Vũ Thị Huyền Trang
Cách ly
Đường phố bớt đông
Quán xá vắng người
Trăm nghìn cuộc gặp thấy chẳng còn cần nữa
Trăm nghìn ngôn từ không phả vào mặt nhau vẫn đủ
Chúng ta trở về nhà
Những cánh cửa đóng lại
Hạnh phúc thấy không cần kí gửi ở đám đông
Chúng ta sống chậm hơn
Bớt bận rộn cũng đâu có chết
Trời xanh hơn
Tiếng chim trong vắt
Nghe nói ở thành phố Venice dòng nước đã hồi sinh
Loài cá heo vừa trở lại sau sáu mươi năm vắng bóng
Lệnh phong tỏa thật ra đâu đáng sợ
Tàu thuyền nghỉ ngơi khi thưa thớt con người
Những chú thiên nga thỏa thích dạo chơi
Bình yên ngay giữa mùa đại dịch
Những đứa trẻ sau này sẽ nhớ
Có một mùa yêu thương
Cha mẹ rời xa những bận rộn ngày thường
Cúi xuống chơi với con như người bạn
Sau này chúng ta rồi sẽ nhớ
Có một mùa cách ly
Để thanh lọc tâm hồn
Còn sót lại điều gì tử tế?
Tôi tự cách ly tôi khỏi đám đông ồn ã
Đã nhiều năm…
V.T.H.T
NGUYỄN ĐÌNH XÁN
Chuyện làm giàu của một đảng viên
Chuyện làm giàu của một đảng viên (1)
Ở huyện Tân Sơn, ở xã Thạch Kiệt
Hàng chục năm trời tìm hướng đi lên
Nhiều núi, nhiều rừng mà khổ triền miên…
Được tin Văn Chấn như có phép tiên (2)
Từ quế giàu lên theo ngày, theo tháng
Ông học kinh nghiệm, mua giống về trồng
Về xin địa phương giao đất, giao rừng…
Từ tờ mờ sáng tới nhọ mặt người
Cả nhà quần quật với núi, với đồi
Hàng chục năm trời vắt kiệt mồ hôi
Chờ câu trả lời: Làm giàu từ quế
Đất trả cây vàng, ông thành tỷ phú (3)
Ông giúp dân làng giã từ nghèo khổ…
Liên tục được bầu Bí thư Chi bộ
Theo lời Bác Hồ vượt khó đi lên!
Miệng nói tay làm, Đảng cử dân tin
Gương mẫu đi đầu, gương sáng đảng viên!…
N.Đ.X
(1) Chuyện ông Phùng Sinh Quyên, Bí thư chi bộ khu Long, Đảng bộ xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn.
(2) Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái giàu lên nhờ cây quế.
(3) Tài sản của ông gồm: 21 ha trồng quế, với 40.000 cây có thể chặt tỉa, đồng nghĩa với việc ông gửi hơn 20 tỷ đồng trên đồi rừng (nguồn: Phú Thọ cuối tuần, ngày 20/02/2021).
NGUYỄN THẾ YÊN
Long Cốc miền xanh
Như những mâm xôi liền nhau trải rộng
bạt ngàn đồi cao thấp nhấp nhô xanh
những lối nhỏ dọc ngang hình mắt lưới
vòng quanh lên nâng bước chân người
Từ mạch nguồn màu mỡ sông Thao
sông Bứa mang về thấm ngàn năm vào núi
vùng đất thiêng xưa Vua Hùng đã chọn
chè mọc lên thơm hương vị riêng mình
Đã bao đời rồng ngủ vùi trong núi
tình đất, tình người dựng dậy giấc mơ
để hôm nay Long Cốc cựa mình
cánh rồng xanh đập hai đầu sáng tối
Sáng và tối một vòng xanh xao động
mật dâng lên búp lá căng đầy
hương ngào ngạt vương từ tay em hái
rộn rã bay đi bốn phương trời…
Mộc mạc cao nguyên
Có phải cao nguyên núi chồng núi
nên ánh ngày trong vạn vật ngời hơn
cây và nước trong trật tự rừng
con người cũng mộc nguyên đời núi
Dọc đường xanh quanh co phố nhỏ
gặp những nụ cười như hoa chuối, hoa ban
không xô chen, không cái nhìn hờ hững
không tiếng lọc lừa mua một tặng hai
Nơi nhà sàn cuộc sống giản đơn
cả mấy đời gia đình chung gác ấm
nghĩ ngợi không nhiều, ước mơ ngoài rẫy
chỉ thương cây rừng, con suối, con nai!
Những em bé đầu trần chân đất
mắt xoe tròn, nhút nhát dạ thưa
chú cún nuôi quẩn quanh chân khách lạ
xởi lởi mẹ cười in cả nếp thời gian
Em thả tóc làm gió ngàn bối rối
anh mơ về xưa cũ tiếng à ơi!
lời em nhẹ: “thật mà” – mặc định
hay tiếng lòng mộc mạc cao nguyên.
N.T.Y
VŨ THANH THỦY
Đá là lanh
(Một phong tục của người Mông ở Sin Suối Hồ,
huyện Phong Thổ, Lai Châu)
Đá là lanh cho bóng
cho trơn
cho nhẵn
Đường lu lăn mềm nóng phẳng lì
Vải có linh hồn thuận theo chân cần mẫn
Thuộc tính nhau nên óng lạ kỳ
Đá gọi lanh thức
Đá gọi vía về
Chiều Phong Thổ hưng hửng dần trên vải
Mặt trời cứ chìm
Mặt trời cứ nổi
Con gái cứ trồng lanh
Se sợi
Nhuộm chàm
Cứ là những sải vải bằng phiến đá trăm năm
Bằng niềm tin từ đời này truyền sang đời khác
Lanh bản mình ưa một người chăm sóc
Mới đẹp
Mới bền
Chẳng bạc
Vợ mặc
Mắt chồng nao nao lòng suối
Tình chồng! Cây rừng xanh um
Chiếc váy cuốn lên thân người nữ
Một Sin Suối Hồ hiện ra tắm trăng.
V.T.T
THỦY TIÊN
(Yên Bái)
Về thăm đất Tổ
Em từ trên rừng xanh
Được về thăm đất Tổ
Câu ca ai cũng nhớ
“Ngày mồng Mười, tháng Ba”…
Em dâng lên hương hoa
Trước Vua Hùng thành kính
Uy nghi đỉnh Nghĩa Lĩnh
Tỏa bóng chùm giang san
Tiếng trống đồng âm vang
Vọng hồn thiêng sông núi
Tiếng thậm thình giã cối
Gạo Lang Liêu thơm lừng…
Đi trong đất Vua Hùng
Trang sử vàng ghi nhớ
Cố đô xưa Văn Lang
Nay Việt Trì thành phố
Bốn ngàn năm rực rỡ
Công đức các Vua Hùng
Và Bác Hồ vĩ đại
Vẻ vang giống Tiên Rồng!
Chắp tay chào đất Tổ
Nơi quê gốc trăm miền
Của muôn dân nước Việt
Đất cội nguồn thiêng liêng!…
T.T
VŨ ĐÌNH KHUYÊN
Người thương binh – thầy giáo
Để lại một cánh tay
Trên chiến trường Quảng Trị
Về quê anh không nghỉ
Sớm trở lại nghề thầy
Mải miết suốt tháng ngày
Với bảng đen, phấn trắng
Anh đã đem ánh sáng
Rọi tâm hồn trẻ thơ
Tình thương yêu học trò
Thấm từng trang giáo án
Xưa: Quên mình xung trận
Nay: Xây nghiệp trồng người
Giản dị một cuộc đời
Người thương binh – thầy giáo
Không khi nào kiêu ngạo
Khó khăn chẳng nản lòng
Gương Bác Hồ sáng trong
Đêm ngày anh soi sửa
Học Bác từng việc nhỏ
Người thầy giáo – thương binh.
V.Đ.K
PHẠM THÚY NGA
(Hải Phòng)
Giặt lại bình minh
Hơn cả bài thơ là câu thơ dang dở
Em giặt những bình minh và treo lên bậu cửa
Cánh cửa của những ngày chưa xa
Cánh cửa của những người đang cũ
Anh bảo rằng hoa thì phải nở
Gió phải xuân
Nắng phải hanh
Còn em cần rạng rỡ
Chiếc áo rộng một gang tay
Giày thừa ra một số
Những vòng tay em soi lên đáy cốc
Hơn một lần son uống giọt cuối cùng
Em phải lấy chồng
Bình mình mang em đi giặt
Hoàng hôn phơi lặng thầm nghiêng ngả
Không tiếc một đời
Chỉ nhỡ tay mà thanh xuân tuột mất…
P.T.N
VŨ QUANG TRẠCH
(Thanh Hóa)
Việt Trì ơi
Tôi mong
Được là con dân thành phố Việt Trì
Ngày ngày đi bên đền đài di tích
Nhìn thấy trường tồn cơ đồ lắng hồn dân tộc
Đang sinh sôi trong trẻo lung linh
Đứng trước cổng thiêng
“Cao sơn cảnh hành”(1)
Mà ngẫm ngợi đạo lý nghĩa tình, ân đức
Chung lối lên đền con dân đất Việt
Dâng thơm thảo mùa màng, câu hát Ghẹo
hát Xoan
Soi mình dưới những tán cây vườn Quốc gia
Đền Hùng
Tổ linh Nghĩa Lĩnh, Ốc Sơn, Núi Trọc(2)
Nương từng bước chân
Đá thở vào nhau làm bậc
Thở vào nhau thành lễ hội nước non
Được rưng rưng
Chạm tay lên những tượng gỗ, tượng đồng
Lắng chảy trong mình
Dòng máu Rồng Tiên
Sải cánh vươn xanh
Cùng những hình chim Lạc
Ngấm vào mình mạch núi sông cuộn khát
Thấm hết thăng trầm Tiên Tổ Hùng Vương
Cùng mầm cỏ công viên Văn Lang(3)
Xoa xuýt cầu Vàng(4)
Lòng hồ thiêng máu đất
Ngọn nguồn nhân tâm đời đời ngọt mát
Việt Trì ơi! Rộng dài ngút ngát
Nuôi đỏ phù sa trầm tích ngã ba sông Bạch Hạc(5)
Thao thiết Việt Trì
Lồng lộng ước mong.
V.Q.T
1. Chữ ghi trên cổng chính vào Đền Hùng
2. Tên núi ở thành phố Việt Trì
3, 4. Tên công viên và cây cầu bắc qua hồ ở công viên
5. Tên ngã ba sông.