Nguyễn Đình Phúc
Kí ức sông quê
Sông quê thả mùa đi có nhớ
ngày nào về trở gió tâm tư
“Chẳng ai tắm hai lần bến cũ”
tôi cứ thương tình cũ rủ nhau về
khi sông quê mãi là sông Cái
hoang sơ lên quần tụ sinh sôi
cho bãi tắm “người đen nước đục”
sóng qua đây sóng dừng lại nô đùa
cho Ngọc Tháp thắt eo mùa thiếu nữ
những ngôn tình hóa đá nông sâu
đã quen tiếng sáo diều hút mắt
vỗ lõm trời bầy chim tha hương
đã nghe nước lặng sau lũ quét
hạt phù sa ở lại trăm năm
trăm năm cá nhào mình lội tắm
trăm năm chim vỗ cánh ra ràng
trăm năm ngực chị trào yếm thắm
da chị hồng, ấm khúc sông bơi
ngày chị lên bờ bỏ bến
“xin tí xà phòng” trọ mãi tim tôi
“lời xin” chiều ấy ai còn nhớ
nhuộm tím hồn ai lạc bến bờ
con mộc quay rúc rồi cỏ rối
dấu chân người để lại dấu chân chim
tiếng reo hò hội Phết Hiền Quan
thổi vào đồng lúa ngô xanh triền
này mầm sáng trong đêm khuya khoắt
có nghe gì trong sương cỏ hát
về đâu, dải yếm lãng, chân thon
có biết sắn khoai nuôi người thơm thảo
uống nước sông, lọc máu chẳng phì thân
còn nhớ bãi rau tập tàng táp đắng
hay tập tàng làm đắng đót gió đông
mẹ ơi bến cũ không còn mẹ
đêm đêm mơ cỏ ướt trăng sao
mẹ ơi đời sông đây đâu đời cát
cát đi rồi bến tắm về đâu
nơi trai làng vượt sông đi đánh giặc
cô du kích năm nào nhớ bến mênh mang
“Khúc đục đen” – Cổng sóng dựng hồn làng!
N.Đ.P
Từng nghe đá gọi thành tên
Từng nghe non nước nặng tình
Trụ cao đá vững hư vinh nhất thời
Cõng nhau đá đứng đá ngồi
Biên cương dựng mốc, lạc đời gọi nhau
Từng nghe một thuở thương đau
Trời liền đất bỗng xa nhau lạ thường
Những là lầm lạc yêu thương
Ở ăn chẳng vẹn, sinh đường bể dâu
Từng nghe đá bọc lòng sâu
Tiếng mìn đá vỡ mặt chau Sơn thần
Mặt đời mặt đá chung thân
Xanh trên mắt mẹ muôn phần bình yên?!
Từng nghe đá nổi sông chìm
Nở ra tiếng hót lặng im đất trời
Đá còn viết sử người ơi
San hô hóa đá bời bời… Trường Sa!
N.Đ.P
PHAN CHÚC
Tình quê – căn hộ biển
Kiên gan bảo vệ chủ quyền
Tháng ngày bám trụ vươn lên dưới trời
Nhà giàn ở giữa biển khơi
Vẫn biêng biếc giậu mùng tơi mượt mà
Bí bầu quấn quýt gần xa
Rau muống mập ngọn lòa xòa lá non
Mắt ngời súng chắc sớm hôm
Rảnh tay, lính mải chăm vườn rau xanh
Bữa thường ngọt cá, ngon canh
Thơm hương thấm vị mát lành trước sau
Bình minh nắng dải lụa màu
Vườn khoe sắc thắm dưới bầu trời êm
Nhà giàn ai đặt chân lên
Chia vui cùng lính hẳn thêm nức lòng
Tình quê đầm ấm mặn nồng
Chan hòa ở giữa muôn trùng biển khơi.
P.C
Lời Bác dạy ta
Bác thường đi thăm ruộng đồng
Vui mùa gặt hái, hiểu lòng nhân dân
Trải bao sương nắng dãi dầm
Làm ra thóc gạo nuôi quân tháng ngày!
…Người quen xách dép trên tay
Xắn quần quá gối, lội ngay xuống đồng
Có lần, cán bộ đi cùng
Chân giày bóng nhẫy, lượn vòng quanh co…
Ra về Bác nhắc nhỏ to
Các chú thăm ruộng nhớ cho điều này
Chúng ta đến với dân cày
Đi dép như Bác thì hay hơn nhiều
Nôm na lời Bác sớm chiều
Mà nghe thấm thía bao nhiêu nghĩa đời
Dân là gốc, trải bao thời
Gần dân, giản dị là người hiểu dân
Với dân, Bác thật ân cần
Suốt đời quý trọng, chân tâm chí tình!
P.C
Nguyễn Thị Lan Thanh
Chiều Sơn Dương
Về quê thăm lại sân đình
Chùa Vạn Phúc những ân tình không quên
Đa xanh bóng rủ êm đềm
Đường quanh co lượn dưới nền trời cao
Bướm đùa hàng giậu bờ ao
Hoa sen, hoa súng nở chào mùa thu
Cộng đồng văn hóa liên khu
Tiệc mừng, hội nghị, công tư… mùa màng
Bao năm xa vẫn nhớ làng
Nhớ cây thị nhớ gốc bàng khóm na
Nhớ cây mít mật mỡ gà
Cây dâu bể nước sau nhà chùa chung…
Sư Đàm Quy dáng ung dung
Tay lần tràng hạt, áo chùng nâu tươi
Hồn sư nay đã về trời
Tình sư ấm áp, mãi ngời trong con!
Nhà Trạo, Nhà Múc, Nhà Chuông
Đồng Thần, Đống Mối, Nhà Đường, Nhà Mân…
Cánh đồng nào cũng quen thân
Cũng là tri kỷ, tri ân với mình
Xóm Trong xóm Tõ xóm Đình
Xóm Dụng xóm Miếu nghĩa tình Thụy Sơn…
Làng ta đi sớm về hôm
Tình quê đầm ấm quý hơn bạc vàng
Xa bao năm chẳng quên làng
Bóng chiều đã ngả, lòng càng thấm quê!
N.T.L.T