người Việt Nam đều có trách nhiệm bảo vệ nó, sao mình lại không được nhỉ?
Nói rồi Hưng nhất định theo ý của anh. Chẳng còn cách nào, Trung đội trưởng Chử Trắc Đam phải gọi điện báo cáo cấp trên. Cấp trên thuyết phục cũng không được, đành đồng ý cho A Hưng ở lại.
Địch như đoán biết được tình hình trên cao điểm. Ý đồ triệt hạ đường tiếp tế của ta để không cần đánh cũng thắng đã không thành. Sáng sớm ngày thứ tám, khi phía chân trời mới ửng hồng, khắp các vị trí địch đóng quân đã nhộn nhạo. Chưa được mươi phút sau, pháo binh địch bắt đầu dội lửa lên cao điểm 809. Biết chắc cách đánh của địch, Đam cho anh em lui vào hang đá. Những tiếng gầm rú vang lên không ngớt. Thông thường khi bắn vào rừng cây hoặc núi đất tiếng pháo nghe nhỏ hơn, còn khi bắn vào núi đá, tiếng của nó đanh và chát chúa. Bộ đội ngồi trong hang phải dùng ngón tay trỏ bịt vào tai để hạn chế tiếng nổ lộng óc của pháo địch. Nửa tiếng sau, tiếng pháo dứt. Lập tức tiếng kèn giục tiến quân của địch vang lên, báo hiệu chúng quyết tập trung quân phản kích cấp tập, lấy thịt đè người, hòng chiếm cho được cao điểm của ta.
Chử Trắc Đam hạ lệnh:
– Tổ 1 đồng chí Vũ phía bên trái, tổ 2 đồng chí Khải phía bên phải, tổ 3 đồng chí Hoàn phía chính giữa. B40 và B41 cơ động. Các tổ nhớ ưu tiên dùng trung liên RPD và lựu đạn, kiên quyết chặn đứng quân địch, bảo vệ chốt đến người cuối cùng.
– Rõ!
A Hưng vội hỏi:
– Còn tôi ạ!
Đam bổ sung:
– Đồng chí Hưng cơ động hỗ trợ các tổ.
– Rõ!
Mệnh lệnh vừa dứt, nhìn xuống phía dưới, quân địch đã như kiến hò nhau vượt qua những con dốc tràn lên.
Khẩu RPD của tổ 1 phát hỏa trước. Bình tĩnh và tự tin, từng loạt đạn căng, giòn của Vũ như cát nóng hất vào từng toán địch. Tiếng la hét và tiếng kêu thất thanh của chúng vang lên, lẫn trong tiếng kèn đồng của bọn chỉ huy giục giã không ngớt.
Kế tiếp, đến lượt tổ 2 cũng nổ súng. Địa hình ở đây dốc. Quân địch tấn công khó hơn, nhưng với chiến thuật biển người chúng đâu có sợ. Từng toán địch như tằm ăn rỗi cứ nhích từng tý một, tiến lên. Tiếng AK của các chiến sỹ ta căng như xé vải, hất tung từng xác lính địch liều lĩnh. Rồi tiếng lựu đạn nổ chát chúa. Đội hình địch co rúm lại, làm mồi cho những trái lựu đạn từ công sự của ta ném xuống.
Tổ 3 do tiểu đội trưởng Hoàn nổ súng cuối cùng. Hướng tấn công của địch ở đây thuận lợi. Qua gò đồi nhỏ, địch tiếp cận với sườn đồi tương đối bằng phẳng. Chúng có vẻ tự tin hơn. Tiếng kèn tiến công vang lên, tạo khí thế cho những tiếng thúc giục của bọn chỉ huy, tiếng hò hét của bọn lính. Tất cả tạo thành một mớ hỗn độn như tiếng từ âm ty man rợ gọi về. Khẩu RPD của Hoàn lập tức đáp trả. Lợi thế về lựu đạn ở đây kém hơn ở 2 tổ bên. Địch lại dồn quân đông hơn. nên quân ta có phần gặp bất lợi. Đam đã lường đến điều này. Anh lệnh cho chiến sỹ B40 và B41 tăng cường về mũi chính diện. Chờ cho địch vào đến đúng cự ly, chiến sỹ Hùng ghếch khẩu B40 lên mô đá trước giao thông hào lẩy cò. Một tiếng nổ lộng óc, trái đạn hình bắp chuối vụt ra khỏi nòng lao đi. Chớp mắt, một vùng lửa mầu cam trùm lên giữa đám lính địch. Tiếng la ó rền rĩ, thống thiết của địch vang lên. Hùng lại lẩy một trái B40 nữa. Cuối cùng chúng kinh hãi, buộc phải chùn lại.
Xem ra, chỉ dùng chiến thuật biển người, trong điều kiện ở dưới thấp chưa chiếm lĩnh được điểm cao là không ổn, địch cho lui quân. Đam đoán chúng chưa từ bỏ rắp tâm, sẽ lại dùng pháo uy hiếp trận địa ta. Biết chắc khi dội pháo, địch không thể tấn công vì sợ bị chính đạn pháo của chúng nã vào đội hình, nhưng không thể chủ quan khinh địch. Anh cắt cử tiểu đội trưởng Hoàn ở lại cảnh giới, còn lệnh cho anh em lui vào trong hang, vừa nghỉ ngơi giữ sức, vừa tránh đạn. Đúng như Đam nghĩ, chớp mắt sau, pháo địch bắt đầu dội lửa xuống trận địa ta. Những tiếng nổ như sấm động. Khói lửa bao trùm lên toàn cao điểm. Mảnh pháo, mảnh đạn, mảnh đá bay văng tung tóe. Hoàn khom người đứng trong hốc cảnh giới trận địa của ta. Anh cẩn trọng quan sát đối phương, cảnh giác xem chúng có lợi dụng pháo bắn để tiếp cận trận địa ta không? Nhưng ở vị trí của anh không nhìn thấy gì. Trận địa của địch cũng chẳng có lấy một bóng người. Chắc chúng đang tìm phương cách mới.
Dội lửa chừng nửa tiếng, pháo địch ngừng bắn. Bộ đội ta lại nhanh chóng tản ra các vị trí chiến đấu. Tiếng kèn xua quân của địch vang lên không ngớt. Ở hướng tổ 1 và tổ 2 địch tràn lên đông như kiến cỏ. Tiểu liên và cối cá nhân của chúng bắn như xé vải nhưng không át được sức công phá của trung liên và lựu đạn của ta. Đội hình ta ở phía trên đội hình địch. Ta nhìn rõ chúng, còn chúng không nhìn thấy ta. Ta ném xuống dễ bao nhiêu thì địch câu lên khó bấy nhiêu. Thế mà địch vẫn dồn dập tấn công như vũ bão, buộc ta phải dồn lực lượng chống đỡ, trong khi hướng chính diện chưa thấy địch có động thái tiến công gì. Điều đó làm cho Đam phân vân.
Sực nhớ tới cách đánh nghi binh mà địch thường dùng, anh vội ra lệnh cho Hoàn chuẩn bị đánh địch phản kích. Y như rằng ngay lập tức, khắp nơi theo hướng tổ 3 đã thấy tiếng động cơ, tiếng xích sắt xe tăng của địch gầm rú, tiếng pháo nòng dài trên tháp xe tăng nổ loạn xạ. Thì ra lợi dụng lúc pháo bắn, địch huy động xe tăng bò ngược dốc, tiến gần đến triền đồi bằng trước đội hình tổ 3, sau đó tấn công mạnh vào hai hướng còn lại để thu hút hỏa lực của ta rồi mới cho xe tăng ở mũi chính diện xuất kích. Chính địa hình bằng phẳng ở đây ngăn trở tầm quan sát của Hoàn và tạo điều kiện cho quân địch. Chỉ năm chục mét nữa là 4 chiếc xe tăng địch và theo sau chúng là lốc nhốc quân lính sẽ áp sát trận địa của Hoàn. May mắn cho ta, chiến sỹ B40 và B41 đang ở đối diện với chúng. Hai luồng lửa từ súng phụt lại phía sau, hai tiếng nổ lộng óc và hai quả đạn đồng loạt lao lên, cắm thẳng vào hai chiếc xe tăng địch khiến khẩu pháo trên tháp xe câm tịt. Chúng bị đứt xích, cháy đen như hai con cua bị thiêu quá lửa. Đám bộ binh theo sau phần thì chết cháy, phần còn lại tháo chạy toán loạn, nhập vào đám theo sau hai chiếc còn lại. Giữa lúc đó Hùng chiến sỹ B40 bị một trái cối cá nhân của địch bắn lên, nổ gần khiến anh gục ngã. Chiến sỹ Tuấn sử dụng B41 cũng bị trúng đạn, máu ở cánh tay phải đầm đìa. Hoàn lao lại, vác khẩu B40 của Hùng xông ra giao thông hào đối diện với xe tăng địch. Chiếc xe tăng thứ ba đang lầm lũi xông lên. Qua thước ngắm Hoàn đã thấy rõ vết hằn trên xích của nó. Anh bóp cò, cột lửa mầu cam nhanh chóng trùm lên, khiến nó chịu chung số phận với hai chiếc trước. Đám lính theo sau không còn cách nào khác liều chết xông lên. Lúc này chiếc xe tăng còn lại đã lừng lững tiến gần đến công sự. May quá, A Hưng vừa cơ động từ tổ 1 đến. Đạn nổ như tiếng pháo. Tai mọi người như điếc đặc. Hoàn nói như quát:
– Đồng chí Hưng dùng súng của tôi, quét mạnh vào đội hình địch.
Hưng nhanh nhẹn nâng khẩu trung liên RPD chống chân vào bờ giao thông hào bóp cò. Những làn đạn nổ như xé vải, hất tung đám tàn quân địch đang cố sức chạy tán loạn tìm chỗ ẩn nấp. Chiếc xe tăng còn lại không còn đường lui nữa. Nó gầm lên xông thẳng về phía Hoàn. Khoảng cách chỉ còn hơn chục mét nữa là đến giao thông hào. Hoàn vội vác khẩu B41 của Tuấn lên vai, ngắm thẳng vào chiếc xe tăng, nghiến răng bóp cò. Không còn nghe thấy tiếng gì nữa, chỉ thấy một quầng lửa bùng lên, rồi tiếng xích sắt của xe tăng địch tắt ngấm. Số phận đã an bài với nó. Đám lính hết chỗ bấu víu đành làm mồi cho những loạt đạn RPD đanh gọn của Hưng.
Đam theo giao thông hào chạy đến chỗ Hoàn. Vừa qua khúc ngoặt trước mặt thì có tiếng hét lớn. Một bóng người chồm lên, đẩy anh ngã vật xuống. Sau đó một tiếng nổ chát chúa vang lên. Thì ra, nhìn thấy một trái cối cá nhân địch bắn lên bờ chiến hào ngay trước mắt Đam, A Hưng đã xô lại, đẩy Đam ngã xuống và nằm đè lên anh. Trái cối nổ, mảnh văng tung tóe. Một mảnh chém vào cánh tay trái của Hưng khiến cánh tay anh nát bét.
Đam vùng dậy, dìu A Hưng vào hang đá. Cánh tay anh giờ chỉ còn là một khối bùng nhùng, máu chảy nhễ nhại. Nhìn A Hưng mặt tái dại, răng nghiến lại, cằm bạnh ra, mắt trừng trừng mà lòng Chử Trắc Đam không khỏi xót xa và kính phục. Không có A Hưng xô ngã, chắc Đam lĩnh trọn trái cối đó.
Tiếng súng ngoài cao điểm vẫn dồn dập. A Hưng dùng tay còn lại đẩy Đam, ý giục anh ra chỉ huy đồng đội chiến đấu. Đam băn khoăn, không muốn để Hưng ở lại một mình. Nhưng nhìn ánh mắt của Hưng, ý chí của người chỉ huy đã thắng thế, Đam đành nghe theo.
Chiều hôm đó, địch tiếp tục hai lần nữa tấn công lên cao điểm, nhưng cả hai lần chúng đều bị đánh bật trở lại. Đến chạng vạng tối, chúng đành lui quân về bên kia biên giới, bỏ lại trận địa hàng trăm xác lính.
Đêm tối xuống dần. Cả một vùng ban ngày rền rĩ tiếng súng, tiếng pháo giờ yên lặng như tờ. Quân địch khiếp đảm đã phải rút quân. Đội tải thương của mặt trận đã kịp lên cao điểm đưa các chiến sỹ bị thương và Thào A Hưng về bệnh viện dã chiến Quân khu. Gần một ngày rồi, không còn cách gì giữ lại được cánh tay trái của Hưng nữa. Các bác sỹ đã phải cắt bỏ, để phần còn lại khỏi bị hoại tử. Chử Trắc Đam ôm lấy Thào A Hưng, nước mắt anh rơi lã chã.
V.Q.K