NHÂN VẬT
Bà Hương: Bà mẹ
Nguyệt: Người ra đảo lần 2
Hoa: Phóng viên báo
Dung: Phóng viên Đài
Trang: Diễn viên đoàn văn công
Trưởng tàu
Tiến, Huy: Chiến sĩ tàu Trường Sa.
CẢNH 1
Trong một căn phòng trên tàu Trường Sa
Bà Hương cùng các cô gái đang quây quần bên nhau. Trang ngồi ngắm biển qua cửa sổ. Dung ngồi xem lại ảnh trong Ipad. Nguyệt, Hoa ngồi bên bà mẹ.
Loa phát thanh trên tàu: Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu. Sáng nay, chúng ta tiếp tục hải trình đến thăm các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam nằm ở phía đông nam bờ biển Tổ quốc ta. Khu vực DKI này thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu…
Nguyệt: Tuyệt quá! Thế là chuyến đi này mẹ con mình khám phá dọc vùng biển Trường Sa rồi.
Hoa: Chục ngày qua lênh đênh trên biển, thăm được 12 đảo rồi. Hôm nay thăm nhà giàn nữa. Thật hơn cả tuyệt vời!
Dung: Hai đứa trật tự xem họ thông báo gì đã nào. Chưa chi đã mừng cuống lên thế.
Bà Hương: Phải đấy. Để nghe chỉ huy tàu thông báo đã.
Tiếng loa: Đây là điểm dừng chân cuối cùng của hải trình. Khu vực này có 15 nhà giàn, chúng ta chỉ thăm 1 nhà giàn đại diện. Nhà giàn được thiết kế theo kiểu chôn cột giàn khoan, đặt ở vùng nước sâu hơn hai chục mét, chiều dài công trình gần 40 mét, cách mặt nước biển lúc triều cường hơn chục mét. Lối lên nhà giàn là cầu thang nhỏ hẹp, rất khó đi. Vì vậy, chỉ những ai trẻ khỏe mới lên được. Ưu tiên các nhà báo và anh chị em văn công. Còn lại, xin mọi người nghỉ lại ở tàu chờ đoàn. Trân trọng thông báo. Chào thi đua quyết thắng.
Bà Hương: Trời! Chả lẽ không cho già này lên?
Nguyệt: Lần trước con ra cũng thế đấy mẹ ạ. Nhà giàn cao như cái nhà 5 tầng, chon von giữa biển trời. Phải leo cái cầu thang gần như thẳng đứng để lên.
Hoa: Eo ôi! Thế cơ á?
Dung: Cả năm, cả tháng chỉ có quanh quẩn trên cái lầu đó thôi hả chị?
Nguyệt: Thì thế. Trông xa thì nhỏ nhưng lên đó cũng rộng phết. Mấy trăm mét vuông cơ mà. Lãng mạn lắm nhé. Đêm trăng mà ở nhà giàn, lên sân thượng ngắm biển, ngắm trời thì chỉ có nhất.
Trang: Thế chị được ngắm chưa?
Nguyệt: Chưa. Làm gì mà được ngắm.
Dung: Vậy mà em cứ tưởng. Chị đúng mộng mơ hơn cả nghệ sĩ.
Trang: Thì có ai cấm mình mơ mộng đâu, chị Nguyệt nhỉ?
Nguyệt: Thực sự thì trên đó khắc nghiệt lắm. Quanh năm lơ lửng lưng trời. Nắng gió, bão giông quật lên quật xuống vật vã lắm mẹ và mấy đứa ạ. Thường trực ở các nhà giàn là bộ đội hải quân, cán bộ, nhân viên ngành hàng hải, khí tượng, thủy văn dầu khí. Họ ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ quốc kế dân sinh. Là điểm bảo đảm an toàn, an ninh, cứu người tai nạn, sửa tàu hỏng hóc bất ngờ cho các tàu cá.
Bà Hương: Họ là những cột mốc chủ quyền sống của ta đấy các con ạ. Đúng là nơi đầu sóng ngọn gió. Gian khổ kiên cường giữ bình yên cho Tổ quốc.
Nguyệt: Lần trước con ra, bộ đội hải quân đàn hát giao lưu, chuyện trò vui lắm. Cái họ thiếu nhất đó là nước ngọt và rau xanh. Nước ngọt thì từ đất liền mang ra hứng hoặc khi trời mưa tới. Rau cũng vậy. Giờ họ cũng đã trồng được một ít rồi nhưng sao mà đủ được.
Trang: Đất ở đâu để trồng rau được hả chị?
Nguyệt: Từ đất liền mang r=a. Giống cũng thế. Cứ mỗi chuyến tàu ra lại mang theo một ít đất đựng trong hộp xốp, chuyển qua nhà giàn, lên sân thượng, trên tận nóc nhà giàn, để cho lính trồng rau. Chuyến này, tàu mình ra cũng mang một số hộp đất như thế đấy. Lần trước, chị leo lên nóc nhà giàn tận mắt nhìn những khay rau xanh mướt mắt chị mới càng khâm phục. Ảnh chị vẫn còn giữ đây này (mở Ipad cho bà mẹ và mọi người xem ảnh).
Hoa: Đẹp quá! Nhất định em phải lên được chỗ này như chị. Báo em đang cần những hình ảnh và tư liệu như thế này.
Dung: Em cũng phải lên. Đài em cũng cần lắm. Em sẽ quay hết những cảnh về nhà giàn, đủ các góc độ. Ghi hình, phỏng vấn ngay tại hiện trường. Đảm bảo sẽ sinh động tuyệt vời luôn. Khỏi cần nhiều lời. Cứ hình ảnh đó ai cũng sẽ cảm nhận được.
Trang: Em cũng lên. Nghề diễn viên của em cũng cần thực tế về giàn khoan lắm. Hát những bài về giàn khoan, về biển dù mình có cố gắng thả hồn đến mấy, đằm trong câu hát đến mấy mà không có thực tế thì cũng cứ bị khô khan thế nào ấy. May cho em đợt này rồi.
Nguyệt: Thế cả phòng mình lên tất à? Đông vậy liệu người ta có cho đi không?
Hoa: Đi chứ. Ưu tiên nhà báo với văn công mà. Họ vừa nói đấy thôi.
Bà Hương (thủng thẳng nói): Mẹ cũng lên!
Tất cả quay về phía bà mẹ.
Dung: Mẹ không lên được đâu.
Bà Hương: Được chứ. Mẹ lượng sức được mà. Khó như chuyển từ tàu xuống mẹ còn làm được thì việc leo cầu thang lên nhà giàn có là gì. Nhất định mẹ phải đi. Ra tới đây, đến được các đảo mà không vào thăm được nhà giàn thì tiếc lắm. Với lại mẹ còn có một việc quan trọng.
Nguyệt: Việc gì vậy mẹ?
Bà Hương: Tới lúc đó mẹ mới nói. Các con phải giúp mẹ đấy.
Trang: Công nhận cái đoạn chuyển tàu xuống xuồng thăm các đảo khó và nguy hiểm thật. Sểnh chân một tí là rơi xuống biển ngay. Thế mà mẹ làm cứ ngon ơ. Thanh niên như con cũng còn sợ nữa là. Không có mấy anh lính hải quân nắm tay, xốc nách thì cũng chịu.
Bà Hương: Mẹ cứ theo mấy đứa hải quân hướng dẫn thôi. Cái này chủ yếu là khéo léo, chọn đúng thời điểm là ổn. Chờ sóng lên, xuồng duềnh lên theo sóng, mặt xuồng gần bằng mặt tàu, mình chỉ việc bước chân qua là xong. Chứ để sóng xuống, xuồng xuống theo lúc đó mới nhảng chân thì rơi xuống biển là cái chắc. Nhìn thì sợ đấy, nhưng làm dứt khoát mau lẹ là xong. Càng để càng nhìn càng sợ. Còn việc leo cầu thang thì… ở nhà mẹ thường xuyên sáng nào cũng tập leo.
Nguyệt: Nhưng mà cầu thang ở nhà khác, đây khác.
Bà Hương: Khác cái gì? Chật hơn, dốc hơn là cùng chứ gì. Biển sâu, trời cao, lộng gió chứ gì. Mình cứ nhìn lên mà bước, vịn tay chắc chắn mà bước. Các con cứ cho mẹ đi cùng.
Dung: Tuyệt rồi! Con nghĩ ra rồi!
Trang: Chị nghĩ ra cái gì?
Dung (nói với bà mẹ): Mẹ sẽ lên cùng chúng con, trả lời phỏng vấn cho con ngay trên nóc nhà giàn mẹ nhé. Hơn tất cả mọi bài viết, mọi lời nói. (rồi mơ màng tưởng tượng) Hiện mẹ đang đứng trên nóc nhà giàn ngắm rau xanh của bộ đội, ngắm biển trời bình yên đây. Đấy, mẹ đang cười, tóc bạc trắng như mây bồng bềnh cùng gió biển. Mắt mẹ ngời sáng tin yêu. Xung quanh mẹ là những chiến sĩ hải quân đó (quay lại nhìn vào bà mẹ, hai tay Dung nắm tay bà mẹ lắc lắc). Trời ơi! Tuyệt quá mẹ ạ. Mẹ giúp con nhé.
Bà Hương: Đừng có tán hươu vượn to tát như thế. Mẹ chỉ cần lên được đến đó để xem ngoài này con cháu chúng nó sống thế nào thôi. Khỏe mạnh, cơm no, rau xanh, nước sạch, ti vi đài điện đầy đủ, súng chắc trong tay là mừng rồi. Nhà văn, nhà báo các chị cứ mây gió thêm vào, phức tạp làm gì?
Dung: Ấy là con nghĩ thế. Mẹ lên được nhà giàn là tuyệt rồi. Bây giờ thế này. Cho phép em được phân công nhé. Chị Nguyệt có kinh nghiệm ra đảo, lên nhà giàn rồi sẽ trực tiếp hộ tống mẹ. Cái Trang chỉ có việc hát không phải máy ảnh, camera lỉnh kỉnh như bọn chị nên phải cùng chị Nguyệt giúp mẹ. Để chị cùng cái Hoa tác nghiệp. Nhất hai người đấy. Vừa được giúp mẹ lại vừa được lên hình. Em chỉ làm đẹp cho mọi người thôi chị Nguyệt ạ.
Nguyệt: OK. Cứ thế mà làm. Mẹ sẽ theo con.
Trang: Đồng ý. Chị Dung phải quay mẹ với em nhiều vào đấy.
Dung: OK! Chỉ được cái thế là nhanh.
Lúc này căn phòng chao đảo, mọi người nghiêng ngả bên nọ bên kia. Trời tối sầm lại.
Hoa: Sao lại thế này nhỉ? Tàu có vẻ lắc lư lắm mẹ và mấy đứa ạ.
Trang: Ối! Nhìn biển ngoài kia kìa? Sao bỗng dưng tối sầm lại thế này. Sóng nữa? Trắng xóa, cuồn cuộn lên thế kia. Từ hôm đi đến nay có hôm nào như thế này đâu?
Nguyệt: Chị cũng nhộn nhạo hết trong người đây này.
Tiếng loa: Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu! Tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp. Cơn bão số 3 bất ngờ đang quay hướng ập tới. Yêu cầu mọi người bình tĩnh, hạn chế lên boong tàu. Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa chúng ta sẽ tới khu vực nhà giàn. Để bảo đảm an toàn cho cuộc hành trình, yêu cầu mọi người ở trong phòng và chuẩn bị sẵn áo phao bên cạnh. Hạn chế đi lại giữa các phòng. Nếu không có nhiệm vụ gì thì không lên boong.
Hoa: Chán thế! Lại giông với chả bão!
Trang: Kiểu này khéo em lại say sóng mất. Mấy hôm đầu đã say rồi. Giờ hôm cuối lại say nữa thì chết. Làm sao mà lên được nhà giàn để hát cho các anh nghe được cơ chứ?
Bà Hương: Bão gió thế này, sóng to thế kia, liệu các chiến sĩ có làm sao không? Có khi nào bão làm đổ nhà giàn không?
Dung: Có đấy mẹ ạ. Con xem trong tài liệu thì đầu tháng 12 năm 1988, cơn bão số 8 rất mạnh tràn qua vùng biển DKI. Trước tình thế rất hiểm nghèo, trạm trưởng, đại úy Vũ Quang Chương cùng 8 chiến sĩ của nhà giàn DKI/6 Phúc Nguyên đã kiên trì bám trụ, giữ vững liên lạc, báo cáo chính xác mọi diễn biến về sở chỉ huy. Giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mùng, họ vật lộn với sóng gió, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với bão.
Trang: Sau họ có làm sao không hả chị?
Dung: 9 cán bộ nhân viên, một tập thể kiên cường với tinh thần còn người còn nhà trạm, kiên quyết bám trụ bảo vệ nhà giàn đến cùng. Tuy nhiên, trước những trận cuồng phong, những cơn sóng lớn, đỉnh sóng cao tới 14 – 15 mét đánh mạnh trùm qua cả nhà giàn làm cho nhà giàn rung chấn dữ dội, nghiêng lắc rất mạnh. Đến 3 giờ sáng thì nhà giàn bị đổ, hất tung 9 chiến sĩ xuống biển.
Bà Hương: Trời! Tội nghiệp các con tôi!
Hoa: Sau đó rồi sao chị?
Dung: Lực lượng tàu trực cấp cứu của hải quân đã khẩn trương, tích cực tổ chức tìm kiếm, cấp cứu ngay sau đó. Ba ngày quần đảo trên biển, cuối cùng họ chỉ cứu vớt được 6 người. Còn lại 3 người là đại úy trạm trưởng Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp ra đa Lê Đức Hồng, chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện Nguyễn Văn An đã mãi mãi ở lại với biển khơi. Thi thể các anh đã hóa thân vào với sóng nước của đại dương mênh mông. Tấm gương anh dũng, tinh thần quả cảm, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc của họ còn sống mãi.
Bà Hương: Nam mô A di đà Phật! Cầu chúc cho linh hồn các con được siêu sinh tịnh độ. (Bà mẹ lần tràng hạt lẩm nhẩm khấn vái).
Trang: Thương các anh quá. Hôm làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma, lúc thả hoa xuống biển, em thấy ai cũng nghẹn ngào nước mắt. Giờ đến đây, nghe chị kể chuyện này em cũng thấy xúc động quá.
Nguyệt: Theo lịch trình thì trước lúc lên nhà giàn, tàu sẽ dừng lại để làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã nằm xuống nơi đây đấy. Giờ giông bão thế này thì…
Hoa: Sau trận bão đó mình tu sửa nhà giàn đó ngay chứ chị.
Dung: Không phải là tu sửa mà làm mới lại hoàn toàn. Công trình có chiều cao gần 48 mét, tổng diện tích 310 mét vuông, tổng trọng lượng 493 tấn. Vững chãi hơn rất nhiều.
Bà Hương: Có thế chứ. Thế mới chiến thắng được thiên tai, địch họa để chốt giữ, bảo vệ nơi đây cho Tổ quốc. Dứt khoát mẹ phải lên được nhà giàn. Các con đồng ý không?
Tất cả: Đồng ý.
Tiếng loa: Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu! Chúng ta đã đi vào vùng biển DKI. Tuy nhiên, bão đã ập tới rất mạnh. Yêu cầu mọi người không ai lên boong nữa.
Nguyệt: Nhà giàn kia rồi!
Hoa, Trang, Dung (xúm lại chỗ cửa sổ chụm đầu nhìn qua cửa kính): Đâu chị?
Nguyệt: Đấy! Nhà giàn đấy!
Bà Hương (chạy tới): Đâu? Cho mẹ ngó tí?
Nguyệt: Kia kìa mẹ. Mờ mờ mãi đằng xa đấy. Chờ cho ngọn sóng xuống mới nhìn được cơ mẹ ạ.
Tàu rung lắc mạnh. Trang bắt đầu nôn ọe. Mọi người xúm lại giúp Trang. Bên ngoài sóng chồm cao, tung bọt trắng xóa. Biển gầm gào (minh họa bằng nhạc đàn ooc-gan).
Tiếng loa: Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu! Vì cơn bão ập đến ngoài dự kiến nên tàu chúng ta không thể tiếp cận nhà giàn được. Sóng lớn, biển động, gió to, xuồng máy không hoạt động được. Do đó, chương trình vào thăm nhà giàn đành hủy bỏ. Chúng ta sẽ neo tàu tại đây. Đề nghị các đồng chí văn công di chuyển về phòng tuyên truyền tại ca-bin tàu để nhắn gửi, hát cho các chiến sĩ trong nhà giàn nghe qua hệ thống loa của tàu.
Nguyệt: Thế có chán không cơ chứ. Giời với chả đất.
Dung: Cái Trang nôn nao thế này, hát được không?
Trang: Hát chứ.
Hoa: Mặt mày tái mét kia kìa.
Trang: Em không sao đâu mà.
Bà Hương: Để mẹ đi cùng cái Hoa. Mẹ cũng sẽ hát.
Nguyệt, Hoa, Dung, Trang tròn mắt nhìn bà mẹ.
Bà Hương: Mấy đứa không tin hả? Hồi ở Trường Sơn mẹ trong đoàn văn công đấy. Giờ về nhà, mẹ tham gia đội văn nghệ phường mà. Điện thoại của mẹ vẫn lưu sẵn mấy bản nhạc mẹ vẫn hay hát đây này. Lát nữa, mở ra mẹ hát theo nhạc nền đó. (Bà mẹ rút cái điện thoại trong túi ra định bấm cho mọi người nghe thì Nguyệt xua tay).
Nguyệt: Thế thì tuyệt rồi! Con sẽ hộ tống mẹ và em Trang. Trang! Cố lên. Hát cho hay vào đấy.
Trang: Chị yên tâm. Lúc này chả hát còn hát vào lúc nào nữa. Em chông chênh tí thôi. Giờ thì ổn rồi.
Dung: Em sẽ ghi hình ngay tình cảnh này. Nào chúng ta sang phòng tuyên truyền thôi.
(Cả bọn kéo sang phòng tuyên truyền chính là ca bin tàu. Phòng này được bố trí liền đó, đẩy bức tường hoặc kéo tấm phông che chắn là xong. Trong phòng, Thủ trưởng tàu và tổ lái đang trực bên máy).
CẢNH 2
Trong ca bin tàu
Nguyệt: Chào các anh! Chúng tôi đến để hát và ghi hình về tuyên truyền theo thông báo của tàu đây ạ.
Trưởng tàu: Chào mẹ và các cô! Ơ! Dưng mà mẹ lên đây làm gì? Đang bão, tàu lắc lư nguy hiểm lắm.
Bà Hương: Cho mẹ hát với.
Trưởng tàu (ngạc nhiên): Mẹ hát hả? Từ hôm tới giờ con có thấy mẹ hát đâu? Giữa bão tố phong ba này liệu mẹ hát được không?
Bà Hương: Thì sao con? Mấy hôm rồi mẹ chưa hát chứ không phải mẹ không hát. Các con cho mẹ ra thăm Trường Sa thế này là thỏa nguyện lắm rồi. Hôm nay, ngày cuối của chuyến đi, mẹ muốn hát tặng các con ngoài biển đảo, nhất là mấy đứa trong nhà giàn kia một bài chả lẽ lại không được ư? Giông bão thì mặc giông bão. Các con chịu được mẹ cũng chịu được.
Nguyệt: Phải đấy. Mẹ là cựu văn công đấy anh ạ. Anh để mẹ hát nhé.
Hoa: Mẹ còn đòi được lên tận nóc nhà giàn nữa cơ.
Trang: Công nhận mẹ khỏe thật. Con chả thấy mẹ say tẹo nào. Đảo nào cụ cũng đến. Xuồng nào cụ cũng đi. Con theo kịp cụ còn chán.
Bà Hương: Tao ra thăm các con tao mà lị. Thấy chúng nó khỏe khoắn, chắc tay súng là mừng rồi. Vậy nên hôm nay tao phải hát.
Một chiến sĩ: Để mẹ hát đi thủ trưởng! Em thấy mẹ thật tuyệt vời!
Chiến sĩ khác: Đúng đấy. Giữa giông tố thế này mà được nghe cụ hát thì lính ta thích lắm.
Trưởng tàu: Đồng ý. Các đồng chí! Bật tăng âm, loa máy lên. Mở hết cỡ lên nhé. Đồng chí Huy liên lạc với nhà giàn để thông tuyến di động (chiến sĩ tên Huy lấy điện thoại làm động tác alô).
Huy: Báo cáo thủ trưởng. Nhà giàn đã tiếp nhận điện thoại.
Trưởng tàu: Bắt đầu.
Chiến sĩ phát thanh viên (sau khi chuẩn bị loa máy xong nói): Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu! Tàu chúng ta sẽ dừng tại đây ít giờ để chuyển lời nhắn gửi cùng chương trình văn nghệ của đất liền tới nhà giàn. Toàn bộ chương trình này sẽ được phát thanh hướng tới nhà giàn cho cán bộ chiến sĩ ở đó nghe và truyền thanh trực tiếp tới các phòng trên tàu. Đề nghị mọi người lắng nghe cổ vũ. Sau đây, kính mời thủ trưởng đoàn phát biểu ý kiến khai mạc chương trình.
Trưởng tàu: Kính thưa các đồng chí cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DKI! Chúng tôi, đoàn công tác số 15 gồm quân, dân, chính, đảng từ đất liền ra thăm, kiểm tra, giao lưu tặng quà quân và dân trên quần đảo Trường Sa hiện đã tới nhà giàn DK1. Theo đúng lịch trình, chúng tôi sẽ tới thăm các đồng chí. Nhưng vì cơn bão số ba chuyển hướng, quay đầu vào đất liền gây sóng to gió lớn, khiến tàu xuồng không vào tới nhà giàn được. Chúng tôi neo đậu tại đây xin gửi tới các đồng chí lời chào trân trọng nhất. Chúc cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn mạnh khỏe, chắc tay súng giữ vững biển trời, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các đồng chí nghe rõ chứ?
Huy (bật điện thoại chế độ nghe ngoài, tiếng trả lời vọng ra): Báo cáo! Chúng tôi nghe khá rõ! Xin cảm ơn đất liền!
Trưởng tàu (nói nhỏ và ra hiệu): Trang! Em hát trước nhé!
Trang (lại cầm micro): Em là Thu Trang. Em xin gửi tới các anh nhà giàn lời chào yêu thương kính trọng nhất. Em đang say sóng, không thể hát cho các anh nghe được, xin gửi tặng mấy câu thơ em vừa viết, mong các anh hiểu tấm lòng em các anh nhé (đọc trong nghẹn ngào).
Nhìn thấy nhau mà không thể gặp nhau
Nhà giàn kia xung quanh toàn ngầm đá
Sóng cả, gió to, biển quay cuồng vật vã
Xuồng nhỏ thế này… Không. Không thể anh ơi!
Ra thăm anh đành neo đậu đây thôi
Gửi nỗi nhớ thương vượt lên đầu ngọn sóng
Mong các anh khỏe vui, luôn vững vàng tay súng
Mãi mãi yêu anh chung thủy trọn đời…
Các anh nghe được thơ em chứ? Cầu chúc các anh bình an, chiến thắng nhé. Đất liền, quê hương luôn ở bên các anh.
Huy: Nhà giàn báo về nghe được thơ và cảm ơn em Thu Trang nhiều lắm. Tuy nhiên, sóng cả, gió to, có lúc bậm bõm nghe chưa rõ. Họ yêu cầu hát qua điện thoại thủ trưởng ạ.
Trưởng tàu: Thế hả? Lấy cái điện thoại tốt nhất ra đây. Nào ta hát tiếp nhé.
Bà Hương: Để mẹ!
Trưởng tàu (nhìn bà mẹ hơi ngần ngại, song trước sự hào hứng của bà mẹ, anh nói): Các đồng chí nhà giàn chú ý. Vì sóng to, gió cả theo đề nghị của các đồng chí, chúng tôi sẽ hát qua điện thoại. Các đồng chí bên đó bật loa ngoài nghe chung nhé. Sau đây là tiết mục đặc biệt. Diễn viên là mẹ Xuân Hương, cựu văn công. Mẹ tuổi cũng đã cao nhưng vẫn muốn ra Trường Sa thăm con cháu bảo vệ biển đảo. Mẹ xin hát tặng các chiến sĩ nhà giàn một bài hát, các đồng chí nghe nhé.
Bà Hương: A lô! Mẹ đây!
Tuổi đã cao rồi mẹ ra đảo Trường Sa
Lại lên tàu hành quân cùng con cháu
Để nhìn Tổ quốc từ trùng khơi biển đảo
Thấy các con vui khỏe, mẹ mừng.
Vì sóng cả, gió to, đoàn không vào nhà giàn được, mẹ xin hát tặng các con bài hát nhé. Bài hát “Tìm về lời ru” của nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn. (Bật điện thoại lấy nhạc rồi hát. Đến đoạn cao trào thì Trang, Nguyệt, Hoa hát cùng. Dung mê mải quay camera. Huy bật cả loa công suất lớn cầm micro chĩa vào mọi người. Trưởng tàu và chiến sĩ trực máy ngây người nhìn họ rồi cũng khua tay bắt nhịp cùng. Tiếng hát vút cao, vang xa át cả tiếng sóng biển. Hết bài hát, bà mẹ nói):
Mẹ chúc các con vững vàng trước bão tố, phong ba, ngăn thù, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhé. À, thằng Tiến, Nguyễn Quyết Tiến quê làng Dòng có ở đó không? Cháu có thư của mẹ gửi, nhờ bà mang ra đấy. Không vào được đó, bà xin phép cháu mở thư rồi đọc qua điện thoại cho cháu nghe nhé? Được không Tiến?
Huy (bật loa ngoài điện thoại): Bà ơi! Cháu là Tiến đây. Bà đọc thư mẹ cháu đi.
Bà Hương (nghẹn ngào nhưng giấu, sợ khóc ảnh hưởng nên nói): Bà đây. Bà vừa hát xong đọc không rõ đâu. Bà nhờ chị Hoa nhà báo đọc con nghe nhé (nói xong đưa lá thư cho Hoa).
Hoa: Anh Tiến ơi! Nghe thư mẹ gửi nhé. “Tiến, con yêu quý của mẹ! Biết bà Hương trong đoàn cán bộ của tỉnh ra thăm đảo Trường Sa, mẹ viết vội mấy dòng thăm con. Con khỏe chứ? Công việc có vất vả lắm không? Cố gắng lên con nhé. Bố mẹ tự hào về con. Cả làng Dòng mình tự hào về con. Con và đồng đội ở nơi đầu sóng ngọn gió, phên dậu của đất nước hãy vững vàng tay súng, canh biển, canh trời, giữ vững chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. Mẹ gửi con mấy cân khoai lang héo của nhà để con luộc cùng đồng đội ăn nhé. À, cái Thảo vẫn luôn sang chơi và nhắc đến con nhiều lắm đấy. Yên tâm con nhé” (nghẹn ngào) Ơ! Nhưng mà, anh Tiến ơi! Không vào được nhà giàn thì làm sao bây giờ?
Trưởng tàu (cầm lấy điện thoại từ tay Hoa): Đồng chí Tiến hả? Tôi trưởng tàu 571 đây. Thay mặt đồng chí, tôi nhận số khoai lang và lá thư này, nửa tháng sau chuyến tiếp tôi sẽ chuyển tới tận tay đồng chí nhé.
Tiến (nói qua điện thoại): Vâng. Cảm ơn thủ trưởng. Cảm ơn bà Hương ạ. Bà cho cháu gửi lời thăm bố mẹ và các em cháu bà nhé. Bà nói với bố mẹ cháu rằng cháu vẫn khỏe và vui lắm. Cả nhà cứ yên tâm. Xin đất liền cứ yên tâm.
Trang: Em có ý kiến thế này, chúng ta sẽ hát đồng ca một bài gửi nhà giàn qua hệ thống loa, qua điện thoại nữa. Được không ạ?
Trưởng tàu: Nhất trí.
Trang: (Cầm micro, bà mẹ cầm điện thoại. Còn lại quây quần phối hợp cùng Trang hát bài “Nối vòng tay lớn”. Trang hát mở đầu rồi tất cả hát theo).
Trưởng tàu (hát xong nhìn đồng hồ): Đã đến giờ phải chia tay với nhà giàn rồi. Tạm biệt các đồng chí nhé. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, vững vàng. Hẹn gặp lại chuyến sau. Chào thi đua quyết thắng.
Tất cả: Tạm biệt nhà giàn! Tạm biệt các anh nhé! Hẹn gặp lại!
Tiếng loa ngoài điện thoại: Tạm biệt đất liền! Tạm biệt mẹ kính yêu! Mạnh giỏi nhé!
Tất cả (vẫy tay chào nhà giàn, chào khán giả): Tạm biệt! Hẹn gặp lại!
Nhạc nổi lên, một bản nhạc về biển đảo.
MÀN HẠ
Đ.X.T