Chú Hùng ngồi bên ấm trà, lo lắng nhìn ra đám ruộng trước nhà. Nước đã tưới ba ngày nay, rau cải tốt ngần ngật mà chưa nhổ bán được. Đang mùa dịch, kêu khản cổ không ai làm cho. Bó tay! Có nước tự làm lấy. Còn may là vẫn được tự sản xuất tại gia đình. Cha mẹ ơi! Thối hai sào rau bây giờ là mất mấy chục triệu, lại còn bao nhiêu công sức, điện nước tưới tắm cả tháng trời. Thật là đau đầu.
Có tiếng còi xe bim bim. Bà vợ dạng hai chân chống đất, ngồi trên chiếc xe máy chất đầy bao, bọc.
– Mở cổng! Nhanh lên!
Vừa lật đật kéo cánh cổng sắt, chú Hùng ngạc nhiên nhìn vợ:
– Giời đất! Bà mang cả chợ về nhà à? Mua nhiều thế?
– Đàn ông biết gì!
Chú Hùng vò đầu bứt tóc, bực bội giúp vợ khiêng mấy bao vào nhà. Rau, bí, khoai lang, dưa hấu non, dầu ăn, bột nêm, hai thùng mì ăn liền, năm chục kí gạo. Bây nhiêu hai vợ chồng già ăn mấy tháng cho hết. Chú rên:
– Nhà còn bốn tạ thóc, mua gạo về làm gì hả giời?
– Vậy lỡ bị phong tỏa, không ra ngoài xát gạo được, lấy gì ăn?
Thôi! Thua đàn bà. Lo xa vậy cũng tốt, nhưng lo kiểu này thấy khổ quá. Thím Hùng cười tươi với chồng:
– Tin vui nữa nhá! Thằng Hải nhắn, chủ nhật nó dẫn người yêu về nhổ rau bán giúp mẹ. Mình kêu vợ chồng con Hưng, con Hồ về nhổ giúp nữa là xong.
– Thằng út mới nhập ngũ một năm. Ai cho về?
– Thế lính không được nghỉ phép à? Mà thôi đừng nói lung tung nữa. Bố nó nhốt mấy con ngan lại, cho ăn thêm mớ ngô, chừng nào hai đứa về mình làm thịt.
– Ừ! Mà mấy chùm nhãn lồng mới bói bà đừng có bán nhá! Nó dặn tôi để lại đãi con dâu.
Chú thím Hùng có ba người con, chỉ có cậu út là trai. Nay hai con chị đi lấy chồng, nó vào bộ đội nữa là nhà chỉ còn hai mạng già. Thím Hùng mong ngày, mong đêm con trai lấy vợ, để có con dâu, có cháu cho đỡ hiu quạnh. Ai ngờ con bé học Cao đẳng Y, ra trường chắc cũng đi làm nhà nước chứ về làm ruộng đâu. Thằng Hải có lần hứa:
– Mai kia vợ con ra trường, sẽ xin về làm điều dưỡng ở bệnh viện huyện. Gần nhà chạy về chăm sóc bố mẹ cũng tiện.
Không biết do cái duyên trời se hay là thằng Hải lựa chọn, mà thấy con bé cũng mặn mà có duyên, lại nhanh nhẹn khéo tay. Có con dâu trong nhà như thế thật không phải lo nghĩ gì. Lần này hai đứa về chơi, thím định làm thịt hai con ngan, mời thêm bác Đức anh trai chồng và hai người hàng xóm, vừa uống rượu vui vừa tiện thể khoe con dâu tương lai.
Buổi chiều, thấy thằng Hải gọi điện về:
– Bố nhớ lấy túi ni lon bọc mấy chùm nhãn lại cho con, không dơi nó ăn hết. Con xin phép đại đội rồi, cuối tuần sau được nghỉ hai ngày.
Cây nhãn lồng Hưng Yên là do thằng Hải xin ở đâu về trồng, hơn bốn năm thì bói. Cả cây chỉ có bốn chùm quả, ba chùm ngoài cành la sai lúc lỉu, một chùm trên ngọn quả thưa thớt. Nó nhắn nếu nhãn chín chờ cả hai đứa về cùng ăn. Cái thằng lo xa, nhãn ra quả mà không trông nom, dơi nó xơi hết thật. Nói vậy chứ vẫn tự hào về thằng trai út. Học trung cấp nghề ba năm xong, nó xin đi nghĩa vụ. Vào bộ đội, vừa được rèn rũa bản thân vừa được phát huy nghề cơ khí. Tới việc tìm vợ làm nghề y để bố mẹ được nhờ, là cái khôn thứ hai. Hồi giáp Tết, chú có chạy xe lên đơn vị thăm con, tiện mang cho nó ít quà Tết, khi gặp cán bộ chỉ huy, ai cũng khen thằng út giỏi, làm chú nở từng khúc ruột. Cũng bõ công nuôi dạy ăn học mười mấy năm trời. Giờ chỉ còn cưới vợ cho nó là xong. Về đi hai đứa. Rồi bố xem tuổi tác, hoàn cảnh gia đình được là nổ ngay lập tức. Anh chị thông gia bên ấy đều là cán bộ ngành y tế, ngồi nói chuyện với nông dân chắc cũng dễ hòa hợp. Mà thôi kệ! Mình cưới dâu chứ đâu cưới thông gia. Ăn thua là thằng Hải được nhà vợ thương yêu, giúp đỡ, còn mọi thứ khác “nhỏ như con thỏ”.
Buổi tối, ngồi bên bàn trà, chú Hùng trầm ngâm:
– Tôi bàn việc này với bà, xem được không?
– Gì nữa ông?
– Hay là tiện thể nhà mình mời bố mẹ vợ thằng Hải sang chơi luôn?
– Thôi! Lạ quá! Chưa đâu vào đâu…
– Chưa chưa cái gì? Hai đứa nó thương nhau là ô kê rồi!
Thím Hùng phảy tay, hỉ mũi.
– Đàn ông biết gì! Để hỏi ý kiến hai đứa đã. Rồi tôi với ông phải đến nhà gái trước, có lời với người ta, rồi mới mời bố mẹ nó qua nhà mình. Ông làm thế, họ nói mình coi thường con bé.
Chú Hùng lại gãi đầu.
– Là tôi nói để vợ chồng mình bàn xem sao.
– Bàn gì? Xã mình không cho tụ tập đông người. Ông nghĩ sao?
Chú Hùng nhăn mặt, bước ra sân. Không được tập trung thì thôi, việc gì mắc mớ chi kiếm chuyện ồn ào quá. Phải thằng chồng khác, nó chửi cho tắt bếp rồi. Thứ vợ con gì, cái miệng quàng quạc như quạ. Mấy con ngan thấy bóng chú cũng kêu cáp cáp đòi ăn. Rải cho tụi vịt nắm hạt ngô, chú Hùng chỉ tay về phía con ngan lớn nhất.
– Ăn đi! Ăn cho béo, kêu cho hả hơi. Tuần sau con trai tao về rồi biết thế nào là quàng quạc.
Chú Hùng cười khùng khục, bước vào bàn trà rót ly nước, đưa lên miệng “trót” một miếng như uống rượu. Nhìn về hướng Đền Hùng, thấy mây đen từng đám lững thững trôi. Gió nam ào ào xô đám cành sấu nghiêng ngả. Đừng mưa ông ơi, để cho tui nhổ nốt hai sào rau. Nếu thằng Hải đưa người yêu về, hai cặp vợ chồng con Hưng, con Hồ nữa là có tám người. Chỉ hai ngày xong sớm, kêu mấy người bán lẻ đến, họ khuân nửa ngày hết veo. Tổ sư cha cái con cô vi cô veo gì ấy, làm hỏng việc hết. Nếu không chú làm nồi lẩu mời anh em tới ăn tiết canh vịt. Buổi tối, chú giục vợ hỏi thằng Hải số điện thoại của bố vợ nó, mình cứ mời lấy may, biết đâu ông ấy thông cảm, qua chơi. Người ta làm cán bộ nhà nước cũng giản dị lắm. Thằng út nghe điện, la oai oái. Bố mẹ vợ đều lu bu ở bệnh viện, thời gian đâu mà thăm với nom.
– Thôi để yên yên tí rồi bàn! Con mời bố mẹ vợ qua thăm nhà mình, có cả bê trưởng của con nữa, anh ấy hứa rồi! Mà chủ nhật này, ba làm cơm sớm nhé. Chúng con ghé chừng hai giờ thôi. Ăn xong là đi ngay.
Chiều thứ bảy, chú Hùng làm ngan sẵn để mai nấu sớm. Đang nhổ lông, chú nghe tiếng vợ kêu ối sau bếp. Buông dao chạy vội ra, thấy bà vợ nằm bên chiếc thang đổ dưới gốc cây nhãn.
– Sao thế?
Thím Hùng ôm đùi, nhăn nhó.
– Có hai chùm nhãn chín, tôi định hái xuống cho chúng nó ăn! Ai ngờ thang đổ…
Chú Hùng đỡ chân vợ, rờ nắn thử. Thím kêu toáng lên:
– Á! Đau quá!
Thấy bắp chân vợ lồi lên một chỗ, chú Hùng vừa bực vừa lo lắng:
– Gãy xương ống chân rồi! Ai bảo bà trèo cây chớ! Để con nó về, nó hái.
Thím Hùng cắn răng cố nén tiếng khóc cứ chực bật ra, hai hàng nước mắt lăn dài.
– Híc! Mai hai đứa về, ai nấu cho chúng nó ăn đây?
– Tôi nấu không được à?
– Ông nấu có ma nó ăn! Để tôi gọi con Hưng về nấu cũng được.
Chú Hùng bực mình, gắt:
– Dẹp chuyện ăn uống lại. Giờ lo đi bác sĩ bó bột cái chân đã!
Chú nhìn qua hàng rào, kêu cô Thảo hàng xóm.
– Vợ chồng nhà Thảo có nhà không? Thảo ơi!
Nghe tiếng chú hốt hoảng, cô Thảo lịch bịch chạy sang:
– Việc gì thế anh? Kìa! Sao chị lại nằm đấy!
– Bà ấy trèo cây bị ngã, gãy chân rồi! Cô giúp anh đưa vào nhà rồi kêu tắc xi đi bó bột.
Cô Thảo xua tay.
– Không được! Anh tìm cho em hai cái nẹp với sợi dây thun, em cố định cái chân gãy lại đã.
Chú Hùng răm rắp làm theo. Cô Thảo trước kia có đi bộ đội mấy năm, nên biết xử lý những vụ thế này.
Hai đứa con gái nghe tin, chạy về tới nhà thì thím Hùng đã nhập viện cả tiếng đồng hồ.
Nhìn vợ nằm trên giường bệnh, với cái chân thẳng đừ, bó bột trắng toát, chú Hùng vô cùng ngán ngẩm. Sơ sảy một tí là khổ mình, khổ cả người khác. Ngày mai hai đứa con về, mất vui. Chợt nhớ ra, chú lấy điện thoại định gọi cho thằng Hải, nhưng nó đã gọi về trước.
– A lô! Bố đây! Đang định gọi cho con.
– Có gì không bố?
– Mẹ mày trèo nhãn, ngã gãy chân rồi. Mai hai đứa về sơm sớm nhé!
Có tiếng thằng Hải kêu trời. Nó nói đơn vị đang chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid. Mai không thể về được
– Để con nói vợ con về chăm mẹ!
– Thôi! Thôi! Bố với hai chị mày chăm được rồi. Yên tâm công tác. Nhớ hết sức cẩn thận.
Giấc khuya, thấy con dâu tương lai gọi điện về. Nó ấp úng không biết kêu chú là bố hay bác.
– Dạ… Bố… à bác ơi! Mẹ con bớt đau chưa ạ?
– Cũng ổn rồi con! Không phải về nhá! Cố mà học chứ sắp thi tốt nghiệp rồi!
– Con xin lỗi vì không thể về chăm mẹ được. Trường con huy động toàn thể sinh viên khóa này đi hỗ trợ dập dịch. Thứ hai chúng con lên đường.
Ồ! Thế là chúng nó cùng đi hết! Chú động viên vợ mình già rồi thì chịu khó ngồi, để cho đám thanh niên đi chống dịch. Xong dịch, hai đứa về, bắt chúng nó làm đám cưới luôn. Thím Hùng khóc vì lo cho hai con. Nghe đâu mấy tỉnh thành phía Nam, dịch Covid lây lan phức tạp lắm, mỗi ngày cả ngàn người nhiễm. Mấy đứa bộ đội với sinh viên còn trẻ, có biết đường mà tránh không? Chú Hùng ngồi xoa xoa cái chân bó bột.
– Bà có ngứa, nói tôi lấy cây que gãi cho nhá.
Truyện ngắn của Phùng Phương Quý