Qua chợ Đón là con dốc Đỏ uốn cong và cao vút. Những ngày mưa, đất dẻo quánh. Cái thứ đất đỏ lạ lắm, nắng hay mưa đều bám chân người như keo dính. Bám sâu đến độ mãi sau này trong những lúc rỗi rãi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn thì cái đầu tiên bung òa là con dốc Đỏ. Bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ, bao nhiêu buồn vui thuở nhỏ. Những dấu mốc quan trọng nào trong đời hình như cũng dính dáng tí đất màu quê mẹ. Mà lạ, chỉ mình con dốc Đỏ, cái màu au au khắc tâm can con người đến là nhức nhối, chỉ duy con dốc ấy thôi. Đánh xa tầm mắt ra xung quanh, màu đất đai chỗ bàng bạc, chỗ nâu sẫm, không nơi nào có màu như con dốc vẽ dáng mình như cây cầu hình vòng cung trên đường. Nhà Nhàn ngay phía bên kia con dốc. Lần nào về cũng đứng lại ngắm lâu thật lâu những sắc màu của đất, vừa lạ lẫm vừa thân quen, lại nao nao trong cảm giác khó tả. Đón Nhàn bao giờ cũng là cái cười ngu ngơ của Sáo. Trông thấy Nhàn là nụ cười ấy bật ra, tay Sáo quơ lên vẽ những đường vòng vòng trên không đến là khó hiểu. Chỉ có ánh mắt nó nhìn Nhàn là ấm áp.
Sáo là em song sinh của Nhàn. Là em, nhìn mặt trời cách nhau chỉ trong tích tắc mà mỗi đứa một tính cách, một số phận. Nhàn biết bố mẹ buồn lòng lắm, Sáo phát triển hoàn toàn bình thường chỉ có điều nó câm điếc bẩm sinh. Cũng chữa chạy đủ thầy, cũng mang đi khắp viện nọ viện kia. Cuối cùng vẫn là những cái lắc đầu của bác sĩ và bố mẹ Nhàn đành phải chấp nhận. Hai đứa lớn lên bên nhau trong những hỏi han đôi khi thái quá của xóm giềng. Sáo cũng biết chữ, nó chăm chỉ làm lụng và hầu như chẳng nề hà điều gì. Nhàn thì chỉ mỗi việc học, bao nhiêu sắc sảo thông minh nhẽ ra của cả hai chị em thì ông trời dồn lại cho một mình Nhàn. Thành ra Nhàn liên tiếp giấy khen này, giải thưởng kia. Ở cái làng quê nghèo tận phía sau núi thì đó là một điều ngoài sức tưởng tượng. Mặc nhiên Nhàn cũng đón nhận hết những lời có cánh về mình.
Năm Nhàn lên mười, cha bỏ đi. Mãi sau này Nhàn mới hiểu hơn về những câu chuyện người lớn. Ngày sinh hai chị em, mẹ Nhàn cũng mất luôn khả năng sinh nở. Cha không thể nào chấp nhận được việc mình không có một thằng chống gậy. Thằng – chống – gậy! Cách gọi đầy hữu hình mà những người con độc đinh của dòng họ như cha luôn thấp thỏm, thậm chí là đau đáu, khát thèm. Đôi khi Nhàn muốn bật khóc vì tức giận. Ông triền miên say, triền miên là những cãi vã và những giọt nước mắt của mẹ… Nhàn vẫn nhớ ngày ông đi rồi, mẹ ngồi bưng mặt khóc, đôi vai gầy rung lên đến tội. Mắt Sáo thì ráo hoảnh, nó đi ra dìu mẹ vào nhà. Còn Nhàn, nem nép trong cánh cửa nhìn ra sợ sệt. Nỗi lo âu mơ hồ choán hết tâm trí một đứa trẻ. Dõi ra phía núi, vệt nắng nhạt vương trên phía rừng cây sao mà đơn độc. Lòng Nhàn chỉ có những hoang mang.
Sau này ở với ngoại, Nhàn cứ nhớ mãi hình ảnh Sáo mạnh mẽ xốc mẹ vào nhà và luôn bật lên câu hỏi: Sao mình không làm được như Sáo?
Nhàn học hành một lèo, mải miết bươn xa về phía thành phố. Dốc Đỏ và những đau buồn nằm lẫn trong vệt màu đỏ loang trong kí ức. Sáo ở nhà cùng mẹ quần quật những công việc không tên và có tên, cốt để Nhàn yên tâm học hành. Cuộc mưu sinh ở một vùng quê nghèo chưa bao giờ là đơn giản. Để nuôi một người bám trụ ở thành phố trong cơn lốc học hành càng không dễ dàng. Nhưng vẫn phải cố, như thể đó là số phận, là những mặc định mà ông trời đã an nhiên gắn cho từng người.
Ngày Nhàn dẫn người yêu về. Con dốc Đỏ trong buổi chiều mưa lâm thâm, đất lại dẻo dính, bám bết lấy giày. Nhàn nghi ngại, còn anh cười, nụ cười vô tư hết sức làm khuôn mặt Nhàn cũng giãn bớt những lo âu. Sáo vui mừng thấy Nhàn trở về, nhưng nụ cười tắt lịm khi thấy bóng dáng cao lớn của người đàn ông phía sau bước sát theo Nhàn. Nó quay mặt đi, bước luôn ra ngoài, Nhàn kịp nhìn thấy nó cắn môi rất chặt. Lúc ấy sao mà Nhàn muốn khóc, thương em đến quặn lòng… Mỗi người vẫn phải sống cho trọn vẹn số phận mình, biết làm sao để đổi thay?
Mẹ gọi Nhàn về, giọng trầm tĩnh lạ thường. Nhưng Nhàn cảm nhận được cái nghèn nghẹt ở đầu máy bên kia. Con sẽ thu xếp. Cô trả lời và tự nhiên lòng thấy trống trải. Công việc, cuộc sống riêng đâu phải buông tay là đứng dậy được luôn.
Đứng cuối chân dốc Đỏ kia vẫn là Sáo, màu đất vẫn au au đỏ như từ kí ức dội về. Đầu Sáo hơi cúi, nó không cười như mọi lần trông thấy Nhàn hiện ra trên đầu con dốc Đỏ nữa. Linh cảm đôi khi là những dự cảm mang lại một cảm giác chết tiệt. Mẹ không có nhà, Sáo vung tay chỉ ra ngọn đồi lúp xúp trước nhà. Thế là hiểu. Mẹ đang làm ngoài ấy, có thể đang hái những búp chè mơn mởn xanh non, có thể đang cuốc cỏ ươm trồng thêm những mầm xanh mới. Đôi khi hiểu nhau không phải là sự cất lên thành lời. Điệu bộ Sáo có gì đó chẳng được tự nhiên, có cái gì đó như muốn bộc lộ, như muốn nài nỉ. Nhàn biết hết những điều đó của em, nhưng lặng im. Tự nhiên cô thấy cuộc đời cũng tệ, bao nhiêu năm Nhàn ăn học có mồ hôi công sức của đứa em thiệt thòi, vậy mà chuyện lớn nhỏ trong nhà mẹ chỉ hỏi cô. Tịnh bỏ qua Sáo. Cách nhau có mấy giây đồng hồ chào đời mà hai số phận rẽ hai hướng trái ngược nhau…
– Mẹ định thế nào?
Nhàn hỏi khe khẽ. Biết mẹ cũng có những khổ tâm riêng, nhưng thật lòng thì Nhàn rất thương Sáo.
– Mẹ cũng không biết nữa. Nói năng chả được, nghe ngóng cũng không… thì biết thế nào là tốt, hả con?
Mẹ thở dài cái sượt. Tiếng thở chất chứa bao nhiêu lo âu, trăn trở. Tiếng thở dài của người đàn bà đã quen bươn trải lo lắng cho những đứa con. Tiếng thở hắt ra nhưng lại nuốt vào những âu lo. Ừ, biết thế nào là tốt cho Sáo đây?
– Mẹ định bàn với con trước… từ từ rồi nói với nó sau…
Mẹ nói khe khẽ và liếc ra ngoài. Phía ngoài đầu hồi kia Sáo đang ngồi chẻ những ống giang thành lạt. Cái thứ giang rừng, màu xanh thẫm và rất dẻo, dai chứ không như tre nhà. Những nắm lạt Sáo chẻ bao giờ cũng rất khéo, mỏng tang và dai. Cái điệu bộ cặm cụi ấy thấy thương. Chẳng bao giờ Sáo được bước chân đi xa dốc Đỏ. Mùa hoa ban nở, tiếp mùa mận chín đỏ lịm vườn, thì Sáo vẫn cắm cúi với những công việc nhà nông. Đến tội. Hai mẹ con ngưng lại rất lâu và cùng nhìn ra Sáo, ai cũng mải miết với những suy nghĩ riêng. Giá bố còn ở nhà, giá bố đừng ra đi kiếm tìm những giá trị đâu đâu, và giá như bố coi đứa con nào cũng giá trị như nhau, thì có lẽ không khó quyết định đến vậy. Đàn ông bao giờ cũng nghĩ thoáng và quyết nhanh. Đàn bà, muôn đời vẫn cứ sâu sắc như cơi đựng trầu. Mọi vấn đề nâng lên đặt xuống, rồi lại nâng lên. Tưởng suy nghĩ thấu đáo đến nát óc rồi, hóa ra lại chả đâu vào đâu. Tiếng mọt kẽo kẹt vang lên từ góc nhà đến là bực bội.
Đêm, trăng non treo lơ lửng trên nền trời như cái lưỡi liềm chơi vơi. Xóm nhỏ chìm vào trong yên tĩnh. Đã quen với những ồn ào phố thị, những ánh đèn sáng choang như ban ngày khiến Nhàn có cảm giác hơi khó chịu. Xóm nhỏ, bao đời nay vẫn thế, sau một ngày lao động vất vả, mọi người nghỉ ngơi tuyệt đối. Không những âm thanh tạp nham ồn ào, không mưu cầu tính toán. Cuộc sống cứ gần như tự cung, tự cấp như vốn dĩ nó phải thế. Thanh thản và yên bình… Sáo ngoắc tay Nhàn. Sau những dấu tay liên tiếp, Sáo bối rối cúi đầu rồi lấy tay chỉ vào bụng mình. Nhàn thảng thốt:
– Thật hả?
Sáo gật gật đầu, mắt không dám nhìn Nhàn. Điệu bộ hệt như đang ăn vụng bị bắt gặp.
– Sao lại thế?
Nhàn bật lên một câu hỏi ngớ ngẩn. Thấy trong khóe mắt em mình, hai hàng nước mắt đã trào ra. Lại ra dấu tiếp. Nhàn hiểu, Sáo đang cầu cứu Nhàn. Mẹ xưa nay vẫn coi trọng những ý kiến của đứa con gái học nhiều nhất nhà và cũng là niềm tự hào của mẹ, là Nhàn. Mẹ đâu muốn lắng nghe đứa con gái hàng ngày sống chung nhà, nấu cho mẹ bữa cơm, lo từng ngụm nước uống khi đi làm. Mẹ luôn tước đi cái quyền được bình đẳng trong nhà của Sáo. Bao nhiêu năm, lúc nào Sáo cũng sợ mẹ, dù Nhàn luôn nhớ, lúc mẹ khuỵu xuống trong ngày bố dứt áo ra đi, Sáo mới là đứa con xốc mẹ lên sống tiếp.
Bất giác, Nhàn đưa tay đặt lên bụng em. Một mầm sống đang thành hình, một cuộc đời đang được sắp xếp, một hạnh phúc đang chờ em. Phải mừng chứ? Làm sao biết ngày mai ra sao mà cứ sắp xếp, tính toán. Sao không giúp em nắm lấy trọn vẹn hạnh phúc đang trong tầm tay? Thực ra cách nhau mấy mươi giây đồng hồ, Nhàn lấy tư cách gì để quyết định cho hạnh phúc của Sáo? Cô ôm chầm lấy em, cùng òa lên nức nở. Bao lâu rồi, cô không dành cho Sáo một vòng tay, như thế này?
Cô kéo em vào nhà, bước đi dứt khoát và mạnh mẽ. Bóng điện hắt thứ ánh sáng vàng vàng ra ngoài hiên:
– Mẹ ơi!
Tiếng Nhàn gọi mẹ hệt như những ngày thơ bé rối rít khi thấy bóng dáng bà trên đầu con dốc Đỏ trở về từ phía chợ. Tiếng gọi thay đổi âm giọng, cất cao hẳn lên.
– Con nghĩ cuộc đời của Sáo để cho Sáo quyết định mẹ ạ. Mẹ con mình không thể sống thay phần đời phía trước cho em được. Không nói và không nghe được không phải là cái tội để bắt Sáo từ bỏ hạnh phúc.
– Thế… nghĩa là… con đồng ý?
– Vâng!
Chưa bao giờ Nhàn thấy mình mạnh mẽ như lúc này. Đứng cạnh bên, Sáo không dám ngửng lên. Nhàn biết nó rất sợ mẹ. Không gian chợt tĩnh lặng. Mẹ thở hắt ra, cảm giác những nặng nề cũng hắt ra theo nhịp thở, từng lời nói của mẹ vang lên rành rọt:
– Mẹ cũng nghĩ thế, để mẹ trả lời cho nhà người ta sắp xếp sang chơi…
Nhàn thở phào, ngực nhẹ hẳn đi. Khẽ lắc tay em, Nhàn gật đầu cười. Ánh mắt Sáo sáng lên, long lanh và ngời lên niềm hạnh phúc.
Truyện ngắn dự thi ba tỉnh của Đinh Thùy Hương