Khi gió chướng về trên sân nhà, nhìn những cây mai vừa sắp qua mùa ngủ đông, nơi nách lá đâm ra mấy cái chồi lộc biếc, những mảnh đạn ghim sâu trong lớp da hồng hào của mẹ năm nào lại cục cựa. Những lần như vậy, tôi biết mẹ đang nhớ đồng đội. Ở nhà quanh quẩn với cháu con từ dạo về hưu, mẹ ít khi thăm thú bạn bè, mặc dù lòng bà đau như cắt khi nghe ai đó lìa trần, mà lời hứa sẽ đến thăm mấy năm rồi chưa thực hiện được. Biết nỗi lòng ấy cồn cào trong sự lặng im của tấm lòng người mẹ thương con, chúng tôi khuyên bà để việc nhà, cháu con cho chúng tôi lo, mẹ sắp xếp đi du lịch, đây đó thăm thú bạn bè đồng đội. Nói mãi mẹ mới chịu “bàn giao” nhiệm vụ cho con.
Từ đó, năm nào cứ vào những ngày xuân, mẹ tôi cũng đi xa một chuyến để thăm đồng đội. Sau mỗi chuyến đi về, bà vui mừng khoe với đám con những người bạn bị mất liên lạc từ lâu, nay nhờ từ người này mà tìm ra được người kia, rồi từ người kia lại tìm ra thầy cô, bạn bè, đồng đội khác. Lòng bà vui mừng khi những điều nhỏ nhoi trong trí nhớ tưởng chừng đã mất, nay lại tìm về được. Điều đó thật viên mãn, trước ngày mẹ tôi đột ngột lâm bệnh nặng ở nơi xứ lạ quê người…
Hôm đó có cuộc gọi về cho hay, người ta tìm thấy mẹ nằm gục trước một ngôi mộ trong nghĩa trang, bên cạnh mấy nhành mai, nên đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Chúng tôi tức tốc đến nơi, kịp lúc mẹ chuẩn bị được chuyển lên tuyến trên. Nằm viện hơn một tháng trời, tóc mẹ bạc trắng và rụng đi nhiều, giọng nói lắp bắp, ngọng nghịu gọi tên những đứa con.
Về nhà, thần trí và sức khỏe của mẹ có phần đỡ hơn hôm lâm bệnh. Mẹ đi những bước lựng khựng khó khăn, nhưng vẫn cố gắng tập đi vòng quanh căn phòng mười sáu mét vuông của mình. Có lúc tâm trạng vui, mẹ nói, bà cố gắng tập đi, để năm sau đi thăm bè bạn nữa. Chúng tôi không ưng lòng lắm, nhưng không muốn mẹ buồn nên tỏ ra đồng ý. Nhìn mẹ lật từng tờ lịch, lòng chúng tôi vừa tủi vừa buồn. Có đoạn tôi ngồi ăn cơm với mẹ, phải cố ăn thật chậm để kịp kết thúc bữa ăn cùng lúc với bà. Nhìn bàn tay mẹ run run, lòng tôi như thắt lại. Mẹ nói:
– Con có nhớ cha mình không?
Tôi chợt bất ngờ, bởi từ lâu mẹ không hề nhắc đến cha. Trong những điều tôi biết, mẹ nhận nuôi tôi khi bà vừa là cô giáo làng, vừa hoạt động cách mạng trong lòng địch. Còn cha tôi, không ai biết ông là ai, cả mẹ cũng không hề nhắc đến. Sau này khi lớn hơn chút, tôi có đôi lần hỏi mẹ, nhưng lần nào bà cũng cố tránh né, lảng sang chuyện khác.
Tôi sợ mẹ phải nghĩ suy nhiều thì thần trí sẽ u buồn nên không gặng hỏi thêm. Có lúc tôi lại nghĩ, trong sự chập chờn của nỗi nhớ và quên mỗi khi mùa mưa lạnh hoành hành vết đạn ở trong mình; có thể mẹ nhầm lẫn điều gì đó về cha tôi nên bà mới hỏi tôi như vậy.
Mọi chuyện lại trôi qua, cho đến mùa xuân năm nay. Mẹ nói rằng bà muốn đi về thành phố biển. Nơi năm trước bà đã ngã quỵ ở nghĩa trang ven thành. Chúng tôi chần chừ ít hôm với lời đề nghị của mẹ, thì thấy mắt mẹ ngày một nặng trĩu nỗi buồn. Biết là khó có thể dằn lại mong muốn đó của bà, chúng tôi đành chấp nhận thực hiện chuyến đi. Nhưng lần này đám con sẽ cùng đi đến đó. Suốt chuyến đi, mặc dù chân tay còn chậm chạp và bước những bước nặng nhọc, nhưng mẹ bỗng vui như trẻ lại.
Nghĩa trang nằm ngó mặt ra phía biển. Vợ con tôi sắm sửa nhang khói và trưng mấy nhành mai mang theo, như lời mẹ dặn. Mẹ vui mừng, và như nhanh nhẹn hơn, dắt chúng tôi đi qua những hàng mộ, rồi bà dừng lại ở một ngôi mộ liệt sĩ, hy sinh vào ngày mồng ba Tết trong trận Mậu Thân. Mẹ nói đây là người đã gửi đứa trẻ cho bà năm nào. Trong sự ngỡ ngàng của tôi, mẹ đặt một nhành mai bên mộ, rồi nói thầm: “Con nó đến đây thăm đồng chí!”. Quay sang mẹ nói với tôi, mắt bà đỏ hoe xúc động:
– Cha con đó, cha của con đây này.
Tôi bất ngờ, tâm trạng vô cùng bối rối. Trước giờ mẹ không nói với tôi điều gì về cha. Nay mẹ cho tôi biết về thân phận mình, một cách đột ngột khiến lòng tôi buồn vui khó tả.
Trong lúc vẫn còn bối rối, không biết phải bắt đầu hỏi mẹ từ đâu để rõ hơn, thì bất ngờ có một nhóm người tiến lại, một người phụ nữ khoảng tuổi mẹ tôi, lớn tiếng:
– Tôi đã nói với bà rồi, chồng tôi không có con rơi con rớt gì cả. Tết năm nào bà cũng đến đây nhang khói như vậy, bà không thấy xúc phạm chúng tôi hay sao?
Mẹ đang vui mừng, bỗng dưng chuyển sắc mặt sang tím tái. Tay bà run run, bà vẫn ngồi im, không đứng lên được.
Bối rối trước câu chuyện của mẹ, tôi lại càng bất ngờ và khó xử hơn với câu chuyện của nhóm người vừa tiến đến. Tôi cố trấn an mình rồi bước đến hỏi chuyện nhỏ nhẹ, nhưng người phụ nữ kia vẫn không thôi giận, quát lớn hơn.
– Bà này, chính bà này đây, năm nào bà cũng đến đây khói hương, rồi nói chồng tôi có một đứa con rơi. Nhưng tôi biết rõ hơn ai hết, chồng tôi chỉ có tôi, không có ai ngoài tôi cả. Làm sao có con rơi rớt cho được.
Nói xong bà nhìn sang phía mẹ tôi: “Bà đừng có mà nhận bừa”. Mẹ tôi run lên, đôi mắt bà sợ sệt vô cùng rồi bà thở những hơi nặng nhọc. Biết không thể để mẹ ở đây lâu. Tôi tức tốc đưa mẹ ra xe, người đàn bà vẫn không thôi nói với theo, rằng, “đừng đến đây tìm chồng tôi nữa”…
★
Tôi tìm đến nhà của người vợ liệt sĩ, theo chỉ dẫn của bác quản trang. Khi bước qua cánh cổng, tôi chợt thấy lòng mình dậy lên những cảm xúc rất lạ. Bước vào nhà, nhìn thấy bàn thờ liệt sĩ ngay trước mặt, lòng tôi bỗng xúc động, như có điều gì thôi thúc mình thắp một nén nhang để xin lỗi người quá cố thay cho mẹ. Tuy nhiên, tôi chỉ dám nhìn mà lẳng lặng không dám ngỏ lời. Tôi sợ sẽ làm phiền những người thân. Nên trước người vợ liệt sĩ, tôi gửi lời xin lỗi:
– Cháu xin lỗi bác, có thể thần trí mẹ cháu không được bình tĩnh, nên bà mới có những hành động làm bác phiền lòng.
– Anh nói thế thì tôi không chấp bà ấy làm gì. Thế bà ấy đã đỡ hơn chưa?
– Dạ, bác sĩ nói, phải chuyển vào Sài Gòn gắp miếng miểng đạn trong đầu ra, thì mẹ cháu mới mong sống thêm một thời gian nữa. Còn thần trí của bà, thì như mây gió, không đọng lại được lâu.
Người đàn bà lúc này mới nhìn thẳng vào mắt tôi, mắt bà xúc động đỏ lên. Bà nắm lấy tay tôi, giọng bà nghèn nghẹn:
– Thế mẹ cháu cũng là thương binh à?
– Dạ phải ạ, mẹ cháu là thương binh!
Giọng người vợ liệt sĩ chùng nhẹ xuống:
– Thế khi xưa chị ấy hoạt động cách mạng ở vùng nào?
– Mẹ cháu hoạt động trong lòng địch ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm.
Nghe nói đến địa danh, người vợ liệt sĩ bỗng đứng dậy, gương mặt đầy ngạc nhiên và xúc động.
– Chị ấy có phải cô giáo Út Vân không, cháu?
Câu hỏi của người đàn bà dồn dập, làm tôi hơi bất ngờ, vì sao bà ấy lại biết được bí danh hồi kháng chiến của mẹ tôi. Người vợ liệt sĩ chợt nắm lấy tay tôi, xúc động, đằng sau niềm xúc động ấy là một câu chuyện dài.
Những bức thư hiếm hoi trước khi hy sinh được gửi về đến gia đình của người liệt sĩ, có một lá thư ông viết trước khi hy sinh một bữa, có kèm mấy bông mai của miền nam. Mấy mươi năm trôi qua, bông mai đã khô màu nhưng vẫn còn vẹn nguyên dáng hình. Trong lá thư ấy, ông kể rằng, khi tiến vào thành phố, ông đã lượm được một đứa nhỏ chừng năm tháng. Cha đứa bé ấy là lính của đồn giặc, bị phía ta tiêu diệt. Mẹ nó cũng lìa đời trong nhập nhòa lửa đạn. Đứa nhỏ may mắn thoát chết, ôm vú mẹ bú miết không thôi. Ông đã bồng đứa nhỏ theo về đơn vị, nhưng điều kiện chiến sự không cho phép, đành phải gửi cho một đồng chí hoạt động trong lòng địch ở lại nội thành nuôi lấy, và ông đã bảo rằng đây là con ruột của mình, sợ nhỡ cô ấy kỳ thị thân phận đứa nhỏ. Thư viết vội, ông không kể rõ vì sao lại giấu biệt lai lịch đứa nhỏ là con của địch, chỉ nhắc lại rằng gửi thằng bé cho đồng chí, tên là Út Vân, một cô giáo hoạt động cách mạng ở Hóc Môn, Bà Điểm.
Nghe câu chuyện, lòng tôi vừa xúc động vừa dâng trào những nỗi niềm rất lạ. Phải chăng đó là thứ cảm xúc của sự ruột rà thân thuộc.
★
Chiều ấy, trước khi chúng tôi chuyển mẹ về Sài Gòn, bà chợt mở mắt nói được vài câu tỉnh táo:
– Con thắp cho cha nén nhang, cho cha vui lòng!
Người vợ liệt sĩ đến bệnh viện từ lâu, bà không gõ cửa, chỉ đứng đó chờ. Tôi bước ra thấy bà, chợt bất ngờ vô cùng, định cất lên tiếng chào nhưng người vợ liệt sĩ đã nhanh tay ra dấu rằng tôi đừng nói gì cả. Bà bước nhẹ nhàng vào phòng. Mẹ tôi nhận ra bà nên run run đôi tay, mặt bỗng tái xanh.
– Tôi đây, chị ạ! Chị đừng buồn tôi-Người vợ liệt sĩ nói.
Như chờ đợi từ rất lâu, mắt mẹ rưng rưng không nói nên lời. Người vợ liệt sĩ nắm lấy tay mẹ nói tiếp, miệng nở nụ cười mà đôi mắt như ngấn lệ.
– Chị về phải khỏe. Năm nay giỗ bố chúng nó, chị ra với tôi.
Mẹ tôi mở to đôi mắt, bà như muốn giang tay ôm lấy người vợ liệt sĩ, nhưng cố mãi vẫn không được. Người vợ liệt sĩ ôm lấy mẹ: “Tôi tin chị!”. Hồi lâu, bà nói tiếp: “Chị tin tôi, về trong ấy chị nhất định phải khỏe nghe!”.
Có nhiều việc khó hiểu đã xảy ra với gia đình tôi. Ví như cơn đại phẫu “thập tử nhất sinh” của mẹ thành công hơn cả mong đợi, và việc bà hồi phục một cách thần kỳ, làm tôi ngờ ngợ về một thứ biệt dược tinh thần.
Bây giờ, cứ dịp xuân, chúng tôi đều đưa mẹ đến thành phố biển, không bao giờ quên mang theo những nhành mai do chính tay mẹ và tôi trồng, chăm bón suốt một năm ròng. Những nhành mai thay tiếng lòng của mẹ con tôi dành cho gia đình người ân nhân, cũng là những người thân như ruột thịt.
Truyện ngắn của Lê Quang Trạng
Nguồn: Báo Nhân Dân