Nhân vật:
1. Ông Sơn: Người bố.
2. Bà Thủy: Người mẹ.
3. Hải: Người con.
4. Ông ngoại Hải.
CẢNH I
Cảnh diễn ra tại phòng khách của một gia đình khá giả qua cách trưng bày… Gia đình nhà ông Sơn đang tổ chức một bữa tiệc liên hoan tính chất gia đình…).
Ông Sơn (trịnh trọng): Thưa ông, hôm nay cháu Đại Hải nhà mình đã tốt nghiệp xuất sắc, nhận bằng giỏi trường Đại học Hàng hải. Con định đặt nhà hàng mời họ hàng, anh em bạn bè thân thiết và người trong công ty tới liên hoan uống rượu mừng cho gia đình mình nhưng do ý ông, rồi vợ con và cả cháu không muốn nên con xin phép tổ chức bữa cơm hôm nay tại nhà mừng sự kiện này. Nào, Hải mở rượu đi con.
Hải (vui vẻ): Tốt nghiệp đại học cũng là một việc bình thường thôi ạ, nhưng con cám ơn ông và bố mẹ đã ủng hộ con trong quyết định chọn trường để thi và học rồi tốt nghiệp như ngày hôm nay. Con nghĩ đó mới chỉ là bắt đầu… Bố để con bật rượu nha…
Ông ngoại Hải (xúc động): Bố cũng mừng lắm. Nhưng để bố thắp hương cho ông nội Hải đã…
(Không khí hơi chùng xuống…).
Ông Sơn: Thôi bố ơi, để hôm nào nhà con sửa soạn làm mâm cỗ, con sẽ kính báo tổ tiên và ông nội cháu Hải về việc này. Hôm đó con cũng sẽ chính thức giao công ty của nhà mình cho cháu nó bố ạ.
Bà Thủy: Chồng con nói đúng đó bố. Mình để hôm khác bố ạ.
Ông ngoại Hải: Không được đâu. Từ trước tới giờ, có chuyện gì liên quan đến gia đình các con và nhất là cháu Hải, bố đều nói chuyện với ông ấy…
Hải (kéo tay bố, mẹ): Bố, mẹ, ông ngoại hiểu ông nội mà. Mình đợi ông ngoại thắp hương cho nội chút rồi con mở rượu nhé. Ông ngoại đợi cháu châm hương nhé…
Vợ chồng ông Sơn: Thôi được cậu cả, sắp tới chúng tôi nghe cậu tất…
(Hải đến bàn thờ châm nến, thắp hương…)
Ông ngoại Hải: Ông à. Thời tôi với ông trên tàu không số với những chuyến đi lênh đênh sông nước, tôi và ông đã hẹn với nhau làm thông gia rồi về cả hai nhà sẽ ở chung, cùng làm nghề. Có cháu trai sẽ đặt tên nó là Hải và cả ông nội, ông ngoại sẽ dạy nó thành một người đàn ông sông nước… Thế nhưng, tôi vẫn không bao giờ quên chuyến đi định mệnh ấy của ông và mọi người trên đoàn tàu mang bí số 143. Năm 1968, đợt ấy gần Tết, tôi bị ốm, ở lại trên bờ, ông và anh em được lệnh xuất phát từ bến tầu không số Đồ Sơn, Hải Phòng (Thung lũng Xanh dưới chân đồi Nghinh Phong, cảng bí mật K15), nhận nhiệm vụ cụ thể chở 38 tấn hàng đúng đêm giao thừa phải cập bến Thuận Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đêm mùa đông, tàu ra biển, vào sáng hôm sau khi trời hửng sáng, tàu 143 gặp tàu địch, lọt giữa vùng vây bởi hàng chục tàu chiến ngụy và khu trục hạm Mỹ. Cuộc đối đầu không cân sức diễn ra, giằng co, quyết liệt… Khi tàu cách bờ chỉ còn khoảng 13 hải lý, mọi người trên tàu đều bất chấp nguy hiểm, lái trưởng bị trúng đạn, ông là thuyền phó lên lái thay và cũng bị thương nhưng không rời vị trí. Chỉ đến lúc không còn sức bẻ lái nữa, anh mới chịu gục ngay trên bánh lái… Hòa bình, tôi về quê Hải Phòng nhưng bà ấy không thể chờ đợi và bỏ tôi mà đi… Đúng như lời chúng ta đã hẹn, tôi về quê anh – Ngã ba sông Bạch Hạc, Việt Trì, (khi đó bà nhà ông cũng đã mất), tôi thay ông tác thành cho hai đứa Sơn, Thủy và sống cùng chúng nó. Chúng ta đã là thông gia đúng như ông muốn. Chỉ có điều tôi không được cùng ông dậy dỗ cháu Hải như mong muốn… Cháu Hải nó đã học xong Đại học Hàng hải. Nó đã lớn rồi, ông vui và phù hộ cho cháu nó ông nhé… (bùi ngùi)…
Ông Sơn: Ông à. Hôm nay là ngày vui mà…
Ông ngoại Hải: Bố biết nhưng…
Hải: Ông ơi, ông nội con biết và vui đó ông.
Bà Thủy: Thôi, nhà mình ăn cơm không đồ ăn nguội hết…
Ông Sơn: Hải, mở và rót rượu đi con.
Hải: Vâng. (rót rượu để lên bàn thờ và mời ông ngoại cùng bố mẹ)
Ông Sơn: Nào, cả nhà mình cùng nâng ly chúc mừng Đại Hải tân Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đóng tàu và dịch vụ vận tải Sơn Hải tới đây.
(Mọi người cùng nâng ly chúc mừng Hải: ông ngoại: chúc mừng cháu, mẹ: chúc mừng con trai)…
Hải (đặt ly xuống): Bố, con cám ơn bố nhưng bố vẫn tiếp tục là Giám đốc Công ty của gia đình mình đi ạ. Con không tự tin làm kinh doanh…
Ông Sơn: Không nhưng gì hết. Một là một, hai là hai. Khi con thi đại học, bố muốn con thi tài chính, kế toán nhưng rồi vẫn phải đồng ý cho con thi Đại học Hàng hải như con muốn, bố đã nói với con trước khi con đi học rồi. Học xong rồi phải về thay bố điều hành công ty của gia đình. Cả nhà mình trông chờ vào con đấy.
Bà Thủy: Anh. Từ từ nói với con sau cũng được mà anh…
Ông ngoại Hải: Mẹ thằng Hải nói đúng đấy. Từ từ xem cháu Hải thế nào đã.
Ông Sơn: Bố và vợ con cứ nói thế nhưng Đại Hải trưởng thành rồi. Phải bàn giao thế hệ thôi ạ. Cháu phải tiếp cận công việc của con thôi.
Hải: Bố ơi, con xin phép cho con được nói một chút được không ạ?
Ông Sơn: Có việc gì, con nói đi.
Hải: Con xin ông và bố mẹ cho con được chọn lựa đường đi và công việc được không ạ?
Ông ngoại Hải: Đúng đó, Hải nói đi cháu
Hải: Dạ, cháu xin phép ông. Con xin phép bố mẹ cho con được đi lính đặc công biển. Con đã được tuyển và chuẩn bị đi huấn luyện rồi…
(Ông ngoại Hải, ông Sơn, bà Thủy đều thể hiện sự ngạc nhiên)
Bà Thủy (ngỡ ngàng): Hải, con nói gì kia? Con nói lại xem nào?
Ông ngoại Hải: Hải, cháu quyết định vậy sao?
Ông Sơn (bực tức): Không thể có chuyện đó. Ai cho phép con tự ý quyết định chuyện này?
Hải: Con xin lỗi đã không báo với ông và bố mẹ nhưng con đã quyết định rồi ạ. Từ bé, con đã mơ ước lớn lên được ra biển, được làm công việc gắn với biển… Bây giờ là lúc con thực hiện được ước mơ của mình…
Ông Sơn: Im ngay. Quỳ xuống.
(Ông ngoại Hải và bà Thủy can…)
Hải (quỳ xuống): Con xin lỗi nhưng con đã quyết.
(Ông Sơn xông vào đánh Hải, ông ngoại Hải và bà Thủy can…)
Ông Sơn: Mày nhìn gương ông nội và ông ngoại mày đấy. Ông nội mày hi sinh trên biển, thân xác chìm vào biển sâu không tìm được, đến mộ cũng là mộ biển nhưng có ai công nhận đâu? Ông ngoại mày cũng vào sinh, ra tử nhưng làm gì có chế độ gì? Sao mày đi vào đường khổ làm gì?
Hải: Bố, bố không được nói về các ông con như vậy…
Bà Thủy: Anh, anh ơi, em xin anh…
Ông ngoại Hải: Sơn, con không hiểu rồi. Những người lính như bố, như bố con là thầm lặng, tuyệt đối không được gần gia đình, không được liên lạc với gia đình. Sự hi sinh cũng thầm lặng… Kể cả những hi sinh và những người trở về… Nhiều người hi sinh hòa mình vào biển xanh, không ai trở về để chứng minh. Nhiều người trở về nhưng hoàn toàn không có chế độ gì bởi chính sách là phải liên tục ở chiến trường 6 tháng thì mới có chế độ. Còn với những người lính tàu không số, nếu chuyến đi chỉ có 9 ngày là vào đến miền Nam và ngay trong một đêm bốc hàng, vũ khí xong quay trở ra. Như vậy, trừ những người bị địch bắt, làm gì có liên tục 6 tháng… Khi ấy, cái chết cũng không ai nghĩ gì thì làm sao nghĩ đến chuyện đó…
(Ông ngoại Hải choáng váng và ngã)…
Bà Thủy: Trời ơi, vết thương của bố tái phát, bố ngất rồi… Hải, con điện thoại gọi xe cấp cứu đi con…
(Hải điện thoại. Bà Thủy và ông Sơn đỡ ông ngoại Hải, tiếng xe cấp cứu hú còi…).
CẢNH II
(Cảnh sân vườn nhà ông bà Sơn, Thủy. Bà Thủy đang dọn vườn. Ông Sơn uống rượu)…
Bà Thủy: Anh Sơn, thôi đừng uống nữa…
Ông Sơn: Ai cấm được tôi? Giờ thằng Hải không còn nghe tôi nữa. Nó đường quang không đi, đi quàng bụi rậm…
Bà Thủy: Anh nói con lớn và trưởng thành, thì anh để con quyết định cuộc sống của nó chứ?
Ông Sơn: Cô là giáo viên, cô chỉ sách vở thôi. Cô không xót nó sao? Cô có biết chế độ tập luyện của đặc công biển hay người nhái như thế nào không? Suốt ngày lặn ngụp dưới biển trong độ sâu hàng chục mét, mỗi ngày bơi ít nhất 12km trên biển, lại đang trong giai đoạn biển đảo căng thẳng thế này, nó đi theo nghề ấy rồi mất con lúc nào không biết, cô biết không?
Bà Thủy: Có bố, mẹ nào muốn con khổ. Em biết nhưng thời ông nội, ông ngoại của con khác, thời nay khác chứ anh…
Ông Sơn: Thôi, thôi, không nói gì nữa. Nó là trưởng tộc, là độc đinh của gia đình, dòng họ này. Vậy cái công ty và cơ ngơi này tôi cố gắng gây dựng là vì ai? Cô nói với ông ngoại thằng Hải xuống khuyên nó về nhà thay tôi tiếp quản công ty thôi.
Bà Thủy: Con em dứt ruột đẻ ra. Em cũng thương con nhưng con mình đã quyết là có lý do của nó…
Ông Sơn: Không nói nhiều nữa. Chiều cô ra đầm cá cựu chiến binh đón ông ngoại về và chuẩn bị mai đi Hải Phòng xuống đơn vị thằng Hải xin cho nó về. Bỏ tất, bỏ tất, cô hiểu chưa?
Bà Thủy: Vâng, bố cũng nói tối nay bố về anh ạ.
Ông Sơn: Không hiểu sao con tôi đẻ ra mà nó không nghe tôi. Lúc nào cũng chuyện ông ngoại, ông nội, tàu không số, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển rồi biển đẹp và tuyệt vời thế nào khi mặt trời lên, rồi cả mặt trời lặn…
Bà Thủy: Thì ông nội và ông ngoại thằng Hải đều là đồng đội sống chết có nhau. Cũng vì các cụ ngày xưa thân nhau nên em với anh mới thành đôi chứ…
Ông Sơn: Sai lầm của tôi là mải làm ăn quá mà để tất cho cô với ông ngoại chăm sóc, giáo dục thằng Hải nên nó mới trên trời, trên mây mù quáng lúc nào cũng biển, đảo… như vậy.
Bà Thủy: Anh thật chẳng ra làm sao. Thời của các cụ khác. Mà không có những người như ông nội, ông ngoại thằng Hải thì làm sao mình có được như ngày hôm nay?
Ông Sơn: Có được như ngày hôm nay? Theo cô thì có được gì nào? Cùng chiến đấu như nhau. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển thì khác gì đường mòn trên đất liền như đường Trường Sơn? Cùng hi sinh nhưng những người khác được công nhận còn ông nội thằng Hải thì không. Ông ngoại thì không đòi hỏi làm bất cứ thủ tục giấy tờ gì trong khi đúng ra ông phải được chế độ thương binh…
Bà Thủy: Không ai muốn thế? Chính bố đã nói với em và anh. Ra đi là cảm tử, là không hẹn ngày về. Có được như ngày hôm nay là sự đàng hoàng để chúng ta, anh, em và thằng Hải tự quyết định cuộc đời mình trong hòa bình, độc lập, tự do…
Ông Sơn: Nhưng ai bắt thằng Hải phải thế? Ông nội, ông ngoại nó đã hi sinh cho tôi, cho cô và cho nó là được rồi. Nhiều kẻ, gia đình không một người đi bộ đội, chẳng hi sinh xương máu gì mà giờ có nhớ gì đâu? Chỉ thụ hưởng và hưởng thụ thôi. Như thế là không công bằng, không công bằng cô hiểu chưa?
(Có tiếng điện thoại. Ông Sơn rút điện thoại ra nghe…)
Ông Sơn: Ông nói gì? Bố vợ tôi giúp công an bắt tàu hút cát? Tàu nhà ông bị bắt? Tôi làm sao biết được chuyện đó. Thôi, thôi, được rồi…
Bà Thủy: Có chuyện gì vậy anh? Ông ngoại thằng Hải sao ạ?
Ông Sơn: Ông không sao nhưng làm mất tiền mồ hôi, nước mắt của tôi rồi, cô biết không?
Bà Thủy: Anh nói gì em không hiểu?
Ông Sơn: Cô có nhớ tuần trước tôi nói cô rút tiền ở ngân hàng không?
Bà Thủy: Vâng, em có nhớ. Sao vậy anh?
Ông Sơn: Thằng Hải không nghe lời tôi về quản lý công ty, tôi chán nên nói bà rút tiền để đưa cho thằng Ngũ làm cát sỏi bạn tôi để hùn vốn. Thế mà bố cô đi canh cá lồng trên sông cùng Hội Cựu chiến binh, tối qua cùng mấy ông cựu chiến binh nữa giúp công an bắt tàu khai thác cát, trong đó có thuyền nhà thằng Ngũ…
Bà Thủy: Anh có nói lý do đâu? Bố không hề biết chuyện đó…
Ông Sơn: Trời ơi, tất cả là tại bố con cô… Vì bố con cô mà thằng Hải ảo tưởng, mơ màng sống không đúng thời của nó. Vì bố con cô mà tôi làm ăn lúc nào cũng phải cẩn trọng, giữ gìn theo câu “tay làm hàm nhai”. Có ít tiền định hùn với thằng bạn thêm tiền làm ăn lo cho cả cái nhà này lúc khó khăn thì bố cô tham gia vào. Người nhà nó vừa điện thoại báo tin giờ tàu nhà nó bị bắt. Thế là tiền tôi cũng đi tong rồi…
Bà Thủy: Trời. Sao anh lại đưa tiền cho anh Ngũ? Người ta nói anh ấy làm ăn phi pháp. Hút trộm cát trên sông là vi phạm pháp luật…
Ông Sơn: Cô đừng nói nữa… Tất cả là tại bố con cô mà thôi. Giờ cô đi tìm ngay ông ngoại thằng Hải về đây rồi đi tìm thằng Hải về cho tôi… Tiền có thể mất nhưng con trai tôi, cô phải đưa nó về đây.
(Ông ngoại Hải bước vào)
Ông ngoại Hải: Sơn, Thủy. Bố về và nghe hết câu chuyện của vợ chồng con rồi. Chuyện Sơn vừa nói, bố hoàn toàn không biết nhưng đã từng là một người lính biển, chứng kiến bao sự hi sinh thầm lặng của đồng đội, trong đó có ông nội của Hải. Giờ chứng kiến cảnh ngay những dòng sông cũng bị chính con cháu mình tàn phá, rút ruột… bố không chịu nổi. Mấy hôm nay trên đài, báo các con biết đấy, tình hình biển đảo cũng vô cùng phức tạp… Giờ bố có việc phải đi. Vài hôm nữa giỗ ông nội thằng Hải, bố sẽ về và nói chuyện với các con.
Ông Sơn: Bố, bố đi đâu? Bố hãy để cho chúng con lo chuyện của chúng con hiện tại, cuộc sống thay đổi nhiều lắm rồi. Con không muốn thằng Hải – đứa con trai duy nhất của con và cháu của bố phải khổ. Từ bé, nó chỉ nghe bố thôi, bố hãy đưa nó về cho vợ chồng con…
Bà Thủy: Bố mới điều trị bệnh về. Bố nói cho bố tham gia dự án nuôi cá lồng trên sông của Hội cựu chiến binh cho khuây khỏa nên con mới cho bố ra đó. Giờ bố chưa khỏe, bố không được đi đâu…
Ông Sơn: Hải là đứa biết nghĩ. Các con phải tin ở nó chứ? Bố cũng tin mọi chuyện sẽ ổn. Bố đi vài ngày có công việc quan trọng rồi sẽ về. Bố đi đây, chú xe ôm đợi bố đang giục rồi…
(Tiếng còi xe. Ông ngoại Hải bước ra… Ông Sơn và bà Thủy chạy theo): Bố, bố…
CảNH III
(Cũng là một buổi sáng. Vợ chồng ông Sơn, bà Thủy đang xếp dọn bàn thờ)
Ông Sơn: Ông ngoại thằng Hải đi từ hôm đó nói hôm nay sẽ về mà chưa thấy… Thằng Hải nữa, hôm nay giỗ ông nội không biết có về không.
Bà Thủy: Em điện thoại, con nói sẽ về cùng ông ngoại.
(Ông ngoại Hải và Hải bước vào: Hải mặc đồ lính đặc công biển)
Hải: Bố, Mẹ, con và ông về rồi đây…
Bà Thủy: Bố, con trai, con trai tôi đã về…
Ông Sơn: Con chào bố… (nhìn sang Hải): Chào anh, không dám…
Ông ngoại Hải: Kìa, sao lại thế. Nào, cả nhà mình ngồi uống nước trước đã, bố có chuyện muốn nói như đã hứa trước đã. Sau đó sẽ thắp hương cho ông nội Hải.
(Cả nhà cùng ngồi)…
Ông ngoại Hải: Hôm rồi đang vội và thằng bố Sơn đang không bình tĩnh nên bố chưa kịp nói chuyện. Mấy ngày vừa rồi bố vừa về đơn vị cũ và làm việc với các anh em trong ban liên lạc “Đường Hồ Chí Minh trên biển” nơi bố và ông nội Hải đã gặp và trở thành đồng đội. Chuẩn bị cho ngày truyền thống mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23 tháng 10) và thành lập Lữ đoàn Hải quân 125, Ban liên lạc đang triển khai thu thập, làm hồ sơ trình Nhà nước xét công nhận liệt sỹ cho các liệt sỹ của đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển, trong đó có ông nội của Hải… (nghẹn ngào).
Bà Thủy: Thật vậy sao bố? (bùi ngùi)
Ông ngoại Hải: Đúng vậy con…
Ông Sơn (lặng lẽ đến trước bàn thờ): Bố, không ngờ đúng hôm nay ngày giỗ bố thì có tin này…
Ông ngoại Hải (đến bên cạnh con rể, trước bàn thờ): Ông à. Không có sự hi sinh nào là vô nghĩa, phải không ông? Ông cùng những đồng đội nơi biển cả hãy phù hộ độ trì cho con cháu chúng ta luôn được bình an ông nhé…
(Hải tới bên bàn thờ khấn rồi quay sang ông, sang bố, mẹ)
Hải: Thưa ông, thưa bố mẹ, con là cháu của những người lính biển. Con được tuyển chọn trở thành lính đặc công biển cũng chỉ mong luôn được nghe tiếng vọng của biển, của ông nội con và những đồng đội của ông đã hòa vào biển xanh. Con xin ông và bố, mẹ cho phép con được toại nguyện mong muốn duy nhất này theo quyết định của con…
Ông ngoại Hải: Vừa rồi về thăm đơn vị cũ và tới thăm đơn vị của Hải, bố rất mừng vì thấy Hải có thành tích huấn luyện rất tốt và có tố chất trở thành một người đặc công biển giỏi… Sơn, Thủy, các con nghĩ sao?
Ông Sơn: Bố cho con xin lỗi. Thực sự những ngày vừa rồi, con đã suy nghĩ rất nhiều. Theo dõi trên đài, báo, xem phim về “Những con tàu không số” và sự kiện hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và đọc lại những trang nhật ký của bố, con mới thấy con thật ích kỷ và thiển cận. Con cũng chỉ mong điều tốt nhất cho con của con nhưng có lẽ con cũng đã già rồi. Con để cháu Hải tự quyết định bố ạ… Con cứ nhớ mãi những câu thơ trong bài “Lặng lẽ những con tàu không số” của nhà thơ Lê Anh Phong: (xúc động)
“Tàu không số nên lính mình “không số”
Không quân trang, quân hiệu, quân hàm
Giấu sau màu trang phục thường dân
Lời thề thép: ra đi là quyết thắng !
…………………………………………………..
Tàu không số ra đi trong lặng lẽ
Trở về trong im lìm
Sóng gió, máu xương những chuyến hải trình
Lòng biển bao la ôm kỷ niệm
…………………………………………………..
Tàu không số băng qua thời đạn lửa
Vạch con đường xuyên Việt giữa biển Đông
Tàu không số đã ghi vào lịch sử
Biểu tượng khiêm nhường của kỳ tích, chiến công”
Con xin được tạ lỗi…
Ông ngoại Hải: Bố rất mừng… (nghẹn ngào nói cùng ông Sơn rồi quay về bàn thờ…). Chúng ta là những người lính biển và cháu của chúng ta cũng đã trở thành một người lính biển… Tôi yên lòng rồi, và ông cũng vậy phải không?
Kết: Cả gia đình ông bà Sơn, Thủy khấn nguyện trước bàn thờ…
(Nổi lên ca khúc về biển đảo…)
D.Q.H