Có một bài thơ trong tập thơ BAY VỀ PHÍA BÃO (Nhà xuất bản Văn học) của Nguyên Hùng khiến tôi bị ám ảnh mãi. Đọc đi rồi đọc lại, đọc và ngẫm, nhắm mắt lại và tưởng tượng, mở mắt ra để nhìn vào vô định cho rõ hơn cái mà mình tưởng tượng thì bỗng thấy khóe mắt mình ươn ướt, cay cay. Hóa ra, tôi cũng nhỏ lệ cùng tác giả tự lúc nào mà vẫn không hay. Nguyên văn bài thơ đó như sau.
Tết này em có lạnh không?
Tết này em có lạnh không
Hai mươi năm vẫn mùa đông xứ người
Tuyết rơi phủ trắng đất trời
Gốc quê còn nhựa bật chồi xanh non?
Tiệc xuân chẳng thiếu thức ngon
Dưa cà xứ Nghệ mặn giòn có chăng
Nhớ chăng những lát cá măng
Những khoanh cá thửng cháy vàng tuổi thơ?
Em giờ nửa tỉnh nửa mơ
Khi mong biển đến, lúc chờ thu sang
Nhớ thương lệ ngấn hai hàng
Ướt năm dòng kẻ mênh mang nỗi niềm
Thương em ngày lẫn vào đêm
Thương mình từng cũng lấm lem đất người
Bảy mùa đi dưới tuyết rơi
Đủ cho ta nhớ một thời xa quê.
(Bài thơ ghi tặng nhạc sỹ Lê An Tuyên, ngày 05/02/2010)
Mở đầu bài thơ và cũng là tiêu đề của bài thơ này là một câu hỏi, khiến cho bài thơ gây trí tò mò của độc giả. Câu hỏi đúp từ tiêu đề đến câu mở đầu xoáy ngay vào lòng độc giả, khiến độc giả phải đi tìm câu trả lời cùng với người thơ.
Cặp lục bát mở đầu là thời gian, kể cả thời điểm và khoảng thời gian để có bài thơ này. “Tết này” (thời điểm), “hai mươi năm”, “mùa đông” (khoảng thời gian) và cuối câu tám thứ nhất hé lộ cái không gian của nhân vật trong thơ: “xứ người”. Chọn thời điểm Tết, khi mà theo truyền thống dân tộc Việt Nam thì mọi người sum họp, đoàn tụ gia đình, kể từ kẻ tứ chiếng, ăn xin ăn mày, đến người làm thuê, ở mướn phiêu bạt xa quê đều về nhà ăn Tết để viết về người bạn gái xa xứ thì không còn gì đắc địa hơn. Trong cái rét mùa đông xứ người, với thời gian 20 năm đằng đẵng xa xứ, Tết đến xuân về hẳn nỗi nhớ quê cha đất Tổ, nhớ nước, nhớ nhà mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Cặp lục bát thứ hai là không gian cụ thể của cái xứ người này – không gian “tuyết rơi phủ trắng đất trời”… Tôi chưa được đến xứ này nhưng qua phim ảnh, sách báo thấy cảnh tuyết phủ trắng đất trời cũng đã rùng mình, tự nhiên so vai rụt cổ vì rét. Tết ở mình là “mưa xuân phơi phới bay”, là nắng ấm, trong khi đó tết Ta ở trời Tây nó lại rét như thế đó. Xa người thân, gia đình, nhất là xa khung cảnh quê hương trong những ngày Tết đến xuân về đã buồn, đã lạnh rồi mà trời đất lại trắng tuyết thế kia thì hỏi có nỗi buồn, nỗi lạnh nào hơn nữa? Thế nên “Gốc quê còn nhựa bật chồi xanh non?”. Nguyên Hùng hỏi một câu hỏi xoáy như thế, đau như thế càng cứa thêm nỗi nhớ quê của người thơ.
Khổ 2, tác giả tưởng tượng ra bữa cỗ Tết, tiệc xuân của người thơ. Chắc hẳn ở xứ người, để đón Tết, em gái đồng hương của anh cũng chuẩn bị bữa tiệc chẳng thiếu thứ gì. Thì cố tạo ra khung cảnh Tết quê nhà ở nơi đó chứ. Tuy nhiên, cà xứ Nghệ có đấy nhưng liệu có mặn và giòn như ở quê ta không? Có “lát cá măng”, “khoanh cá thửng” không? Cá măng là cá thu, cá thửng là cá mối. Nguyên Hùng dùng từ chính quê xứ Nghệ để hỏi thì không còn gì thân thiết bằng. Đặc biệt, anh dùng hình ảnh rất gợi: “khoanh cá thửng cháy vàng tuổi thơ” thì thật là tuyệt bút. Chính những “đặc sản” quê nhà đó làm nên bản sắc truyền thống của vùng miền, không cho ta bị hòa tan trộn lẫn vào ai khác, quê khác.
Khổ 3, viết về người thơ. “Em giờ nửa tỉnh nửa mơ/ Khi mong biển đến lúc chờ thu sang/ Nhớ thương lệ ngấn hai hàng/ Ướt năm dòng kẻ mênh mang nỗi niềm”. “Nửa tỉnh nửa mơ”, đã đành là thế rồi. Tỉnh mơ cả về không gian và thời gian. Câu tám tiếp theo đã diễn tả điều đó. Đang “biển” lại sang “thu”. Đúng là “mênh mang nỗi niềm”. Lê An Tuyên đã sáng tác 2 ca khúc Biển và Em (Nguyên Hùng đã đổi tên bài này thành Sóng không từ biển) và Mùa Thu sang rất da diết, đau đáu nỗi nhớ thương này. Bởi thế chăng mà “nhớ thương ngấn lệ hai hàng, ướt năm dòng kẻ”? Tôi cứ hình dung nhạc sỹ Lê An Tuyên đang vừa viết nhạc vừa khóc, vừa hát, hát và khóc nhòe nhoẹt cả trang bản thảo. Những nốt nhạc kia hay là những giọt lệ nhớ quê hương nơi xứ người của chị đang lã chã rơi để cho năm dòng kẻ cũng chơi vơi như người nhạc sĩ?
Khổ cuối cùng đã hòa cảm giữa người thơ và tác giả. “Thương em ngày lẫn vào đêm” – đêm trắng chăng, không còn khái niệm ngày đêm chăng? Tùy cảm nhận của người đọc. Với tôi, cũng đã từng “ngày ngơ ngẩn nhớ, đêm vời vợi mong” thì rất hiểu nỗi nhớ thương này. Hơn nữa, anh đã từng “lấm lem đất người” “bảy mùa đi dưới tuyết rơi” thì càng da diết, day dứt nhớ thương hơn. Tôi tin rằng nhạc sỹ Lê An Tuyên – người em gái đồng hương của anh khi đọc được bài thơ này chắc sẽ khóc mất. Người bình thường còn khóc nữa là chị – một nhạc sỹ có rất nhiều tác phẩm rất hay về quê hương miền Trung thương yêu viết từ xứ người mà không khóc mới là lạ. Khóc mà ấm ở trong lòng, ấm trong cái lạnh của Tết xứ người.
Lục bát Nguyên Hùng nhuyễn, hay và khá ám ảnh. Đặc biệt “Tết này em có lạnh không?” rất ấn tượng. Trong tập BAY VỀ PHÍA BÃO có nhiều bài như thế. Xin chúc mừng anh và chia sẻ nỗi niềm yêu thương cùng tác giả.
Đỗ Xuân Thu