Mỹ Linh – Ngọc Long: Điểm tựa vững chắc!
Mỹ Linh vốn là dân học chuyên sinh của trường chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa). Ba mẹ công tác trong quân đội và có suy nghĩ cởi mở, mong muốn con học một nhạc cụ gì đó vừa giải trí, vừa khơi gợi sự sáng tạo. Đó là lý do họ đưa con gái đến trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật du lịch Khánh Hòa. Và đó cũng là lần đầu tiên Mỹ Linh được thấy cây đàn Tranh.
Thời niên thiếu của Mỹ Linh là những ngày chạy đi chạy lại giữa trường chuyên và trường nhạc. Khi vào đại học, cô chọn Nhạc viện TPHCM. Ba mẹ không phản đối nhưng vẫn có những lo lắng: Con gái đang học trường chuyên giờ tự nhiên rẽ qua nhạc. Họ tôn trọng quyết định của con nhưng vẫn hỏi dò: Con có ổn không? Có muốn thay đổi không?…
Đáp lại sự lo lắng của ba mẹ, Linh quyết định phải chứng minh lựa chọn của mình là đúng đắn. Cô trở thành gương mặt nổi bật và được trường cử tham gia nhiều cuộc thi tài năng. Với lòng đam mê và năng khiếu vượt trội, cô đã đoạt giải thưởng ở hàng loạt cuộc thi. Huy chương bạc (HCB) cá nhân với tác phẩm Thoáng quê hương, Huy chương vàng giải hòa tấu bài Quê mẹ và giải Tài năng trẻ duy nhất trong Liên hoan sân khấu kịch hát dành cho các trường nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010.
Năm 2018 cô được nhận về Nhạc viện dạy đàn Tranh trong khoa Âm nhạc truyền thống và tiếp tục gặt hái những giải thưởng. Giải nhất tác phẩm Hoa đất do chính cô sáng tác trong cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc TPHCM. Tác phẩm này cũng được mời biểu diễn ở Liên hoan âm nhạc dân tộc quốc tế. Đến cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020, Linh tiếp tục chỉnh sửa nâng cao Hoa đất với hơi thở mới. Sự sáng tạo đó đã đem đến cho Linh giải nhì cá nhân.
Nếu Mỹ Linh không phải con nhà nòi thì Vũ Ngọc Long, ông xã cô lại sinh ra trong gia đình có trung tâm âm nhạc tại Bình Thuận. Từ nhỏ, Long đã mê trống Jazz khi thi vào Nhạc viện TPHCM anh chọn vào học bộ môn Gõ giao hưởng. Thời gian này, Linh chơi trong ban nhạc Cỏ Tranh với 5 thành viên nữ của khoa Âm nhạc truyền thống. Họ tham gia chương trình Nghệ thuật cuối tuần diễn trước sảnh Nhà hát Thành phố và cần một tay trống nam, vô tình Long được mời tham gia. Làm việc cùng nhau một thời gian, họ cảm mến và đến năm 2012 hai bạn kết hôn. Bộ môn của Long tương đối trầm lặng so với Mỹ Linh, ít có những cuộc thi tài năng để anh có cơ hội khoe tài, nhưng với khả năng nổi bật anh được giữ lại trường giảng dạy ở Trung tâm bồi dưỡng năng khiếu. Những khi biểu diễn chung, Long là điểm tựa vững chắc để Mỹ Linh thăng hoa với tiếng đàn tranh mượt mà, réo rắt.
Thiên Lâm – Khánh An: Đôi vợ chồng thổi sáo
Trong cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020, tiết mục mở màn của Nhạc viện TPHCM khiến nhiều khán giả bị mê hoặc vì sự quyến rũ, lả lướt bởi tiếng sáo trên môi của một chàng trai trẻ trong 2 nhạc phẩm Phiên chợ vùng cao và Thảo nguyên tươi đẹp. Đó là Trần Thiên Lâm, giảng viên trẻ của bộ môn Sáo trúc khoa Âm nhạc truyền thống. Tiết mục này đã đem về cho Lâm giải nhì cá nhân. Trước đó, trong cuộc thi năm 2014, Lâm cũng đem về cho mình HCB cá nhân.
Được học âm nhạc từ năm lớp 6, cậu bé Thiên Lâm ngay ngày đầu đã khiến thầy cô hoảng hốt khi khóc ầm lên không chịu học Sáo trúc vì nghe người ta nói học Sáo chỉ đi thổi… đám ma! Từ ngôi trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, sau giây phút… gây sốc, cậu bé dần dần bị Sáo mê hoặc lúc nào không biết. Thi vào Nhạc viện TPHCM cậu bắt đầu mê hơn. Ban đầu chỉ là luyện tiếng sáo cho tròn, sau đó đẩy vào đó cảm xúc. Và đến hiện tại Lâm đã mê mệt tiếng sáo vì “Khi tôi buồn, tôi vui, tôi có tâm sự thì tiếng sáo có thể nói thay nỗi lòng của tôi được hết!”. Năm 2014, Lâm được giữ lại giảng dạy tại trường.
Khánh An là bạn học của Lâm từ thời còn học Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, ban đầu chuyên ngành cô học là đàn Tranh, môn phụ là Sáo trúc. Thế nhưng, khi lên học Nhạc viện TPHCM môn chính của cô lại là Sáo, cùng lớp với anh lớp trưởng điển trai Thiên Lâm. Từ đó họ nảy sinh tình cảm và đến năm 2018 thì kết hôn. Khánh An thường đóng vai trò hỗ trợ cho các solist trong các cuộc thi và cùng đồng đội đem về cho Nhạc viện thành phố những HCB, HCĐ trong các cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc. Cô hiện cũng là giảng viên bộ môn Sáo trúc của khoa Âm nhạc truyền thống. Khánh An yêu tiếng sáo vì nó cũng nhẹ nhàng, dễ thương như con người cô. Với cô, tiếng sáo có thể rung lên những giai điệu, ngôn ngữ vùng miền. Càng gắn bó với cây sáo cô càng cảm nhận được sự mùi mẫn, đắm say như hơi thở của sáo.
Cùng sở trường là nhạc cụ Sáo trúc nên vợ chồng Thiên Lâm – Khánh An dường như lúc nào cũng bên nhau, đi dạy, đi diễn lúc nào cũng có nhau. Bạn bè hay đùa là hai vợ chồng ôm hết show của người ta.
Chấp nhận theo âm nhạc dân tộc là chấp nhận có những lúc chạnh lòng vì đôi lúc người ta chưa hiểu, chưa đánh giá đúng về giá trị của tiếng nhạc dân tộc.
Tác giả: Cẩm Thy
(Nguồn: http://congan.com.vn/)