Trong suốt chiều dài lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do, và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong trường ca Đất nước hình tia chớp có những câu thơ gợi lên khí thế sôi sục một thời như thế “Thế hệ chúng con đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời /Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”.
Chúng tôi – lớp hậu thế, không trực tiếp chứng kiến chiến tranh khốc liệt của quân và nhân dân ta trong lịch sử, không được chứng kiến khí thế hừng hực lên đường của những người lính nhưng chúng tôi được lịch sử kể lại qua những trang sách, qua những bài giảng, qua những di tích, qua những tác phẩm văn học nghệ thuật, qua những chứng nhân kể lại. Chúng tôi thấy tự hào về quê hương, đất nước Việt Nam hình chữ S, tự hào về thế hệ cha ông đi trước đã không tiếc máu xương mình để bảo vệ quê hương, quét sạch giặc thù để cho chúng tôi hôm nay, thế hệ mai sau được sống trong hòa bình, phát triển và hội nhập với thế giới.
* “Có tuổi hai mươi thành sóng nước”
Thành cổ Quảng Trị những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa. Mọi người từ khắp miền đất nước đã về đây thắp nén tâm hương tri ân những người lính đã ngã xuống, đã cống hiến tuổi xanh của mình chiến đấu trong 81 ngày đêm lịch sử năm 1972 (từ 28 tháng 6 đến 16 tháng 9). Họ đã dũng cảm chiến đấu, kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào, từng đống đổ nát; mưu trí, linh hoạt, phát hiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Mỗi ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị được ví một tờ lịch đẫm máu. Mỗi ngày đêm có từ 150 đến 170 lần máy bay phản lực và 70 đến 90 lần “pháo đài bay” B52 của Mỹ – ngụy đến oanh tạc. Mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông này được ví như một “túi bom đạn”. Mỹ – ngụy đã trút đổ vào thị xã Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn các loại, tính ra mỗi chiến sĩ của ta phải chịu 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo. Lượng thuốc nổ bom đạn Mỹ – ngụy trút đổ xuống Thành cổ Quảng Trị tương đương với 7 trái bom nguyên tử Hoa Kỳ từng ném xuống thành phố Hirosima ở Nhật Bản năm 1945. Thành cổ Quảng Trị thực sự là khúc hùng ca bi tráng trong cuộc chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc Việt Nam. Qua gần 3 tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, các lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ nhanh chóng “tái chiếm Thành cổ” của Mỹ – ngụy, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh chính trị, ngoại giao. “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu” – một bài báo của Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 đã viết như vậy thì thấy cuộc chiến đấu ấy khốc liệt đến mức nào. Trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, hàng ngàn chiến sĩ hy sinh chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát, hàng vạn các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt con sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị để rồi hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi. Trong chiến dịch chống phản kích, tái chiếm bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm năm 1972, bến sông Thạch Hãn trở thành địa điểm có vai trò quan trọng trong việc chi viện trực tiếp cho Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Và dòng sông Thạch Hãn trong cuộc chiến đấu ác liệt ấy đã nhuốm máu các anh hùng xả thân vì nền độc lập dân tộc, trở thành nơi hóa thân của những linh hồn bất tử trên đường về cõi vĩnh hằng. Cựu chiến binh Lê Bá Dương đã viết nên những câu thơ ứa máu viếng đồng đội của mình cùng một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông Thạch Hãn: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.
* Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc – những đóa hoa bất tử
Cách đây 55 năm, ngày 24 tháng 7 năm 1968 là ngày hy sinh của tiểu đội 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. 55 năm qua, hình ảnh các nữ thanh niên xung phong anh dũng vẫn mãi mãi trong tâm trí người Việt Nam như trang sử chói chang của dân tộc về tinh thần bất khuất kiên cường, thà hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của quê hương của dân tộc chứ không chịu khuất phục. Ngã ba Đồng Lộc ngày ấy được ví là “tọa độ chết”, nơi mà 1m2 đất phải hứng chịu 3 quả bom cày xới, thấm đẫm máu xương của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Những năm 1964 – 1972, nơi đây bị giặc Mỹ đánh phá liên tục, đỉnh điểm nhất từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 1.900 lượt ném bom, với hơn 50.000 quả bom các loại. Vượt bao mưa bom, bão đạn, với lòng yêu nước mãnh liệt, hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, người dân địa phương đã hăng say làm nhiệm vụ để đảm bảo thông tuyến cho xe đi qua, tất cả vì tiền tuyến thân yêu, vì miền Nam ruột thịt. Và nơi ấy, Tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 tuổi tròn 18, đôi mươi đã cống hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc và hy sinh anh dũng để bảo vệ cung đường huyết mạch cho tiền tuyến. Chiều ngày 24/7/1968, Tiểu đội 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc nhận được lệnh ra lấp hố bom cho xe thông qua. Các cô gái đã hăm hở lên đường làm nhiệm vụ. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười nói, vừa gọi nhau í ới. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày gầm rít dội xuống tiểu đội các cô gái. Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau chồm lên gào thét, nhân dân xóm Bãi Dĩa xung quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người trong tiểu đội nhưng tất cả chỉ còn lại sự lặng thinh, một hố bom sâu hoắm, mùi thuốc súng nồng nặc, một vài chiếc xẻng, cuốc văng ra. 10 cô gái trẻ của Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã hy sinh, để lại cả một bầu trời mơ ước, yêu thương cùng những khát khao của tuổi trẻ và kỷ vật là những tấm áo còn lấm lem bùn đất, chỗ rách, chỗ lành. Ngày hy sinh, đầu tóc của các chị dính đầy đất cát, nước khan hiếm, bom không ngừng trút. Khi khâm liệm nhiều nữ thanh niên đầu chưa kịp gội, các đồng đội ước có quả bồ kết để gội đầu cho các cô thì tốt biết bao. Một ước mơ đơn giản, bình dị mà không thể thực hiện được bởi chiến tranh quá tàn khốc đã cướp đi cả những điều cơ bản nhất của con người: “Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều/ Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…” (Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng). Những cô gái thanh niên xung Ngã ba Đồng Lộc và lớp lớp những thế hệ thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ như những tượng đài lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam để cho thế hệ hôm nay, mai sau tự hào về truyền thống yêu nước, về trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.
* Chiến trường Vị Xuyên – “lò vôi thế kỷ”
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Hà Giang là địa bàn trọng điểm bị địch tiến hành lấn chiếm và phá hoại nhiều mặt so với toàn tuyến biên giới phía Bắc. Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979 – 1989), đặc biệt trong giai đoạn từ 1984 – 1989. Hàng trăm trận chiến đấu đã diễn ra rất quyết liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ ở mọi miền đất nước và đồng bào ta đã hy sinh trên mảnh đất này. Giặc ngoại xâm đã lần lượt huy động nhiều đơn vị, tổng số khoảng 50 vạn quân từ 8 trong 10 đại quân khu với hơn 20 sư đoàn bộ binh, 171 trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 3 sư đoàn pháo binh và các đơn vị pháo binh của các sư đoàn bộ binh (tổng cộng hơn 400 khẩu pháo lớn các loại), trên 1.000 xe cơ giới phục vụ cho chiến đấu… tiến công toàn diện vào Vị Xuyên từ năm 1984 – 1989.
Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ mới trên dưới 20 tuổi. Hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị xóa sạch, hàng ngàn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy bom mìn, vật nổ… Đến nay, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang… Những người lính tuổi đời còn rất trẻ vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Có người vẫn còn nằm trong lòng đất mẹ, trong khe núi hay ở một nơi nào đó ở núi đồi Vị Xuyên mà chưa tìm thấy hài cốt để quy tập. Điều đó vẫn còn là nỗi niềm day dứt cho các đồng đội, cho lớp lớp người chúng tôi hôm nay và mai sau nhưng rất đỗi tự hào về sự hy sinh của cha anh vì non sông bờ cõi nước Việt Nam.
* Những trang viết đầy khát vọng sống, cống hiến và yêu thương
Bao lớp thanh niên ưu tú, tài hoa nối tiếp nhau ra chiến trường với khí thế hừng hực, sục sôi. Nhiều người trong số họ vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Họ đã mang theo bao ước vọng, khát khao, trăn trở, suy tư về Tổ quốc, dân tộc, về quê hương, gia đình, bạn bè còn dang dở. Những khát khao, ước vọng ấy của những người liệt sỹ được họ ghi lại trong những cuốn nhật ký, trong những bức tâm thư gửi người thân: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, Tài hoa ra trận, Khát vọng sống… cùng nhiều cuốn nhật ký có giá trị nữa vẫn đang ở một nơi nào đó chưa được công bố cùng hàng ngàn bức tâm thư khác nữa của những người lính ra đi mãi mãi không trở về. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng mãi trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có những dòng ký ức, nhật ký, tâm thư của những người lính đã ngã xuống vì tự do, vì độc lập của dân tộc.
“Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này” – đó là những dòng trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Đây là cuốn nhật ký tràn đầy chất lý tưởng và tình người của bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966, chị đã xung phong vào miền Nam chiến đấu và được phân công phụ trách Trạm xá Đức Phổ (Quảng Ngãi). Những năm tháng thanh xuân trong không khí hào hùng của dân tộc đã được chị ghi trong nhật ký của mình. Qua nhật ký, chúng ta thấy hình ảnh một cô gái Hà Nội sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh vì không muốn sống hoài, sống phí những năm tháng thanh xuân hiện lên sống động, gần gũi. Với lý tưởng sống đã chọn, chị đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường “Hãy rèn giũa phẩm chất của một người Đảng viên nghe Th. (tức là Thùy, đồng chí Đặng Thùy Trâm tự xưng; viết tắt trong nguyên bản). Cuộc đời Th. là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ. Xin Th. hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng. Hãy hứa trước tòa án lương tâm đi Th. nhé. Th. sẽ giữ trọn tất cả những gì cao quý của một người Đảng viên, một người trí thức…”. Chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm “Vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình”. Trong nhật ký của chị có một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội “Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm, mà cả bằng tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được”. Cuốn nhật ký đến giờ và mãi sau sẽ vẫn vẹn nguyên giá trị. Giá trị “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” không chỉ là tư liệu lịch sử quý giá, giá trị văn học cao quý, mà cao hơn tất cả là giá trị của một con người luôn trăn trở muốn sống xứng đáng như một con người.
“Khát vọng sống và yêu” là nhật ký của Liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh. Anh là người con của Phú Thọ – đất Tổ Vua Hùng. Trước khi hy sinh, anh là chính trị viên Tiểu đoàn, trợ lý tác huấn, Trung đoàn pháo 58 – Sư đoàn 308. Cuốn nhật ký của anh để lại cho chúng ta mang tính nhân văn cao đẹp. Đó là khát vọng sống và yêu của anh cũng như các thế hệ các anh thời đó. Cuốn nhật ký đầy ắp thông tin hào hùng mà không kém phần lãng mạn với những sự kiện, những dòng suy tư, trải nghiệm trong cuộc đời người lính, khi dằn vặt, lúc khát khao day dứt, khắc khoải hoặc thiết tha, lạc quan. Đây là cuốn nhật ký vừa hào hùng, vừa bi tráng phản ánh trung thực tâm thế của thế hệ thanh niên miền Bắc thời chống Mỹ. Tâm thế của những người công dân trẻ yêu nước, nhất định cùng đồng bào đi đòi lại bằng được độc lập, thống nhất cho Tổ quốc dù phải hy sinh gian khổ: “Mình bơi vào cuộc sống với nhịp thở đang nghẹt của đồng bào hai miền… Những người trẻ tuổi đã biết hiến thân, hết sức với bầu máu nóng và thớ thịt căng sa với cả một tấm lòng trong đẹp và ý chí kiên cường. Một tâm hồn nồng cháy, hồn nhiên của tuổi thanh xuân…”; “Thầy mẹ biết không? Con đang đánh nhau ở Khe Sanh… Thầy mẹ nghe đài có lẽ cũng thấy chiến công lừng lẫy ở Khe Sanh. Song thầy mẹ cũng không thể ngờ rằng, trong đó có bản tay con tham chiến… Hứa với thầy mẹ, con sẽ là một người con ngoan của gia đình, là một đảng viên ưu tú của Đảng”.
Bức thư gửi mẹ của Đội trưởng Võ Thị Tần – Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP55 Hà Tĩnh viết gửi cho mẹ trước lúc hy sinh 5 ngày. Những nét chữ thân thương trong bức thư gửi mẹ, cùng lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của chị Võ Thị Tần với chàng trai cùng làng năm xưa đã làm lay động trái tim biết bao thế hệ bởi sự kiên cường, bởi lòng yêu quê hương đất nước cao đẹp và thiêng liêng vô cùng “…Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cánh rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi, thời gian này địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Quyển sổ tay dạo nọ mẹ gửi ra đã gần hết rồi…”.
Đó còn là bức thư “đặc biệt” viết từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội gửi đến mẹ, vợ và người thân về linh cảm ngày mình sẽ mãi mãi nằm lại với đất mẹ Quảng Trị Anh hùng. Ẩn sâu trong 10 trang thư, là những câu chuyện cảm động của những lời dự cảm về ngày ra đi, là tình thương gửi đến mẹ yêu, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình. Và trên hết, là lý tưởng “Tổ quốc cần sẵn sàng hiến thân mình” mà không chút đắn đo. Bức thư như một thông điệp gửi đến mai sau hãy biết “sống đẹp, sống có ích”, sống có lý tưởng, ước mơ và có giá trị giáo dục không những cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho muôn đời sau. “Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột… Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời…”. “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi… Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc”. “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này… Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự, thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã ngược qua cầu hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn…”.
Trải qua các cuộc chiến tranh đầy gian khổ, nhiều thế hệ cha anh của chúng ta đã hy sinh thân mình để giành lấy độc lập, bảo vệ non sông, họ đã nằm lại trong vòng tay bao bọc của đất mẹ. Các anh đã chiến đấu trên từng chiến hào, từng điểm cao để bảo vệ vững chắc mảnh đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc, hiến dâng trọn tuổi thanh xuân và cuộc đời mình vì từng tấc đất biên cương, bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm nên những chiến công hào hùng, bất khuất tô thắm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Để có đất nước Việt Nam tươi đẹp ngày hôm nay, hàng triệu người con ưu tú, anh dũng của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, không quản ngại thân mình, xông pha nơi chiến trường, dầm mình trong mưa bom, bão đạn để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, giữ gìn độc lập dân tộc. Nhiều người trong số đó đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất quê hương, trong đó nhiều người mới chỉ mười chín, đôi mươi, nhiều người trở về không còn lành lặn, hoặc bị di chứng nặng nề của chất độc hóa học. Trong số ấy có những người con của Đất Tổ Vua Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
(Còn tiếp)
Kỳ II. Những người con Đất Tổ Vua Hùng hiến dâng cho Tổ quốc
Thu Lâm – Trần Liên – Thùy Dung